Cách tiếp cận và khung phân tích của Luận án

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 79 - 84)

CHƯƠNG 3 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

3.1. Cách tiếp cận và khung phân tích của Luận án

Khung phân tích của Luận án được xây dựng dựa trên giả định rằng sự tham gia của DN Việt Nam vào GVC không phải là một hiện tượng đơn lẻ, có thể dễ dàng đo lường và trả lời theo cách đơn giản bằng một vài chỉ số tính toán. Thay vào đó, sự tham gia của DN Việt Nam vào GVC là một khái niệm bao quát, gồm các khía cạnh như công đoạn tham gia, mức độ tham gia, mối liên kết giữa DN với các đối tác trong chuỗi, được thúc đẩy bởi các động lực kinh tế và là những tình huống khác nhau được tập hợp lại. Trên cơ sở đó, khung phân tích xác định bốn khía cạnh chính của sự tham gia, sau đó được chia nhỏ hơn nữa thành các khía cạnh và yếu tố phụ khác nhau. Ngoài ra, một thành phần quan trọng bổ sung để mô tả, phân tích và hiểu rõ hơn sự tham gia của DN là bối cảnh tham gia, được thể hiện ở các nhân tố cấp độ vĩ mô và vi mô ảnh hưởng đến sự tham gia của DN vào GVC (xem sơ đồ 3.1).

Sơ đồ 3.1. Khung phân tích sự tham gia của DN Việt Nam vào GVC

68

Kế thừa các lý thuyết và kết quả nghiên cứu trước đó, nội dung phân tích và chỉ tiêu đánh giá ở từng khía cạnh được xác định cụ thể như sau:

(1) Mức độ tham gia của DN vào GVC

Căn cứ định nghĩa, các DN được xem là tham gia vào GVC nếu (1) DN nhập khẩu đầu vào trung gian từ các nhà cung cấp nước ngoài để phục vụ sản xuất hàng hóa xuất khcủa mình, hoặc (2) DN xuất khẩu hàng hóa trung gian cho đối tác nước ngoài sản xuất hàng hóa xuất khẩu của họ, hoặc (3) thực hiện đồng thời cả hai hoạt động này. Có thể thấy, sự tham gia vào GVC liên quan đến mối liên kết ngược (backward linkages) với các đối tác nước ngoài ở thượng nguồn, và liên kết xuôi (forward linkages) với các đối tác nước ngoài ở hạ nguồn. Các liên kết này có thể khám phá bằng cách truy tìm nguồn gốc tạo ra giá trị gia tăng (hay đóng góp của DN/ngành kinh tế/ quốc gia) vào tổng giá trị xuất khẩu dựa trên vị trí tạo ra giá trị và mục đích sử dụng của nó. Cách tiếp cận này được đề xuất bởi Koopman và một số học giả (Koopman & cộng sự, 2011; Borin và Mancini, 2016), đã trở thành phương pháp phổ biến nhất trong các nghiên cứu để đo lường mức độ tham gia vào GVC.

Sơ đồ 3.2. Phân tách thành phần tổng giá trị xuất khẩu

Nguồn: Give credit to where credit is due: tracing value added in global production chains, Koopman and others, 2011, p. 34

OECD cũng đã áp dụng cách tiếp cận này để xây dựng khung chỉ số TiVa. Cụ thể, tổng giá trị xuất khẩu (EXGR) được phân chia thành hai thành phần chính gồm:

69

giá trị gia tăng nước ngoài (foreign value-added - FVA) và giá trị gia tăng nội địa

(domestic value-added - DVA). FVA là tổng giá trị gia tăng từ hàng hóa và dịch vụ trung gian từ nước ngoài. Chỉ số này cho thấy đóng góp của các nhà cung cấp đầu vào nước ngoài trong tổng giá trị xuất khẩu của một ngành kinh tế/quốc gia.

DVA bao gồm tổng giá trị gia tăng mà một ngành kinh tế/quốc gia tạo ra từ xuất khẩu hàng hóa trung gian và sản phẩm cuối cùng. Chỉ số DVA có thể được coi là thước đo của "định hướng xuất khẩu" của ngành vì nó cho thấy tỷ lệ giá trị gia tăng của ngành công nghiệp đáp ứng nhu cầu nước ngoài. Tuy nhiên, lưu ý rằng DVA bao gồm 4 thành phần (sơ đồ 3.2), trong đó chỉ có thành phần thứ (3) và (4) có liên quan đến hoạt động trong GVC; thành phần (1) và (2) là hoạt động thương mại truyền thống.

