Hệ thống chính trị các xã ở Tây Nguyên

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 36)

HTCT các xã ở Tây Nguyên gồm các tổ chức được pháp luật công nhận: Đảng bộ, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội (Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh; Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam; Hội Nông dân Việt Nam; Hội Cựu chiến binh Việt Nam).

Đảng bộ xã là tổ chức cơ sở đảng - cấp cuối cùng trong hệ thống tổ chức 4 cấp từ Trung ương đến cơ sở của Đảng. Đảng bộ xã trực thuộc cấp ủy cấp huyện, có cơ quan lãnh đạo giữa hai nhiệm kỳ 5 năm là đảng ủy xã, được bầu cử tại đại hội đại biểu đảng bộ, trong đó bí thư và phó bí thư đảng ủy là hai chức danh cán bộ theo Luật Cán bộ, công chức. Đảng bộ xã có hai chức năng: hạt nhân lãnh đạo chính trị và xây dựng nội bộ đảng trên địa bàn xã. Nhiệm vụ của đảng bộ xã là chấp hành đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; đề ra chủ trương, nhiệm vụ chính trị của đảng bộ và lãnh đạo thực hiện có hiệu quả; xây dựng đảng bộ, các chi bộ trực thuộc đảng ủy, xây dựng đội ngũ cán bộ, đảng viên trên cả ba lĩnh vực chính trị, tư tưởng và tổ chức; xây dựng chính quyền, các tổ chức kinh tế, hành chính, sự nghiệp, quốc phòng, an ninh, xây dựng Mặt trận và các đoàn thể chính trị - xã hội trên địa bàn xã trong sạch, vững mạnh; chăm lo đời

sống vật chất, tinh thần và bảo vệ lợi ích chính đáng của nhân dân; lãnh đạo nhân dân tham gia xây dựng và thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và pháp luật của Nhà nước; kiểm tra, giám sát việc thực hiện, bảo đảm các nghị quyết, chỉ thị của Đảng và pháp luật của Nhà nước được chấp hành nghiêm chỉnh ở xã.

Chính quyền xã thuộc cấp chính quyền cơ sở, gồm hai cơ quan là HĐND và UBND xã, được bầu cử dân chủ theo nhiệm kỳ 5 năm. Trong bộ máy chính quyền xã, có 4 chức danh cán bộ (chủ tịch, phó chủ tịch HĐND và UBND) và 7 chức danh công chức (thuộc UBND) được Luật Cán bộ, công chức quy định. HĐND xã là cơ quan quyền lực nhà nước của nhân dân ở xã, đại diện cho ý chí, nguyện vọng và quyền làm chủ của nhân dân. HĐND xã quyết định những chủ trương, biện pháp quan trọng để phát huy tiềm năng của xã, xây dựng và phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân, làm tròn nghĩa vụ của xã đối với cấp trên; giám sát hoạt động của thường trực HĐND, UBND xã; giám sát việc tuân theo pháp luật của cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, xã hội, đơn vị vũ trang và của công dân trên địa bàn. UBND xã là cơ quan chấp hành của HĐND xã, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương. UBND chịu trách nhiệm chấp hành Hiến pháp, luật, các văn bản của cơ quan nhà nước cấp trên và nghị quyết của HĐND xã nhằm bảo đảm thực hiện chủ trương, biện pháp phát triển KT-XH, củng cố quốc phòng, an ninh và thực hiện các chính sách khác trên địa bàn. Với chức năng quản lý nhà nước ở địa phương, UBND xã góp phần bảo đảm sự chỉ đạo, quản lý thống nhất trong bộ máy hành chính nhà nước từ Trung ương tới cơ sở.

Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các đoàn thể chính trị - xã hội ở xã là cơ sở chính trị - xã hội của đảng bộ, chính quyền xã; nơi thể hiện ý chí, nguyện vọng, trách nhiệm và sức mạnh của toàn dân và của mỗi giới (mà đoàn thể đại diện) trong việc góp phần giữ vững ổn định chính trị, phát triển KT-XH trên địa bàn xã. Chủ tịch Ủy ban Mặt trận và trưởng các đoàn thể ở xã là cán bộ xã theo quy định của Luật Cán bộ, công chức, được hình thành qua con đường bầu cử theo Luật Mặt trận và điều lệ của các đoàn thể. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã có nhiệm vụ tập hợp, xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, tăng cường sự nhất trí về chính trị

và tinh thần trong nhân dân trên địa bàn xã; tuyên truyền, động viên nhân dân phát huy quyền làm chủ, thực hiện thắng lợi chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và nhiệm vụ chính trị của xã; giám sát hoạt động của HĐND, UBND, của CB, CC xã; tập hợp ý kiến, kiến nghị của nhân dân để phản ánh, kiến nghị với Đảng và Nhà nước; tham gia xây dựng và củng cố chính quyền xã; bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của nhân dân. Các đoàn thể chính trị - xã hội đại diện, chăm lo và bảo vệ lợi ích hợp pháp, chính đáng của cán bộ, đoàn viên, hội viên; tổ chức các hoạt động, tạo môi trường giáo dục, rèn luyện đoàn viên, hội viên nhằm góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị, KT-XH của xã; phối hợp với chính quyền, các lực lượng khác để xây dựng Đảng vững mạnh.

