Thách thức trong phát triển ngành nông nghiệp thế giới và các chuỗi giá trị

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 150 - 155)

CHƯƠNG 3 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

5.1. Thách thức trong phát triển ngành nông nghiệp thế giới và các chuỗi giá trị

toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp

5.1.1. Thách thức trong phát triển bền vững ngành nông nghiệp thế giới

Ngành nông nghiệp đóng vai trò quan trọng trong đáp ứng các yêu cầu về an ninh lương thực và dinh dưỡng của thế giới. Dự báo của OECD (2020) cho thấy trong thập kỷ tới, gia tăng dân số sẽ là động lực chính cho tăng trưởng tiêu dùng đối với hầu hết các mặt hàng nông sản trên toàn cầu. Hiển nhiên, phần lớn nhu cầu thực phẩm bổ sung sẽ bắt nguồn từ các khu vực có tỷ lệ tăng dân số cao như Châu Phi, cận Sahara, Ấn Độ, Trung Đông và Bắc Phi.Mặc dù, đầu tư nông nghiệp và đổi mới công nghệ đã và đang thúc đẩy năng suất sản xuất, song tốc độ tăng trưởng của ngành nông nghiệp ở hầu hết các quốc gia hiện nay đều chưa bắt kịp tốc độ tăng trưởng dân số. Với dân số 9,7 tỷ người vào năm 2050, khối lượng lương thực và thực phẩm cần thiết phải tăng ít nhất 70% so với hiện tại (FAO, 2017). Điều này đặt áp lực lên ngành nông nghiệp cần phải có những thay đổi, tối ưu các tài nguyên thiên nhiên phục vụ sản xuất để gia tăng năng suất, chất lượng và sản lượng của sản phẩm.

Xét riêng nhu cầu tiêu dùng thực phẩm, mức thu nhập chênh lệch và dự báo tăng trưởng kinh tế khác nhau giữa các quốc gia cũng sẽ dẫn đến sự khác biệt về xu hướng dinh dưỡng. Trong đó, gia tăng thu nhập ở các nước thu nhập thấp và trung bình sẽ thúc đẩy quá trình chuyển đổi chế độ ăn uống theo hướng tiêu thụ các mặt hàng thịt, trái cây và rau quả cao hơn so với ngũ cốc. Người tiêu dùng ở các nước quốc gia này dự kiến sẽ sử dụng thu nhập bổ sung của họ để chuyển chế độ ăn uống từ các mặt hàng chủ lực sang các sản phẩm có giá trị cao hơn. Ở các quốc gia có thu nhập cao, mối quan tâm về môi trường và sức khỏe được kỳ vọng sẽ hỗ trợ quá trình chuyển đổi từ protein từ động vật sang các nguồn dinh dưỡng thay thế. Điều này thể hiện rõ ở xu hướng hiện tại người tiêu dùng đang thay thế từ thịt đỏ, đặc biệt là thịt bò, sang thịt gia cầm và cá.

139

Tuy nhiên, các sản phẩm của ngành nông nghiệp không chỉ đáp ứng nhu cầu thực phẩm tươi sống cho người tiêu dùng cuối cùng, mà còn là nguyên liệu đầu vào trong các ngành chế biến thực phẩm, đồ uống, sản xuất xơ sợi, nhiên liệu và nhiều hàng hóa khác. Nhìn chung, tầm quan trọng tương đối của việc sử dụng lương thực, thức ăn chăn nuôi và nhiên liệu sinh học sẽ không thay đổi đáng kể, do đó không có sự thay lớn về đổi cơ cấu nhu cầu đối với các mặt hàng nông nghiệp.

Biểu đồ 5.1. Dự báo nhu cầu thế giới đối với các mặt hàng nông sản chính

tính đến năm 2029

Nguồn: Agricultural Outlook 2020–2029, OECD-FAO, 2020

Cần phải nhấn mạnh rằng,nhu cầu ngày càng tăng đối với các mặt hàng nông sản giá trị cao và những thay đổi trong yêu cầu của người tiêu dùng đối với thực phẩm có nguồn gốc an toàn trên thị trường thế giới sẽ thúc đẩy phát triển nông nghiệp theo hướng “xanh” và bền vững hơn. Hiện nay, các sản phẩm nông nghiệp ở nhiều quốc gia, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển, đã trở nên phụ thuộc vào phân bón hóa học, hóc môn kích thích tăng trưởng, gây ra sự suy giảm nhanh chóng trong môi trường tự nhiên. Phân bón hóa học tạo ra những ảnh hưởng lâu dài đến sức khỏe của con người, không chỉ vì tác động trực tiếp của nó lên sản phẩm nông nghiệp, mà còn cả tác động gián tiếp của phân bón đối với nước uống, đất đai và môi trường địa phương.