Chỉ số đánh giá mức độ tham gia GVC tổng thể – GVC participation index của một quốc gia/ ngành kinh tế được xác định bằng tổng của hai chỉ số liên kết ngược và chỉ số liên kết xuôi. Công thức tính được viết như sau:

Chỉ số tham gia vào liên kết ngược (backward participation) được xác định bằng tỷ lệ FVA có trong EXGR. Sự tham gia vào liên kết ngược cho thấy mức độ mà hàng hóa trung gian nhập khẩu từ các đối tác (nhà cung cấp) nước ngoài được sử dụng để sản xuất hàng hóa xuất khẩu của quốc gia/ ngành kinh tế. Chỉ số này không bao gồm các thành phẩm xuất khẩu mà không sử dụng đầu vào nhập khẩu.

Ngược lại, chỉ số tham gia vào liên kết xuôi (forward participation) phản ánh đóng góp gián tiếp của ngành kinh tế này trong vai trò là nhà cung cấp hàng hóa trung gian cho các đối tác nước ngoài sản xuất hàng hóa xuất khẩu (DVX/EXGR). Từ sơ đồ 3.2, có thể thấy DVX bằng tổng giá trị gia tăng nội địa gián tiếp (in-direct DVA) và giá trị gia tăng nội địa có trong xuất khẩu hàng hóa trung gian mà sau đó được tái nhập trở lại (re-imported DVA).

Lưu ý them rằng, giá trị gia tăng nội địa gián tiếp (In-direct DVA) cao cho thấy tầm quan trọng của sản xuất trong nước đối với GVC, trong khi giá trị FVA cao cho thấy ngành kinh tế/ quốc gia đã tham gia sâu vào GVC nhưng chỉ thu được một phần nhỏ giá trị gia tăng.

70

Như vậy, về mặt lý luận, nếu có dữ liệu ở cấp độ DN, tức số liệu thống kê tổng giá trị cuất khẩu, giá trị gia tăng nước ngoài có trong xuất khẩu và giá trị gia tăng nội địa được xuất khẩu sang quốc gia khác của DN thì hoàn toàn có thể tính được chỉ số tham gia vào của các DN trong một ngành kinh tế của một quốc gia. Cách tính tương tự như công thức tính chỉ số tham gia vào GVC của ngành kinh tế/quốc gia.

(2) Chức năng (vị trí) của DN trong GVC

Trước hết, theo định nghĩa, DN tham gia vào GVC nếu nó thực hiện ít nhất một công đoạn trong chuỗi. Đối với GVC trong lĩnh vực nông nghiệp, có năm công đoạn chức năng chính bao gồm: cung cấp đầu vào, sản xuất, thu gom, chế biến, marketing và phân phối. DN có thể chịu trách nhiệm một hoặc nhiều chức năng. Việc tìm hiểu vai trò chức năng của DN Việt Nam cũng tức là trả lời cho câu hỏi các DN Việt Nam đang tham gia ở công đoạn nào trong GVC? Theo định nghĩa của chỉ số tham gia, các quốc gia/ngành kinh tế có thể có chỉ số tham gia giống hệt nhau trong các GVC, nhưng vị trí của họ trong chuỗi cung ứng có thể khác nhau đáng kể. Nói cách khác, các DN/ ngành kinh tế/quốc gia có thể tham gia vào một GVC bằng cách chuyên môn hóa các hoạt động ở thượng nguồn hoặc hạ nguồn trong mạng lưới sản xuất. Do đó, để phân biệt rõ hơn bản chất của sự tham gia trong GVC, Koopman et al. (2011) đã đề xuất chỉ số vị trí GVC (GVC’s position) nhằm xác định các quốc gia/ ngành kinh tế hiện chuyên môn hóa ở bước đầu tiên hay bước cuối cùng của sản xuất. Chỉ số này được tính theo công thức:

𝐺𝑉𝐶_p𝑜𝑠 = ln (1 + DVX ) − ln (1 + 𝐹𝑉𝐴 )

𝐸𝑋GR 𝐸𝑋GR

Chỉ số GVC_pos. dương cho thấy quốc gia/ngành kinh tế chuyên môn hóa ở các hoạt động thượng nguồn trong GVC và ở xa với nhu cầu cuối cùng (ví dụ: sản xuất các sản phẩm trung gian được các quốc gia khác sử dụng trong xuất khẩu của họ). Ngược lại, Chỉ số GVC_pos. âm biểu thị sự chuyên môn hóa hạ nguồn trong các giai đoạn gần với nhu cầu cuối cùng (ví dụ: việc sử dụng các sản phẩm trung gian để sản xuất hàng hóa cuối cùng để xuất khẩu).

