Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 136 - 142)

CHƯƠNG 3 : PHƯƠNG PHÁP NGHIÊN CỨU

4.3. Nhân tố ảnh hưởng đến sự tham gia của doanh nghiệp ngành nông nghiệp

4.3.2. Nhân tố bên ngoài doanh nghiệp

a. Chính sách tự do hóa thương mại trong lĩnh vực nông nghiệp

Trong thế kỷ XXI, xu hướng tự do hóa thương mại toàn cầu diễn ra mạnh mẽ ở hầu hết các lĩnh vực kinh tế. Một loạt các biện pháp chính sách tạo môi trường pháp lý và thuận lợi hóa thương mại được thực hiện (ví dụ: giảm thiểu và loại bỏ các rào cản xuất nhập khẩu hàng hóa và dịch vụ, thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài, bảo hộ sở hữu

125

trí tuệ…). Trong đó, giảm thuế nhập khẩu và đơn giản hóa thủ tục xuất khẩu là hai biện pháp quan trọng giúp DN tiết kiệm chi phí nhập khẩu đầu vào phục vụ sản xuất và gia tăng năng lực cạnh tranh cũng như cơ hội tiếp cận thị trường nước ngoài, từ đó tạo điều kiện thuận lợi cho các mô hình chuỗi sản xuất toàn cầu vận hành.

Đối với Việt Nam, kể từ khi gia nhập WTO năm 2007, đến nay có 13 hiệp định thương mại tự do song phương và đa phương đã ký kết, trong đó có một số FTA thế hệ mới, nổi bật là CPTPP và EVFTA. Các hiệp định này đạt được thỏa thuận đáng kể trong việc giảm hàng rào thuế quan đối với xuất nhập khẩu các sản phẩm nông nghiệp. Thuế quan đối với các mặt hàng nông sản Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường như ASEAN, Hàn Quốc đã ở mức 0%, thúc đẩy các DN mở rộng phạm vi hoạt động sang các thị trường này.

“Khi VKFTA có hiệu lực, chúng tôi đã lên kế hoạch mở rộng hoạt động xuất khẩu cà phê sang Hàn Quốc. Trước đây chúng tôi đã xuất khẩu cà phê nguyên hạt cho các nhà chế biến, hiện chúng tôi muốn giới thiệu thêm sản phẩm cà phê hòa tan vào hệ thống siêu thị ở Hàn Quốc. Thuế đối với mặt hàng cà phê hòa tan giảm sẽ giúp giá sản phẩm của chúng tôi cạnh tranh với sản phẩm của công ty khác”.

Bên cạnh đó, biểu thuế dành cho nhập khẩu các đầu vào nông nghiệp cũng được giảm đáng kể theo mức thuế MNF cam kết trong WTO. Mức thuế nhập khẩu 0% được áp dụng đối với một số mặt hàng đầu vào quan trọng như chất tổng hợp, chất bổ sung thức ăn hoặc phụ gia thức ăn; linh kiện, bộ phận máy móc thiết nhập khẩu để phục vụ dự án sản xuất máy móc nông nghiệp, giảm tổn thất sau thu hoạch... Nhìn chung, thuế quan xuất nhập khẩu tạo thuận lợi cho các DN nông nghiệp trong nước nhập khẩu hàng hóa trung gian từ nước ngoài để sản xuất và xuất khẩu hàng hóa.

“Chúng tôi nhập khẩu dây chuyền đóng hộp từ Trung Quốc. Thuế giảm đã giúp chúng tôi tiết kiệm được khoảng 5% chi phí”.

Đặc biệt, thuận lợi hóa thủ tục hải quan và ứng dụng hải quan điện tử được DN đánh giá là chính sách hữu ích nhất trong việc hỗ trợ DN trong quá trình xuất nhập khẩu. Ý kiến này được cả 6 DN tham gia phỏng vấn nhấn mạnh.

“Một năm trước (tức năm 2019) chúng tôi bắt đầu được kê khai hải quan điện tử. Điều này giúp quá trình thông quan diễn ra nhanh chóng và thuận tiện hơn rất nhiều.

