II -Ý CHÍ VÀ HÀNH ĐỘNG Ý CHÍ
1.1. Một số học thuyết về ý chí
a. Quan niệm duy ý chí của các nhà duy tâm chủ quan
Quan niệm của các nhà duy tâm chủ quan Mach Ernst (Áo, 1838 - 1916), Cam Manuyen (Đức, 1724 - 1804), Beccli Giooc (Anh, 1684 - 1753), cho rằng: ý chí là một loại hiện tượng tinh thần không có liên quan gì đến hoạt động của não.
Thuyết Duy lí về ý chí mà tác giả của nó là Mâyman (Mĩ) đã coi nguồn gốc hoạt động ý chí của con người là những biểu hiện phức tạp của ý thức như cảm giác và ý chí. Theo họ, mọi cảm giác mà con người cảm thấy cũng đều liên quan đến các biểu tượng nhất định, chúng liên quan đến cả ý chí là cái mà con người "không có biểu tượng". Ý thức của con người chứa đầy những biểu tượng có độ phức tạp khác nhau. Theo Thuyết Lí trí thì mỗi một biểu tượng đó đểu đấu tranh để dành vị trí ưu thế của mình trong ý
thức. Trong cuộc đấu tranh đó, các biểu tượng rõ ràng và rành mạch hơn sẽ chiến thắng và trở thành cơ sở ban đầu cho các quá trình ý chí: các khát vọng ý chí xuất hiện trong quá trình đấu tranh của các biểu tượng.
Các biểu tượng đóng vai trò là động cơ của hành động: giữa khát vọng hành động và bản thân hành động hình thành nên mối liên hệ bảo đảm cho hành động xảy ra trực tiếp ngay sau khi có biểu tượng xác định hành động đó. Ý chí phát triển trong quá trình nhiều lần động cơ chuyển thành hành động.
Theo quan điểm của Thuyết Lí trí thì việc giáo dục ý chí sẽ được vững chắc thêm bằng luyện tập lập lại các mối liên hệ kết hợp giữa các biểu tượng vẽ mục đích và các hành động tương ứng.
Những người bảo vệ Thuyết Duy ý chí là Vuntơ, Đ. Jemxơ đã đứng trên quan điểm ngược lại và khẳng định tính tự tồn tại và không phụ thuộc ngay từ đầu của ý chí vào cảm giác và biểu tượng. Theo thuyết này thì bản thân các biểu tượng và cảm giác nảy sinh từ cơ sở ý chí là cái chủ yếu nhất trong ý thức của con người. Các khát vọng và thiên hướng kích thích con người tạo nên cơ sở của ý thức, còn các tư tưởng vận động mà ta cần phải phân biệt với vận động là cơ sở của ý chí, "sự tạo nên ý chí" chỉ đơn thuần là một hiện tượng tâm lí luôn luôn xuất hiện ở nơi có trạng thái tâm lí bền vững dưới dạng tư tưởng vận động. Cái có liên quan đến các hành vi vận động kèm theo tư tưởng vận động là hiện tượng thứ hai do các quá trình thần kinh tương ứng với tư tưởng đó xác định.
Nếu các trung tâm thần kinh hoạt động một cách đúng đắn thì động tác được thực hiện một cách bình thường. Những việc không có vận động, không có "hiện tượng thứ hai đó" do những nguyên nhân nhất định, vẫn không làm thay đổi gì trong quá trình ý chí. "Sự tạo nên ý chí" như là một quá trình tâm lí, vẫn hoàn toàn có thể xảy ra. Theo họ, trong việc giáo dục ý chí chỉ cần làm xuất hiện ở trẻ em trạng thái ý thức bền vững dưới một dạng nào đó của tư tưởng vận động là đủ.