(3) Liên kết giữa DN với các đối tác trong GVC

Trong GVC, mối quan hệ giữa các chủ thể được khám phá thông qua phân tích các mô thức quản trị cũng như phương thức phối hợp dựa trên các tiêu chuẩn giữa các thành

71

viên trong chuỗi. Liên kết giữa DN với các đối tác trong GVC thể hiện ở cách thức hợp tác và điều phối hoạt động chức năng trong GVC. Căn cứ vào lý thuyết về quản trị GVC, có 5 cấu trúc liên kết cơ bản gồm: liên kết thị trường, liên kết mô-đun, liên kết quan hệ, liên kết phụ thuộc và liên kết phân cấp. Việc xác định cấu trúc quản trị GVC mà các DN Việt Nam tham gia sẽ có ý nghĩa quan trọng trong việc làm rõ mối quan hệ giữa DN Việt Nam với các đối tác của họ. Chẳng hạn, đối với GVC trong lĩnh vực nông nghiệp, các khâu từ sản xuất ban đầu đến thu gom chế biến và phân phối tiêu thụ đều được kiểm soát theo hợp đồng hoặc hệ thống các tiêu chuẩn nhằm tạo sản phẩm đáp ứng yêu cầu của thị trường. Câu hỏi đặt ra ở đây là “ai là người có quyền kiểm soát và định ra các tiêu chuẩn trong chuỗi? DN Việt Nam hay đối tác của họ?”.

Chỉ tiêu phân tích: tỷ lệ ký kết và thực hiện hợp đồng, tỷ lệ giao dịch bằng miệng, các điều khoản hợp đồng

(4) Động lực DN tham gia vào GVC

Các lý do khiến DN tham gia vào GVC được lý giải bằng các động lực kinh tế trong kinh doanh như mong muốn mở rộng thị trường, tăng doanh số và lợi nhuận.

Có thể thấy, trong số bốn khía cạnh được đề xuất để phân tích sự tham gia của DN vào GVC, ba khía cạnh đầu tiên nhằm xác định “DN tham gia như thế nào?”, trong khi khía cạnh cuối cùng liên quan đến lý do tại sao DN tham gia — ‘Tham gia để làm gì?’. Mục đích phân tích là để khám phá liệu những mong muốn này có đạt được hay không, từ đó xác định liệu có nên thúc đẩy sự tham gia của DN vào GVC để mở rộng những lợi ích này. Ngoài ra, như đã nói ở trên, sự tham gia của DN Việt Nam vào GVC diễn ra trong bối cảnh cụ thể, chịu sự tác động của các yếu tố từ môi trường vĩ mô và vi mô – do đó, đây cũng là một khía cạnh quan trọng cần đưa vào khung phân tích.

Sơ đồ 3.3 diễn giải các lý thuyết được kế thừa và sử dụng để xây dựng khung phân tích sự tham gia của DN Việt Nam vào GVC trong lĩnh vực nông nghiệp. Đặc biệt, sơ đồ 3.2. cũng bổ sung thêm phần giải thích các hàm ý chiến lược và chính sách – một trong ba mục tiêu chính của Luận án sẽ được đề xuất căn cứ vào lý thuyết liên quan đến các hình thái nâng cấp trong GVC lĩnh vực nông nghiệp. Theo đó, hàm ý đối với DN là các chiến lược nhằm nâng cấp vị trí của họ trong GVC, còn hàm ý đối với chính phủ là xây dựng cơ chế chính sách nhằm hỗ trợ và đẩy mạnh sự tham gia của DN vào GVC theo hướng bền

72

vững, để quá trình này phục vụ cho sự phát triển kinh tế - xã hội của quốc gia (Các chính sách hướng đến “nâng cấp môi trường kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp” đã được trình bày ở chương 2).

Sơ đồ 3.3. Mô tả cơ sở lý thuyết xây dựng khung phân tích sự tham gia của DN Việt Nam vào GVC: trường hợp ngành nông nghiệp

Nguồn: Tổng hợp bởi tác giả

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 79 - 84)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)