trị toàn cầu
1.3.1. Nghiên cứu cách thức và mức độ doanh nghiệp tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trị toàn cầu
Trước hết, liên quan đến cách thức DN tham gia vào GVC, những nỗ lực nghiên cứu đầu tiên đã chỉ ra rằng, khả năng tham gia vào GVC của các DN ở các quốc gia rất đa dạng và khác biệt, nhất là giữa nhóm công ty/ tập đoàn lớn với các DN có quy mô nhỏ. Nhìn chung những hoạt động chính, đòi hỏi kiến thức, kỹ năng và công nghệ thường được thực hiện bởi các DN lớn ở các quốc gia phát triển, trong khi đó DN quy mô nhỏ hơn ở các quốc gia kém phát triển hơn có xu hướng đảm nhiệm những hoạt động bổ trợ, không đòi hỏi cao về nguồn lực (Virgina & Torben, 2016). Và do đó, các công ty này sẽ đóng góp giá trị gia tăng khác nhau cho sản phẩm. Cụ thể, các hoạt động ở hai đầu đường cong nụ cười, như R&D, thiết kế, tiếp thị, bán hàng, dịch vụ thường đem lại giá trị gia tăng cao hơn cho DN thực hiện nó, thay vì các hoạt động có giá trị gia tăng thấp ở phần giữa đồ thị, như sản xuất, gia công, lắp ráp (Stan Shih, 1992; Mudambi, 2008).
17
Trải qua hơn thập kỷ nghiên cứu, một loạt các báo cáo khoa học của UNCTAD - OECD (2008 - 2017) UN (2010), APEC (2014 - 2016), ADBI (2015 - 2020)… liên quan đến DN trong GVC cho thấy, dưới tác động của sự phân mảnh và chuyên môn hóa ngày càng rộng lớn của chuỗi sản xuất quốc tế, ngày càng nhiều DN ở các quốc gia đang phát triển tham gia vào nền kinh tế toàn cầu mà không cần phải phát triển một chuỗi giá trị hoàn chỉnh (OECD, 2014). Đối với các quốc gia mới nổi và đang phát triển, SMEs chiếm số lượng đông đảo. Quá trình phân mảnh sản xuất đã tạo cơ hội cho các SME ở các nước đang phát triển tiếp cận thị trường toàn cầu với tư cách là nhà cung cấp linh kiện hoặc dịch vụ mà không cần phải xây dựng toàn bộ chuỗi giá trị của một sản phẩm. Ngay cả khi họ không thể tham gia trực tiếp vào GVC, họ vẫn có thể hưởng lợi từ việc ký hợp đồng phụ cho các công ty lớn hơn hoặc các công ty nước ngoài (Dang 2019).
Đặc biệt, các báo cáo này cũng ghi nhận sự gia tăng số lượng SMEs tại các quốc gia đang phát triển tìm cách tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu thông qua hoạt động xuất khẩu hàng hóa, hoặc trở thành nhà cung cấp nguyên vật liệu, nhà thầu phụ hay gia công lắp ráp cho các công ty lớn dẫn đầu GVCs. Về cơ bản, DN có thể tham gia vào GVC thông qua hai hình thức: (1) Xuất khẩu trực tiếp – bán hàng hóa trung gian cho các đối tác nước ngoài; (2) xuất khẩu gián tiếp – bán hàng hóa trung gian cho các DN lớn trong nước, MNCs xuất khẩu (González, 2017). Tuy nhiên, trong các chuỗi giá trị do nhà sản xuất điều hành, do hạn chế về năng lực, hầu hết SMEs nội địa chỉ mới có thể tham gia ở vai trò nhà cung ứng cấp hai. Đây là thực tế quan sát được từ ngành công nghiệp ô tô và điện tử ở Malaysia, Ấn Độ và Nam Phi.
Tuy nhiên, cho đến nay cả khung lý thuyết và các thước đo thực nghiệm được phát triển chủ yếu để đánh giá mức độ tham gia vào GVC ở cấp quốc gia hoặc tốt nhất là ở cấp ngành chứ không phải cấp công ty hay doanh nghiệp (Antràs, 2020). Phương pháp luận sử dụng phổ biến nhất trong các nghiên cứu về sự tham gia vào GVC được đề xuất bởi Koopman và một số nhà khoa học khác (Hummels et al., 2001; Wang et. Al., 2013; Koopman et al., 2014; Borin và Mancini, 2016…). Theo đó, tổng dòng chảy thương mại được chia nhỏ thành các thành phần giá trị gia tăng theo nguồn gốc của nó. Phương pháp luận này được kết hợp với sáng kiến xây dựng bộ dữ liệu đầu vào – đầu
18
ra toàn cầu (hay còn gọi là dữ liệu đầu vào đầu ra liên quốc gia – ICIO) để tính toán các chỉ số đo lường mức độ tham gia vào liên kết ngược (backward participation) và mức độ tham gia vào liên kết xuôi (forward participation) của một quốc gia/ngành kinh tế vào GVC. Với sự phổ biến và khả năng tiếp cận dễ dàng của cơ sở dữ liệu ICIO (tiêu biểu có Cơ sở dữ liệu thống kê giá trị gia tăng thương mại - TiVa cho 63 quốc gia; Cơ sở dữ liệu đầu ra đầu vào thế giới - WIOT cho 43 quốc gia; và gần đây nhất là cơ sở dữ liệu đầu vào - đầu ra đa vùng – MRIO, sau này được gọi là Eora, cho 189 quốc gia) phương pháp luận và các chỉ số tính toán này đã được ứng dụng rộng rãi trong các nghiên cứu về GVC nói chung và đặc biệt là nghiên cứu đánh giá mức độ tham gia vào GVC ở cấp độ ngành/ quốc gia.
