Khái niệm chuỗi giá trị và chuỗi giá trị toàn cầu

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 43 - 45)

Trước hết, cần phân biệt thuật ngữ “chuỗi giá trị” của M. Porter (1985) với khái niệm chuỗi giá trị mà hầu hết các nhà nghiên cứu ngày nay đang sử dụng. Như đã biết, thuật ngữ “chuỗi giá trị - value chain” lần đầu tiên được M. Porter giới thiệu chính thức vào giữa thập niên 80 trong cuốn “Lợi thế cạnh tranh: tạo lập và duy trì thành tích vượt trội trong kinh doanh”, như là một công cụ để phân tích nguồn gốc lợi thế cạnh tranh của DN. Theo ông, chuỗi giá trị là tập hợp một loạt các hoạt động của DN nhằm tạo thêm giá trị gia tăng cho sản phẩm trước khi đến tay người tiêu dùng. Các hoạt động này được chia làm hai nhóm: (1) hoạt động sơ cấp bao gồm thiết kế mẫu mã, sản xuất, marketing, phân phối và dịch vụ sau khi bán cho người tiêu dùng cuối cùng; (2) các hoạt động hỗ trợ như xây dựng cơ sở hạ tầng doanh nghiệp, quản trị nguồn nhân lực, phát triển công nghệ và thu mua bổ sung cho hoạt động sơ cấp và tự chúng hỗ trợ lẫn nhau. Các hoạt động này diễn ra trong nội bộ DN nhằm mang lại giá trị gia tăng cho sản phẩm, qua đó tăng khả năng cạnh tranh cho DN. Như vậy, “chuỗi giá trị” được Porter đề xuất như là “một phương pháp mang tính hệ thống để khảo sát mọi hoạt động của doanh nghiệp và sự tương tác của chúng, để phân tích các nguồn gốc của lợi thế cạnh tranh” (Porter, 1985, tr.71).

Tuy nhiên, trên thực tế, các hoạt động này không chỉ diễn ra bên trong một DN, thay vào đó là sự phối hợp giữa nhiều DN khác nhau cùng thực hiện. Khái niệm “chuỗi giá trị” tiếp tục được mở rộng bởi các học giả, và được hiểu là “toàn bộ những hoạt động cần thiết để đưa một sản phẩm hay dịch vụ từ khái niệm ban đầu, qua các công đoạn sản xuất khác nhau (liên quan đến việc kết hợp giữa chuyển hóa vật chất và đầu vào các dịch vụ sản xuất khác nhau), đến người tiêu dùng sau cùng, và việc bố trí sau sử dụng” (Kaplinsky và Morris, 2002, tr.4). Các hoạt động chính trong chuỗi giá trị có thể phân loại thành bốn nhóm cơ bản: thiết kế và phát triển sản phẩm, sản xuất, tiếp thị,

32

tiêu thụ và tái chế. Khi các hoạt động này được thực hiện bởi các DN đến từ nhiều quốc gia khác nhau thì nó được gọi là chuỗi giá trị toàn cầu (Global value chain – GVC). GVC do đó có nhiều mắt xích hơn, và mối quan hệ giữa các bên tham gia trở nên phức tạp hơn.

Ở đây, điểm mấu chốt khác biệt giữa chuỗi giá trị đơn thuần và GVC nằm ở phạm vi địa lý của nó. GVC là hiện tượng trong đó sản xuất được chia thành các hoạt động và nhiệm vụ được thực hiện bởi các DN ở các quốc gia khác nhau. Với cách hiểu này, ít nhiều có sự tương đồng giữa khái niệm GVC với hai khái niệm khác là “chuỗi hàng hóa toàn cầu” và “chuỗi cung ứng toàn cầu”. Cả ba thuật ngữ này đều cùng chỉ phương thức tổ chức hoạt động sản xuất kinh doanh trong môi trường toàn cầu, trong đó có sự tham gia của các DN đến từ nhiều quốc gia khác nhau vào các công đoạn từ thiết kế, chế tạo, tiếp thị đến phân phối và hỗ trợ người tiêu dùng. Tuy nhiên, thuật ngữ "chuỗi giá trị toàn cầu" muốn nhấn mạnh đến khía cạnh giá trị của sản phẩm được tạo ra qua mỗi công đoạn trong chuỗi. Những người tham gia vào các công đoạn chính sở hữu sản phẩm, đồng thời tạo ra hoặc gia tăng thêm giá trị cho sản phẩm ở công đoạn mà họ phụ trách. Do đó, định nghĩa về GVC có thể được phát biểu ngắn gọn như sau: “Chuỗi giá trị toàn cầu bao gồm một loạt các giai đoạn liên quan đến việc sản xuất một sản phẩm hoặc dịch vụ, mà ở mỗi giai đoạn sẽ gia tăng giá trị cho sản phẩm và có ít nhất hai giai đoạn được sản xuất ở các quốc gia khác nhau”.

Cần phải nhấn mạnh rằng, sự phức tạp trong cấu trúc và các mối liên kết giữa các tác nhân tham gia vào GVC không chỉ bởi phạm vi địa lý rộng lớn của nó, mà còn bởi sự kết nối giữa các ngành sản xuất khác nhau. Theo đó, sản phẩm của ngành này có thể là nguyên liệu đầu vào cho những ngành khác. Các chuỗi đơn lẻ kết hợp với nhau tạo thành chuỗi giá trị mở rộng, tại đó các nhà cung cấp có thể tham gia vào việc tạo ra giá trị trong những chuỗi khác nhau. Do đó, GVC có thể được phân loại là chuỗi đơn giản hoặc chuỗi phức tạp dựa trên số lần mà sản phẩm trung gian được xuất khẩu qua biên giới một quốc gia để phục vụ cho mục đích sản xuất. Đối với GVC đơn giản, hàng hóa trung gian chỉ đi qua biên giới quốc gia một lần để phục vụ cho hoạt động sản xuất. Trong khi đó, đối với các GVC phức tạp, hàng hóa trung gian đi qua biên giới quốc gia nhiều lần để phục vụ cho sản xuất sản phẩm cuối cùng.

33

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)