Gợi ý làm bài (Một số đề tiêu biểu)

Một phần của tài liệu nghiên cứu, biên soạn tài liệu về phương pháp, kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học thpt bac giang (Trang 144 - 165)

Chương II: PHƯƠNG PHÁP, KĨ NĂNG LÀM BÀI NGHỊ LUẬN VĂN HỌC

II.5. Phương pháp, kĩ năng làm bài nghị luận về vấn đề lí luận văn học, minh chứng bằng tác phẩm văn học

II.5.3. Gợi ý làm bài (Một số đề tiêu biểu)

a. Đề bài đã cho sẵn tác phẩm văn học dùng làm minh chứng Đề1: Nhà thơ Lê Đạt cho rằng:

Mỗi công dân có một dạng vân tay

Mỗi nhà thơ thứ thiệt có một dạng vân chữ Không trộn lẫn

Anh/chị hiểu ý kiến trên như thế nào? Hãy làm sáng tỏ dạng vân chữ của Xuân Diệu và Nguyễn Bính qua hai bài thơ: Thơ duyên (Xuân Diệu) và Tương tư (Nguyễn Bính).

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm, vấn đề cần nghị luận b. Thân bài

b.1. Giải thích

- Giải thích những từ ngữ: dấu vân tay, nhà thơ thứ thiệt, dạng vân chữ, cách sử dụng từ ngữ mang mối quan hệ liên tưởng (vân tay, vân chữ) => Câu thơ của Lê Đạt khẳng định: nếu mỗi công dân đều có một dấu vân tay riêng, đặc điểm nhận dạng riêng thì chỉ ở những nhà thơ thứ thiệt (nhà thơ, văn lớn) mới có một dạng vân chữ. Dạng vân chữ ấy cũng chính là nét riêng, dấu hiệu riêng của mỗi nhà văn không lặp lại, không trộn lẫn với bất cứ ai và cũng không lặp lại chính mình. Phong cách, đó là yêu cầu và cũng là huy chương vàng mà mỗi nhà văn

mong muốn phấn đấu để đạt tới trong cuộc đời sáng tạo. Phong cách nghệ thuật đánh dấu sự trưởng thành của những nhà văn ưu tú.

- Phong cách nghệ thuật là nét riêng, nét độc đáo mang tính thẩm mỹ của nhà văn trong sáng tạo nghệ thuật. Nét độc đáo ấy vừa phải có tính bền vững, nhất quán lại vừa có tính chất đa dạng, phong phú phong cách nghệ thuật chính là dấu vân chữ, là dấu triện riêng mà nhà văn đóng lên từng con chữ trên pháp trường trắng để độc giả có thể nhận diện về nhà văn. Phong cách thể hiện ở: cái nhìn riêng; giọng điệu riêng; nét riêng trong sự lựa chọn, xử lý đề tài, nội dung tác phẩm; nét riêng trong việc sử dụng các phương thức, phương tiện nghệ thuật…

b.2. Phân tích để thấy được dấu vân chữ của Xuân Diệu và Nguyễn Bính qua hai bài thơ: Thơ duyên Tương tư

* Dấu vân chữ của Xuân Diệu qua Thơ duyên

- Đề tài: Thơ duyên không phải là bài thơ tình yêu, tuy có nói đến anhem, đến đám cưới…Bài thơ nói đến một mối duyên rộng lớn hơn nhiều: duyên trời đất, duyên con người, duyên trời đất với con người…Đó là sự hòa hợp nên thơ, một mối duyên kì ngộ mà ta vẫn thường gặp nhưng không dễ nhận ra. Xuân Diệu đã đem đến cho bài thơ một quan niệm tình yêu mới mẻ: Lòng anh thôi đã cưới lòng em. Đám cưới lòng là đỉnh cao nhất của sự hòa hợp, của mối duyên con người - con người…

- Cách nhìn, cách cảm thụ thế giới:

+ Trước hết, Thơ duyên một bức tranh cảnh chiều thu đẹp đẽ, thơ mộng.

