Phân loại năng lực

Một phần của tài liệu các thuộc tính điển hình của tâm lý nhân cách (Trang 168 - 170)

I KHÁ NỆM CHUNG VỀ NĂNG LỰC

3. Phân loại năng lực

Có nhiều cách phân loại năng lực tuỳ thuộc vào những tiêu chí khác nhau.

a. Nếu dựa vào nguồn gốc phát sinh thì có năng lực tự nhiên và năng lực xã hội.

- Năng lực tự nhiên là năng lực có nguồn gốc sinh vật, nó có quan hệ trực tiếp với tư chất của cá nhân. Ví dụ, năng lực hình thành phản xạ có điều kiện, năng lực thích ứng nhanh... Loại này có cả ở người và động vật. Năng lực tự nhiên được nảy sinh trên cơ sở những tư chất bẩm sinh, di truyền không cần đến tác động của giáo dục đào tạo. Tuy vậy, cuộc sống luôn luôn vận động và phát triển không ngừng đòi hỏi con người phải có các năng lực mới bằng con đường giáo dục và đào tạo. Những năng lực được đào tạo này được hình thành trên nền tảng năng lực tự nhiên nhưng là một bậc phát triển cao hơn so với năng lực tự nhiên.

- Năng lực xã hội là năng lực hình thành và phát triển trong quá trình sống và hoạt động trong xã hội của mỗi cá nhân (năng lực tự tạo). Loại năng lực này chỉ có ở con người như năng lực ngôn ngữ, năng lực lao động... Năng lực tự tạo là những phẩm chất của quá trình hoạt động tâm lí tương đối ổn định và khái quát của con người, nhờ nó mà chúng ta có thể giải quyết được những vấn đề đặt ra trong cuộc sống. Năng lực tự tạo chỉ nảy sinh trong hoạt động nhận thức và cải tạo thế giới của con người gắn liền với sự sáng tạo của con người. Khi đã được hình thành và ổn định, các năng lực tự tạo thường đi vào hệ thống các năng lực tự nhiên. Còn các năng lực tự nhiên lại báo trước trong chừng mực nào đó về năng lực tự tạo của con người khi họ phải giải quyết những yêu cầu thuộc loại mới. Năng lực tự nhiên và năng lực tự tạo bộc lộ ở tính nhanh, tính dễ dàng, chất lượng tiếp nhận và thực hiện hoạt động, ở bề rộng của sự đi chuyển, tính mới mẻ, tính độc đáo của hoạt động giải quyết những yêu cầu mới.

b. Một cách phân lại có ý nghĩa hơn trong công tác giáo dục là phân loại theo mức độ chuyên biệt của năng lực. Cách phân loại này chia năng lực làm hai loại là năng lực chung và năng lực riêng.

Năng lực chung là năng lực cần thiết cho nhiều lĩnh vực hoạt động khác nhau như năng lực quan sát, năng lực học tập, năng lực tư duy, năng lực ngôn ngữ... Năng lực chung là năng lực nắm và vận dụng tri thức cơ bản của khoa học tự nhiên, khoa học xã hội làm cơ sở cho mọi hoạt động trong xã hội. Năng lực chung có hai mức đội năng lực chung sơ đẳng và năng lực chung phức tạp.

+ Năng lực chung sơ đẳng vốn có ở tất cả mọi người, tuy nhiên ở mỗi người khác nhau thì khác nhau. Ví dụ, năng lực cảm giác, tri giác, ghi nhớ...

+ Năng lực chung phức tạp cũng có ở mọi người nhưng ở các mức độ khác nhau, là năng lực ứng với hoạt động chung của con người như vui chơi, học tập, lao động, giao tiếp... Mỗi một năng lực nằm trong nhóm này đều là một cấu trúc phức tạp của thuộc tính nhân cách. Khác với năng lực sơ đẳng nói trên người ta thường nói đến số ít hoặc đơn lẻ của các khả năng như ý chí với tư cách là một năng lực để đạt được mục tiêu còn năng lực chung phức tạp là một phức hợp nhiều năng lực như năng lực học tập, năng lực lao động...

- Năng lực riêng (hay năng lực chuyên môn) là năng lực đặc trưng riêng trong những lĩnh vực hoạt động nhất định. Ví dụ, năng lực hội hoạ, năng lực âm nhạc, năng lực sư phạm... Người ta cũng chia năng lực riêng thành năng lực riêng sơ đẳng và năng lực riêng phức tạp.

+ Năng lực riêng sơ đẳng là loại năng lực không có ở tất cả mọi người và ở mỗi người khác nhau thì khác nhau. Đây là những thuộc tính phức tạp của nhân cách. Ví dụ, khả năng ước lượng bằng mắt, óc phê phán, trí nhớ ý nghĩa... Những thuộc tính phức tạp như vậy của cá nhân biểu hiện ra trong những hoạt động đặc trưng tương ứng.

