Đặc điểm về quản trị và nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu lĩnh vực nông

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 53 - 58)

pháp lý, chính sách, v.v… Luật pháp, quy định, chính sách, hiệp định thương mại quốc tế, các quy tắc thông thường và hàng hóa công cộng, tất cả đều góp phần ảnh hưởng đến kinh doanh nông nghiệp trên thị trường toàn cầu. Bên cạnh đó, các tổ chức quốc tế cũng đưa ra nhiều chương trình và dự án để hỗ trợ sự phát triển của các chuỗi nông sản toàn cầu, bởi nó có quan hệ mật thiết đến các vấn đề xã hội khác như giảm nghèo, an ninh lương thực, phát triển bền vững.

2.2.3. Đặc điểm về quản trị và nâng cấp trong chuỗi giá trị toàn cầu lĩnh vực nông nghiệp nông nghiệp

2.2.3.1. Quản trị chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp

Hoạt động kinh doanh nông sản toàn cầu ngày càng bị chi phối bởi các mối quan hệ chuỗi giá trị trong đó các công ty đầu mối thực hiện điều phối theo chiều dọc. Trong nhiều bộ phận của ngành kinh doanh thực phẩm, các công ty dẫn đầu đã thực hiện các nhiệm vụ liên quan đến sản xuất hiện đại, bao gồm thúc đẩy sự khác biệt và đổi mới sản phẩm, chuyển từ kiểm soát chất lượng dựa trên kiểm tra và thử nghiệm sang đảm bảo chất lượng dựa trên quản lý rủi ro, kiểm soát quá trình và giao hàng đúng lúc. Các nghiên cứu về kinh doanh nông nghiệp gọi các loại hình liên kết này là điều phối theo

42

chiều dọc. Một loạt các hình thức của sự phối hợp dọc này thể hiện qua các hợp đồng canh tác, quản lý danh mục các nhà cung cấp của siêu thị, hợp đồng tiếp thị…

Đặc biệt, dưới tác động của dòng vốn FDI đầu tư vào lĩnh vực bán lẻ thực phẩm trong những thập kỷ qua, sự thống trị của các công ty thực phẩm đa quốc gia ngày càng mạnh mẽ, kéo theo sự thay đổi trong cách tổ chức chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu với mức độ phối hợp dọc tăng dần. Các chuỗi bán lẻ lớn ngày càng đầu tư nhiều hơn vào các quốc gia mới nổi và đang phát triển tạo nên làn sóng “cách mạng siêu thị” (supermarket revolution). Như đã biết, quản trị trong chuỗi giá trị gắn liền với quyền lực điều phối (khả năng cung cấp và thực thi các chỉ dẫn) và sức mạnh thị trường. Các đại siêu thị cung cấp thực phẩm toàn cầu, kết nối các nhà sản xuất nhỏ ở các quốc gia khác nhau với người tiêu dùng trên toàn thế giới. Do đó, họ cũng là người định ra “luật lệ” trong chuỗi cung ứng, và có thể đưa ra các quyết định chính về việc bao gồm hay loại trừ các nhà cung cấp cụ thể.

Cũng giống như các GVCs trong lĩnh vực sản xuất công nghiệp, để có thể phối hợp nhịp nhàng các hoạt động phân mảnh chuỗi cung ứng nông sản trên một phạm vi địa lý rộng lớn, cần có một hệ thống các tiêu chuẩn chặt chẽ mà bắt buộc các thành viên trong chuỗi phải tuân thủ nghiêm ngặt. Với hệ thống quy chuẩn này, các chuỗi nông sản có thể cung ứng sản phẩm với chất lượng đồng nhất phục vụ khách hàng trên thị trường toàn cầu. Trong thực tế, ngành công nghiệp thực phẩm ngày càng được cấu trúc xung quanh các chuỗi giá trị toàn cầu do các nhà chế biến và bán lẻ thực phẩm dẫn đầu. Các hệ thống bán lẻ lớn như siêu thị làm việc với cả nhà nhập khẩu và nhà xuất khẩu nhằm kiểm soát cách thức sản phẩm được trồng và thu hoạch. Họ muốn đảm bảo rằng không chỉ số lượng mà các tiêu chuẩn chất lượng và an toàn thực phẩm cũng được đáp ứng trong toàn bộ chuỗi, và điều này đòi hỏi sự phối hợp theo chiều dọc.