126

Lô hàng được giao sớm hơn. Chúng tôi không mất thời gian đi lại để nộp bổ sung các giấy tờ. Đây là chính sách chúng tôi thấy đáng vui mừng nhất”.

b. Các tiêu chuẩn quốc tế đối với hàng hóa nông nghiệp

Tuy nhiên, để đối phó với yêu cầu thu hẹp hàng rào thuế quan theo tinh thần chung của WTO, để bảo vệ hàng hóa sản xuất trong nước, các quốc gia nhập khẩu đã đẩy mạnh việc sử dụng hàng rào phi thuế quan. Đối với lĩnh vực nông sản, số lượng ngày càng tăng các rào cản phi thuế quan như tiêu chuẩn an toàn vệ sinh thực phẩm, kiểm dịch, chứng nhận nguồn gốc xuất xứ, các chứng nhận quốc tế như HACCP, Global GAP và một loạt các chứng nhận nông nghiệp hữu cơ đối với từng mặt hàng khác nhau. Đạt được các chứng nhận và tuân thủ tiêu chuẩn quốc tế là nguyên tắc quản lý bền vững của GVC, song điều này cũng trở thành rào cản đối với các DN muốn tham gia vào GVC. Rõ ràng, với hạn chế về quy mô và nguồn lực, không phải DN nào cũng có thể đạt được các yêu cầu trên.

“Vùng nguyên liệu do DN phát triển thường đáp ứng đúng các tiêu chí mà khách hàng yêu cầu. Tuy nhiên chúng tôi thường phải thu mua thêm nông sản từ bà con nông dân phục vụ hoạt động chế biến. Rất khó để đảm bảo chất lượng đồng nhất, đáp ứng quy định từ nguồn thu gom bên ngoài. Các mặt hàng này thường được bán vào các thị trường dễ tính hơn”.

Như vậy, các tiêu chuẩn kỹ thuật có thể ảnh hưởng đến việc lựa chọn thị trường và khách hàng của DN.

c. Hỗ trợ tài chính

Việc hỗ trợ DN đạt được các nguồn lực cần thiết để tham gia vào GVC, bao gồm tiếp cận tài chính bên ngoài và đào tạo nhân lực cho là nhân tố quan trọng ảnh hưởng đến khả năng tham gia vào GVC của các DN. Liên quan đến hỗ trợ tài chính, Ngân hàng Nhà nước xác định nông nghiệp, nông thôn là một trong những lĩnh vực ưu tiên đầu tư vốn, từ đó, ban hành, triển khai nhiều chính sách tín dụng hỗ trợ DN đầu tư vào nông nghiệp, cụ thể: (i) Áp dụng trần lãi suất cho vay ngắn hạn đối nông nghiệp, nông thôn là 6,5-8%/năm, thấp hơn từ 1% - 2% so với mặt bằng lãi suất chung; (ii) Áp dụng nhiều cơ chế đặc thù về tài sản thế chấp, lãi suất cho vay, xử lý nợ...; (iii) ban hành một số chính sách đặc thù đối với một số sản phẩm nông nghiệp chủ lực mà Việt Nam có

127

lợi thế hoặc có kim ngạch xuất khẩu lớn như các chính sách về tạm trữ lúa gạo, tái canh cà phê; cho vay khai thác hải sản xa bờ...

Hỗ trợ tài chính là mong muốn lớn nhất được đề cập bởi tất cả DN tham gia phỏng vấn, song cũng là vấn đề gây thất vọng nhất. Bất chấp nỗ lực của Chính phủ trong việc ban hành các cơ chế tín dụng nông nghiệp, các DN cho biết họ vẫn không thể tiếp cận các nguồn vốn cho vay. Nguyên nhân phần nhiều thủ tục của ngân hàng còn rắc rối, DN không có tài sản thế chấp để vay vốn nên không được phê duyệt… (Bộ Kế hoạch và Đầu tư, 2019).

“Tôi đã làm hồ sơ vay vốn hơn 3 năm nay nhưng tôi chưa vay được một khoản nào cả. Ngân hàng yêu cầu tôi phải có tài sản thế chấp, đất dự án để xây nhà máy không được xem là tài sản thế chấp”.

“Tôi thậm chí đã được phê duyệt hồ sơ xin hỗ trợ vốn nhưng cho đến nay tôi vẫn chưa nhận được tiền. Nguyên nhân được giải thích là do thủ tục giải ngân chưa hợp lý. Tôi nghĩ các DN cần tự tìm đường phát triển thay vì chờ đợi sự giúp đỡ”

d. Đào tạo nguồn nhân lực

Hiện nay, ngành nông nghiệp đang cung cấp việc làm cho hơn 40% lao động Việt Nam, tương đương khoảng 20 triệu việc làm. Tuy nhiên, theo Tổng cục Thống kê (2019), số lao động thực tế làm việc cho các DN có hoạt động đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp chỉ khoảng 4,5 triệu lao động, chiếm ¼ lao động toàn ngành nông nghiệp (tương đương 32,5% lao động của toàn bộ khu vực DN). Trong đó, các doanh nghiệp NLTS cung cấp 256.683 việc làm, chiếm 1,8% tổng số lao động của toàn bộ khu vực DN. Điều này có nghĩa lao động trong lĩnh vực nông nghiệp chủ yếu vẫn là lao động cá thể ở khu vực nông thôn, thiếu sự đào tạo bài bản, chuyên môn không cao. Các cuộc phỏng vấn DN tham gia trong GVC ở Việt Nam cho biết, hệ thống giáo dục địa phương không phù hợp với môi trường kinh doanh quốc tế hiện đại. Chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục không đảm bảo các kỹ năng mềm như ngoại ngữ, thuyết trình, làm việc nhóm, lập kế hoạch kinh doanh, bán hàng và marketing (OECD, 2016, pp.49).