Trong bức tranh đó, mọi vật đều có cặp, có đôi: chiều mộng -nhánh duyên, cây me- cặp chim, xanh trời-xanh lá, con đường-gió, cành hoang-nắng, lòng ta- ý bạn, anh- em, cặp chim, cặp vần…tính chất của những cặp đôi đó cũng rất hòa hợp: mộng- thơ- nhánh duyên, nhỏ nhỏ- xiêu xiêu, lả lả- trở chiều…Toàn bài thơ, từ nhan đề cho đến cách triển khai hệ thống hình ảnh, cấu tứ…; ta nhận ra vạn vật đang trong một bài thơ dịu, trong một mối duyên lớn giăng mắc khắp nơi: mối duyên giữa thiên nhiên- thiên nhiên, thiên nhiên- con người và con người- con người. Mối duyên này làm nảy sinh, se tơ cho mối duyên khác.

=> Nét đặc trưng của cái nhìn Xuân Diệu: nhìn đời nghiêng về phương diện luyến ái; nhìn mọi sự vật ở phương diện cặp đôi, có duyên; vũ trụ đầy ắp xuân tình;

thiên nhiên mang màu sắc nhục thể…Đây là cái nhìn rất riêng, rất mới của một nguồn sống dào dạt chưa từng thấy ở chốn nước non lặng lẽ này. Xuân Diệu đã nhìn đời bằng con mắt trẻ trung, xanh non, biếc rờn; khám phá ra cuộc sống là một thiên đường trên mặt đất luôn vẫy gọi, mời yêu. Cái nhìn bắt nguồn từ tư tưởng nghệ thuật xuyên suốt mọi tác phẩm của Xuân Diệu: niềm khát khao giao cảm với đời, cuộc đời hiểu theo nghĩa chân thật và trần thế nhất.

+ Trong Thơ duyên, đi liền với bức tranh buổi chiều thu thơ mộng, vui tươi, người đọc còn bắt gặp một buổi chiều thu lạnh, sự sống như đang rời bỏ mọi vật mà đi: mây bay gấp gấp, con cò phân vân, chim nghe trời rộng giang thêm cánh, hoa lạnh chiều thưa sương xuống dần. Trong buổi chiều lạnh ấy, cảnh vật

thiên nhiên và con người như cũng cô đơn hơn, nhạy cảm hơn…Cái gấp gấp của mây biếc về đâu, cái nghiêng tai lắng nghe của cánh chim trước trời rộng, nét phân vân của cánh cò - sự cách biệt của hơn một ngàn năm và của hai thế giới (Hoài Thanh) chính là biểu hiện của cái tôi Thơ mới rất tinh tế trước mọi biến thái của thiên nhiên, tạo vật và lòng người: Sự bồng bột của Xuân Diệu có lẽ đã biểu hiện ra một cách đầy đủ hơn cả trong những rung động tinh vi (Hoài Thanh).

- Tư tưởng ấy tạo nên giọng điệu riêng trong Thơ duyên: khi dào dạt, thiết tha; khi u buồn thấm thía.

- Xuân Diệu mới nhất trong những nhà thơ mới (Hoài Thanh). Cái mới của Xuân Diệu không chỉ nằm ở phần xác (lời thơ, thể thơ, giọng thơ…) mà thực chất là ở phần hồn (cách nhìn, cái nhìn, cảm xúc thơ, ở tinh thần thơ…). Ví dụ: cách diễn đạt rất mới: Đổ trời xanh ngọc qua muôn lá, Lòng anh thôi đã cưới lòng em;

những hình ảnh mới mẻ: nhánh duyên, tiếng huyền, lòng ta nghe ý bạn, lững đững…Câu thơ của Xuân Diệu rất giàu nhạc tính, vận dụng phép tương giao giữa các giác quan.

