IV – VẤN ĐỀ PHÁT HIỆN NĂNG KHIẾU VÀ BỒI DƯỠNG NHÂN TÀ
1. Khái niệm về năng khiếu
Năng khiếu là dấu hiệu phát triển sớm của trẻ về một tài năng nào đó, khi đứa trẻ chưa tiếp xúc có hệ thống, có tổ chức trong lĩnh vực hoạt động tương ứng.
Ví dụ, có những trẻ em chưa được học vẽ có hệ thống, có tổ chức mà đã có những nét vẽ độc đáo, gây được cảm xúc thẩm mĩ cho người xem...
Các nhà tâm lí học cho rằng: Năng khiếu là hệ thống tiền đề bên trong dựa trên những tư chất bẩm sinh di truyền cho phép con người giải quyết được một hay vài yêu cầu nhất định nào đó của cuộc sống, mặc dù chưa được đào tạo.
Người ta cũng chia năng khiếu ra các mức độ khác nhau như năng khiếu cao, năng khiếu cao tiềm ẩn, năng khiếu cao tiềm năng.
Năng khiếu không phải là tài năng, mà nó chỉ là dấu hiệu của tài năng.
Nếu tài năng là một cấu trúc tâm lí khá hoàn thiện của cá nhân, nó bao gồm tương đối đầy đủ những thành phần tâm lí cần thiết, phù hợp với những yêu cầu tâm lí đặc trưng của một lĩnh vực hoạt động nhất định, thì năng khiếu ở dạng sơ khai, cấu trúc chưa hoàn thiện, mới chỉ xuất hiện một số thành phần, nhưng là thành phần cơ bản, là dấu hiệu của một tài năng sắp xuất hiện. Chẳng hạn một em bé có khả năng tư duy lôgic tốt, sử dụng các thao tác tư duy linh hoạt... thì ta có thể đoán em đó đang hình thành năng khiếu toán học.
Trong cấu trúc tài năng, những thành phần tâm lí đã phát triển đạt đến độ chín muồi, được khái quát ở mức độ cao. Do được củng cố nhiều lần trong một hoạt động nhất định nên có tính chất bền vững, ổn định. Trái lại, những thành phần tâm lí trong cấu trúc năng khiếu mới được hình thành, mới chỉ được khái quát bước đầu, chưa được củng cố nhiều trong hoạt động nên chưa vững chắc, dễ thay đổi, có khi mất hẳn.
chỉ là dấu hiệu báo trước một tài năng mà chính trong bản thân nó đã chứa đựng những yếu tố để hình thành tài năng. Laytex nhận định rằng: năng khiếu của trẻ không chỉ biểu hiện ở kết quả của hoạt động mà còn biểu hiện trong chính những đặc điểm hình thành năng lực.
Vấn đề đặt ra là, một đứa trẻ xuất hiện năng khiếu nào đó, chúng có phát triển thành tài năng hay không? Thực tế cho thấy năng khiếu chưa hẳn biến thành tài năng. Con đường từ năng khiếu đến tài năng là cả một quá trình phát triển có lúc nhanh chóng thuận lợi, có lúc lâu dài gian khổ, phức tạp, quanh co, đứt đoạn, thậm chí có trường hợp năng khiếu bị thui chột đi, không bao giờ trở thành tài năng. Vì vậy, việc phát hiện năng khiếu và tìm những biện pháp đúng đắn, tạo điều kiện tốt để nó biến thành tài năng thực sự là một vấn đề khó khăn. Nhưng do tầm quan trọng của nó, các nhà giáo dục cần phải quan tâm nghiên cứu, tìm tòi một cách công phu để bồi dưỡng nhân tài cho đất nước.