Có thể thấy, đào tạo nguồn nhân lực làm việc trong lĩnh vực nông nghiệp chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của ngành nói chung, và của các DN hoạt động trong lĩnh vực nông nghiệp nói riêng. Tỉ lệ lao động qua đào tạo khối ngành NLTS ở Việt

128

Nam chỉ đạt khoảng 15,5% năm 2010. Các dự án đào tạo lao động ở nông thôn đã hỗ trợ đào tạo 2,15 triệu lao động trong giai đoạn 2011-2019 nhưng vẫn không đáp ứng đủ nhu cầu. Dự báo đến năm 2020, nguồn nhân lực khối ngành NLTS sẽ thiếu khoảng 3,2 triệu lao động qua đào tạo (Bộ NN&PTNT). Điểm yếu ở đây là khâu đào tạo trong nước chưa đáp ứng được nhu cầu lao động thực tế cho các DN NLTS, cả về số lượng lẫn chất lượng. Ngoài ra, do hạn chế về số cơ sở đào tạo chính quy, các trường đại học NLTS trên cả nước, nên lực lượng lượng kỹ sư và cán bộ khoa học tốt nghiệp hằng năm có kiến thức chuyên môn bị thiếu hụt trầm trọng, nhất là trong một số lĩnh vực như nông nghiệp công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ.

“Tôi không qua một trường lớp đào tạo nào cả. Chuyên ngành của tôi là kỹ sư, nhưng tôi đã tự học về thực hành nông nghiệp hữu cơ qua các tài liệu và trên mạng. Hiện sáng kiến mô hình chăn nuôi lợn hữu cơ khép kín của tôi đã được cấp bằng sáng kiến nông nghiệp. Tuy nhiên tôi nghĩ rằng, để mở rộng mô hình này, cũng như các mô hình canh tác đòi hỏi kiến thức và kỹ năng cao khác thì việc đào tạo bài bản ở trường lớp là cần thiết”.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa và ảnh hưởng của cuộc cách mạng công nghệ 4.0, kiến thức chuyên môn, ngoại ngữ, khả năng tìm hiểu và ứng dụng các thành tựu khoa học công nghệ mới cũng như hiểu biết về các quy định trong xuất nhập khẩu, nguồn gốc xuất xứ, an toàn vệ sinh thực phẩm… là các kỹ năng cần thiết phải bổ sung đối với lao động nông nghiệp ở các DN Việt Nam muốn mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh nông sản trên thị trường quốc tế.

e. Cơ sở hạ tầng

- Hạ tầng logistics

Cần lưu ý rằng, trong GVC, các công đoạn sản xuất bị phân mảnh về mặt địa lý thường đòi hỏi phải di chuyển nhanh chóng và tiết kiệm chi phí hàng hóa qua biên giới quốc gia. Như vậy, hoạt động logistics không hiệu quả sẽ làm tăng chi phí giao dịch và giảm sức cạnh tranh của các GVCs. Hơn nữa, các GVC trong lĩnh vực nông nghiệp thường liên quan đến xuất nhập khẩu một lượng lớn các mặt hàng tươi sống, đòi hỏi hoạt động logistics không chỉ đơn thuần thực hiện vai trò vận chuyển và kết nối, mà còn phải đảm bảo giữ nguyên chất lượng từ nơi sản xuất đến điểm tiêu thụ. Sự đa dạng

129

của các mặt hàng nông sản và đặc tính khác biệt của nó dẫn đến đầu tư vào hoạt động logistics trong lĩnh vực nông nghiệp, đặc biệt là kho bãi lưu trữ và vận chuyển sẽ tốn kém hơn nhiều do các chi phí về công nghệ.

Tín hiệu tích cực là các DN tham gia phỏng vấn đều cung cấp những đánh giá tốt về ảnh hưởng của logistics đến hoạt động xuất khẩu nông sản của DN mình.

“Với quy mô vận tải lớn, chúng tôi chỉ làm việc với các DN logistics hàng đầu. Do đó chúng tôi ít gặp phải các vấn đề phát sinh trong quá trình chuyển giao hàng hóa đến khách hàng ở nước ngoài”.

