THỰC TRẠNG TẠO NGUỒN CÁN BỘ, CÔNG CHỨC XÃ NGƯỜ

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 87 - 101)

DÂN TỘC THIỂU SỐ Ở CÁC TỈNH TÂY NGUYÊN HIỆN NAY

2.2.1. Ưu điểm

Trong lịch sử, việc tạo nguồn cán bộ người DTTS tại chỗ cho cách mạng ở các tỉnh Tây Nguyên được thực hiện từ rất sớm, nằm trong chủ trương tạo nguồn chung của Đảng nhằm xây dựng những “hạt giống đỏ” cho cách mạng dài lâu. Những cán bộ lãnh đạo cấp cao của Đảng, Nhà nước, những cán bộ lãnh đạo, quản lý, cán bộ khoa học kỹ thuật ở các tỉnh Tây Nguyên người DTTS hiện nay chính là sản phẩm của quá trình tạo nguồn cán bộ của Đảng ngay từ những ngày chiến tranh còn ác liệt ấy. Sau ngày Giải phóng, nhất là từ khi Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH ra đời, công tác cán bộ nói chung, tạo nguồn CB, CC xã nói riêng trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên được triển khai khá quyết liệt:

Một là,việc cụ thể hoá tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn CB, CC xã người DTTS đang từng bước được triển khai, xuất phát từ quy định về tiêu chuẩn CB, CC cấp xã của Đảng và Nhà nước và điều kiện thực tế ở địa phương.

Từ Chiến lược cán bộ thời kỳ đẩy mạnh CNH, HĐH đất nước, đến Pháp lệnh CB, CC (sau là Luật CB, CC) và Quyết định 04/2004-QĐ/BNV của Bộ Nội vụ... các quy định về tiêu chuẩn CB, CC xã, phường, thị trấn từng bước được Đảng, Nhà nước xác định. Trên cơ sở đó, các cấp uỷ đảng trên địa bàn Tây Nguyên đã cụ thể hoá thêm một bước, xác định một số nội dung dành riêng cho đối tượng là người DTTS. Khảo sát thông qua phiếu hỏi ý kiến (với 5 tiêu chí đánh giá: tốt, khá, trung bình, hạn chế, chưa có), có 51,6% ý kiến khẳng định việc thực hiện nội dung xây

dựng tiêu chuẩn, cơ cấu nguồn CB, CC xã người DTTS ở Tây Nguyên là khá và tốt [Phụ lục 17]. Tiêu chuẩn CB, CC xã trở thành định hướng mục tiêu cho công tác tạo nguồn CB, CC xã người DTTS ở các địa phương.

Sơ kết 5 năm thực hiện công tác lãnh đạo, xây dựng đội ngũ cán bộ DTTS (2005-2010), Tỉnh uỷ Đắk Lắk khẳng định: “Ban Thường vụ đã xây dựng Quy định về tiêu chuẩn, chức danh cho cán bộ, trong đó có cán bộ DTTS, nhằm từng bước đảm bảo được tỷ lệ cán bộ DTTS hợp lý” [124].