Vấn đề sức khỏe, sinh thái và sự công bằng được coi là động lực tăng trưởng của phân khúc thực phẩm hữu cơ. Bắt đầu từ việc đáp ứng một phân khúc thị trường ngách hướng đến những khách hàng có ý thức cao về chất lượng, được giải quyết bởi một số nhà bán lẻ, các sản phẩm hữu cơ hiện đang là lựa chọn ưa thích của người tiêu dùng ở

140

nhiều quốc gia. Sự quan tâm của người tiêu dùng đối với thực phẩm lành mạnh không chỉ cách mạng hóa ngành công nghiệp thực phẩm hữu cơ mà còn mở ra vô số cơ hội mới cho tất cả các bên tham gia trong chuỗi kinh doanh nông sản. Quy mô thị trường năm 2018 đạt 97 triệu EURO. Thị phần và nhu cầu chủ yếu được thúc đẩy ở khu vực Châu Âu (41% thị trường hữu cơ toàn cầu) và Bắc Mỹ (đặc biệt, Mỹ chiếm 44% thị trường hữu cơ toàn cầu) và Australia (với diện tích canh tác lớn nhất). Mặc dù chỉ mới chiếm khoảng 1-2% thị trường nông sản toàn cầu, phân khúc này hứa hẹn mức tăng trưởng cao trong tương lai - dự kiến tăng gấp 4 lần trong vòng 20 năm tới theo số liệu của Statista (2019).

Trước đây, các tiến bộ khoa học và công nghệ đã được ứng dụng trong lĩnh vực nông nghiệp với mục tiêu giảm chi phí công lao động, tăng năng suất nông nghiệp nhằm đem lại hiệu quả kinh tế. Trong mười năm tới, số hóa sẽ là chìa khóa cho ngành trồng trọt, hỗ trợ tăng năng suất, cải thiện điều kiện lao động cũng như các tiêu chuẩn môi trường cao hơn. Biến đổi khí hậu, nước biển dâng và giảm diện tích đất nông nghiệp, nên nhu cầu cấp bách về nông nghiệp công nghệ cao và những ứng dụng thông minh với khí hậu. Nền nông nghiệp trong tương lai sẽ sử dụng các công nghệ phức tạp như robot, cảm biến nhiệt độ và độ ẩm, ảnh hàng không và công nghệ GPS… Công nghệ 4.0 không chỉ giúp giảm phụ thuộc vào nước, phân bón, thuốc trừ sâu, mà còn được áp dụng phổ biến để theo dõi nguồn gốc xuất xứ, quá trình sinh trưởng thu hoạch và chế biến nông sản trong các GVCs. Nhờ đó, các chuỗi giá trị nông nghiệp toàn cầu có thể cung cấp sản phẩm nhất quán, an toàn và đáp ứng yêu cầu về sự minh bạch hơn. Người tiêu dùng có thể dễ dàng tìm hiểu được sản phẩm sản xuất ở đâu, bằng cách nào, do ai sản xuất và có ảnh hưởng gì đến xã hội và môi trường.

Tuy nhiên, sự tăng tốc trong năng suất của ngành nông nghiệp nhằm đáp ứng nhu cầu đang bị ngăn cản bởi nhiều yếu tố, từ tác động của biến đổi khí hậu, diện tích đất canh tác ngày càng bị thu hẹp, tình hình sâu bệnh diễn biến phức tạp, canh tác thiếu kiểm soát.... Trước hết, biến đổi khí hậu ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh lương thực, gây nguy hiểm cho sản xuất trong các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản. Việc đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng về nông nghiệp bằng các phương thức canh tác hiện có có thể dẫn đến cạnh tranh gay gắt hơn về tài nguyên thiên nhiên, tăng phát thải khí nhà

141

kính, tiếp tục phá rừng, gây suy thoái đất và nước. Với thực trạng đó, ngành nông nghiệp thế giới hiện không thể đảm bảo cung cấp thực phẩm và sản xuất bền vững.