Ngày nay, GVC trong lĩnh vực nông nghiệp bị chi phối bởi những người mua quốc tế phục vụ nhu cầu thực phẩm cho các thị trường phương Tây. Họ thường là những công ty có kỹ năng cao trong các hoạt động như thiết kế, tiếp thị, xây dựng thương hiệu và quản lý kênh phân phối. Họ là người lựa chọn và đưa ra các yêu cầu đối với nhà cung cấp sản phẩm nông nghiệp đầu vào. Ngoài việc tìm kiếm và nuôi dưỡng các nhà cung cấp nhanh chóng và đáng tin cậy, những người mua này cần các

43

sản phẩm nhất quán và có chất lượng đại diện cho thương hiệu của họ và đáp ứng nhu cầu khách hàng cuối cùng.

2.2.3.2. Nâng cấp chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp

Khái niệm nâng cấp trong chuỗi giá trị nông nghiệp cũng giống như trong GVC ở lĩnh vực sản xuất, có nghĩa là có được khả năng công nghệ, thể chế và thị trường cho phép các đối tượng tham gia trong chuỗi giá trị cải thiện khả năng cạnh tranh và chuyển sang các hoạt động có giá trị cao hơn. Tuy nhiên, nâng cấp có ý nghĩa khác nhau đối với các đối tượng khác nhau trong chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu. Nhìn chung, việc nâng cấp đòi hỏi phải điều chỉnh theo trình tự: nâng cấp quy trình trước khi chuyển sang nâng cấp sản phẩm, rồi mới chuyển sang nâng cấp chức năng và chuỗi liên kết.

1) Nâng cấp quy trình (process upgrading): liên quan đến việc cải thiện hiệu quả chuỗi giá trị nông nghiệp bằng cách tăng khối lượng đầu ra hoặc giảm chi phí cho một đơn vị đầu ra. Ví dụ, các đầu vào (lao động, phân bón, con giống, thuốc trừ sâu, thức ăn) được chuyển đổi thành đầu ra (nông sản) một cách hiệu quả hơn bằng cách tổ chức lại quy trình sản xuất hoặc đổi mới công nghệ. Chiến lược này tác động chủ yếu đến nhóm sản xuất. Họ tìm cách tăng sản lượng hoặc giảm chi phí sản xuất trên một khối lượng sản phẩm nhất định thông qua cải tiến phương pháp canh tác, ứng dụng kỹ thuật nuôi trồng tốt hơn, đầu tư cho giống nuôi trồng, cải thiện thủy lợi, kiểm soát sâu bệnh và lưu trữ, cân nhắc đến việc đầu tư dây chuyền sản xuất và đóng gói tự động cũng như các công nghệ khác. Như vậy, nâng cấp quy trình một mặt tập trung vào nâng cấp sản phẩm và mặt khác là tối ưu hóa quy trình sản xuất và phân phối.

2) Nâng cấp sản phẩm (product upgrading): chuyển sang các sản phẩm phức tạp hơn hoặc tinh vi hơn và có giá trị cao hơn. Yêu cầu cải thiện chất lượng sản phẩm đối với các chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu ngày càng trở nên quan trọng khi người tiêu dùng ngày càng trở nên có kiến thức về chất lượng và hệ thống các tiêu chuẩn đã tăng lên ở hầu hết các quốc gia. Một số tiêu chuẩn được thúc đẩy bởi người mua chính (chẳng hạn các siêu thị yêu cầu truy xuất nguồn gốc thực phẩm), một số tiêu chuẩn khác theo tiêu chuẩn vệ sinh theo luật định ở các nước nhập khẩu và các nước khác, để đáp ứng nhu cầu thương mại và sản phẩm hữu cơ của người tiêu dùng cuối cùng. Thách thức của các tiêu chuẩn nằm ở việc đạt được chúng để có thể tiếp cận thị trường, đối

44

với tất cả những ai muốn tham gia và ở lại trong chuỗi giá trị. Nâng cấp quy trình và sản phẩm có liên quan chặt chẽ với nhau vì việc cải thiện chất lượng sản phẩm thường liên quan đến các cải tiến trong quy trình sản xuất.

