Vai trò của tính cách

Một phần của tài liệu các thuộc tính điển hình của tâm lý nhân cách (Trang 153 - 161)

IV GIÁO DỤC TÍNH CÁCH

a. Vai trò của tính cách

- Tính cách có ý nghĩa lớn trong đời sống cá nhân và tập thể. Chính những phẩm chất của một người quyết định con đường đời của người đó.

- Người có tính cách tốt có khả năng khắc phục mọi khó khăn để đạt tới những mục tiêu có ý nghĩa lớn đối với xã hội và cá nhân, làm phong phú cho bản thân và cho tập thể, xã hội.

Một cá nhân có đạo đức tốt sẽ đem niềm vui cho những người xung quanh, sẽ lôi cuốn được nhiều người bằng gương cư xử trong xã hội của mình, tăng cường hoạt động cho tập thể. Vì thế, không lấy làm lạ nhiều người lãnh đạo thường coi trọng tính cách của người làm việc với mình hơn là người có năng lực đặc biệt nếu không phải trường hợp có tài xuất sắc. Điều đó không phải là không có căn cứ vì tính cách là động cơ, là gốc, là bộ mặt đạo đức của một con người.

b. Giáo dục tính cách

Do vai trò quan trọng của tính cách nên cần phải giáo dục tính cách cho con người ngay từ nhỏ và tuỳ từng giai đoạn lứa tuổi mà có cách giáo dục tính cách cho phù hợp.

Tính cách hình thành dần dần trong quá trình phát triển của cá nhân. Tính cách hình thành bên ngoài ý thức và ý chí của bản thân người đang phát triển. Bởi vậy, điều có ý nghĩa quyết định trong việc phát triển tính cách là thường xuyên nâng cao những yêu cầu của mọi người xung quanh, nâng cao yêu cầu hoạt động có ý nghĩa sống còn đối với sự phát triển của cá nhân, hoạt động mà cá nhân đang thực hiện.

Những yêu cầu của mọi người và sự hoạt động chỉ tạo nên tính cách khi nào những yêu cầu ấy có tính chất hệ thống và phức tạp dần. Nói cách khác, các yêu cầu phải là những điều kiện sống thường xuyên và đặc trưng của con người, dần dần trở thành những bộ phận tạo nên lối sống của người đó. Chỉ trong điều kiện ấy, con người mới bắt đầu đòi hỏi mình và những người khác, mới có khả năng nhìn về tương lai mà không dừng lại ở thành quả đã đạt được, mới học được cách khắc phục khó khăn trở ngại trên đường hoạt động của mình.

Lao động có ý nghĩa đặc biệt trong việc hình thành tính cách. Lao động là nguồn gốc tạo nên tính cách xác định, tính thuần nhất của tính cách. Nhiều nét tính cách tốt như: yêu lao động, tính độc lập, sáng tạo, tinh thần tập thể, đều được hình thành trong lao động. Vì vậy, giáo dục tính cách chân chính phải qua giáo dục lao động. Đặc biệt là lao động tập thể.

Việc học tập, nhất là học tập trong nhà trường không những có ý nghĩa căn bản trong việc hình thành các sức mạnh trí tuệ mà còn có ý nghĩa trong việc hình thành tính cách. Kiến thức giúp cho con người tìm được phương hướng trong thế giới trên trong bản thân mình. Điều đó có ý nghĩa đặc biệt quan trọng đối với việc xây dựng cách xử sự riêng

của mình. Việc dạy học bao gồm cả việc dạy cho trẻ em biết cách đối xử với người lớn, với các bạn cùng tuổi cũng như phải có thái độ đúng đối với các nhu cầu và nhiệm vụ của xã hội. Sự phát triển các phẩm chất trí tuệ ảnh hưởng tới nội dung và hình thức xử sự của cá nhân. Song điều kiện thuận lợi hơn cả để hình thành tính cách một cách tốt đẹp là kết hợp học tập với lao động.

Khi giáo dục tính cách phải thường xuyên chú ý tới hình thức biểu hiện của tính cách. Ở các giai đoạn phát triển đầu tiên của tính cách, các đặc điểm kiểu hình thần kinh có khuynh hướng xác định cách cư xử như tính dễ xúc động và tính bốc đồng của những người này. Tính chậm chạp của loại thứ hai, tính xung động của loại thứ ba, tính rụt rè của loại thứ tư. Muốn làm được điều ấy cần phải đặt đứa trẻ vào các điều kiện thích hợp khuyến khích và tập dượt cách xử sự cần thiết.