Nhiều sáng kiến và công nghệ đã được áp dụng nhằm giải quyết các vấn đề mà ngành nông nghiệp đang phải đối mặt, Chẳng hạn, đối với chăn nuôi, các dự án phát triển nuôi côn trùng cũng góp phần đáng kể để giảm lãng phí thực phẩm, đồng thời cung cấp nguyên liệu thức ăn chăn nuôi. Việc nuôi côn trùng bằng chất thải thực phẩm có thể đóng góp đáng kể vào xây dựng hệ thống nông nghiệp tuần hoàn bằng cách đưa chất dinh dưỡng từ chất thải thực phẩm trở lại chuỗi thức ăn. Ấu trùng được sử dụng làm thức ăn trong ngành thủy sản, còn dầu côn trùng chiết xuất để sản xuất dầu diesel sinh học. Dự kiến các trang trại côn trùng toàn cầu sẽ từ sử dụng 15% chất thải thực phẩm vào năm 2020 lên 50% vào năm 2030. Đến năm 2030, ngành công nghiệp côn trùng sẽ sản xuất 23 triệu tấn bột protein và 2,5% lượng dầu tiêu thụ trên thế giới (EU, 2020).

Đối với trồng trọt, cần thiết phát triển các hệ thống canh tác sáng tạo để bảo vệ và nâng cao cơ sở tài nguyên thiên nhiên, đồng thời tăng năng suất cho ngành nông nghiệp (FAO, 2017). Canh tác theo cách truyền thống trên các cánh đồng đòi hỏi nhiều lao động, điều kiện thời tiết phù hợp, ánh nắng đủ cho quang hợp, hệ thống tưới tiêu đầy đủ và thường phải sử dụng thuốc Bảo vệ thực vật. Chuyển dần từ canh tác trên các cánh đồng sang canh tác trong nhà. Các “nông trại” có cấu trúc khép kín giống như nhà kho và các container vận chuyển, để cung cấp môi trường trồng cây lí tưởng được kiểm soát trong một hệ thủy canh hoặc khí canh.

5.1.2. Thách thức phát triển các chuỗi giá trị toàn cầu lĩnh vực nông nghiệp

Các chuỗi giá trị nông sản và thực phẩm toàn cầu đang ngày càng được tập trung hóa xung quanh các trung tâm, đặc biệt là Trung Quốc, Hoa Kỳ và Châu Âu. Trung Quốc vừa là người bán hàng hóa trung gian cho sản xuất nông sản và thực phẩm ở các nước khác, vừa là người mua đầu vào để sản xuất hàng xuất khẩu của mình và cho nhu cầu cuối cùng của chính nước này. Châu Âu, và đặc biệt là Đức, là khách hàng quan trọng nhập khẩu các đầu vào để sản xuất phục vụ nhu cầu cuối cùng trong nước và xuất khẩu các sản phẩm thực phẩm có giá trị gia tăng cao. Hoa Kỳ là trung tâm mua hàng lớn nhất với mục đích phục vụ nhu cầu cuối cùng của chính mình. Trong khi đó, các

142

quốc gia đang phát triển và mới nổi, đặc biệt là Châu Mỹ Lating và Châu Á là những nhà cung cấp chính hàng hóa nông sản trung gian, thường được chế biến và bán trong mạng lưới khu vực. Trong tương lai, sự lựa chọn của người tiêu dùng hướng đến các sản phẩm nông nghiệp hữu cơ an toàn cho sức khỏe. Điều này đã thúc đẩy sự phát triển của các chuỗi cung ứng thực phẩm hữu cơ, mở ra cơ hội mới cho các DN trong lĩnh vực nông nghiệp.