Thực tế chỉ số LPI của Việt Nam đã cải thiện đáng kể trong vài năm qua, từ vị trí 64 năm 2016 vươn lên vị trí 39/160 quốc gia điều tra. Do nhu cầu sản xuất, lưu thông và xuất khẩu, logistics Việt Nam đã phát triển nhanh chóng, đạt khoảng 14 - 16%/năm, đứng thứ 3 khu vực Đông Nam Á, với giá trị 40 - 42 tỷ USD/năm. Môi trường kinh doanh, chất lượng dịch vụ logistics, kết cấu hạ tầng đã được nhiều DN quan tâm, đầu tư. Cả nước hiện có 48 kho lạnh làm dịch vụ bảo quản nông thủy sản với công suất khoảng 700.000 pallet.

Tuy nhiên, đánh giá về hạ tầng logistics phục vụ nông nghiệp ở Việt Nam còn yếu kém, thiếu sự kết nối. Các trung tâm logistics quy mô manh mún (phần lớn dưới 10ha), phân bố ở các thành phố lớn thay vì khu vực sản xuất nông sản. Các DN logistics nông nghiệp phần đa là tự phát dựa trên nhu cầu của một số nhóm khách hàng, chưa chú trọng vào công nghệ lưu kho hay làm lạnh làm giảm giá trị của nông sản Việt Nam. Ngay cả khâu đóng gói đơn giản nhưng do không có tiêu chuẩn đồng nhất “làm gián đoạn dòng hàng hóa từ một điểm trong chuỗi cung ứng sang điểm khác khi hàng hóa buộc phải được dỡ xuống và đóng gói lại, làm mất thời gian, tốn chi phí vận tải và chi phí nhân công, gây ra hiện tượng hư hỏng sản phẩm do không được bảo quản ở nhiệt độ thích hợp trong lúc chuyển đổi phương tiện hay địa điểm” (Bộ Công thương, 2019).

- Hạ tầng công nghệ thông tin

Như nhiều lĩnh vực khác, sự phát triển của công nghệ thông tin (CNTT) và mạng internet cũng tác động đến mọi đối tượng trong chuỗi kinh doanh nông sản toàn cầu. Ở Việt Nam hạ tầng CNTT và internet có mức độ phát triển tương đối cao so với các quốc gia khác trên thế giới. Việt Nam hiện xếp thứ 13 trong top 20 quốc gia có số dân sử

130

dụng mạng Internet đông nhất thế giới - một nền tảng lý tưởng để phát triển kinh tế số (Bộ Khoa học và Công nghệ, 2018). Đối với nông dân, sự bùng nổ của quyền sở hữu điện thoại di động tạo điều kiện tiếp cận thông tin thị trường, kiến thức nông học, nắm bắt thay đổi trong giá cả cây trồng và điều kiện thời tiết, cũng như tiếp cận các tổ chức tài chính cung cấp tín dụng và bảo hiểm. Điều này cho phép họ cải thiện hiệu quả của các giao dịch so với trước đây. Đối với các nhà cung cấp đầu vào, công nghệ thông tin đang tạo ra các nền tảng đổi mới, với sự hỗ trợ của thông tin sinh học và hạt giống. Trong trường hợp của các DN kinh doanh thực phẩm và nhà bán lẻ, phương tiện truyền thông xã hội đã trở thành một phần không thể thiếu trong chiến lược tiếp thị và gắn kết với khách hàng.

“Chúng tôi đã phát triển kênh quảng cáo và bán hàng qua website chính thức của DN. Thực tế có nhiều KH mới đã tiếp cận thông tin DN của chúng tôi qua đó”.

Công nghệ thông tin không chỉ tác động đến các giai đoạn riêng lẻ trong chuỗi giá trị mà còn giúp tích hợp chúng bằng cách theo dõi quá trình từ sản xuất đến tiêu thụ, cung cấp thông tin cần thiết cho truy xuất nguồn gốc.

“Nhiều khách hàng giới thiệu và yêu cầu chúng tôi cài đặt ứng dụng để theo dõi quá trình sinh trưởng và chăm sóc cây trồng. Việc này nhằm đáp ứng tốt hơn yêu cầu truy xuất nguồn gốc và tuân thủ các quy định về thực hành nông nghiệp tốt”.

Một phần của tài liệu SỰ THAM GIA CỦA DOANH NGHIỆP VIỆT NAM VÀO CHUỖI GIÁ TRỊ TOÀN CẦU: NGHIÊN CỨU TRƯỜNG HỢP NGÀNH NÔNG NGHIỆP (Trang 136 - 142)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(197 trang)