II – CẤU TRÚC CỦA NĂNG LỰC
a. Tư chất là điều kiện tự nhiên của năng lực
Rõ ràng tư chất không định trước năng lực và không phải là năng lực. Ngay trong lí luận sinh học cũng đã khẳng định rằng: không phải mọi đặc điểm đều được di truyền và những đặc điểm di truyền không phải đều được thể hiện ở thế hệ sau. Đặc điểm di truyền có được bảo tồn và thể hiện ở thế hệ sau hay không và thể hiện ở mức độ nào đều đo hoàn cảnh sống quyết định. Mặt khác, năng lực của con người xét cho cùng chỉ là sự thích ứng tốt nhất với điều kiện lao động và sinh hoạt, mà điều kiện lao động và sinh hoạt của con người lại luôn luôn biến đổi. Do đó, để tồn tại và phát triển, con người không chỉ trông cậy vào "vốn liếng" ít ỏi do cha ông để lại. Điều quan trọng hơn là con người không ngừng tự tạo nên những sự thích ứng ngày càng cao trong đời sống cá thể của mình.
Chủ nghĩa Mác cũng không phủ nhận vai trò của tư chất. Quan điểm phủ nhận vai trò của yếu tố tư chất đối với sự hình thành và phát triển năng lực là không đúng. Không thể tách rời năng lực với thực thể vật chất, bởi vì trong rất nhiều hoạt động, năng lực của con người phụ thuộc rất nhiều vào đặc điểm cơ thể (ví dụ như ca sĩ phụ thuộc vào chất giọng, vận động viên phụ thuộc vào thể lực, cơ bắp và sự khéo léo...).
những yếu tố tự nhiên và yếu tố tự tạo. Trong cuộc sống, trong hoạt động, tư chất luôn luôn biến đổi. Chẳng hạn, đôi tai bình thường của một em bé, do được tiếp xúc nhiều với môi trường âm nhạc, sẽ ngày một trở nên tinh tế hơn, phân biệt âm thanh chính xác hơn, tức là đã chuyển từ một đôi tai bình thường thành một đôi tai âm nhạc.
Tư chất là điều kiện vật chất, là tiền đề tự nhiên cần thiết cho sự hình thành và phát triển năng lực, nó có ảnh hưởng nhất định đến sự khác biệt về năng lực giữa người này với người khác. Tư chất không định hướng trước năng lực. Năng lực không nằm trong tư chất và không phải là tư chất. Không phải bất cứ một năng lực nào cũng đòi hỏi một đặc điểm tư chất tương ứng. Một đặc điểm tư chất có thể là tiền đề cho nhiều loại năng lực khác nhau. Ví dụ cùng một kiểu thần kinh nhạy cảm nhưng người này hình thành năng lực kĩ thuật, người kia lại hình thành năng lực văn học...
Có thể nói, tư chất là điều kiện cần, nhưng không phải điều kiện đủ của sự hình thành và phát triển năng lực. Ví dụ, người có đôi tai tinh tế chưa đủ để thành một nhạc sĩ, mà đó chỉ là một điều kiện thuận lợi để trở thành một nhạc sĩ mà thôi. Năng lực âm nhạc không phải là một thuộc tính bẩm sinh hay từ truyền của cơ thể mà là kết quả của toàn bộ sự phát triển nhân cách thông qua hoạt động tích cực của cá nhân trong lĩnh vực âm nhạc. Có tư chất tốt mà không được giáo dục, không gặp hoàn cảnh thuận lợi và không chịu hoạt động thì tư chất đó cũng không thể bộc lộ và dần dần bị thui chột.