Tóm lại: Dấu vân chữ của Xuân Diệu tuy có nét truyền thống song cơ bản rất mới mẻ, hiện đại. Xuân Diệu, ấy là một ông Tây đội mũ An Nam, một hồn thơ thiết tha, rạo rực, băn khoăn.

* Dấu vân chữ của Nguyễn Bính qua Tương tư

- Đề tài: Tương tư là bài thơ bày tỏ nỗi lòng nhớ nhung, mơ tưởng, khát khao thầm kín của nhân vật trữ tình khi yêu. Đề tài Tương tư không mới, nhưng cách xử lý đề tài của tác giả có khác: tương tư thường là hai người nhớ nhau, ở đây là nỗi nhớ đơn phương của một chàng trai trong thế bị động ngồi thở than, kể lể…

- Giọng điệu riêng: giọng than, giọng ghẹo rất người nhà quê của Nguyễn Bính. Hình thức biểu cảm của giọng than là kể lể sự tình. Nguyễn Bính ưa nói đến cái sự lỡ dở hoặc ngang trái do cách trở (Ví dụ: Cách đặt thôn Đoài- thôn Đông, một người- một người ở hai đầu xa cách, giữa là dằng dặc chín nhớ mười mong; cách đặt ra những cách trở: mái đình, đò ngang…thực chất chỉ là sự để Nguyễn Bính kể lể cái tình: Tương tư thức mấy…biết cho). Đặc trưng của điệu than này chính là những thán từ liên tiếp, những câu hỏi tu từ, lối nói lấp lửng, trách móc xa xôi…

- Cách nhìn riêng: Qua nỗi lòng tương tư, chàng trai bày tỏ khát vọng tiến tới hôn nhân: Nhà anh…thôn nào => Quan niệm luyến ái ở người nhà quê này rất đậm nét truyền thống (khác Xuân Diệu: đám cưới lòng…)

- Lời quê: cách đo đếm thời gian rất quê: Ngày qua ngày lại…lá vàng; lối ví von so sánh bóng gió mà sâu sắc: Thôn Đoài…một người; cách lấy cái có gợi cái không, cái gần gợi cái xa…rất nhà quê: Bảo rằng cách trở.. xa xôi; cách vận dụng những thành ngữ, tục ngữ, những hình ảnh đậm chất quê hương: bến- đò, mái đình, giầu- cau…

Tóm lại, nếu Anh Thơ thiên về cảnh quê, Đoàn Văn Cừ thiên về nếp quê, Bàng Bá Lân mạnh về đời quê thì Nguyễn Bính lại là nhà thơ của hồn quê. Nguyễn Bính đã đánh thức người nhà quê bấy lâu vẫn ẩn náu trong hồn ta (Hoài Thanh).

c. Kết bài: Khẳng định phong cách nghệ thuật độc đáo của Xuân Diệu và Nguyễn Bính qua hai bài thơ.

Đề 2: Có ý kiến cho rằng:

Phát triển trong sự kế thừa và cách tân là một trong những quy luật tất yếu của văn học.

Anh/chị hiểu điều đó như thế nào qua bài thơ Tương tư của Nguyễn Bính?

a. Mở bài: Giới thiệu tác giả, tác phẩm và nhận định b. Thân bài

* Giải thích: quy luật kế thừa và cách tân

- Kế thừa: Lich sử văn học phát triển trong sự tiếp nối của nhiều thời kì, giai đoạn, nhiều bộ phận văn học. Nền văn học ra đời sau tất yếu phải tiếp thu những tinh hoa của nền văn học trước. Các tác giả văn học viết chịu ảnh hưởng, kế thừa những đặc sắc của văn học dân gian, Thơ mới học tập những tinh hoa của thơ ca cổ điển, thơ ca dân gian… Sự kế thừa tiếp thu được biểu hiện trên nhiều phương diện: quan điểm sáng tác, các phương diện nội dung và hình thức của tác phẩm văn học: ở đề tài, cảm hứng…, ở thể loại, ngôn ngữ, hình ảnh, kết cấu… Cơ sở của sự tiếp thu: tác phẩm văn học của mỗi thời đại luôn mang những giá trị đặc sắc tất yếu mà tác phẩm của văn học giai đoạn sau có thể vượt qua nó.