3) Nâng cấp chức năng (functional upgrading): nâng cấp chức năng xảy ra khi các đối tượng tham gia thực hiện nhiều nhiệm vụ hơn trong chuỗi, ví dụ, nhà cung cấp đầu vào thực hiện việc canh tác để sản xuất ra sản phẩm, hoặc nông dân có thể chế biến, đóng gói hoặc thậm chí bán hàng, hay trường hợp nhiều nhà bán lẻ tự xây dựng trang trại sản xuất. Như đã biết, với những chuỗi giá trị càng dài thì rủi ro càng cao, đặc biệt đối với những người có ít kinh nghiệm. Nâng cấp chức năng có thể giúp rút ngắn chuỗi giá trị bằng cách bằng cách loại trừ các trung gian và phân phối lại chức năng giữa các đối tác của mối quan hệ dọc mới được hình thành. Điều này có vẻ như một ý tưởng hấp dẫn, nhưng để thành công trong việc tiếp nhận những hoạt động mới mẻ này các chủ thể phải có kiến thức, trang thiết bị, cũng như nguồn tài chính tốt và kỹ năng tổ chức rất mạnh.

4) Nâng cấp liên chuỗi (inter-chain upgrading): sử dụng kiến thức và kinh nghiệm thu được từ hoạt động trong một chuỗi cụ thể để di chuyển sang các lĩnh vực khác - thường có lợi hơn. Ví dụ về điều này bao gồm chuyển từ nuôi trồng sản phẩm nông sản truyền thống sang trồng trọt xuất khẩu chất lượng cao. Nâng cấp liên chuỗi thường có những rào cản đáng kể đối với những đối tượng là nông dân hoặc SMEs dễ bị tổn thương khi tiếp cận chuỗi giá trị sinh lợi hơn.

Đối với các DN trong lĩnh vực nông nghiệp, nâng cấp có nghĩa là cải thiện kỹ năng canh tác và kinh doanh theo những cách cho phép họ nắm bắt nhiều hơn các giá trị trong chuỗi. Nâng cấp không chỉ giúp DN nâng cao các hoạt động trong chuỗi giá trị hiện có, mà thậm chí có thể giúp họ tìm ra phương pháp canh tác hiệu quả, những đối tác mới và ý tưởng tốt hơn để đưa sản phẩm đến với thị trường, từ đó gia tăng lợi nhuận và giảm thiểu rủi ro. Các công ty dẫn đầu (người mua) cũng ưa thích hỗ trợ sự nâng cấp trong quy trình và sản phẩm hơn là hai kiểu còn lại (đặc biệt là nâng cấp chức năng) để tránh nguy cơ nhà sản xuất quay lại cạnh tranh. Đây cũng là lý do tại sao hầu hết các chứng nhận và tiêu chuẩn, bao gồm cả chứng nhận chính thức và phi chính

45

thức trong các chuỗi giá trị nông nghiệp đều tập trung vào việc cải tiến các quy trình và sản phẩm.