+ Năng lực riêng phức tạp được phát triển trong lịch sử loài người, thoạt đầu là năng lực về các nghề thủ công, sau đó là các nghề nghiệp cụ thể. Xã hội càng phát triển thì năng lực riêng phức tạp càng nhiều. Ngày nay, có những nghề như lái máy bay, điều khiển tàu vũ trụ, kĩ sư lập trình... đều thuộc vào năng lực riêng phức tạp.

Tuy vậy, cách phân loại nói trên cũng chỉ mang tính tương đối nó chỉ có ý nghĩa trong việc nghiên cứu. Trong thực tế giữa hai loại năng lực có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, bổ sung cho nhau. Năng lực riêng chính là năng lực chung được phát triển theo một hướng chuyên biệt nào đó. Năng lực chung là cơ sở của năng lực riêng, cho nên việc bồi dưỡng năng lực riêng không thể tách rời việc bồi dưỡng năng lực chung. Trong thực tế cuộc sống, mỗi hoạt động đều đề ra những yêu cầu nhất định về năng lực chung lẫn năng lực chuyên môn. Để phát triển năng lực chuyên môn không nên bó hẹp việc bồi dưỡng, phát triển năng lực trong một ngành cụ thể nào đó. Chỉ có thể phát triển toàn diện, hoàn chỉnh và thống nhất cả hai loại năng lực mới đảm bảo cho cá nhân hoàn thành nhiệm vụ trong một loại hình hoạt động.

c. Phân loại năng lực dựa vào các mức độ phát triển của nó. Theo cách phân loại này thì năng. lực được phân thành các loại sau: năng lực học tập, nghiên cứu; năng lực sáng tạo.

- Năng lực học tập, nghiên cứu là năng lực liên quan đến việc lĩnh hội phương thức hoạt động có sẵn trong nền văn hoá nhân loại, việc lĩnh hội tri thức kĩ năng kĩ xảo. Ví dụ, khả năng tập trung chú ý, năng lực phân tích, tổng hợp, so sánh...

- Năng lực sáng tạo là năng lực có liên quan đến việc tạo ra cái mới chưa hề có trong nền văn hoá nhân loại, hoặc phát hiện ra phương pháp mới của việc thực hiện một hoạt động nào đó. Tuy vậy, trong cùng một lĩnh vực hoạt động, ở người này thì hình thành năng lực học tập nghiên cứu còn ở người khác lại hình thành năng lực sáng tạo. Ví dụ, trong lĩnh vực nghệ thuật có người là nhà phê bình, hiểu rất sâu sắc tri thức về lĩnh vực của mình nhưng không bao giờ sáng tạo nghệ thuật, nhưng có người chuyên sáng tạo nghệ thuật lại không hiểu sâu sắc lắm các tri thức có liên quan. Trong các lĩnh vực khác cũng vậy.

Việc phân chia thành hai loại năng lực này cũng chỉ mang tính tương đối. Vì hai loại năng lực này có mối quan hệ với nhau rất chặt chẽ và tác động qua lại với nhau. Năng lực học tập nghiên cứu hỗ trợ cho năng lực sáng tạo. Ngược lại, năng lực sáng tạo góp phần cho năng lực học tập, nghiên cứu được sâu sắc hơn. Trong thực tế, có một số nhà lí luận đã có những sáng tác hay và ngược lại có những nhà sáng tác đã có những công trình nghiên cứu lí luận có giá trị.

Năng lực của học sinh ở một lĩnh vực nhất định được xem xét và đánh giá thông qua các hoạt động ở lĩnh vực đó. Trong thực tế, người ta có thể xem xét và đánh giá năng lực của học sinh thông qua tổng kết những tiêu chí đã được đề xuất trong tâm lí học, đó là: Tốc độ tiến bộ của học sinh trong việc lĩnh hội tri thức và phương thức hoạt động tương ứng; chất lượng của hoạt động; xu hướng, sự kiên trì và sức lực của học sinh dành cho công việc nào đó.

Muốn cho học sinh có năng lực về một môn học, một lĩnh vực nào đó cần tạo điều kiện thuận lợi cho các em hoạt động, học tập. Ngày nay, người ta đã chứng minh được rằng: những trẻ em bình thường đều có thể có năng lực học tập để có học vấn phổ thông và trên cơ sở đó để hình thành những năng lực khác. Ngay đối với những đứa trẻ tật nguyền, nếu được tổ chức cho học tập chuyên biệt, thích hợp thì các em cũng có được những năng lực nhất định để tham gia vào cuộc sống cộng đồng.

Ngoài ra, còn có cách phân loại dựa trên các lĩnh vực hoạt động cụ thể của con người như năng lực hoạt động trí tuệ, năng lực hoạt động ngôn ngữ, năng lực hoạt động nghệ thuật, năng lực hoạt động xã hội...

Một phần của tài liệu các thuộc tính điển hình của tâm lý nhân cách (Trang 168 - 170)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)