Đắk Nông là địa phương từ năm 2010 đã thực hiện tốt nội dung tạo nguồn này. Quy chế tạo nguồn cán bộ tỉnh Đắk Nông (Quyết định số 1201- QĐ/TU ngày 17-3-2010 của Ban Thường vụ Tỉnh uỷ) xác định phạm vi và đối tượng tạo nguồn cán bộ bao gồm: học sinh ưu tú, có thành tích tốt trong học tập, rèn luyện đạo đức, đã tốt nghiệp trung học phổ thông; sinh viên đại học tốt nghiệp loại khá; cán bộ trẻ có trình độ đại học trở lên, có nguyện vọng phục vụ lâu dài, ít nhất 7 năm tại tỉnh. Tạo nguồn nhân lực tại chỗ là chủ yếu, đồng thời coi trọng việc thu hút cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học từ nơi khác về công tác tại xã, phường, thị trấn. Điều kiện để các đối tượng nói trên được đưa vào diện “dự nguồn cán bộ” được xác định rõ: Có triển vọng phát triển, lịch sử chính trị rõ ràng, phẩm chất, đạo đức tốt, chấp hành nghiêm chủ trương, chính sách, pháp luật của Đảng, Nhà nước, có ý thức kỷ luật, ý thức phục vụ nhân dân; là đảng viên hoặc đoàn viên ưu tú; có cam kết làm việc theo sự phân công; đủ năng lực và sức khoẻ; được cơ quan (nếu là cán bộ) hoặc gia đình (nếu là học sinh, sinh viên) chọn cử tham gia tạo nguồn. Về tiêu chuẩn: với CB, CC đương nhiệm thì áp dụng theo quy định chung của Trung ương về tiêu chuẩn quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý. Với học sinh, sinh viên: độ tuổi không quá 22 đối với học sinh, 30 đối với sinh viên, 40 đối với thạc sĩ, 50 đối với tiến sĩ, nghiên cứu sinh; riêng người DTTS được xem xét, vận dụng đối với từng trường hợp cụ thể, ở mức tuổi cao hơn. Ngoài ra, nguồn còn phải đảm bảo các tiêu chuẩn về năng lực, điều kiện học tập, đạo đức, lối sống, thái độ, lập trường chính trị như của CB, CC [128].

Với các địa phương khác, tuy chưa xây dựng các bộ tiêu chuẩn nguồn CB, CC xã là người DTTS độc lập, nhưng trong các văn bản chỉ đạo công tác tạo nguồn cán bộ cho cơ sở luôn nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo tiêu chuẩn theo Quyết định 04/2004 của Bộ Nội vụ, đồng thời đặt ra các mục tiêu vượt chuẩn nhằm không ngừng nâng chuẩn cho cả đội ngũ CB, CC. Như Đề án Đổi mới và nâng cao chất lượng HTCT xã, phường, thị trấn giai đoạn 2009-2015 và Đề án đào tạo, bồi dưỡng CB, CC cấp xã giai đoạn 2008-2015 của Tỉnh uỷ Gia Lai xác định: về số lượng, mỗi chức danh CB, CC quy hoạch 2 đến 3 cán bộ dự nguồn; đội ngũ CB, CC cơ bản đạt chuẩn quy định, đáp ứng ít nhất 80% yêu cầu nhiệm vụ; ít nhất 20% có trình độ đại học, 30% trung cấp và 10% cao cấp lý luận chính trị [132]. Ở những xã thuận lợi (gần trung tâm, đô thị, gần các cơ sở đào tạo, mặt bằng dân trí tương đối cao), tiêu chuẩn mà các cấp uỷ đặt ra để thu hút, tuyển dụng nguồn vào công chức được nâng lên đáng kể. Xã N’Thol Hạ (Đức Trọng, Lâm Đồng) gần đây chỉ nhận nguồn là sinh viên đã tốt nghiệp đại học các ngành chuyên môn mà xã đang thiếu.

Hai là, sự nghiệp giáo dục - đào tạo, nâng cao dân trí, bồi dưỡng nhân tài vùng DTTS được đầu tư, duy trì và phát triển; việc đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ các mặt cho nguồn CB, CC được triển khai quyết liệt, góp phần quan trọng trong chuẩn hoá nguồn gần, tạo cơ sở chuẩn hoá nguồn xa

Đào tạo, bồi dưỡng đang là phương thức tạo nguồn được tập trung nhất ở Tây Nguyên thời gian qua, mang lại bước tiến quan trọng trong chuẩn hoá CB, CC xã người DTTS. Có 49,6% người được khảo sát qua Phiếu hỏi ý kiến đánh giá nội dung tạo nguồn này được thực hiện khá và tốt [Phụ lục 17].