- Quy luật cách tân: do yếu tố thời đại, do nhu cầu của người đọc, mỗi cây bút, mỗi giai đoạn cần phải mang đến cái mới cho lịch sử văn học. Cái mới có giá trị đích thực sẽ được thời gian công nhận.

* Phân tích, chứng minh

- Sự tiếp thu văn học dân gian trong bài thơ Tương tư

. Đề tài: tương tư (nỗi nhớ của tình yêu đôi lứa, hoặc nỗi nhớ đơn phương) là đề tài quen thuộc của ca dao

. Thể thơ: viết theo thể thơ lục bát quen thuộc của thơ ca dân gian

. Mạch cảm xúc: có những cung bậc cảm xúc quen thuộc, điển hình trong thơ dân gian: nhớ nhung, tương tư gắn với khát khao chung tình, hướng đến hôn nhân.

. Cách thể hiện cảm xúc: để diễn tả cảm xúc và tâm trạng trữ tình dùng lối phú, tỉ, hứng quen thuộc-> con người gắn với môi trường, các sự vật hiên nhiên đóng vai trò khơi gợi hoặc sẻ chia cảm xúc với nhân vật trữ tình.

. Hình ảnh, ngôn ngữ

+ Dùng nhiều hình ảnh cặp đôi diễn tả ý niệm lứa đôi có thể gặp trong ca dao, dân ca (dòng sông-cành hồng, cơi-trầu, cây đa-con đò; mận-đào, loan-phượng…)

+ Ngôn ngữ: dùng nhiều chất liệu ngôn từ dân gian: địa danh thôn Đoài- thôn Đông, thành ngữ chín nhớ mười mong, dùng các số từ chín, mười, một….

- Nét mới trong bài thơ Tương tư

. Thể thơ: nhìn chung ca dao thường ngắn, còn đây là bài thơ lục bát trường thiên hiện đại

. Mạch cảm xúc: thể hiện mạch tâm trạng phong phú và trọn vẹn với những cung bậc cảm xúc điển hình nhất của mối tương tư (khác ca dao thường là những mảnh tâm trạng);

. Cách thể hiện cảm xúc: có nét mới so với ca dao khi nói về thiên nhiên phong phú, hệ thống; từ đó tái hiện lên bức tranh làng quê hoàn chỉnh. Hình ảnh chốn quê vừa là không gian vừa là phương tiện, ngôn ngữ để nhân vật trữ tình diễn tả nỗi tương tư một cách tự nhiên, kín đáo và tế nhị.

. Hình ảnh: dùng hình ảnh cặp đôi một cách phong phú và sắp xếp theo trình tự để thể hiện khát vọng lứa đôi nhuần nhuyễn và tế nhị: từ nhớ nhung-> khát vọng nhân duyên (từ thôn Đoài- thôn Đông, bến-đò...-> cau-giầu)

- Đặt vào hoàn cảnh ra đời, việc vận dụng yếu tố dân gian trong bài thơ còn là cách bày tỏ ý thức cội nguồn dân tộc, thể hiện niềm thiết tha với giá trị truyền thống và bản sắc văn hóa dân tộc.

* Đánh giá

- Sự kế thừa và cách tân làm nên giá trị, sức sống cho tác phẩm văn học, làm nên phong cách tác giả, mang đến một diện mạo mới cho một giai đoạn, thời kì văn học và cả một nền văn học.