Nhà trường chỉ có thể giáo dục một kiểu tính cách xác định cho học sinh khi mà tạo ra được những hoàn cảnh sống điển hình tương ứng của đứa trẻ trong tập thể, khi mà mọi giáo viên và cha mẹ học sinh đều đề ra cho trẻ những yêu cầu thống nhất. Trong khi giáo dục kiểu tính cách của con người Việt Nam trong điều kiện hiện nay, nhà trường phải tính đến những đặc điểm cá biệt của từng học sinh và phải dựa vào những đặc điểm đó trong khi hướng chúng theo một hướng cần thiết. Trong khi giáo dục những nét tính cách điển hình cơ bản phải hình thành được cá tính phát triển toàn diện của học sinh chứ không phải một "hình nhân" nào đó, được chế tạo theo khuôn đúc. Tính cách là biểu hiện độc đáo, hợp nhất nhiều đặc điểm của cá nhân. Vì vậy, khi giáo dục tính cách phải giáo dục các thuộc tính tâm lí khác như lòng nhân ái, sự dũng cảm, đức hi sinh, tính độc lập, nghị lực sự sáng tạo và tình cảm.

Tóm lại, muốn xây dựng một tính cách thuần nhất, quý giá đối với xã hội thì cần phát triển con người một cách toàn diện, cần thường xuyên quan tâm xây dựng cái cốt lõi có ý nghĩa xã hội của tính cách. Mặt khác, khi giáo dục thế hệ trẻ cần phải tạo điều kiện để trẻ bộc lộ tính cách của mình một cách đầy đủ, rõ nét nhất. Đồng thời, cần hình dung thật rõ hình ảnh lí tưởng về mặt tâm lí đạo đức của tính cách con người Việt Nam trong thời đại mới và cần phải dựa vào đó mà xây dựng chương trình giáo dục.

Người lớn, trước hết là bố mẹ, thầy cô giáo cần phải là tấm gương cho thế hệ trẻ trong lời nói cũng như trong việc làm, trong thái độ cũng như hành vi. Bởi vì, không có gì thuyết phục trẻ em bằng chính sự gương mẫu của người lớn.

TÓM TẮT CHƯƠNG IV

CÁC THUỘC TÍNH TÂM LÝ ĐIỂN HÌNH CỦA NHÂN CÁCH à Chương 4. TÍNH CÁCH

Tính cách là sự biểu hiện rõ nét nhất của đời sống tâm lí cá nhân. Dựa vào tính cách người ta biết được sự hình thành cá nhân; xác định được đặc điểm hoạt động và phẩm hạnh con người, thấy biểu hiện của mình trong những mối quan hệ bền vững của con người với những mặt khác nhau của hiện thực.

- Tính cách được hình thành trong quá trình sống và hoạt động của con người dưới ảnh hưởng của hoạt động và giáo dục. Cùng với điều đó tính cách còn liên quan đến kiểu hình hoạt động thần kinh cấp cao. Tuy nhiên, kiểu hệ thần kinh không định trước những tính cách riêng biệt của tính cách cũng như của toàn bộ tính cách mà chỉ đảm bảo những điều kiện khác nhau để hình thành hệ thống những đường liên hệ tạm thời trên vỏ não.

- Tính cách được thể hiện rất đa dạng và phong phú ở những khát vọng, nhu cầu, hứng thú, sự thống nhất giữa lời nói và việc làm, sức mạnh của tính cách là ở chỗ nó tạo con người khả năng say mê đạt được mục đích hoạt động...

Tính độc đáo, tính đặc sắc của tính cách là mặt đạo đức của nhân cách.

Khí chất quy định mặt cơ động của tính cách. Khí chất ảnh hưởng đến tính cách, vì nó có thể tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây khó khăn cho việc hình thành tính cách.

Tính chất của khí chất đến lượt mình lại bị điều khiển bằng những đặc tính của tính cách và trong chừng mực nào đó được tổ chức lại dưới sự ảnh hưởng của tính cách.