Trên thực tế, không phải các quốc gia hay ngành kinh tế tham gia vào thương mại quốc tế, mà là chính là các DN. Họ là tác nhân chính thực hiện các nhiệm vụ chức năng nhằm tạo ra giá trị cho sản phẩm trong GVC. Tuy nhiên, cho đến nay, việc đo lường mức độ tham gia của các DN vào GVC vẫn còn nhiều khó khăn và đôi khi là bất khả thi. Nguyên nhân chủ yếu là do thiếu dữ liệu phân tích ở cấp độ DN. Phương pháp tiếp cận phân tách nguồn gốc giá trị gia tăng trong tổng xuất khẩu và các chỉ số liên tính toán mức độ tham gia vào liên kết ngược và liên kết xuôi hoàn toàn có thể áp dựng để đánh giá mức độ tham gia của DN vào GVC nếu chúng ta có dữ liệu giao dịch thương mại ở cấp độ DN. Chẳng hạn, González (2017) với bài viết nằm trong chuỗi Báo cáo khoa học của OECD, đã đề xuất phương pháp xác định cách thức SMEs trong các nền kinh tế ASEAN tham gia vào GVC bằng cách kết hợp dữ liệu cấp DN với cơ sở dữ liệu TiVA. Việc hợp nhất dữ liệu cấp DN với TiVA cho phép tạo một bảng ICIO tăng cường có thể được sử dụng để ước tính các chỉ số GVC xác định nguồn gốc của giá trị gia tăng trong xuất khẩu theo loại hình DN. Sau đó áp dụng công thức tính toán các chỉ số tham gia đầu và cuối chuỗi như cách truyền thống, Gonzales (2017) đã có những phát hiện quan trọng về cách thức và mức độ các SMEs trong khu vực ASEAN tham gia vào GVC. SMEs có xu hướng tham gia vào GVC thông qua xuất khẩu gián tiếp: bán các sản phẩm trung gian cho các DN nội địa hoặc các MNCs đang hoạt động trong lãnh thổ quốc gia để sau đó xuất khẩu. Mức độ tham gia vào GVCs của SMEs có sự khác biệt rõ rệt so với DN lớn. Thứ nhất, SMEs có xu hướng sử dụng ít giá trị gia tăng nước
19
ngoài hơn so với các DN lớn khi xuất khẩu – tức họ có tỷ lệ tham gia liên kết ngược thấp hơn. Thứ hai, SMEs chuyên môn hóa hơn các DN lớn trong việc xuất khẩu trực tiếp các sản phẩm trung gian được giao dịch trong GVC – tức họ có tỷ lệ tham gia về phía liên kết xuôi cao hơn.
Như vậy, về mặt lý thuyết, để tính toán chỉ số tham gia vào liên kết ngược và liên kết xuôi của DN trong GVC cần xây dựng được ma trận giá trị gia tăng giữa các DN ở các ngành kinh tế của các quốc gia (tương tự ma trận ICIO). Điều này đòi hỏi thu thập dữ liệu tối thiểu bao gồm tổng sản lượng và tỷ trọng nhập khẩu, xuất khẩu của các DN. Dữ liệu thống kê hiện tại không cung cấp đủ thông tin cần thiết bởi không phải quốc gia nào cũng thực hiện các thống kê về DN một cách đầy đủ, liên tục và đúng quy chuẩn, đặc biệt là các quốc gia đang phát triển và quốc gia có thu nhập thấp. Do đó, hai phương pháp đơn giản hơn được sử dụng trong các nghiên cứu là: (1) sử dụng cơ sở dữ liệu khảo sát DN của Ngân hàng Thế giới (WB) phân loại cụ thể các DN xuất khẩu, DN nhập khẩu và các DN vừa xuất khẩu và nhập khẩu để xác định tập hợp các DN ở một quốc gia tham gia vào thương mại quốc tế. Khi một DN ở một quốc gia nhất định vừa nhập khẩu vừa xuất khẩu, lẽ tự nhiên có thể kết luận rằng DN này tham gia vào GVC; (2) Cách thứ hai, sử dụng phương pháp điều tra khảo sát hoặc nghiên cứu tình huống điển hình để rút ra các kết luận về cách thức tham gia và mối liên kết giữa DN với các đối tác còn lại trong GVC (được trình bày cụ thể hơn ở phần 1.3.4)