Ngoài bốn cách thức kể trên, Trienekens (2011) và một số nhà nghiên cứu khác đã đề xuất thêm ba loại chiến lược nâng cấp khác, bao gồm:

5) Phối hợp ngang: là sự phối hợp với những đối tác ngang hàng trong chuỗi, cùng loại hình hoạt động giống nhau, thường thấy ở điểm nút sản xuất và xử lý. Phối hợp ngang cho phép các nhà sản xuất đạt được hiệu quả kinh tế nhờ quy mô và giảm chi phí giao dịch. Cụ thể, hợp tác với các đối tác ngang có thể bao gồm việc mua chung các nguyên liệu đầu vào sản xuất, sử dụng chung các cơ sở sản xuất và cùng tiếp thị sản phẩm để giảm bớt chi phí đồng thời tiếp cận được nhiều thị trường hơn. Phối hợp theo chiều ngang làm tăng độ tin cậy và quy mô cho các giao dịch trong chuỗi, từ đó nông dân/ chủ trang trại có quyền quyết định mạnh mẽ hơn trong một chuỗi giá trị. Hình thức này không chỉ giúp nông dân/chủ trang trại dễ dàng thu mua các đầu vào cần thiết, mà còn có thể giúp họ vào các thị trường cần chứng nhận, như thị trường sản phẩm hữu cơ. Thông thường, phối hợp theo chiều ngang là bước đầu tiên trong chuỗi các biện pháp can thiệp cuối cùng dẫn đến việc tiếp cận thị trường và là điều kiện tiên quyết cho các hình thức nâng cấp khác. Điều quan trọng cho sự thành công của các chiến lược phối hợp theo chiều ngang là các quy tắc để tham gia nhóm và chất lượng quản lý của cấu trúc nhóm.

6) Phối hợp dọc: phối hợp giữa các đối tác thực hiện những chức năng khác nhau trong chuỗi giá trị nông sản toàn cầu, ví dụ, nông dân/chủ trang trại có thể hợp tác với các nhà chế biến hoặc siêu thị. Đây là bước phát triển cao hơn so với giao dịch thị trường, phối hợp dọc hướng đến các mối quan hệ dài hạn. Điển hình của phối hợp dọc là hợp đồng canh tác (contract farming), theo đó nhà bán lẻ hoặc nhà xuất khẩu ký hợp đồng với nông dân/ chủ trang trại để sản xuất nhiều hơn một lượng nông sản nhất định đáp ứng yêu cầu về chất lượng và lịch trình cụ thể. Phối hợp theo chiều dọc thường được quản lý bởi một DN dẫn đầu, thường là một người mua lớn. Trong các mối quan hệ theo chiều dọc, các công ty lớn thường cung cấp cho nông dân/chủ trang trại các đầu vào với mức giá hấp dẫn, hỗ trợ tiếp cận tín dụng, kỹ thuật và trang thiết bị. Phối hợp theo chiều dọc có thể cung cấp cho nông dân sự chắc chắn và an toàn hơn về doanh

46

thu và thu nhập trong tương lai. Nhưng phối hợp dọc liên quan đến việc xây dựng niềm tin giữa người bán và người mua (để tránh kịch bản chung theo đó các nhà sản xuất phá vỡ các cam kết hợp đồng và bán sản phẩm của họ trên thị trường giao ngay khi giá cả cao hơn quy định trong hợp đồng), do đó, nó có thể là một quá trình kéo dài và khó khăn. Tin tưởng chỉ có thể phát triển khi tất cả các đối tác tham gia đều chắc chắn rằng mình sẽ được hưởng lợi.

7) Nâng cấp môi trường kinh doanh (upgrading of the enabling environment):

thực chất đây không phải là một chiến lược nâng cấp theo nghĩa chặt chẽ. Ý tưởng của chiến lược này xuất phát từ thực tế rằng “môi trường” thuận lợi cho phép và thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi giá trị là một yếu tố đóng góp chính trong sự thành công của các hoạt động của chuỗi giá trị nông nghiệp. Các cải tiến đối với các khung hỗ trợ, dịch vụ, thể chế, pháp lý và chính sách… trong đó các chuỗi giá trị nông nghiệp hoạt động thường có thể tác động đến hiệu suất và quá trình nâng cấp của tất cả các đối tượng tham gia trong chuỗi nông sản toàn cầu.

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 53 - 58)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)