II – CẤU TRÚC CỦA NĂNG LỰC
b. Điều kiện xã hội của năng lực
Năng lực của mỗi con người được hình thành, phát triển và biểu hiện trong quá trình sống và hoạt động của họ trong lòng xã hội loài người, trong những điều kiện lịch sử xã hội nhất định: Đây là một luận điểm rất quan trọng của tâm lí học macxit (Tâm lí của con người chỉ được hình thành và phát triển trong quá trình sống và hoạt động của cá nhân. Hoạt động là nguồn gốc, là điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển tâm lí). Như vậy hoạt động cũng là nguồn gốc và điều kiện cơ bản để hình thành và phát triển năng lực. Chúng ta không thể tìm thấy một nhà khoa học nào mà cuộc đời lại không gắn bó với một hoạt động mà họ tinh thông. Hoạt động của con người càng phong phú thì năng lực càng có điều kiện đơm hoa kết trái.
Hoạt động của con người bao giờ cũng diễn ra trong một điều kiện xã hội lịch sử nhất định. Sự phát triển năng lực của mỗi người chịu sự quy định của các điều kiện lịch sử xã hội, như trình độ phát triển kinh tế, trình độ văn hoá khoa học kĩ thuật, nền văn minh của nhân loại và dân tộc... Năng lực của con người ngày nay hoàn toàn khác với năng lực con người ở các thời kì lịch sử trước đây.
Xét về nguồn gốc và nội dung của năng lực, ở con vật là do chủ yếu những điều kiện tự nhiên, còn môi trường sống của nó chỉ là điều kiện. Còn đối với con người, năng lực không có sẵn trong cơ thể mà ở trong môi trường xã hội, các yếu tố tự nhiên chỉ là điều kiện. Nói cách khác, nguồn gốc và nội dung năng lực của mỗi người là các điều kiện lịch sử xã hội họ đang sống và hoạt động. Nếu con người sinh ra không sống trong lòng
nền văn minh của xã hội loài người thì không thể có năng lực người (không có tâm lí người).
Điều kiện xã hội của năng lực là những điều kiện sống cụ thể của cá nhân, đó là ảnh hưởng của gia đình, nhà trường, khu phố, làng xóm...
Gia đình có vai trò chăm lo nuôi dạy đứa trẻ từ bé, hình thành những mầm mống, nền tảng đầu tiên của nhân cách. Rất nhiều đứa trẻ có năng khiếu được gia đình phát hiện đầu tiên và sau đó cùng với nhà trường và xã hội chăm lo, bồi dưỡng, giáo dục để trở thành tài năng sau này.
Nhà trường có vai trò chủ đạo đối với sự phát triển năng lực của thế hệ trẻ. Chỉ có giáo dục nhà trường mới có khả năng thâu tóm nền văn minh của nhân loại, "chế biến" cho phù hợp với quá trình lĩnh hội của trẻ và đưa sự phát triển của chúng đạt tới yêu cầu mà xã hội đòi hỏi. Để tránh sự "bình quân" về năng lực, nhà trường càng lên cao cấp học cao hơn càng phân hoá đa dạng tạo cho cá nhân sự lựa chọn phát triển năng lực chuyên sâu đáp ứng yêu cầu nghề nghiệp, thị trường lao động... Những trẻ em có năng khiếu được tuyển vào hệ thống trường chuyên lớp chọn cũng là nhằm tạo ra con đường và điều kiện cho sự phát triển năng lực của trẻ một cách tối ưu. Nhà trường quan trọng không phải chỉ vì có nội dung, chương trình, kế hoạch, phương pháp, điều kiện và phương tiện hoạt động phù hợp... mà không khí học tập, giao lưu bè bạn của tập thể học sinh có ý nghĩa khuyến khích mạnh mẽ đối với từng cá nhân. Xã hội càng phát triển, giáo dục nhà trường càng trở nên quan trọng hơn đối với việc phát triển năng lực cho thế hệ trẻ.
Dư luận xã hội, sự đánh giá và thừa nhận của xã hội, các chính sách khuyến khích tài năng... cũng có ý nghĩa hết sức quan trọng đối với sự phát triển năng lực của cá nhân. Sự phát triển năng lực của mỗi người chịu sự quy định của các điều kiện lịch sử xã hội, trước hết đó là sự phát triển kinh tế, khoa học kĩ thuật và chế độ chính trị xã hội.
Năng lực của con người phụ thuộc vào sự phân công lao động xã hội. Trong quá trình phát triển lịch sử của xã hội loài người, con người phải tích cực hoạt động nhằm thoả mãn những nhu cầu để tồn tại và phát triển. Ngay từ thời nguyên thủy, xã hội đã tiến hành phân công lao động. Sự phân công lao động đã dựa vào năng lực sơ khai của từng người. Đồng thời trong quá trình lao động sự phân công lao động là điều kiện cho năng lực của từng người được hình thành và phát triển. Mác khẳng định: Sự khác biệt tài hoa của con người không chỉ là nguyên nhân gây ra sự phân công lao động mà là kết quả của sự phân công lao động.
Năng lực của một cá nhân còn phụ thuộc vào chế độ xã hội. Với sự phát triển tiến lên của xã hội, năng lực con người phát triển theo trình độ kinh tế, khoa học kĩ thuật. Trình độ kinh tế, khoa học kĩ thuật của xã hội càng phát triển thì càng tạo ra những nhu cầu mới và những điều kiện mới cho cá nhân phát triển năng lực.
Nhưng năng lực của con người có được phát triển toàn diện hay không, tốc độ phát triển nhanh hay chậm, mọi người đều có cơ hội phát triển hay chỉ có một số người được
ưu đãi, điều đó lại do chế độ xã hội quyết định.
Trong xã hội có giai cấp thống trị và giai cấp bị trị, đại đa số người dân lao động đều không có điều kiện để phát triển năng lực của mình. Những năng lực tiềm tàng của người dân lao động bị giai cấp thống trị bóp nghẹt, vùi dập, kìm hãm.
Chỉ có chế độ XHCN mới tạo điều kiện cho quần chúng nhân dân lao động phát triển năng lực của mình. Đồng thời, mỗi người đều coi việc phát triển năng lực toàn diện của mình là yêu cầu trách nhiệm và nghĩa vụ của bản thân đối với xã hội.
Dưới chế độ XHCN, Đảng và Nhà nước ta luôn quan tâm, tạo mọi điều kiện cho mọi người được phát triển năng lực của mình. Không thể kể hết tên con em của những người lao động bình thường trong chế độ ta đã được đào tạo trở thành những tài năng.
Tóm lại, tác động tích cực nhất của xã hội đối với sự hình thành và phát triển năng lực cá nhân là tác động giáo dục, đặc biệt là nền giáo dục XHCN. Giáo dục nhà trường có vai trò đặc biệt quan trọng đối với việc phát triển năng lực của thế hệ trẻ.