Ý chí làm cho tính cách có tầm quan trọng và ý nghĩa nhất định trong cấu trúc tâm lí chung của nhân cách. Ý nghĩa xã hội những đặc điểm của tính cách được quy định bởi phẩm chất ý chí. Những hành động và cử chỉ tự động hoá là dấu hiệu của sức mạnh và tính tích cực của tính cách.

Trong những đặc điểm của tính cách thì phẩm chất ý chí là điều kiện bên trong để phát triển và thực hiện những năng lực. Tính cách tạo ra khả năng bù đắp các mặt yếu của năng lực. Ngược lại, năng lực cũng ảnh hưởng nhất định đến sự phát triển tính cách. Năng lực là phương tiện để đạt đến mục đích cuộc sống.

Tính cách con người ràng buộc hữu cơ và có mối tác động tương hỗ với những tính chất khác của nhân cách. Nó xác định phạm vi biểu hiện và mức độ thể hiện của chúng, sự phát triển và hình thành tính cách quan hệ đến sự hình thành nhân cách nói chung.

Điều kiện xã hội quyết định tính cách của con người. Song vai trò quyết định trong việc hình thành tính cách không phải chỉ có điều kiện bên ngoài mà còn do sự hoạt động của con người trong mối quan hệ qua lại tích cực của họ với môi trường.

Câu hỏi ôn tập chương IV

1. Phân tích khái niệm tính cách. Nêu một số ví dụ về nét tính cách và hành vi ngẫu nhiên.

2. Nêu những đặc điểm đặc trưng của tính cách.

3. Trình bày những thuộc tính cơ bản của tính cách. Lấy ví dụ minh hoạ. 4. Phân tích nội dung và hình thức trong cấu trúc tính cách.

5. Trình bày các con đường hình thành tính cách.

6. Muốn giáo dục tính cách cần phải chú ý đến những vấn đề gì? Tại sao nói tính cách là gốc, là mặt đạo đức của con người?

BÀI TẬP THỰC HÀNH

CÁC THUỘC TÍNH TÂM LÝ ĐIỂN HÌNH CỦA NHÂN CÁCH à Chương 4. TÍNH CÁCH

Bài tập số 19: Đọc cho sinh viên nghe đoạn văn sau: Tháng trước một trong những người bạn của Hạnh mượn cuốn sách của thư viện và xé một trang trong sách. Và khi quyển sách ấy được một học sinh khác rồi mượn trả nó thì nhân viên thư viện nói là sách không đủ trang. Học sinh đó nói là việc buộc tội như vậy là không đúng. Hạnh vô tình biết được thủ phạm xé trang sách - vì bạn đó ngồi cạnh mình và khi giáo viên chủ nhiệm lớp nêu vấn đề này trước lạp thì thủ phạm không hề tỏ thái độ độ nào cả. Hạnh dùng khuỷu tay khích nó và nói nhỏ: “Thú tội đi, chính mày đã xé trang sách đó”. Khuôn mặt của thủ phạm biểu lộ kinh ngạc, Hạnh tỏ ra bối rối, sau đó em đứng dậy và nói: "Đây chính là thủ phạm xé trang sách! Bạn ấy đã ngồi không nói gì và không chịu nhận lỗi mà để người khác phải chịu tội oan".

Câu hỏi:

1. Hành vi nào đã xác định những đặc điểm tính cách của Hạnh?

2. Đặc điểm tính cách của Hạnh thể hiện quá trình và thuộc tính tâm lí nào của cá nhân.

3. Đặc điểm tính cách của “thủ phạm” trên là gì?

Bài tập số 20: Hãy xác định những nét tính cách nào dưới đây thể hiện: 1. Thái độ đối với người khác.

2. Thái độ đối với lao động 3. Thái độ đối với bản thân. - Tình cảm trách nhiệm - Lòng nhân đạo - Tính ích kỉ - Tính lười biếng - Tính kín đáo - Tính hoang phí - Lòng trung thực

- Tính khiêm tốn - Tính sáng tạo - Tính cẩn thận - Tính quảng giao - Tính tự cao

Bài tập số 21: Hãy chỉ ra những luận điểm nào trong các luận điểm dưới đây là đúng hơn cả trong việc cắt nghĩa khái niệm "tính cách"? Tại sao?

