Phương hướng phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 84 - 85)

Để đáp ứng cho nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội Bình Dương trong bối cảnh hội nhập, thì thị trường sức lao động của Bình Dương cần phải tăng cung trên cơ sở đáp ứng cầu cả về mặt lượng và chất - đặc biệt ngày càng chú ý về mặt chất. Giải quyết vần đề giá cả hàng hoá sức lao động (tiền lương) và những điều kiện khác để đảm bảo sự ổn định của lực lượng lao động và cải thiện đời sống của họ. Phương hướng cụ thể là:

Thứ nhất: Cần chuyển dịch cơ cấu cung - cầu lao động theo hướng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Bình Dương, trong đó có mối quan hệ phát triển của cả vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, do vậy các yếu tố của thị trường sức lao động cần phải theo kịp sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế. Nếu không có chiến lược phát triển lực lượng lao động hợp lý, theo kịp với quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, đô thị hóa thì thất nghiệp sẽ tăng lên, cung lao động sẽ lớn hơn cầu lao động, đặc biệt là ở thành thị.

Thứ hai: Cần tạo điều kiện cho thị trường sức lao động phát triển, thị trường sức lao động cũng như các thị trường khác, sẽ không có biên giới cho sự di chuyển lao động giữa các tỉnh khác vào, đặc biệt tiền lương, tiền công do thị trường lao động quyết định ngày càng chiếm ưu thế, sẽ tác động mạnh đến quan hệ cung cầu lao động, thu nhập sẽ có khoảng cách hơn giữa người có trình độ tay nghề cao và lao động phổ thông, đồng thời các vấn đề khác như: nghèo đói, tệ nạn xã hội, nhà ở sẽ là những vấn đề được đặt ra và cần được giải quyết.

Thứ ba: Đa dạng hóa các hình thức giao dịch việc làm, phát triển hệ thống thông tin về thị trường sức lao động trong và ngoài nước. Các hình thức giao dịch trên thị trường lao động sẽ đa dạng, phong phú hơn.

Thứ tư: Phát triển thị trường sức lao động trong mọi khu vực kinh tế, tạo sự gắn kết cung - cầu lao động, phát huy tính tích cực của người lao động trong học nghề, tự tạo và tự tìm việc làm. Tập trung phát triển thị trường sức lao động có trình độ chuyên môn cao, vừa đáp ứng yêu cầu của doanh nghiệp, vừa phù hợp với xu thế thu hút vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt là phù hợp với thị trường lao động quốc tế trong điều kiện gia nhập WTO.

Thứ năm: Tăng cường quản lý của Nhà nước trên thị trường sức lao động. Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ về lao động và thị trường sức lao động nhằm đảm bảo quyền lựa chọn chỗ làm việc và nơi cư trú của người lao động, đảm bảo quyền lợi của người lao động và người sử dụng lao động. Cần điều chỉnh, bổ sung các chính sách về lao động, việc làm để thị trường sức lao động từng bước cải thiện đời sống của người lao động được hoàn thiện, đạt hiệu quả cao, ngân sách đầu tư cho lao động và việc làm cần điều chỉnh hợp lý hơn. Cần giảm thiểu tối đa những hạn chế phát sinh trong quá trình phát triển thị trường sức lao động.

Trong quá trình phát triển thị trường sức lao động cần tạo sự kết nối, phối hợp hoạt động giữa các chủ thể trên thị trường, phát triển các loại thị trường lao động mới trong mối quan hệ thống nhất, đồng bộ với các thị trường khác.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 84 - 85)