2.4.1.1. Thách thức đối với các doanh nghiệp hoạt động trong chuỗi giá trị ngành sữa ở Ấn Độ
Sữa là một trong những mặt hàng nông sản có giá trị và được sản xuất nhiều nhất trên toàn thế giới. Ngành sữa hiện phục vụ hơn 7 tỷ người tiêu dùng và cung cấp sinh kế cho khoảng 1 tỷ người sống trên các trang trại bò sữa. Sữa và các sản phẩm từ sữa chiếm khoảng 14% thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp toàn cầu. Mặc dù đầu tư toàn cầu trong lĩnh vực sữa hiện nay được ghi nhận là cao nhất là ở Châu Âu và Mỹ, nhưng trong tương lai ngành công nghiệp này có thể duy trì tốc độ tăng trưởng bền vững hay không lại thuộc vào các nước đang phát triển. Họ sở hữu 3/4 số lượng bò sữa trên thế giới và cũng là thị trường có tốc độ tiêu thụ và phát triển nhanh nhất đối với các sản phẩm sữa. Sản xuất sữa hiệu quả và bền vững ở các nước này có thể đóng vai trò lớn trong việc nuôi dưỡng dân số ngày càng tăng của thế giới.
56
Ấn Độ hiện là một trong những quốc gia sản xuất sữa số lượng lớn trên thế giới. Từ một quốc gia phải nhập khẩu sữa, sản lượng sữa sản xuất ở Ấn Độ tăng mạnh từ thập niên 90. Với tổng sản lượng đạt 60,2 nghìn tấn. hiện nay Ấn Độ đóng góp khoảng 16% tổng sản lượng sữa toàn cầu, trong đó dẫn đầu cung cấp sữa trâu và chỉ đứng sau Hoa Kỳ về sản lượng sữa bò (đóng góp 9,5% sản lượng sữa bò thế giới). Tuy nhiên, trước khi đạt được đến thành công này, Ấn độ nói chung và các DN hoạt động trong lĩnh vực sữa ở Ấn Độ đã phải đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức.
Thứ nhất, lượng khí thải nhà kính từ hoạt động chăn nuôi quá lớn đòi hỏi chi phí cao để xử lý các tác hại đến môi trường xung quanh, đặc biệt là suy thoái đất, nước, ô nhiễm, tổn thất đa dạng sinh học, mất diện tích rừng. Chi phí để xử lý các hệ quả môi trường này thường vượt quá khả năng của các DN nhỏ. Chưa kể họ cũng thiếu hụt các kiến thức và kỹ năng liên quan.
Thứ hai, thiếu hụt nguồn thức ăn đủ dinh dưỡng dẫn đến giống nuôi có năng suất thấp.Việc sử dụng các chất bổ sung (thức ăn giàu protein và năng lượng) đặc biệt quan trọng đối với động vật nuôi lấy sữa, vì quá trình sản sinh sữa đòi hỏi tiêu thụ rất nhiều năng lượng. Trong khi đó, các nhà sản xuất sữa quy mô nhỏ thường không thể cung cấp các loại thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cao như ngũ cốc, dầu hạt và khoáng chất. Sản lượng sữa của họ phụ thuộc chủ yếu vào các biến động theo mùa về chất lượng và số lượng thức ăn tự nhiên.
Thứ ba, DN thường yếu kém về năng lực công nghệ để gia tăng năng suất, giảm thiểu tác động xấu đến môi trường và đảm bảo được chất lượng sản phẩm trong quá trình thu gom, chế biến và phân phối. Chẳng hạn như công nghệ làm mát là cần thiết để duy trì chất lượng gốc của sữa, đảm bảo cho việc sản xuất và chế biến, song chỉ có các DN quy mô lớn mới có thể chi trả cho nó. Ở nhiều nơi, việc làm lạnh không khả thi không chỉ bởi đầu tư ban đầu và chi phí vận hành cao, mà còn do các vấn đề kỹ thuật như thiếu nguồn điện. Đối với DN chế biến, việc thiết lập các nhà máy với dây chuyền máy móc hiện đại quy mô lớn là một thách thức bởi thiếu hụt vốn đầu tư, kiến thức và kỹ năng, cũng như sản lượng sữa thu mua thất thường theo mùa vụ.
Thứ tư, quy mô nhỏ lẻ, phân tán ở nhiều khu vực khác nhau dẫn đến liên kết lỏng lẻo giữa các bên tham gia vào chuỗi giá trị ngành sữa. Tại Ấn Độ, không chỉ các hộ
57
chăn nuôi sản xuất mà phần lớn các đối tượng tham gia vào chuỗi giá trị, từ nhà sản xuất, bên thu mua, nhà chế biến đến hệ thống phân phối đều là các hộ kinh doanh vừa và nhỏ phân tán rộng rãi ở nhiều khu vực nông thôn khác nhau. Với tính chất dễ hỏng của sữa, công việc thu thập và vận chuyển phải được thực hiện nhanh chóng, hợp lý từ khu vực sản xuất đến khu vực chế biến và sau đó là phân phối ra thị trường. Tuy nhiên, quy mô nhỏ lẻ và phạm vi quá rộng, DN rất khó để đạt được sự thống nhất giữa các thành viên trong chuỗi giá trị, cũng như mang lại các sản phẩm có tính cạnh tranh cao trên thị trường.