1. Những nét tính cách thể hiện trong bất kì hoàn cảnh và điều kiện nào.

2. Những nét tính cách chỉ thể hiện trong những hoàn cảnh điển hình với chúng mà thôi.

3. Những nét tính cách không phải là cái gì khác ngoài thái độ của con người đối với các mặt xác định của hiện thực.

4. Trong tính cách thể hiện cả thái độ của con người lẫn các phương thức hành động, mà nhờ chúng các thái độ của họ được thực hiện.

5. Tính cách mang tính chất độc đáo, cá biệt.

6. Các nét tính cách là điển hình về mặt xã hội và độc đáo về mặt cá nhân. 7. Tính cách là sự phản ánh các quan hệ xã hội.

Bài tập số 22: Hãy chỉ ra trong đoạn văn mô tả đặc điểm nhân cách dưới đây, những chi tiết nào thể hiện các nét tính cách, những chi tiết nào thể hiện các thuộc tính của khí chất? Tại sao?

"Quyên lên 10 tuổi. Em là một cô bé yêu đời, hoạt bát, sôi nổi, tốt bụng, nhưng hay tị nạnh, cố làm mình nổi bật trong tập thể để được mọi người khen. Là người quảng giao, nhưng rất hay hờn giận, hứng thú với nhiều thứ nhưng hứng thú không ổn định, chóng nguội đi. Em chú ý nhiều đến vẻ ngoài của mình: ngồi hàng giờ trước gương thay đổi các bím tóc, thắt đi thắt lại chiếc nơ... Em hoạt động tích cực trong tập thể, nhưng nếu trong công tác chung phải phụ thuộc vào bạn nào đó thì mất ngay sự hào hứng với công việc, trở nên thờ ơ với mọi việc".

Bài tập số 23: Trong các ví dụ dưới đây tính cách con người có được thể hiện hay không? Tại sao?

1. Người ta hỏi sinh viên A đang đi ngoài phố rằng nhà ga xe lửa ở đâu. A dừng lại và trả lời câu hỏi đó một cách cặn kẽ.

2. Có một lần, giáo viên vào lớp thấy bảng được lau sạch bóng, đã nói: "Các em thật chu đáo!".

Bài tập số 24: Trong những đặc điểm sau đây, đặc điểm nào thuộc về khí chất đặc điểm nào, thuộc về xu hướng, đặc điểm nào thuộc về tính cách và thuộc về năng lực:

khiêm tốn, tài năng, cân thận, nhút nhát, nóng nảy, ưu tư, có niềm tin, vẽ giỏi, hát hay, dễ thích nghi với môi trường mới, say mê nghề nghiệp, tính yêu cầu cao, hứng thú học tập.

Chương 5. NĂNG LỰC

CÁC THUỘC TÍNH TÂM LÝ ĐIỂN HÌNH CỦA NHÂN CÁCH

Mục đích của giáo dục nước ta là phát triển toàn diện nhân cách cho học sinh, trong đó năng lực là một thành phần hết sức quan trọng. Trong cấu trúc nhân cách của con người, năng lực chiếm một vai trò to lớn và có ý nghĩa đặc biệt. Sinh thời, Bác Hồ từng nói: "Người có đức mà không có tài làm việc gì cũng khó, như ông Bụt ngồi trong chùa không giúp ích được ai". Hay cố Tổng Bí thư Lê Duẩn cũng đã khẳng định: Năng suất lao động là thước đo phẩm giá của mỗi con người.

Nếu xu hướng nhân cách nói lên ước vọng của mỗi cá nhân, thì năng lực là điều kiện để thực hiện nó. Muốn đạt được ước vọng của mình con người phải có năng lực. Năng lực là một vấn đề phức tạp trong tâm lí học. Năng lực vừa là một vấn đề của tâm lí học đại cương và đồng thời cũng là một vấn đề của tâm lí học sư phạm. Ở góc độ tâm lí học đại cương, năng lực được xem là một thuộc tính tâm lí cá nhân. Tâm lí học sư phạm xem năng lực là nhiệm vụ cơ bản của công tác giáo dục hình thành nhân cách cho học sinh. Nghiên cứu về năng lực vừa có ý nghĩa lí luận vừa có ý nghĩa thực tiễn. Bởi vì năng lực của con người là điều kiện để cá nhân và xã hội phát triển.

Một phần của tài liệu các thuộc tính điển hình của tâm lý nhân cách (Trang 153 - 161)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)