Kể từ khi có Quyết định số 253/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Một số giải pháp củng cố, kiện toàn chính quyền cơ sở vùng Tây Nguyên” giai đoạn 2002-2010, công tác đào tạo, bồi dưỡng CB, CC cơ sở ở Tây Nguyên được tập trung cao độ. Qua 7 năm thực hiện Đề án, tính đến cuối năm 2010, các cơ sở đào tạo của 5 tỉnh Tây Nguyên đã tổ chức 137 lớp cho CB, CC

cấp xã, trong đó có 11 lớp đại học (gồm các chuyên ngành Luật, Kinh tế phát triển, Kinh tế nông lâm, Hành chính), 126 lớp trung cấp chuyên môn (gồm các chuyên ngành Hành chính văn phòng, Luật, Địa chính, Kế toán, Quản lý văn hoá, Nông nghiệp, Quản lý hành chính nhà nước, Quân sự, Công an, Phụ vận, Thanh vận) với 11.955 học viên. 17.336 CB, CC được đào tạo chương trình trung cấp lý luận chính trị; 2.178 cán bộ được bổ túc trung học phổ thông... Trong tất cả số đó, có 14.926 CB, CC xã là người DTTS.

Phối hợp với cấp uỷ, chính quyền các cấp trên địa bàn Tây Nguyên, các cơ quan thuộc bộ, ngành Trung ương đóng trên địa bàn (Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục và Đào tạo, Đài Tiếng nói Việt Nam và Đài Truyền hình Việt Nam) mở các lớp bồi dưỡng, tập huấn nghiệp vụ chuyên ngành giúp CB, CC ở cơ sở thực hiện tốt nhiệm vụ của lĩnh vực được giao. Bộ Công an mở hơn 321 lớp bồi dưỡng kiến thức cơ bản về an ninh, trật tự cho 18.779 lượt cán bộ chủ chốt ở thôn, buôn; bồi dưỡng, huấn luyện cho 5.712 lượt công an xã trong vùng. Bộ Nội vụ chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan biên soạn 26 bộ tài liệu bồi dưỡng chức danh CB, CC cấp xã. Trên cơ sở đó, cấp uỷ các tỉnh chỉ đạo mở các lớp bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng quản lý, điều hành cho tất cả cán bộ chủ chốt chính quyền xã; bồi dưỡng nghiệp vụ chuyên môn cho 85.659 lượt công chức về soạn thảo văn bản, thủ tục cải cách hành chính, quản lý đầu tư xây dựng, văn thư lưu trữ, văn hoá, thể dục, thể thao, kỹ năng giao tiếp, vận động nông dân, kỹ năng giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo... Ngoài ra, 44.263 lượt CB, CC cấp xã được bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước; hơn 7.000 lượt CB, CC cấp xã bồi dưỡng chương trình tin học văn phòng, bồi dưỡng các chuyên đề hoạt động của đại biểu HĐND cấp xã; hơn 16.000 lượt cán bộ không chuyên trách ở xã, thôn được bồi dưỡng chương trình quản lý nhà nước, nghiệp vụ hoạt động, kiến thức pháp luật, chính sách tôn giáo... [103]. Trong tất cả các đối tượng tham gia đào tạo, bồi dưỡng, CB, CC người DTTS luôn được ưu tiên hàng đầu, nhờ đó, trình độ, năng lực đội ngũ CB, CC trong HTCT cơ sở được nâng lên, nhất là đội ngũ nguồn quy hoạch cho nhiệm kỳ sắp tới.

Ba là, việc xây dựng các phong trào quần chúng ở cơ sở được chú trọng, qua đó giúp phát hiện, bồi dưỡng các nhân tố tích cực, tạo nguồn kết nạp được nhiều đảng viên mới người DTTS .

Các phong trào thi đua ở cơ sở trên địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã được đầu tư xây dựng. Đánh giá trên phương diện mục tiêu tạo nguồn CB, CC xã người DTTS, có 29,6% người được hỏi ý kiến khẳng định nội dung này thực hiện khá và tốt [Phụ lục 17].