b. Quan niệm của các nhà duy tâm khách quan
Các nhà duy tâm khách quan (thật ra cũng là chủ nghĩa chủ quan vì cố ý che đậy những quy luật khách quan thực sự sự phát triển của xã hội, nhằm bảo vệ lợi ích của giai cấp bóc lột) cho rằng: "ý chí" không có bản ngã mà chỉ là phản ánh thế giới mà thôi, nó không chịu chế ước của bất cứ trường hợp nào. Theo họ, con người hoàn toàn phụ thuộc vào hoàn cảnh khách quan, mọi hành động của con người do hiện thực khách quan chi phối, con người không có bản ngã, không có ý thức. Hiện thực khách quan hoàn toàn quyết định ý chí con người. Đó cũng là quan niệm của A. Henvetiúyclêdơ (1715 - 1771) - đại biểu xuất sắc của chủ nghĩa duy vật và vô thần luận pháp hồi thế kỉ XVIII đề xướng. Ông chủ trương áp dụng nguyên tắc duy vật chủ nghĩa vào việc nghiên cứu sinh hoạt xã hội. Nhưng cũng như tất cả những nhà duy vật trước Mác, ông đã có một quan điểm duy tâm chủ nghĩa về lịch sử khi tuyên bố rằng, con người là một sản phẩm của hoàn cảnh xung quanh, rằng tính cách con người không phải là bẩm sinh mà là do kinh nghiệm và
hoàn cảnh xung quanh quyết định, con người không có khả năng làm chủ bản thân mình. Tóm lại mặc dù có sự khác nhau, tất cả các thuyết duy tâm về ý chí đều mang một nét chung tiêu biểu: khi phân tích các nguyên nhân kích thích hoạt động ý chí của con người, đều không vượt ra khỏi ranh giới của các hiện tượng tâm lí chủ quan và chỉ xem xét hành vi và ý chí ngay trong một quá trình tâm lí nhất định tạo nên cấu trúc của hành vi đó. Họ cố gắng tìm những nguyên nhân kích thích ý chí ở ngay trong bản thân quá trình ý chí, đồng thời đưa lên hàng đầu những yếu tố tâm lí nào đó của quá trình đó hoặc là biểu tượng, hoặc là cảm giác hoặc là khát vọng... Cách đặt vấn đề như vậy dẫn đến chỗ ý chí con người đã bắt đầu được xem xét một cách duy tâm như một quá trình tâm lí chủ quan, tự khép kín mình lại và phát triển theo những quy luật tâm lí đặc trưng cho bản thân quá trình đó tách rời khỏi các điều kiện tồn tại và hoạt động lao động của con người.
c. Thuyết Cảm xúc
Carroll Elzard, nhà tâm lí học Mĩ, cho rằng: những cảm xúc tạo nên hệ thống động cơ chính của con người. Ông cũng như một số tác giả khác đều coi chính sự xúc động sinh ra từ kinh nghiệm đảm bảo trạng thái động cơ hiện thời, mà đến lượt mình trạng thái ấy làm biến đổi, kiểm soát và điều khiển hành vi từ thời điểm này đến thời điểm khác.
Những người theo Thuyết Cảm xúc cho rằng, nguyên nhân gây ra hành động ý chí, làm cho con người có ý chí là cảm xúc. Theo họ, cơ sở của ý chí là khát vọng được kéo dài sự thoả mãn và tránh sự đau khổ. Carroll Elzard cho rằng, ý chí là ước vọng chiến thắng một khát vọng khác, sự tranh chấp giữa các ước vọng là bản tính, sự quyết định là sự chiến thắng của ước vọng mạnh nhất. Hành động của con người là do các cảm xúc mà con người đó rung động trong thời điểm ấy gây nên. Các biểu tượng mà không kèm theo cảm xúc thì vẫn chỉ là những "tư tưởng lạnh lùng" và không thể gây nên một động tác ngay cả rất đơn giản như giơ tay lên. Các khát vọng ý chí không phải xuất hiện ở nơi mà tất cả đối với họ đều là thờ ơ. Chúng xuất hiện ở nơi mà những người, những vật xung quanh người đó, những ý nghĩa và tư tưởng nảy sinh ở người đó được các cảm xúc tô điểm cho trở nên hấp dẫn hơn hoặc kích thích, thúc đẩy người đó có thái độ tốt hay xấu đối với bản thân mình.
Như vậy, theo Thuyết Cảm xúc thì có thể tiến hành giáo dục ý chí thông qua giáo dục cảm xúc; ý chí của con người mạnh hay yếu chỉ phụ thuộc vào mức độ cảm xúc làm cơ sở cho ý chí đó.
Thuyết Duy lí trí và Thuyết Cảm xúc của ý chí không thừa nhận tính độc lập của các quá trình ý chí. Họ cho rằng, ý chí là hiện tượng thuộc bậc thứ hai và được tạo nên trên cơ sở của các quá trình ý thức khác hoặc là các biểu tượng hoặc là của các cảm giác. Nhận xét, mặc dù có sự khác nhau nhưng tất cả các thuyết duy tâm về ý chí đều mang một số nét chung tiêu biểu:
- Khi phân tích các nguyên nhân kích thích hoạt động ý chí của con người, những người theo các thuyết đó đã không vượt khỏi ranh giới của các hiện tượng tâm lí chủ quan
mà chỉ xem xét hành vi ý chí ngay trong một quá trình tâm lí nhất định tạo nên cấu trúc của hành vi đó.
