Mỗi khách hàng tiềm năng đều có những mối quan tâm hoặc sự phản đối then chốt mà bạn cần gợi ra khỏi tâm trí anh ấy/cô ấy và đặt nó lên bàn để có thể xử lý chúng. Sự tồn tại của việc phản đối trong tâm trí khách hàng sẽ khiến cuộc trò chuyện nhằm mục đích bán hàng trở nên không hoàn chỉnh. Bạn cần phải khuyến khích khách hàng nói ra bất cứ lý do phản đối nào xuất hiện trong tâm trí họ bằng cách khen ngợi họ và khiến họ có cảm giác tốt đẹp về việc đưa ra lý do phản đối ngay từ đầu.
Con người sợ phải đương đầu với những người khác, vì bất cứ lý do gì. Có thể sẽ có những khách hàng rất quyết đoán và xông xáo, nhưng nhìn chung, khách hàng sẽ không muốn phải tranh luận với bạn. Họ muốn hòa hợp. Bạn càng khiến cho cuộc trò chuyện nhằm mục đích bán hàng trở nên dễ chịu và thoải mái bao nhiêu, khả năng khách hàng chia sẻ với bạn những lý do có thể ngăn cản họ ra quyết định mua hàng sẽ càng cao bấy nhiêu.
Hãy lắng nghe trọn vẹn những lý do phản đối – hãy kiên nhẫn. Thậm chí nếu đã từng nghe sự phản đối này rất nhiều lần trong quá khứ, bạn vẫn nên ngả người, gật đầu, mỉm cười, phát huy tất cả những kỹ năng lắng nghe của mình, và hành động như thể bạn chưa bao giờ được nghe kiểu phản đối này một lần nào trước đây.
Hãy nhớ, nếu bạn tập trung lắng nghe mà không cắt ngang lời người đối diện, dừng lại trước khi phản hồi, đặt câu hỏi để làm rõ ý kiến của khách hàng tiềm năng, lặp lại những thông tin mà khách hàng vừa truyền đạt bằng ngôn ngữ của chính bạn, bạn tiếp tục tạo dựng lòng tin ở khách hàng, thậm chí mặc dù anh ấy/cô ấy đang phản đối lời chào hàng của bạn theo một cách nào đó.