2.4.1.2. Kinh nghiệm hỗ trợ doanh nghiệp tham gia chuỗi giá trị ngành sữa
Sau gần hai thập kỷ đổi mới và phát triển, Ấn Độ đã vươn lên dẫn đầu trong số các nhà sản xuất và xuất khẩu sữa lớn nhất thế giới hiện nay. Các chuỗi giá trị chính thức dần thay thế và trở nên phổ biến hơn so với các chuỗi không chính thức. Mặc dù, đặc trưng của các chuỗi này vẫn là sự tham gia của hàng triệu hộ sản xuất quy mô nhỏ ở khu vực nông thôn. Nông dân bán sữa cho các thành viên trong chuỗi giá trị chính thức, như hợp tác xã (HTX), các nhà chế biến tư nhân trong nước, các tập đoàn đa quốc gia (MNCs). Khoảng 62% hộ chăn nuôi chiếm 69% tổng doanh thu tham gia vào liên kết trong các chuỗi giá trị chính thức. Trong đó, mô hình HTX được ưa chuộng hơn cả, với hơn 130.000 hiệp hội hợp tác xã sữa ở cấp làng xã tại Ấn Độ, và khoảng 14 liên đoàn HTX cấp tỉnh. Nông dân nhỏ chủ yếu bán sữa qua HTX – đây cũng là phương thức phân phối hiệu quả nhất nếu xét về doanh số (Pratap S. Birthal và các cộng sự, 2016).
Trong khi đó, các hộ sản xuất có quy mô lớn hơn có xu hướng hợp tác với các MNCs như Nestle India Ltd. và Glaxo, SmithKline... Các tập đoàn này thường ký hợp đồng chính thức với các trang trại sản xuất lớn. Để nâng cao năng suất và chất lượng đầu vào, họ hỗ trợ những nhà sản xuất này bằng cách cung cấp máy làm sữa, máy vắt sữa, thức ăn và dịch vụ thú y. Ngoài ra, các MNCs và nhà chế biến tư nhân trong nước cũng thu mua sữa từ các hộ chăn nuôi nhỏ, nhằm giảm thiểu rủi ro bị phụ thuộc vào một số trang trại lớn. Để tích hợp các hộ chăn nuôi và sản xuất quy mô nhỏ vào chuỗi giá trị của mình, các MNCs và nhà chế biến địa phương đã thành lập các trung tâm thu
58
mua sữa ở các làng xã, được quản lý bởi một nông dân chăn nuôi bò sữa địa phương trên cơ sở hoa hồng.
Sơ đồ 2.4. Cấu trúc chuỗi giá trị ngành sữa ở Ấn Độ
Nguồn: Tổng hợp bởi tác giả
Để đẩy mạnh năng suất cũng như chất lượng sản xuất, các DN tư nhân được khuyến khích đầu tư vào sản xuất thông qua lành mạnh hóa môi trường kinh doanh của ngành. Chính sách phát triển ngành công nghiệp sữa từ năm 1991 của Ấn Độ không chỉ khuyến khích sự hình thành của các HTX mà còn thúc đẩy khu vực tư nhân. Tự do hóa ngành sữa thu hút đầu tư tư nhân cả trong và ngoài nước vào Ấn Độ. Các DN tư nhân bắt đầu tham gia vào các công đoạn thu mua, chế biến và tiêu thụ sữa trên thị trường. Đặc biệt, sự xuất hiện của các MNCs như Nestle India Ltd. và Glaxo, SmithKline... đã làm cho môi trường cạnh tranh ở Ấn Độ trở nên minh bạch hơn. Các điểm làm lạnh có quy mô nhỏ ở cấp làng xã và quy mô lớn ở cấp quận được đầu tư không chỉ bởi nhà nước, mà chủ yếu là các nhà chế biến quy mô lớn hoặc các công ty tư nhân cung cấp dịch vụ.
Có thể thấy, các HTX đã tác động sâu sắc đến sự phát triển kinh tế xã hội của khu vực nông thôn Ấn Độ nói chung, và góp phần thúc đẩy hoạt động hiệu quả của các chuỗi giá trị ngành sữa tại Ấn Độ nói riêng. Mô hình HTX Anand được nhân rộng liên tục ở Ấn Độ, từ cấp làng xã đến cấp tiểu bang và cấp quốc gia. Mô hình này đã phổ
59
biến sang một số nước đang phát triển khác như Indonesia, Bangladesh, Kenya, Nepal và Uganda. Đây là sáng kiến tập hợp hàng triệu hộ sản xuất quy mô nhỏ lẻ thiếu chuyên nghiệp ở khu vực nông thôn Ấn Độ vào một chuỗi cung ứng thống nhất thông qua mạng lưới HTX được điều hành bởi chính các hộ nông dân. Các HTX Anand dần loại bỏ những trung gian, đưa các nhà sản xuất tiếp xúc trực tiếp với người tiêu dùng. Về cơ bản, đây là một mô hình tổ chức kinh tế mang lại lợi ích cho các nhà sản xuất nhỏ khi họ tham gia vào một chuỗi cung ứng quy mô lớn. Lý do chính là bởi giá sữa được quy định bởi các HTX, nếu họ thiết lập giá cao hơn cho nông dân, khu vực tư nhân và những người tham gia khác trong chuỗi giá trị cũng buộc phải trả mức giá ít nhất như vậy.
Cuối cùng, để làm nên thành công của chuỗi giá trị sữa tại Ấn Độ, không thể không kể đến sự đóng góp của các tổ chức quốc tế trong vai trò hỗ trợ. Với chương trình Operation Flood Programme, chính phủ Ấn Độ sử dụng viện trợ lương thực như một công cụ để phát triển kinh tế xã hội. Chương trình này không thể thành công nếu không có sự phối hợp và hỗ trợ từ Chương trình lương thực thế giới trong việc cung cấp viện trợ lương thực và hỗ trợ tài chính từ WB. Song song với nó, Tổ chức Lương thực và Nông nghiệp đã cung cấp kinh phí, kỹ thuật, quản lý chuyên môn để thực hiện thành công OFP.