Quản trị chuỗi giá trị đề cập đến mối quan hệ giữa người mua, người bán, nhà cung cấp dịch vụ và tổ chức quản lý hoạt động, hoặc ảnh hưởng đến phạm vi hoạt động cần thiết để đưa sản phẩm hoặc dịch vụ từ ý tưởng ban đầu đến người sử dụng sau cùng. Nói cách khác, quản trị là về sức mạnh và khả năng thực hiện kiểm soát dọc theo chuỗi - tại bất kỳ thời điểm nào trong chuỗi, một số công ty (hoặc tổ chức) thiết lập hoặc thực thi các tham số mà theo đó các thành viên khác trong chuỗi vận hành.
Căn cứ vào mức độ rõ ràng của sự phối hợp và mức độ bất đối xứng quyền lực giữa các tác nhân tham gia trong GVC, Gereffi và các cộng sự (2005) đã phát triển lý thuyết quản trị GVC trong đó phân loại năm mô thức quản trị chuỗi (sơ đồ 2.1).
Sơ đồ 2.1. Các mô hình quản trị chuỗi giá trị toàn cầu
Nguồn: The governance of global value chains, Gereffi et al., 2005, p.89 Chuỗi giá trị toàn cầu kiểu thị trường (Market-type GVC): thường thấy trong các chuỗi sản xuất những mặt hàng có tính chất chung, không có yêu cầu đặc biệt về đặc điểm kỹ thuật chi tiết của sản phẩm. Cả khách hàng và nhà cung cấp đều có vô số lựa chọn cho các đối tác thay thế. Nhà cung cấp và khách hàng được kết nối chủ yếu thông qua các giao dịch thị trường mở. Chi phí giao dịch để thay đổi đối tác kinh doanh gần như không đáng kể, khiến các chuỗi giá trị luôn trong tình trạng thay đổi liên tục vì độ co giãn giá cao.
34
Chuỗi giá trị toàn cầu kiểu mô-đun (Modular-type GVC): các nhà cung cấp trong chuỗi giá trị mô-đun điều chỉnh các sản phẩm theo thông số kỹ thuật của khách hàng, thay họ chịu chi phí về nguyên vật liệu đầu vào. Quản trị mô-đun xảy ra khi một sản phẩm yêu cầu các công ty trong chuỗi thực hiện các giao dịch phức tạp tương đối dễ dàng để mã hóa.
Chuỗi giá trị toàn cầu kiểu quan hệ (Relational-type GVC): xuất hiện khi quy trình sản xuất cần đến các thiết bị sản xuất cho một mục đích cụ thể có phạm vi hạn chế cho các mục đích sử dụng khác, do đó, các nhà cung cấp không có động lực để tìm kiếm các khách hàng tiềm năng khác. Ngược lại, chính khách hàng cũng khó có thể tìm kiếm nhà cung cấp mới, do chi phí tốn kém hoặc mức hiệu suất từ các nhà cung cấp mới khó đạt được như mong đợi bởi họ thiếu các cơ sở chuyên dụng. Như vậy, cả hai bên đều có ít động lực để tìm kiếm các mối quan hệ kinh doanh thay thế, điều này khiến các bên tham gia vào các mối quan hệ phụ thuộc lẫn nhau nhiều hơn.
Chuỗi giá trị toàn cầu kiểu phụ thuộc (Captive-type GVC): có sự chênh lệch rất lớn trong quyền lực giữa các bên, ví dụ như mối quan hệ kinh doanh giữa một MNC và các nhà cung cấp của mình. Các nhà cung cấp phải làm theo hướng dẫn của khách hàng và chịu sự giám sát chặt chẽ về chất lượng sản phẩm cũng như thời gian giao hàng. Các nhà cung cấp trong chuỗi phụ thuộc có năng lực sản xuất lớn, quy mô sản xuất hàng loạt, cũng như các cơ sở sản xuất chuyên dụng cần thiết để đáp ứng tính độc đáo của sản phẩm. Sự sẵn có của khả năng sản xuất ở mức thông thường dẫn đến sự thu hẹp các cơ hội để họ tìm kiếm các mối quan hệ kinh doanh thay thế, do đó áp đặt như một sự giam cầm đối với khách hàng của họ
Chuỗi giá trị toàn cầu kiểu phân cấp (hierachy-type GVC): là hình thức quản trị đặc trưng bởi tích hợp dọc (kiểm soát quản lý từ trên xuống). Trong đó công ty dẫn đầu thực hiện quyền lực thông qua sự phối hợp của các nhà cung cấp sản xuất (ở các mức độ khác nhau), dù không có bất kỳ quyền sở hữu trực tiếp nào. Điều này thường xảy ra khi thông số kỹ thuật sản phẩm không thể được mã hóa, sản phẩm phức tạp hoặc không thể được tìm thấy nhà cung cấp đủ năng lực. Lúc đó, cấu trúc phân cấp giúp đảm bảo công việc được tiến hành liên tục, đảm bảo chất lượng và xây dựng năng lực sản xuất.
35
Trong năm loại hình này, cấu trúc chuỗi phụ thuộc và chuỗi liên kết dọc chịu sự chi phối mạnh mẽ của nhu cầu người mua. Ngược lại, chuỗi mô-đun và chuỗi quan hệ có sự liên kết chặt chẽ giữa công ty dẫn đầu là nhà sản xuất và các DN tham gia ở các công đoạn trung gian. Biết được công ty dẫn đầu trong chuỗi là người mua hay nhà sản xuất có thể giúp xác định cơ hội nâng cấp cho các DN hoạt động trong chuỗi. Các chuỗi do người mua điều khiển có xu hướng cung cấp nhiều cơ hội hơn cho các DN trong việc nâng cấp sản phẩm và chức năng, vì năng lực cốt lõi của người mua là tiếp thị và xây dựng thương hiệu chứ không phải sản xuất. Trong khi đó, các công ty dẫn đầu trong chuỗi là nhà sản xuất thường sẽ yêu cầu các hình thức nâng cấp quy trình và chứng nhận quốc tế đối với nhà cung cấp của họ, do các tiêu chuẩn nghiêm ngặt về chất lượng và hiệu quả ảnh hưởng đến toàn bộ chuỗi. Việc này thường khó khăn hơn đối với các DN, đặc biệt là DN địa phương ở các quốc gia đang và kém phát triển.