Mặc dù các nghiên cứu về sự tham gia vào GVC tương đối phong phú, song cho đến nay chưa có một tài liệu nào đưa ra định nghĩa chính thức cho thuật ngữ “sự tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu” (GVC participation). Khái niệm này được hiểu căn cứ vào cách định nghĩa về GVC. Như đã biết, GVC là chuỗi các công đoạn sản xuất một sản phẩm hoặc dịch vụ để phân phối cho người tiêu dùng. Ở mỗi công đoạn giá trị gia tăng sẽ được tạo ra/ thêm vào cho sản phẩm, và ít nhất hai công đoạn sẽ nằm ở các quốc gia khác nhau. Chẳng hạn, một chiếc máy tính được lắp ghép ở Việt Nam với các linh kiện nhập khẩu từ Hàn Quốc và Nhật Bản, sau đó xuất khẩu đi các quốc gia Châu Âu. Theo cách định nghĩa này, một quốc gia/ ngành kinh tế hay một DN tham gia vào GVC nếu nó thực hiện ít nhất một công đoạn trong GVC (Antràs, 2020).
Các hoạt động trong GVC thường gắn với thương mại quốc tế về nguyên liệu thô và các đầu vào trung gian. Không giống như thương mại truyền thống nơi các giao dịch chỉ liên quan đến hai bên (trong đó hàng hóa được sản xuất 100% ở một quốc gia và được bán ở một quốc gia khác), thương mại trong GVC đi qua biên giới nhiều lần phục
47
vụ mục đích sản xuất. Trong quá trình đó, một quốc gia/ ngành kinh tế/ DN nhất định sẽ tiếp nhận đầu vào (hàng hóa trung gian) từ các quốc gia/ ngành kinh tế/ DN khác để tạo thêm phần đóng góp của mình về mặt giá trị gia tăng trong sản phẩm đầu ra. Đồng thời, chính các sản phẩm đầu ra này có thể tiếp tục được xuất khẩu như hàng hóa trung gian hoặc sản phẩm tiêu dùng cuối cùng cho ngành kinh tế hoặc DN ở các quốc gia khác.
Từ góc độ này, một quốc gia/ ngành kinh tế và DN có thể tính là đang tham gia vào GVC nếu quốc gia/ ngành kinh tế, DN đó thực hiện một trong số các hoạt động sau:
(1) Xuất khẩu giá trị gia tăng trong nước dưới dạng hàng hóa trung gian được nước nhập khẩu trực tiếp sử dụng để sản xuất phục vụ tiêu dùng trong nước;
(2) Xuất khẩu giá trị gia tăng trong nước dưới dạng hàng hóa trung gian được nước nhập khẩu trực tiếp sử dụng để sản xuất sản phẩm cho nước thứ ba;
(3) Sử dụng hàng hóa trung gian của các quốc gia khác để sản xuất hàng hóa xuất khẩu;
(4) Sử dụng hàng hóa trung gian của các nước khác để sản xuất cho mục đích sử dụng trong nước.
Hàng hóa trung gian được hiểu là hàng hóa và dịch vụ được sử dụng làm đầu vào của một quá trình sản xuất, không bao gồm tài sản cố định. Hàng hóa trung gian trong lĩnh vực nông nghiệp là các mặt hàng rau quả, lương thực, thủy sản, lâm sản dưới dạng thô hoặc có qua chế biến (sơ chế) sau đó được sử dụng phục vụ sản xuất cho các ngành công nghiệp quốc gia khác. Như vậy, các DN nông nghiệp được xem là tham gia vào GVC nếu có hoạt động nhập khẩu hàng hóa trung gian nông nghiệp để phục vụ sản xuất các sản phẩm nông sản của mình, hoặc xuất khẩu hàng hóa trung gian nông nghiệp cho các nhà sản xuất và chế biến nước ngoài. Các DN Việt Nam có thể giữ các vai trò chức năng khác nhau trong GVC, từ công đoạn cung cấp đầu vào, sản xuất đến chế biến các sản phẩm nông nghiệp như đã mô tả ở mục 2.2.2.
Cách định nghĩa này dẫn đến một loạt thách thức trong việc đo lường mức độ tham gia vào GVC của các quốc gia/ ngành kinh tế/ DN bởi các số liệu thống kê thương mại hiện tại chỉ cung cấp thông tin về nơi sản xuất hàng hóa hoặc dịch vụ đã giao dịch,
48
chứ không phải về cách hàng hóa được sản xuất – tức những quốc gia/ ngành kinh tế/ DN nào đã đóng góp giá trị cho nó. Tương tự, dữ liệu hải quan ghi lại nơi hàng hóa xuất nhập khẩu được chuyển đến, nhưng không ghi lại cách nó sẽ được sử dụng - nghĩa là liệu hàng hóa đó có được tiêu thụ hết (được hấp thụ) tại nước nhập khẩu hay không, hay liệu hàng hóa đó sẽ được tái xuất sau khi quốc gia nhập khẩu tăng thêm giá trị cho nó.
Trong Luận án, sự tham gia vào GVC được hiểu là quá trình DN/ngành kinh tế/quốc gia tích hợp vào GVC thông qua hoạt động xuất khẩu hoặc nhập khẩu hàng hóa trung gian. Quá trình này được xem xét như một hiện tượng mang tính đa chiều, phức tạp, diễn ra trong bối cảnh cụ thể của DN, của ngành kinh tế, quốc gia và bối cảnh quốc tế (đặc biệt là bối cảnh toàn cầu hóa). Ở mỗi quốc gia, trong các lĩnh vực kinh tế khác nhau, DN có thể tham gia vào GVC theo các cách thức và mức độ khác nhau. Hơn nữa, sự tham gia của DN vào GVC thay đổi theo thời gian và bị tác động bởi nhiều yếu tố, cả khách quan và chủ quan.