Vai trò chức năng của các doanh nghiệp trong chuỗi giá trị toàn cầu

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 60 - 62)

Với cách hiểu một doanh nghiệp tham gia vào GVC khi nó thực hiện hoạt động mua hoặc bán hàng hóa trung gian với các DN ở quốc gia khác, có thể chia vai trò của DN trong GVC làm hai nhóm theo hoạt động mà DN thực hiện: người bán và người mua. Với vai trò là người mua (buyer role) trong GVC, DN có thể mua đầu vào để sản xuất các đầu vào trung gian trong chuỗi giá trị, để sản xuất hàng xuất khẩu cuối cùng hoặc để lắp ráp. Với vai trò là người bán (supplier role), DN có thể đảm nhận ba chức năng: cung cấp các thành phần chìa khóa trao tay, các đầu vào khác và các đầu vào chính. Trong nhiều trường hợp, DN có thể đồng thời là người mua và bán trong GVC. Sturgeon và cộng sự (2009) phân loại DN tham gia trong GVC thành hai nhóm chính: công ty dẫn đầu và nhà cung cấp (tức các DN không bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng). Cách phân loại này không chỉ dựa trên chức năng nhiệm vụ mà còn cho thấy vai trò bất đối xứng giữa các DN trong GVC. Các công ty dẫn đầu có quyền lực ảnh hưởng đến cách thức tổ chức và cấu trúc của GVC. Họ là tác nhân mạnh mẽ định hình chuỗi giá trị bằng cách thực hiện các nhiệm vụ như xác định đặc tính của sản phẩm, phân phối nhiệm vụ dọc theo chuỗi, tác động đến việc phân phối rủi ro và lợi

49

ích trong chuỗi, lựa chọn nhà cung cấp và giám sát hoạt động của họ. Các nhà cung cấp phần lớn chỉ được coi là những tác nhân thụ động và cấp dưới hành động trong những ràng buộc do DN dẫn đầu xác định. Các nhà cung cấp phải tích lũy năng lực phù hợp với yêu cầu dưới sự trợ giúp của DN dẫn đầu. Điều này tạo ra sự bất đối xứng của cấu trúc thị trường trong GVC với các công ty dẫn đầu độc quyền và sự cạnh tranh giữa các nhà cung cấp.

Tuy nhiên, trong hai thập kỷ gần đây, toàn cầu hóa cũng đã thúc đẩy sự phát triển năng lực công nghiệp ở một loạt các nước đang phát triển và phân chia lại vai trò của các chủ thể tham gia vào chuỗi cung ứng. Sự phân mảnh của quá trình sản xuất và chuyên môn hóa theo chiều dọc tạo điều kiện cho các DN ở các quốc gia đang phát triển tham gia vào GVC mà không cần phải xây dựng hệ thống sản xuất và phân phối toàn diện một sản phẩm. Vai trò của các nhà cung cấp ở các quốc gia này trong GVC ngày càng tích cực và mạnh mẽ hơn. Đầu tiên, các nhà cung cấp có thể thực hiện quyền tự quyết thông qua việc lựa chọn thị trường và khách hàng của họ (cái nào, ở đâu và số lượng bao nhiêu) và thông qua việc đưa ra các quyết định chiến lược để có được năng lực và định vị lại bản thân mặc dù vẫn chịu những ràng buộc của các DN dẫn đầu và các tác nhân khác trong GVC. Thứ hai, quá trình tích lũy năng lực đã dẫn đến các tình huống mà ngay cả các nhà cung cấp ở các nước đang phát triển cũng có năng lực bằng hoặc hơn so với các khách hàng của họ và trở thành các công ty dẫn đầu trên nhiều lĩnh vực.

Mặc dù một DN có thể đảm nhận cùng lúc nhiều chức năng khác nhau trong GVC, song các hoạt động ở thượng nguồn (gồm các công đoạn đầu chuỗi như nghiên cứu phát triển, thiết kế) và hạ nguồn (gồm các hoạt động cuối chuỗi như logistics, marketing, phát triển thương hiệu và các dịch vụ sau bán hàng) thường mang lại giá trị gia tăng cao hơn cho sản phẩm, do đó thu về lợi ích lớn hơn cho các DN thực hiện các nhiệm vụ này. Lưu ý rằng, để thực hiện được các chức năng ở thượng nguồn và hạ nguồn đòi hỏi DN phải có nguồn lực tài chính, cơ sở hạ tầng công nghệ, cũng như đội ngũ lao động có kiến thức và kỹ năng. Đó là lý do tại sao hầu hết các hoạt động này được thực hiện bởi các DN có quy mô và nguồn lực lớn. Ngược lại, các DN có quy mô

50

nhỏ, bị hạn chế về công nghệ và tài chính sẽ thực hiện các công việc đơn giản hơn trong GVC.

Thực tế cho thấy, sự hội nhập ngày càng tăng của thương mại thế giới đã giúp các tập đoàn đa quốc gia (MNCs) tìm thấy nhiều lợi ích từ việc thuê ngoài một phần, hay thậm chí toàn bộ các khâu không phải cốt lõi trong quy trình sản xuất. Điểm mấu chốt ở đây là các MNCs sẽ phải xác định họ sẽ giữ lại hoạt động và công nghệ nào, và giao quyền gia công hay các công đoạn khác cho ai, ở đâu? Nhìn chung, MNCs và các DN lớn ở các quốc gia phát triển ngày nay thường tập trung vào các hoạt động đổi mới, sáng tạo sản phẩm, marketing hay các phân phối, đồng thời giảm quyền sở hữu trực tiếp của họ đối với các chức năng không phải là cốt lõi như dịch vụ chung, gia công, sản xuất. Những chức năng này được chuyển dần cho các DN ở các quốc gia đang phát triển. Cụ thể, các DN ở Châu Phi, Trung Á và Châu Mỹ Latinh vẫn sản xuất các mặt hàng cung cấp cho ngành công nghiệp chế biến sâu ở các quốc gia tiên tiến. Xu hướng này quay trở lại tác động đến thương mại quốc tế, làm gia tăng tỷ lệ trao đổi hàng hóa và dịch vụ trung gian giữa các DN ở các quốc gia.

Các đặc điểm này cũng đúng trong việc phân chia chức năng giữa các DN trong các GVCs lĩnh vực nông nghiệp. Hầu hết DN lớn có năng lực tài chính, công nghệ, marketing và quản lý kênh phân phối sẽ thiên về các hoạt động thượng nguồn và hạ nguồn trong chuỗi và phối hợp với các nhà cung cấp (nhà sản xuất) để cung ứng các sản phẩm và dịch vụ tiên tiến và sáng tạo. Tuy nhiên, trong nhiều chuỗi nông sản, do đặc tính vòng đời sản phẩm tương đối ngắn, chẳng hạn như chuỗi rau quả tươi, các DN sẽ có xu hướng đảm nhận nhiều chức năng cùng lúc để đảm bảo tối ưu hóa thời gian và chất lượng sản phẩm. Một DN có thể đồng thời thực hiện nhiều chức năng khác nhau như sản xuất, vận chuyển, chế biến và phân phối nông sản đến người tiêu dùng nước ngoài.

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 60 - 62)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)