CHƯƠNG 3 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU
4.3. Nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của doanh nghiệp ngành nông nghiệp
4.3.1. Nhân tố bên trong doanh nghiệp
a. Quy mô doanh nghiệp
Căn cứ vào số liệu bảng 4.5 và 4.6, nếu làm phép tính trung bình cộng giản đơn, một doanh nghiệp NLTS sẽ có số lao động bình quân vào khoảng 25 người và bình quân vốn sản xuất kinh doanh khoảng 32 tỷ đồng. Căn cứ vào quy định mới nhất của Nghị định 39/2018/NĐ-CP, hầu hết các doanh nghiệp NLTS của Việt Nam đều là DN có quy mô siêu nhỏ và nhỏ. Cụ thể, 95% DN NLTS có quy mô siêu nhỏ và nhỏ, chỉ có một số ít tập đoàn có quy mô lớn đang hoạt động tích cực như Nafoods, Vinamilk, TH, Dabaco Việt Nam, Masan, Lavifood, Doveco. Hầu hết DN quy mô nhỏ thường gặp các vấn đề chung như thiếu hụt lao động có tay nghề, yếu kém về kỹ năng quản lý và năng lực đổi mới hạn chế, dẫn đến tổ chức hoạt động không hiệu quả. Những điểm yếu đó được phản ánh ở năng suất lao động thấp, sử dụng dưới mức tối đa công suất của lực lượng lao động, lãng phí nguyên liệu và đầu vào làm gia tăng chi phí sản xuất.
4/6 DN được phỏng vấn cho biết, với quy mô sản xuất nhỏ họ chỉ có thể cung cấp đơn hàng cho các đại lý xuất khẩu, thay vì ký hợp đồng trực tiếp với khách hàng nước ngoài. Thậm chí, đối với các sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao, như sản phẩm nông nghiệp hữu cơ, hoặc các sản phẩm nuôi trồng chế biến theo phương thức đặc biệt, sản
122
lượng thường xuyên không đủ cung cấp cho ngay chính thị trường trong nước, do đó DN không thể xuất khẩu theo đơn hàng.
“Chúng tôi chỉ mới thành lập được ba năm. Hiện tại chúng tôi đã xây dựng được hệ thống sản xuất và phân phối thịt lợn hữu cơ khép kín. Chúng tôi chỉ đang cung cấp cho thị trường Hà Nội và hướng đến chuyển giao công nghệ để phân phối ở các thành phố khác. Sản lượng của chúng tôi vẫn chưa đủ cho thị trường trong nước nên không có kế hoạch xuất khẩu”.
“Sản phẩm tiêu ngũ sắc của tôi hiện nay làm ra đến đâu bán hết đến đó. Chúng tôi không sản xuất đủ để cung ứng cho thị trường”.
Trong khi đó, hai DN có quy mô vừa và lớn cho biết hiện công suất sản xuất của họ đáp ứng đủ các đơn hàng. Họ cũng đang cân nhắc mở rộng nhà máy và vùng nguyên phụ liệu để hướng đến những khách hàng và thị trường mới.
b. Nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý
Hiên nay, có khoảng 50% DN ngành NLTS có quy mô hoạt động siêu nhỏ (dưới 10 lao động). Đây chủ yếu là những DN mới được thành lập từ các hộ kinh doanh lớn. Những DN này thường không có cơ cấu tổ chức rõ ràng, mô hình quản lý theo kiểu sơ khai và đặc biệt không có kế hoạch sản xuất kinh doanh dài hạn. Ngoài ra, thiếu hụt vốn và nguồn nhân lực có kiến thức và kỹ năng là lý do chính khiến việc áp dụng quy trình sản xuất và các tiêu chuẩn chất lượng quốc gia, quốc tế chưa phổ biến ở các DN nông nghiệp.
Nguồn nhân lực và kỹ năng quản lý không được các DN tham gia phỏng vấn đề cập trực tiếp như là nhân tố cản trở DN tham gia vào GVC. Tuy nhiên, các DN cũng chia sẻ họ thiếu nguồn nhân lực có kiến thức chuyên môn. 4/6 người điều hành DN không có chuyên môn về quản lý kinh tế, và chỉ 2 trong số đó có chuyên môn liên quan đến nông nghiệp.
“Tôi là kỹ sư xây dựng, nhưng tôi yêu thích lĩnh vực nông nghiệp và quyết tâm khởi nghiệp với nó. Xuất phát từ nhu cầu của gia đình và những người xung quanh đối với thực phẩm sạch nên tôi thành lập DN trong lĩnh vực hữu cơ. Tôi đã tự học hỏi tìm tòi trên mạng, đồng thời có sự hỗ trợ chuyên môn từ vợ tôi trong các hoạt động quản lý, marketing và bán hàng. Chúng tôi đã hoạt động tốt kể từ khi thành lập”.
123
Có thể thấy, trong nhiều trường hợp một nhân viên có thể phải đảm nhận nhiều nhiệm vụ, ngay cả ở trong DN quy mô vừa.
“Tôi là giám đốc điều hành nhưng tôi đồng thời làm cả các công việc marketing. Hiện nay nếu bạn vào google và tìm kiếm DN làm về tre, bạn sẽ thấy DN chúng tôi ở trang đầu. Tôi đã tự mình làm được điều đó mặc dù chuyên môn của tôi là tài chính”.