HTCT các xã ở Tây Nguyên được hình thành từ sau ngày giải phóng miền Nam, đến nay đã cơ bản ổn định về cơ cấu tổ chức. Tất cả 598 xã đều xây dựng được HTCT với đầy đủ các tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể. Bộ máy, chức danh CB,CC cụ thể trong từng cơ quan, tổ chức của HTCT cơ bản thực hiện theo quy định chung, song có những vận dụng phù hợp với yêu cầu của từng nơi. Thông thường, mỗi xã có 6 chức danh cán bộ chủ chốt được bố trí theo cơ cấu: 2 cán bộ ở cơ quan đảng (1 bí thư đảng ủy kiêm chủ tịch HĐND; 1 phó bí thư đảng ủy trực kiêm chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra đảng ủy); 3 cán bộ ở UBND (1 chủ tịch và 2 phó chủ tịch); 1 cán bộ ở HĐND (phó chủ tịch HĐND). Những xã vùng có đông đồng bào DTTS, vùng đạo, vùng đặc biệt khó khăn, phức tạp về an ninh chính trị thì có thêm 1 cán bộ là phó bí thư đảng uỷ phụ trách dân tộc-tôn giáoủyhoặc xây dựng cơ sở. Có nơi, chức danh chủ tịch HĐND do phó bí thư đảng ủy kiêm nhiệm, hoặc bí thư đảng uỷ đồng thờ ủy là chủ tịch UBND xã. Các chức danh: văn phòng - thống kê, địa chính - nông nghiệp - xây dựng và môi trường, tài chính - kế toán, tư pháp-hộ tịch, văn hoá - hóahội được bố trí 2 công chức trên mỗi chức danh.

Chất lượng hoạt động của HTCT các xã phụ thuộc vào trình độ, năng lực của đội ngũ CB,CC, đồng thời chịu tác động của độ phức tạp ở mỗi địa bàn. Bên cạnh sự vững mạnh, đồng bộ trong hoạt động của HTCT ở nhiều xã, thì vẫn còn không ít nơi, nhất là vùng đặc biệt khó khăn, vùng có đông đồng bào DTTS sinh

sống, vùng luôn chịu sự quấy phá của các lực lượng thù địch, phản động..., hoạt động của HTCT xã còn những bất cập, hạn chế. Có nơi tổ chức đảng bao biện làm thay chính quyền, đoàn thể hoặc buông lỏng lãnh đạo, yếu kém, thậm chí có lúc tê liệt; chính quyền quản lý xã hội không nghiêm, bị luật tục chi phối; Mặt trận và các đoàn thể hoạt động cầm chừng.

Hoạt động của các tổ chức trong HTCT ở cấp thôn, buôn có vai trò rất quan trọng đối với sự ổn định và phát triển của các xã. Tuy nhiên trong một thời gian dài, bộ máy thôn, buôn còn có những điểm “trắng” về đảng viên, chi bộ, chi hội các đoàn thể. Đó là những thôn, buôn ở quá sâu, xa trung tâm, hoặc mới được thành lập do đồng bào di cư tự do mới đến... Hiện Tây Nguyên vẫn còn 604 thôn, buôn, tổ dân phố chưa thành lập chi bộ, chiếm tỷ lệ 7,93% và 51 thôn, buôn chưa có đảng viên, chiếm tỷ lệ 0,67% [103]. Số thôn, buôn có địa bàn rộng nhưng chưa có các chi hội đoàn thể độc lập, phải sinh hoạt ghép chiếm tỷ lệ còn cao hơn.

Điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị làm việc của các cơ quan trong HTCT xã, nhất là ở vùng sâu, vùng biên giới chưa đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ. Trước đây, tính chất tạm bợ, thiếu thốn, sơ sài của trụ sở làm việc, trang thiết bị, phòng làm việc thiếu đồng bộ, lạc hậu... ảnh hưởng nhất định đến tác phong công tác, lề lối làm việc, đến việc đáp ứng yêu cầu về tin học hóa, thực hiện cải cách hành chính theo cơ chế “một cửa”. Chế độ, chính sách đối với CB, CC cơ sở vùng Tây Nguyên thực hiện theo quy định chung của Nhà nước, tuy có đổi mới gắn với điều kiện đặc thù của địa bàn, nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu đời sống và công tác, làm cho nhiều CB, CC xã thiếu an tâm, người mới không muốn về, người cũ có trình độ tìm cách chuyển lên trên, dẫn đến tình trạng thiếu ổn định trong đội ngũ CB, CC xã.

Những khó khăn trên mang tính phổ biến ở nhiều nơi, nhưng ở Tây Nguyên lại “đậm nét” hơn, đặt ra yêu cầu nâng cao chất lượng HTCT xã cấp thiết hơn. Giải quyết nó không thể không chú trọng đến đổi mới, củng cố HTCT, trong đó mấu chốt là đội ngũ CB, CC, đặc biệt là CB, CC người DTTS - những người đang góp phần quyết định sự thành công của cuộc cách mạng xóa đói, giảm nghèo, phát triển bền vững ở Tây Nguyên.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 36)