- Họ cố gắng tìm những nguyên nhân kích thích ý chí ở ngay trong bản thân quá trình ý chí, đồng thời, đưa lên hàng đầu những yếu tố tâm lí nào đó của quá trình đó hoặc là biểu tượng, hoặc là cảm giác, hoặc là khát vọng. Cách đặt vấn đề như vậy dẫn đến chỗ xem xét ý chí của con người một cách duy tâm, như một quá trình tâm lí chủ quan tự khép kín mình lại và phát triển theo những quy luật tâm lí đặc trưng cho bản thân quá trình có, tách rời khỏi các điều kiện tồn tại và hoạt động lao động của con người.
Thực ra, năng lực kiểm soát, điều chỉnh hành vi một cách có ý thức nảy sinh trong hoạt động lao động. Ý chí là một mặt đặc trưng của tâm lí người. Bởi vì con vật chỉ thích ứng một cách thụ động với thiên nhiên, còn con người bằng lao động - một hoạt động có ý thức đã chinh phục, cải biến thiên nhiên. Ý chí của con người được hình thành trong quá trình lao động, ngay cả hoạt động lao động đơn giản nhất (ví dụ: việc săn bắt thời nguyên thủy…) cũng đòi hỏi con người có phẩm chất ý chí nhất định. Engels đã nói: “Loài người càng cách xa loài vật thì tác động của con người vào giới tự nhiên, càng mang tính chất của một loài động vật có tính toán trước, tiến hành một cách có phương pháp, hướng vào những mục đích nhất định đã đề ra từ trước”.
Thực chất, nguồn gốc ý chí không phải là cảm xúc ước vọng, vì có lúc chúng mang tính chất bột phát trong thực tiễn cuộc sống, có nhiều biểu tượng, ước vọng, cảm xúc không dẫn tới hành động ý chí.
d. Thuyết Xã hội
Một trong những đại diện của thuyết này là Blonche (người Pháp) cho rằng, người ta chỉ có ý chí khi phụng sự một lí tưởng cao cả; muốn vậy, phải gạt bỏ những quyền lợi thấp hèn. Do đó, ông cho rằng, ý chí chỉ thực hiện những mệnh lệnh của tập thể, mệnh lệnh xã hội, ý chí và lí trí là hai món quà quý giá mà xã hội đã đặt vào trong mỗi chúng ta.
Thực ra, yếu tố xã hội rất quan trọng và đóng vai trò quyết định, song nếu sự quyết định của cá nhân là hoàn toàn do thi hành mệnh lệnh của xã hội, của tập thể một cách thụ động, máy móc, mù quáng thì không còn là hành động ý chí nữa. Sự thi hành mệnh lệnh của xã hội, của tập thể phải được chính cá nhân cân nhắc, chọn lọc, quyết định. Vì vậy, ý chí là do cá nhân quyết định chứ không phải do hoàn cảnh xã hội quyết định.
e. Quan niệm của các nhà tâm lí học duy vật biện chứng
Quan điểm duy vật biện chứng về ý chí chỉ rõ rằng, khả năng để hoạt động ý chí cũng như tất cả chức năng tâm lí khác của con người đã xuất hiện và hoàn thiện trong quá trình phát triển của lịch sử xã hội loài người liên quan đến phát triển và các quan hệ lao động và các quan hệ xã hội. Vì vậy, không nên xem xét bản chất của ý chí ở sự kích thích "đơn thuần ý chí" trần trụi, tách rời nội dung dưới bất kì dạng nào đối với hành động.
Mỗi một sự kích thích ý chí về bản chất, ngay khi mới xuất hiện đã chứa đựng nội dung: cơ sở của sự kích thích ý chí đó là sự hiểu biết về mục đích và phương thức đạt mục đích đó. Nhưng những hiểu biết đó là san phẩm của kinh nghiệm chung của loài người (bởi kinh nghiệm của cá nhân con người là kinh nghiệm của tồn tại xã hội). Tất cả những tác nhân kích thích về trí tuệ và đạo đức đối với hành động vừa làm giàu thêm ý thức của con người bằng sự đấu tranh của mình, vừa tự rút ra kết luận về trí tuệ và đạo đức của người đó trong giây phút hành động đó xảy ra. Bởi vì, bất kì một hoạt động tinh thần nào dù có đơn giản đến đâu đi chăng nữa, cũng đều là kết quả của sự phát triển đã qua và hiện tại của con người.