Ngoài ra, dường như các DN có quy mô lớn hiểu rõ năng lực hiện tại của nhân viên/ người lao động trong tổ chức của mình và vai trò quan trọng của nguồn nhân lực trong việc thúc đẩy hoạt động sản xuất và kinh doanh quốc tế hơn là các DN nhỏ.
“Nông dân làm việc trong các đồi chè của chúng tôi được đào tạo các kỹ thuật từ chăm sóc cây chè, hái chè và bảo quản chè để thu hoạch chất lượng lá chè tốt nhất trước khi đưa vào nhà máy chế biến. Nhờ đó mà chúng tôi có thể đáp ứng được các tiêu chuẩn kỹ thuật ở từng giai đoạn trong quy trình chế biến chè xuất khẩu”
“Chúng tôi đã hợp tác với nhóm nông dân và đào tạo họ để cung cấp nguyên liệu cho mình. Thực tế, hiện nay khâu nguyên liệu và sản xuất không phải là vấn đề. Nhưng, chúng tôi thiếu nhân viên marketing và nghiên cứu thị trường. Chúng tôi đang có kế hoạch xuất khẩu sản phẩm chế biến sang thị trường Hàn Quốc, sẽ tốt hơn nếu chúng tôi có nhân viên chuyên về marketing và thành thạo ngoại ngữ”.
c. Năng lực công nghệ
Công nghệ sản xuất, bảo quản và chế biến thực phẩm đóng vai trò quan trọng trong việc gia tăng giá trị cho các sản phẩm của các DN. Mặc dù nhận thức được tầm quan trọng của đổi mới và ứng dụng khoa học công nghệ trong thúc đẩy sự tham gia hiệu quả vào những công đoạn có giá trị gia tăng cao trong GVC, nhưng phần lớn doanh nghiệp NLTS Việt Nam đều chưa đầu tư thích đáng cho yếu tố này. Các hạn chế trong nguồn lực nội bộ, bao gồm nhân lực và tài chính, là nguyên nhân ngăn cản DN đầu tư vào đổi mới và ứng dụng công nghệ cao để cải tiến quy trình và cải tiến sản phẩm.
“Một chiếc tủ lạnh cỡ nhở có khả năng cấp mát đúng tiêu chuẩn mất khoảng 600 triệu. Mức giá tương tự với tủ đông. Loại tủ lạnh này cũng chỉ có sức chứa từ 2-3 con lợn. Như vậy để mở rộng quy mô sản xuất, mua máy móc công nghệ cần một nguồn vốn rất lớn, vượt quá khả năng của DN. Ngoài ra, để đào tạo lao động quy trình nuôi đúng quy chuẩn hữu cơ cũng cần thời gian”
124
Như vậy, một lần nữa quy mô và nguồn lực của DN được đề cập đến như là nhân tố cản trở DN mở rộng hoạt động kinh doanh quốc tế của họ. Thực tế, chỉ có khoảng 5% DN FDI và một nhóm nhỏ các DN quy mô lớn trong ngành đầu tư vào các dự án sản xuất và chế biến nông nghiệp công nghệ cao. Theo Báo cáo của Bộ Khoa học & Công nghệ (2018), trong toàn ngành nông nghiệp có 35 DN nông nghiệp và 03 Vùng Nông nghiệp ở địa phương được công nhận là có ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.
Bên cạnh đó, công nghệ chế biến có độ chênh lệch cao giữa các ngành nghề, thường tập trung chủ yếu vào các dự án thu hồi vốn nhanh như chế biến nông sản, bia rượu đồ uống, chế biến thuỷ sản. Một số ngành hàng có tỷ lệ chế biến rất thấp là rau quả, thịt, trứng với khối lượng đưa vào chế biến chỉ chiếm 5 - 10% sản lượng hằng năm (ví dụ, hiện ở Việt Nam có khoảng 150 DN chế biến rau quả quy mô công nghiệp với tổng công suất thiết kế trên 1.000.000 tấn sản phẩm/năm). Theo số liệu của Bộ Công Thương (2019), có đến 70% máy móc cơ giới hoá, trang thiết bị phụ trợ công nghiệp chế biến NLTS của Việt Nam được nhập khẩu từ Trung Quốc, khiến việc nâng cấp máy móc, trang thiết bị gặp nhiều khó khăn. Đây là một phần nguyên nhân dẫn tới tổn thất sau thu hoạch của nông sản Việt trung bình từ 10 – 20%, có ngành hàng thậm chí lên tới 30% (rau, quả, sắn).
DN làm việc trong lĩnh vực sản xuất và chế biến rau củ cho biết, nguyên nhân hầu hết các DN trong lĩnh vực này e ngại mở rộng quy mô và gia tăng đầu tư vào công nghệ chế biến là do tính thời vụ của mặt hàng này.
“Để đầu tư nhà máy và dây chuyền chế biến rất tốn kém, nhưng không ít thời gian trong năm các dây chuyền này phải nằm đắp chiếu do không có nguồn nguyên liệu để chạy máy. Điều này gây tổn thất rất lớn cho chúng tôi”.