Nếu nỗi sợ hãi xuất hiện trong việc nuôi dạy con cái thì nó không bao giờ là một thái độ dự phòng đúng đắn. Liệu nỗi sợ hãi có qua đi nếu một Bà mẹ khắc nghiệt nói rằng không sợ hãi? Đó là một câu hỏi gài bẫy: một Bà mẹ khắc nghiệt cũng cảm thấy sợ hãi – nhưng dù thế nào thì cô ấy vẫn phải làm việc cần làm (“việc cần làm” ấy là những hành động nghiêm khắc). Những người mới có con, đặc biệt là con đầu lòng thường cảm thấy có nhiều hơn một chút nỗi nhức nhối sợ hãi. Điều này tất nhiên có thể thông cảm được, và điều đó cũng đã xảy ra với tôi, mặc dù nó đã được kiểm soát. Tôi sợ điều gì ư? Những giấc ngủ ngắn của con. Ôi! chúng đã làm tôi sợ hãi.
Khi con trai lớn của tôi chào đời, chúng tôi trở thành một gia đình. Tôi khá giỏi trong một số việc – tôi đã nuôi con bằng sữa mẹ thành công, vì vậy, chúng tôi đã nhanh chóng thích nghi với việc chăm con chu đáo mỗi ngày. Khi đó là mùa đông, và tôi bất đắc dĩ phải thành thạo trong việc nhanh chóng quấn khăn quàng cổ cho con (thật nhanh, trước khi nó đi ngoài phân lỏng hoặc đến giờ cho con ăn lần nữa) và mặc đủ ấm cho con để chúng tôi có thể bắt đầu chuyến đi bộ hàng ngày vô cùng nhàm chán giữa tiết trời lạnh giá. Nhưng khi đến thời kỳ cần gộp những giấc ngủ ngắn của trẻ sơ sinh lại thành thứ gì đó tương tự với thời gian biểu thì sao? Không thể đoán trước được. Và tới lúc tôi cân nhắc ý tưởng cho con ngủở trong cũi? Điều đó đơn giản là có vẻ quá… đáng sợ.
Tôi biết chứ?! Sợ chính đứa con bé bỏng của mình (hoặc, trong trường hợp của con trai tôi, đứa con rất to lớn của tôi). Tôi đã nghĩ đến những điều có thể xảy ra? Chắc nó sẽ giãy nảy lên và đòi nằm trong xe đẩy, hay đu đưa trong nôi, trong khi tôi nhón chân đi lại nhẹ nhàng vì sợ nó sẽ tỉnh giấc trước khi chìm vào giấc ngủ yên bình? Đúng vậy, đó chính là điều tôi lo sợ. Tôi muốn nói rằng: Chuyện một đứa trẻ sơ sinh có một chuỗi các giấc ngủ ngắn vô kế hoạch suốt cả ngày chẳng có gì bất
ổn cả, nếu bạn cảm thấy thoải mái với điều đó. Nhưng tôi cảm thấy bế
tắc bởi tôi muốn thiết lập một thời gian biểu thức – ngủ cho con. Tôi tránh không làm, vì sợ nó sẽ không có kết quả. Và người đã “chữa khỏi” chứng sợ hãi cho tôi chính là Maggie – cô trông trẻ của tôi. Tôi đã thuê cô ấy khi quay lại làm việc sau ba tháng nghỉ đẻ. Vào ngày đầu tiên và ngày thứ hai sau khi quay lại làm việc, tôi gọi điện về nhà, Maggie thì thầm trả lời điện thoại: “Sao chị lại nói thầm thế?” Tôi hỏi: “Nó đang ngủ à?”
“Phải,” Cô ấy trả lời: “Nó đang nằm trong cũi.”
“Làm thế nào mà cô cho nó ngủ trong cũi được?!” Vì một vài lý do mà tôi đã hỏi với tiếng thì thầm lớn hơn, như thể con trai tôi có thể
nghe thấy tiếng nói của tôi tận đầu bên kia thị trấn.
“Nó có vẻ buồn ngủ,” cô ấy trả lời một cách thản nhiên, “vì vậy tôi đặt nó nằm xuống.”
Bạn thấy đấy: một câu trả lời đơn giản, thẳng thừng và nỗi sợ hãi của tôi bốc hơi hoàn toàn. Vào ngày nghỉ tiếp theo của mình, tôi đã thử làm như thế. Không còn nghi ngờ gì nữa, như Maggie đã nói, tôi có thể nhận thấy những biểu hiện trông là lạ, có vẻ cần nghỉ ngơi và tôi đặt con vào trong cũi cùng một cái vỗ về giúp nó yên tâm ngay sau đó.
Liệu tôi có còn tiếp tục sợ hãi, không dám thử làm không? Những tháng đầu, thậm chí những năm đầu làm mẹ này có vẻ rất lạ lẫm với tôi bởi – ít nhất là với tôi – khả năng dự đoán những giấc ngủ ngắn của con là phần quan trọng làm nên sự tỉnh táo của bà mẹ là tôi. Nhưng một khi tôi nhận ra, nhờ sự giúp đỡ của Maggie, tôi đã không còn phải sợ hãi việc đặt ra thói quen ngủ cho con (hoặc đơn giản là việc đặt con nằm xuống), tôi đã trở nên tự tin.
Đó chính là ý của tôi khi nói về sự lựa chọn, lựa chọn những điều có vẻ quan trọng hoặc bất di bất dịch với bạn, khám phá ra viễn cảnh lý tưởng của bạn là gì và bắt đầu tiến hành kế hoạch để đạt được viễn cảnh đó. Nếu bạn cảm thấy sợ hãi thì sao? Bạn hãy cứ làm đi. Tôi đã (ngốc nghếch, nhưng quả đúng vậy) sợ không dám đặt con nằm ngủ trong cũi, và nghĩ; “Ôi, điều này sẽ không bao giờ có hiệu quả!” Nhưng khi tôi được nhìn thấy bằng chứng rõ ràng rằng mình không thật sự có gì để sợ
hết, và thử làm, tôi đã nhận ra rằng đối mặt với nỗi sợ hãi không chỉ là một bước đi tốt ở hiện tại, mà còn có thể dùng làm bài học trong tương lai.