Sau khi xem xét toàn diện các nghiên cứu trong phạm vi đề tài, tác giả rút ra một số nhận định sau:
Thứ nhất, về phương pháp tiếp cận phân tích, hiện có hai luồng tài liệu nghiên cứu về chuỗi hàng hóa toàn cầu với hai phương pháp tiếp cận phân tích khác nhau, bao
27
gồm phương pháp phân tích chuỗi giá trị toàn cầu trong các tài liệu nghiên cứu kinh doanh quốc tế bằng tiếng Anh; và phương pháp phân tích “filière” trong các tài liệu nghiên cứu bằng tiếng Pháp. Xét về mặt chuẩn tắc, phương pháp tiếp cận phân tích GVC đưa ra được khung lý thuyết tương đối hoàn thiện so với phương pháp “filière”.
Thứ hai, về phạm vi nghiên cứu, các nghiên cứu GVC có xu hướng mở rộng từ lĩnh vực công nghiệp sản xuất sang cả các lĩnh vực như nông nghiệp và dịch vụ. Không có gì khó hiểu khi các tài liệu GVC sớm quan tâm đến các lĩnh vực sản xuất như hàng may mặc và điện tử vì họ là đại diện đầu tiên của mô hình kinh doanh toàn cầu này. Tuy nhiên cùng với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế và tác động của toàn cầu hóa đến mọi mặt đời sống, các chuỗi kinh doanh nông nghiệp ngày càng được tổ chức xung quanh mô hình GVC. Tuy nhiên, GVC trong lĩnh vực nông nghiệp có những đặc trưng riêng, tương đối khác biệt so với các GVCs trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp.
Thứ ba, về quan điểm nghiên cứu, các học giả đều thống nhất với nhau về vai trò tích cực cũng như tầm quan trọng của việc thúc đẩy sự tham gia của các DN địa phương vào GVCs. GVCs đã và đang góp phần đáng kể trong việc gia tăng năng suất và thu nhập cho các doanh nghiệp ở cả các nước phát triển và đang phát triển. GVCs đặc biệt càng có ý nghĩa quan trọng đối với các doanh nghiệp địa phương tại các quốc gia đang phát triển. Nhờ sự phân tán quốc tế về sản xuất thành các nhiệm vụ đơn lẻ mà nhiều doanh nghiệp địa phương đã có thể tham gia vào GVCs, bằng cách góp phần vào một hay nhiều công đoạn phối hợp để tạo ra sản phẩm cuối cùng. Trở thành một phần trong GVCs còn giúp DN địa phương tiếp cận với thị trường, đổi mới và tiến bộ khoa học kỹ thuật từ nước ngoài. Chính vì vậy, đảm bảo môi trường thuận lợi, tạo điều kiện cho các DN địa phương tham gia hiệu quả vào GVCs là nhiệm vụ quan trọng đối với các nhà hoạch định chính sách ở hầu hết các quốc gia.
Thứ tư, về đối tượng nghiên cứu, các học giả gần đây đã thay đổi trọng tâm từ các công ty lớn dẫn đầu chuỗi, các tập đoàn đa quốc gia sang các công ty địa phương có quy mô nhỏ hơn. Đặc biệt đối với các nghiên cứu GVC trong lĩnh vực nông nghiệp, đối tượng được chú ý nhiều nhất chính là các hộ nông dân và các DN phương quy mô nhỏ hoạt động trong GVCs cũng như khả năng nâng cấp của họ trong GVC (Wang và
28
Brown, 2013; Nájera, 2017). Điều này trái ngược với xu hướng tập trung vào các DN dẫn đầu và vấn đề quản trị trong các tài liệu nghiên cứu GVC nói chung. Nhìn chung, các kết quả nghiên cứu kêu gọi sự hỗ trợ của các bên liên quan, bao gồm chính phủ, DN dẫn đầu, dành cho các đối tượng dễ tổn thương nói trên thông qua các biện pháp như hỗ trợ tài chính, phổ biến kiến thức khoa học kỹ thuật.
Một phát hiện quan trọng trong các nghiên cứu về sự tham gia của DN địa phương vào GVCs là mức độ tham gia vào GVCs của các DN ở các quốc gia khác nhau thường không đồng nhất, ngay cả trên cùng lãnh thổ một quốc gia mức độ tham gia này cũng khác nhau đối với những nhóm DN ở các ngành nghề và lĩnh vực khác nhau. Tuy nhiên, việc đánh giá ảnh hưởng của các nhân tố đến sự tham gia của DN địa phương vào GVCs tương đối phức tạp, do tính đa dạng của các nhân tố và sự thiếu hụt cơ sở dữ liệu ở cấp độ DN.Bất chấp những lợi ích và cơ hội mà GVC mang đến cho DN ở các quốc gia đang và kém phát triển, sự tham gia của các DN ở các quốc gia này vào GVCs còn gặp rất nhiều trở ngại bởi năng lực tài chính, khả năng cạnh tranh, và yếu kém trong kinh nghiệm cũng như kỹ năng quản lý.
Thứ năm, về phương pháp thu thập dữ liệu, nhìn chung, dữ liệu điều tra khảo sát về các doanh nghiệp trong từng ngành nghề, lĩnh vực cụ thể được sử dụng trong cả nghiên cứu định tính lẫn định lượng để đánh giá mức độ tham gia của các doanh nghiệp vào GVCs. Có hai nguồn dữ liệu được thu thập là dữ liệu thứ cấp và sơ cấp. Đối với dữ liệu sơ cấp, các nhà nghiên cứu có thể tận dụng các dữ liệu sẵn có ở cấp độ vĩ mô như OECD-WTO TiVA, dữ liệu thống kê Input – Output, hoặc sử dụng các dữ liệu ở cấp độ vi mô trong các điều tra khảo sát về DN được thực hiện bởi các tổ chức uy tín như WB, OECD, ADB, hiệp hội DN ở từng quốc gia… để đánh giá sơ bộ mức độ tham gia của các DN vào GVCs (ví dụ, nghiên cứu của Zhang Yuhua và Akhmad Bayhaqi, 2013; Zhang Yuhua, 2014; Davide và các cộng sự, 2015…).