Dưới sự chỉ đạo của các cấp uỷ đảng, sự phối hợp tổ chức thực hiện của các ban, ngành chính quyền, Mặt trận và các đoàn thể các cấp, nhiều phong trào thi đua, nhiều cuộc vận động được triển khai sôi nổi: thi đua “Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh”, “Đẩy mạnh cải cách hành chính, phát huy hiệu lực, hiệu quả bộ máy Nhà nước”, “Xây dựng đội ngũ CB, CC trung thành, sáng tạo, tận tuỵ, gương mẫu”; phong trào “Vì an ninh Tổ quốc”; cuộc vận động “Xây dựng nhà tình nghĩa, nhà tình thương”, “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hoá ở khu dân cư”, “Ngày vì người nghèo”, xây dựng quỹ “Đền ơn đáp nghĩa”; phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi”; “Huy động quỹ hỗ trợ nông dân” của Hội Nông dân; chương trình “Giúp đỡ nhau vươn lên thoát đói, giảm nghèo” của Hội Cựu chiến binh; chiến dịch “Thanh niên tình nguyện tham gia phát triển kinh tế - xã hội”, phong trào “Bảo đảm an toàn giao thông”, “Bảo vệ môi trường”, “Hiến máu nhân đạo”; phong trào “Phụ nữ tích cực học tập, lao động sáng tạo, xây dựng gia đình hạnh phúc”... Sức lan toả của các phong trào thi đua đem sinh khí mới đến tận các buôn làng xa xôi, khơi dậy tính tích cực, năng động, sáng tạo trong thanh niên, khát vọng đổi đời trong đồng bào DTTS. Qua các phong trào thi đua, xuất hiện nhiều cá nhân điển hình với những thành tích xuất sắc trong lao động sản xuất, công tác xã hội; năng lực, sở trường, uy tín, khả năng phát triển của nhiều cá nhân trong cộng đồng các DTTS được bộc lộ, là cơ sở để các Ban công tác Mặt trận, các đoàn thể chính trị - xã hội ở thôn, buôn phát hiện, bồi dưỡng, đưa vào quy hoạch nguồn cho tổ chức của mình. Cũng từ đây, dưới sự lãnh đạo của cấp uỷ xã

và các chi bộ thôn, buôn, một đội ngũ những người với tên gọi “lực lượng cốt cán” và “người có uy tín” trong cộng đồng DTTS ở cơ sở được hình thành. Riêng từ năm 2008 đến 2010, thực hiện Chỉ thị số 06/2008/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 01-02-2008 về “Phát huy vai trò người có uy tín trong đồng bào DTTS trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, trên địa bàn các xã Tây Nguyên đã xây dựng được 5.473 người có uy tín trong đồng bào DTTS. Lực lượng cốt cán, người có uy tín bao gồm những thanh niên hoàn thành nghĩa vụ quân sự, con em nhiều gia đình thành đạt trong sản xuất, kinh doanh, không ít người là tín đồ tôn giáo ở vùng đông đồng bào có đạo, cá biệt còn có cả những người từng lầm lạc theo FULRO, có chức danh trong bộ máy FULRO các cấp, nay giác ngộ, tích cực đóng góp cho phong trào địa phương. Bộ phận ưu tú nhất trong số đó được phát hiện và xây dựng thành nguồn xa cho đội ngũ CB, CC xã.