- Bài học cho người sáng tác và độc giả

+ Tác giả cần biết tiếp thu kế thừa những thành tựu văn học trước đó đồng thời biết tìm tòi, sáng tạo để làm nên diện mạo cho văn học thời đại

+ Độc giả: cần có nền tảng tri thức văn học để đánh giá đúng giá trị của tác phẩm văn học, biết được đâu là đóng góp sáng tạo, đâu là sự kế thừa tinh hoa văn học trước đó của nhà văn.

c. Kết bài: Sự kế thừa và sáng tạo mạch nguồn văn học dân gian đã tạo nên thành công của Tương tư, góp phần hình thành phong cách nghệ thuật thơ Nguyễn Bính

Đề 3: Bàn về cách viết truyện ngắn, nhà văn Sêkhốp có phát biểu:

Theo tôi, viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận.

( Theo Sêkhốp bàn về văn học )

Anh/chị hãy giải thích ý kiến trên, phân tích cách mở đầu, kết thúc truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân để thấy ý nghĩa của nó trong việc nâng cao giá trị tác phẩm.

a. Mở bài: Giới thiệu chung về đặc trưng của truyện, đặc biệt là thể loại truyện ngắn.

b. Thân bài b.1. Giải thích

- Viết truyện ngắn, cốt nhất phải tô đậm cái mở đầu và cái kết luận có nghĩa là nhà văn phải dụng công để tạo nên một cách mở đầu và kết thúc tác phẩm thật độc đáo, ấn tượng, gây chú ý cho người đọc.

- Phải tô đậm cái mở đầu và kết luận vì: đối với tác phẩm văn học nói chung và nhất là truyện ngắn, mở đầu và kết thúc bao giờ cũng có vai trò rất quan trọng trong việc nâng cao giá trị tác phẩm.

b.2. Chứng minh: ý nghĩa của mở đầu và kết luận truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao và Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân

* Truyện ngắn Chí Phèo của Nam Cao - Mở đầu

+ Cách mở đầu:

- Truyện được mở đầu bằng đoạn văn miêu tả, nhận xét tiếng chửi của nhân vật chính - một kẻ đang say rượu. Đây là cách giới thiệu trực tiếp nhân vật và cách mở đầu không theo trình tự thời gian mà đi thẳng vào giữa truyện.

+ Ý nghĩa:

. Cách vào truyện bằng hình ảnh rất sống động của một kẻ say đang vừa đi vừa chửi có ý nghĩa lớn trong việc tạo tính hấp dẫn, gợi hứng thú, lôi cuốn người đọc vào diễn biến tiếp theo của câu chuyện.

. Cách chửi của nhân vật khá độc đáo: thoạt đầu vu vơ, sau đó thu hẹp dần và cuối cùng bất ngờ chửi đứa chết mẹ nào đẻ ra hắn

. Cách sử dụng ngôn ngữ vô cùng linh hoạt (đan xen nhiều điểm nhìn, ngôn ngữ, giọng điệu) làm đoạn văn có ấn tượng riêng khó quên.

. Ngay từ đoạn mở đầu, số phận, tích cách nhân vật đã được khái quát, khắc sâu giá trị tư tưởng tác phẩm.

Khái quát một tính cách hết sức đặc biệt: tính cách một kẻ khùng, thằng say đang ở trong trạng thái lưỡng phân: nửa say - nửa tỉnh.

Khái quát một số phận vô cùng bi đát: số phận của con người đang bị đồng loại chối từ.

=> Một thân phận đáng sợ - đáng thương.

- Kết thúc + Cách kết thúc:

. Cái chết thảm khốc của nhân vật Chí Phèo

. Nhà văn đã lặp lại hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang ở phần đầu tác phẩm - nơi Chí Phèo bị bỏ rơi - để kết thúc truyện.

+ Ý nghĩa:

. Với việc để Chí Phèo tự vẫn vì không thể trở về với cuộc đời lương thiện, tác giả khắc sâu bi kịch số phận nhân vật và tố cáo sâu sắc xã hội.

