đến khách hàng hoặc người tiêu dùng cuối cùng
Nhìn chung, chuỗi giá trị nông sản hiện đại được đặc trưng bởi sự phối hợp dọc, hợp nhất cơ sở cung ứng, chế biến nông-công nghiệp và sử dụng các tiêu chuẩn thống nhất trong toàn chuỗi. Hệ thống này có thể được định nghĩa là một quan hệ đối tác chiến lược giữa các DN phụ thuộc lẫn nhau để cùng nhau tạo ra giá trị cho người tiêu dùng cuối cùng, dẫn đến lợi thế cạnh tranh tập thể. Lợi nhuận mang về cho các thành viên cũng như tính ổn định trong các chuỗi này do đó cao hơn nhiều so với mô hình chuỗi truyền thống. Bởi vậy, hầu hết các cá nhân và DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp đều có mong muốn trở thành một phần trong các chuỗi chính thức.
2.2.2. Cấu trúc và chủ thể tham gia chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp nghiệp
Nếu như trước đây, các chuỗi giá trị nông nghiệp hoàn toàn nằm ở một quốc gia, thì hiện nay dưới tác động của toàn cầu hóa, các chuỗi giá trị nông nghiệp đang ngày càng trở nên quốc tế hóa và được cấu trúc theo mô hình GVC. các GVCs trong lĩnh vực nông nghiệp có sự tham gia của hàng triệu nông dân và các DN lớn nhỏ ở các quốc gia khác nhau. Mỗi chủ thể chỉ thực hiện một bước nhỏ trong chuỗi góp phần làm tăng giá trị sản phẩm trên con đường đến tay người tiêu dùng cuối cùng - bằng cách phát triển, mua, bán, xử lý, vận chuyển, lưu trữ, kiểm tra, đóng gói, chế biến và phân phối. Hàng hóa nông nghiệp chuyển động theo trình tự từ thượng nguồn đến hạ nguồn, với giá trị gia tăng ở mỗi giai đoạn.
39
Cần phải nhấn mạnh rằng, có sự khác biệt rất lớn giữa xuất khẩu nông sản đơn thuần (chuỗi cung ứng nông sản xuất khẩu) với mô hình sản xuất theo GVC trong lĩnh vực nông nghiệp. Nếu sản phẩm nông nghiệp chỉ được tạo ra hoàn toàn bằng các yếu tố đầu vào trong nước, sau đó xuất khẩu để phục vụ nhu cầu tiêu dùng thì đó là mô hình tổ chức sản xuất và thương mại truyền thống. Chuỗi giá trị nông sản chỉ được phân loại là GVC khi các hoạt động của nó được thực hiện bởi các chủ thể đến từ nhiều quốc gia khác nhau nhằm cung cấp sản phẩm cho người tiêu dùng trên thị trường thế giới. Cụ thể hơn, GVC trong lĩnh vực nông nghiệp là mô hình tổ chức sản xuất nông sản liên kết các nhà sản xuất, chế biến, tiếp thị, công ty dịch vụ thực phẩm, nhà bán lẻ và các tổ chức hỗ trợ từ nhiều quốc gia khác nhau để cùng tạo ra giá trị gia tăng cho sản phẩm nông nghiệp. Trong GVC, các đầu vào từ nước ngoài sẽ được sử dụng để sản xuất nông sản phục vụ tiêu dùng trong nước, hoặc nông sản trong nước được xuất khẩu sang nước thứ ba để phục vụ sản xuất.
Nhìn chung nông nghiệp là lĩnh vực có chỉ số chiều dài GVC (GVC Length Index) thấp tương đối so với các ngành sản xuất công nghiệp khác, do đặc điểm các sản phẩm tươi sống thường chuyển trực tiếp từ nhà sản xuất trong nước sang người tiêu dùng ở nước ngoài. Các GVCs trong lĩnh vực nông nghiệp đa số là mô hình GVC đơn giản (trong mô hình GVC đơn giản giá trị gia tăng nước ngoài và giá trị gia tăng nội địa chỉ vượt qua biên giới quốc gia một lần để phục vụ hoạt động sản xuất, trong khi mô hình GVC phức tạp hàng hóa trung gian có thể xuyên biên giới quốc gia nhiều lần trước khi trở thành sản phẩm cuối cùng).