Như đã phân tích ở trên, sự phát triển và mở rộng lĩnh vực nông nghiệp đang bị đe dọa bởi nhiều yếu tố, bao gồm quỹ đất bị thu hẹp, nguồn nước cạn kiệt, tác động tiêu cực của biến đổi khí hậu, thiếu lao động nông nghiệp, tăng chi phí và những bất ổn liên quan đến sự thay đổi của thị trường quốc tế. Nhận thức ngày càng cao về những thách thức này tạo ra những thay đổi với một số bên liên quan trong GVC bao gồm nông dân, nhà sản xuất thực phẩm và người tiêu dùng. Xu hướng gia tăng trách nhiệm xã hội thể hiện ở thực tế các bên tham gia trong GVC tăng cường sử dụng các nguyên liệu đầu vào hữu cơ trong chế biến, sử dụng bao bì có thể tái chế và tốt cho môi trường. Đặc biệt, trong hai năm vừa qua, ngành nông nghiệp phải đối mặt với những thách thức chưa từng có do cuộc khủng hoảng Covid-19 và những hậu quả của nó. Ảnh hưởng của đại dịch COVID đã, đang và sẽ tiếp tục làm xáo trộn các chuỗi cung ứng nông sản toàn cầu, gây ra gián đoạn trong khâu thương mại và hậu cần logistics. Những gián đoạn này sẽ ảnh hưởng đến tất cả các yếu tố của hệ thống thực phẩm, từ nguồn cung sơ cấp, đến chế biến, thương mại và hệ thống hậu cần quốc gia và quốc tế, đến nhu cầu trung gian và cuối cùng. Có thể thấy, các chuỗi giá trị đối với trái cây nhiệt đới vận hành khó khăn, đặc biệt là những mặt hàng dễ hỏng nhất, đòi hỏi nhiều lao động xử lý và vận chuyển nhanh chóng, thường xuyên bằng đường hàng không và có chi phí tương đối cao. Nhu cầu đối với những sản phẩm tươi sống giảm do hạn chế đi lại các khu vực đông người như chợ truyền thống, siêu thị và nhà hàng.

Ngoài đại dịch COVID-19, chuỗi giá trị nông sản toàn cầu còn phải đối mặt với một loạt bất ổn khác. Về phía nguồn cung, những yếu tố này bao gồm sự lây lan của các loại dịch bệnh / dịch hại như bệnh Dịch tả lợn Châu Phi hoặc sự xâm nhập của châu chấu, khả năng kháng các chất kháng khuẩn ngày càng tăng, các phản ứng quy định đối với các kỹ thuật nhân giống cây trồng mới và phản ứng với các hiện tượng khí hậu

143

khắc nghiệt. Về phía nhu cầu, các nhân tố đang ảnh hưởng mạnh mẽ đến cách thức người tiêu dùng lựa chọn thực phẩm là sự phát triển của các chế độ ăn lành mạnh, nhận thức về các mối quan tâm về sức khỏe và tính bền vững, và các phản ứng đối với xu hướng gia tăng bệnh béo phì ở các quốc gia phát triển.

Bên cạnh đó, các biện pháp bảo hộ mậu dịch tiếp tục làm gia tăng chi phí cho các GVCs trong lĩnh vực nông nghiệp. Các biện pháp phi thuế quan có xu hướng nghiêm ngặt hơn đối với các sản phẩm nông nghiệp và thực phẩm so với nhiều lĩnh vực khác và thường gây chi phí cao hơn thuế quan. Nó có thể hỗ trợ hoặc cản trở giao dịch, tùy thuộc vào định hướng chính sách của từng quốc gia. Các tiêu chuẩn an toàn và chất lượng thực phẩm một mặt làm tăng niềm tin của người tiêu dùng từ đó thúc đẩy nhu cầu, nhưng mặt khác chi phí tuân thủ cao không cần thiết có thể làm tăng giá và hạn chế sự tham gia của các DN, đặc biệt là SMEs. Đây là lý do tại sao cần phải có các nguyên tắc cơ bản khi thiết kế các quy định đảm bảo rằng các các biện pháp phi thuế quan tạo thuận lợi cho thương mại và sự tham gia của GVC.

Cuối cùng, việc xem xét lại các cấu trúc quản trị GVC trong lĩnh vực nông nghiệp và thực phẩm là cần thiết để đảm bảo cân bằng giữa lợi ích và cả những ảnh hưởng tiêu cực mà nó mang lại. Không thể phủ nhận, sự xuất hiện và phát triển của chuỗi giá trị nông nghiệp và thực phẩm toàn cầu góp phần cung cấp thực phẩm một cách có tổ chức và tiêu chuẩn hóa hơn cho người tiêu dùng trên toàn thế giới, cũng như tạo ra các cơ hội việc làm chính thức. Tuy nhiên, GVC cũng gây ảnh hưởng đến môi trường do việc kéo dài chuỗi cung ứng thực phẩm và tác động đến đa dạng sinh học. Để đạt được các mục tiêu bền vững trong phát triển ngành nông nghiệp, GVC cần đi kèm với các khoản đầu tư có trách nhiệm để làm cho lợi ích của nó trở nên bao trùm hơn, quan tâm đến sinh kế của các hộ gia đình, đặc biệt là người nghèo ở các quốc gia có thu nhập thấp.

5.2. Thuận lợi và khó khăn đối với DN Việt Nam tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trong lĩnh vực nông nghiệp

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 150 - 155)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)