. Hình ảnh cái lò gạch bỏ hoang được lặp lại tạo thành một kết cầu vòng tròn, một kết thúc để ngỏ, có giá trị biểu hiện sâu sắc, buộc người đọc phải suy ngẫm liên tưởng thêm những tầng nghĩa mới có thể có mà tác giả gửi gắm (phản ánh, tố cáo hiện thực; dự báo, thức tỉnh,…)

* Truyện ngắn Chữ người tử tù của Nguyễn Tuân.

- Mở đầu

+ Cách mở đầu: Truyện mở đầu bằng cuộc trò chuyện giữa quản ngục và thơ lại: quản ngục nghe đồn Huấn Cao có tài viết chữ đẹp và có tài bẻ khoá vượt ngục; thơ lại cho rằng phải chém những người như thế thấy mà tiêng tiếc.

+ Ý nghĩa:

. Tạo ấn tượng ban đầu về nhân vật

Huấn Cao: con người của tài hoa, khí phách, bản lĩnh ngang tàng.

Quản ngục, thơ lại: biết quý cái đẹp cái tài, biết trọng nhân cách bản lĩnh.

. Cách vào truyện theo trật tự thời gian, nghệ thuật giới thiệu nhân vật uyên thâm, cổ điển (gián tiếp, theo lối vẽ mây nẩy trăng) tạo ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc về Huấn Cao - con người của huyền thoại, của danh tiếng lẫy lừng trong thiên hạ, đến phe đối lập cũng phải nể vì, trọng thị.

- Kết thúc

+ Cách kết thúc: Truyện kết thúc bằng một cảnh tượng xưa nay chưa từng có.

. Khung cảnh cho chữ chưa từng có: Trong đêm cuối cùng của người tử tù, nơi ngục thất lại diễn ra cảnh cho chữ.

. Người cho chữ - xin chữ chưa từng có: người cho chữ ban phát cái đẹp, khuyên răn điều thiện là tử tù; người xin chữ thoả được sở nguyện về cái đẹp và tìm ra con đường chính đạo của cuộc đời lại là viên quan coi ngục.

+ Ý nghĩa:

. Tạo kết cấu đầu cuối tương ứng: mở đầu bằng lời đồn - kết thúc bằng hành động; mở đầu bằng huyền thoại - kết thúc bằng cảnh xưa nay chưa từng có.

. Tô đậm chân dung nhân vật:

Huấn Cao: ngôi sao hôm chính vị toả sáng ánh sáng của tài - chí - tâm.

Quản ngục: đốm sáng đặc biệt, con người của nhân cách và sở nguyện cao đẹp, bậc liên tài tri kỉ xưa nay hiếm đối với người nghệ sĩ.

Đây là cuộc gặp gỡ kì diệu giữa những tấm lòng trong thiên hạ: một Huấn Cao nghĩa khí tài hoa và một quản ngục, thơ lại thành tâm trọng nghĩa, trọng tài.

. Thể hiện nổi bật cảm hứng lãng mạn và bút pháp lý tưởng hoá của Nguyễn Tuân: hướng tới cái đẹp và sự phi thường.

. Bộc lộ tập trung chủ đề tác phẩm:

Ca ngợi một thú chơi tao nhã của một thời vang bóng.

Ca ngợi một bậc anh hùng hiên ngang bất tử.

Tôn vinh sự chiến thắng của cái đẹp, cái thiện với sức mạnh cảm hoá lớn lao, vĩ đại.

Thể hiện quan niệm của Nguyễn Tuân về con người và nghệ thuật chân chính.

b. 3. Đánh giá, nâng cao vấn đề

- Lời bàn xác đáng, đúng đắn về một phương diện quan trọng trong nghệ thuật viết truyện ngắn, được đúc kết nên từ trải nghiệm một đời văn của Sêkhốp - bậc thầy truyện ngắn trong nền văn học Nga và thế giới.

Một phần của tài liệu nghiên cứu, biên soạn tài liệu về phương pháp, kĩ năng làm bài văn nghị luận xã hội và nghị luận văn học thpt bac giang (Trang 144 - 165)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(165 trang)