Công tác phát triển đảng viên người DTTS qua phong trào quần chúng ở các thôn, buôn, nhất là vùng có đông đồng bào DTTS được triển khai quyết liệt, góp phần xoá tình trạng thôn, buôn “trắng” đảng viên, tổ chức đảng độc lập, đồng thời là cơ sở để hình thành nên một đội ngũ nguồn đảm bảo về tiêu chuẩn chính trị, sớm được rèn luyện, quản lý của tổ chức. Trong 10 năm (từ 2001 đến 2011) toàn Tây Nguyên đã bồi dưỡng và kết nạp 59.000 đảng viên mới, trong đó có 20,6% là người DTTS. Riêng năm 2011 kết nạp 11.219 đảng viên, trong đó đảng viên DTTS là 2.255 (chiếm 20,1%). Kết quả đó góp phần nâng tổng số đảng viên toàn vùng lên 156.761 người, trong đó đảng viên DTTS là 27.404 người (chiếm 17,48%); thành lập được 2.453 chi bộ trực thuộc cấp uỷ xã, thu hẹp số thôn, buôn chưa có đảng viên từ 13,91% xuống 0,67% (còn 51 thôn, buôn), trong đó vùng DTTS từ 21,7% xuống còn 2,49%; thu hẹp số thôn, buôn chưa có tổ chức đảng độc lập từ 41% năm 2003 xuống còn 23,34% năm 2005, 17,2% năm 2008, 13,87% năm 2010 và đến hết năm 2011 chỉ còn 7,93% (gồm 604 thôn, buôn, tổ), trong đó vùng DTTS từ 39,8% xuống còn 14% [69], [9]. Đắk Nông là địa phương về đầu trong phong trào xoá thôn “trắng” đảng viên, tổ chức đảng độc lập ở Tây Nguyên. Nhiệm kỳ 2005 - 2010 toàn tỉnh tổ chức 139

lớp nhận thức về Đảng cho 12.010 quần chúng ưu tú, qua đó 7.581 đảng viên mới được kết nạp, đạt 152,6% chỉ tiêu. Đến nay, 756 thôn, buôn, bon, bản, tổ dân phố của Đắk Nông đều có đảng viên và chi bộ độc lập.

Trong công tác kết nạp đảng viên, một nhóm đối tượng đang được chú ý tạo nguồn là người có đạo. Tây Nguyên là vùng đất hiện đang khá “nóng” về vấn đề tôn giáo, nhất là Thiên chúa giáo và Tin Lành. Với 36,23% dân số có đạo, công tác kết nạp đảng viên là người có đạo được các cấp uỷ đảng ở Tây Nguyên chỉ đạo chặt chẽ, nhất là từ khi có Quy định 123-QĐ/TW ngày 28-9-2004 “Quy định một số điểm về kết nạp đảng viên là người có đạo và đảng viên có đạo tham gia sinh hoạt tôn giáo”. Nếu như năm 2005, toàn Tây Nguyên có 1.730 đảng viên có đạo (chiếm 1,69% tổng số đảng viên) thì đến cuối năm 2011, số đảng viên có đạo đã lên đến 4.117 người (chiếm 2,63%). Đảng bộ Lâm Đồng là nơi kết nạp được nhiều đảng viên có đạo nhất (trong 4 năm, từ 2008 đến 2011 tăng tỷ lệ đảng viên có đạo lên 242%), và cũng là nơi có số lượng đảng viên có đạo đông nhất Tây Nguyên (chiếm 62% số đảng viên có đạo toàn vùng) [8]. Tỉnh Gia Lai năm 2004 chỉ có trên 30 đảng viên có đạo thì đến tháng 3-2012 đã có 349 đồng chí, tăng trên 10 lần.

Bốn là, việc thu hút, tuyển chọn, tiếp nhận nguồn người DTTS vào tổ chức; điều động, luân chuyển, bố trí sử dụng nguồn vào các chức danh CB, CC, cán bộ không chuyên trách, công chức dự bị đi dần vào nền nếp

Theo thống kê của các tỉnh, từ kết quả cử tuyển học sinh DTTS đi học đại học những năm 2003 đến 2010, Kon Tum đã thu hút được 97 sinh viên ra trường về công tác tại các xã. Tương tự, Gia Lai đưa được 115 sinh viên về các xã vùng II, vùng III; Đắk Nông tuyển dụng công chức xã, bố trí đúng chuyên ngành cho 78 sinh viên, Lâm Đồng 81 sinh viên [103]. Trong hai năm trở lại đây, chương trình đưa sinh viên về công tác tại 600 xã nghèo trên cả nước cũng được nhiều địa phương Tây Nguyên hưởng ứng.

Một phần của tài liệu Luận án tiến sĩ khoa học chính trị tạo nguồn cán bộ, công chức xã người dân tộc thiểu số ở các tỉnh tây nguyên giai đoạn hiện nay (Trang 87 - 101)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(196 trang)