IV – VẤN ĐỀ PHÁT HIỆN NĂNG KHIẾU VÀ BỒI DƯỠNG NHÂN TÀ
d. Cần cung cấp tri thức, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết cho các em
Muốn phát triển năng lực, con người phải nắm vững và vận dung một cách sáng tạo những tri thức, kĩ năng, kĩ xảo vì đó là cơ sở, là nền tảng của năng lực con người. Một người không có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo trong lĩnh vực nào thì không có năng lực trong lĩnh vực đó. (Tuy nhiên, một người có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo trong một lĩnh vực cũng chưa chắc đã có năng lực về lĩnh vực đó). Không tiếp thu tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, con người sẽ không có một tài năng nào hết. Mức độ phát triển tài năng phụ thuộc vào mức độ nắm tri thức, kĩ năng, kĩ xảo. Mặt khác, tài năng giúp cho việc nắm tri thức, kĩ năng, kĩ xảo diễn ra nhanh hơn, thuận lợi hơn. Rõ ràng việc phát triển tài năng và việc nắm tri thức, kĩ năng, kĩ xảo có mối quan hệ mật thiết với nhau. Khi đứa trẻ xuất hiện năng khiếu là lúc đứa trẻ chưa có tri thức, kĩ năng, kĩ xảo. Quá trình phát triển năng khiếu thành tài năng chính là quá trình tích luỹ tri thức, kĩ năng, kĩ xảo. Muốn phát triển năng khiếu thành tài năng cần phải cung cấp tri thức, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết làm cơ sở.
Tuy vậy, chúng ta không nên quy tất cả việc bồi dưỡng năng khiếu vào việc cung cấp tri thức, kĩ năng, kĩ xảo vì giữa chúng có sự khác biệt rõ ràng. Tài năng là một cấu trúc tâm lí bên trong cá nhân phù hợp với yêu cầu đặc trưng của một hoạt động còn tri thức kĩ năng, kĩ xảo là vốn kinh nghiệm của loài người cá nhân thu lượm được trong quá trình học tập, rèn luyện.