Theo Memedovic và các cộng sự (2009), các chuỗi kinh doanh nông nghiệp bao gồm 5 công đoạn chức năng chính:
- Cung cấp đầu vào: các hoạt động nghiên cứu và phát triển, cung cấp các đầu vào chủ yếu của nông nghiệp như con giống, phân bón, thức ăn chăn nuôi và máy móc canh tác.
- Sản xuất: các hoạt động liên quan đến canh tác, nuôi trồng tạo rẩn phẩm nông nghiệp cơ bản.
- Thu gom: vận chuyển, phân loại và đưa sản phẩm từ nhà sản xuất đến nhà chế biến.
40
- Chế biến: bao gồm cả sơ chế và chế biến sâu các sản phẩm nông nghiệp cơ bản thành nông sản chế biến.
- Phân phối: các hoạt động liên quan đến đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng. Tuy nhiên, ngoài các công đoạn chính để tạo ra và bổ sung giá trị gia tăng cho sản phẩm cuối cùng, các GVCs vận hành còn nhờ sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ và chịu tác động từ môi trường xung quanh. Điều này làm cho cấu trúc của chuỗi trở nên phức tạp hơn rất nhiều, không chỉ bởi phạm vi địa lý rộng lớn của nó, mà còn bởi sự đa dạng của các nhóm tác nhân tham gia trong chuỗi (mô tả trong sơ đồ 2.3).
Sơ đồ 2.3. Các chủ thể trong chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu
Nguồn: Tổng hợp bởi tác giả
Các tác nhân này chia thành ba nhóm:
Nhóm các tác nhân/chủ thể chính (actors/primary operators) hay những người vận hành chính là các chủ thể tham gia vào các công đoạn (chức năng) sản xuất trong chuỗi giá trị. Họ là chủ sở hữu của sản phẩm dọc theo chuỗi. Họ cung cấp các đầu vào chính, thực hiện các quy trình sản xuất và chuyển giao bán thành phẩm và sản phẩm cuối cùng cho người tiêu dùng ở các thị trường khác nhau. Trong các chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu, họ bao gồm nhà cung cấp đầu vào, nông dân, thương lái, doanh nghiệp chế biến trong lĩnh vực thực phẩm và đồ uống, nhà phân phối (bán buôn và bán lẻ), khách hàng. Ngay trong mỗi công đoạn trong chuỗi cũng có sự đa dạng về thành phần tham gia, từ các công ty cung cấp đầu vào ở mức cơ bản cho đến những công ty đầu tư bài bản cho hoạt động nghiên cứu và phát triển, từ nông dân nhỏ lẻ tự cung tự cấp đến
41
các nông trại quy mô lớn công nghệ cao, hay sự tham gia của các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SMEs) cho đến các tập đoàn đa quốc gia (MNCs). Trong nhiều trường hợp, mỗi chủ thể này có thể tham gia vào nhiều hoạt động khác nhau trong chuỗi.
Nhóm các nhà cung cấp dịch vụ hỗ trợ (service providers): chuỗi giá trị nông nghiệp được vận hành nhờ sự hỗ trợ của các nhà cung cấp dịch vụ, ví dụ nhà cung cấp các dịch vụ kỹ thuật không thể thiếu và chuyên biệt cho các hệ thống thủy lợi trong canh tác, các tổ chức cung cấp tín dụng tài chính, các viện nghiên cứu hay tổ chức nông nghiệp phát triển các cách thức canh tác hoặc cải tiến giống cây trồng vật nuôi để nông dân tham gia thành công hơn vào chuỗi giá trị. Đặc biệt, cần nhấn mạnh vai trò của các đại lý xuất khẩu trong chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu. Đây là đối tượng kết nối sản xuất trong nước với tiêu dùng ở nước ngoài.
Nhóm các tác nhân/chủ thể đóng vai trò là tác nhân gây ảnh hưởng(influencers)
đến hoạt động của các chủ thể tham gia trực tiếp trong các công đoạn của chuỗi giá trị