Giá cả hàng hoá sức lao động trên thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 66 - 69)

phát triển các khu công nghiệp như Bến Cát, Tân Uyên…

Sự mất cân đối về cơ cấu lao động cũng là vấn đề đáng quan tâm của tỉnh Bình Dương. Tình trạng cung và cầu lao động mất cân đối trong một số ngành là phổ biến.

Nhu cầu lao động hiện nay của các doanh nghiệp tỉnh Bình Dương lên đến hơn 30.000, là một bài toán khó về giải quyết tình trạng thiếu hụt lao động. Để đáp ứng nhu cầu lao động, cùng với việc đẩy mạnh công tác xúc tiến, liên kết lao động từ phía các ngành chức năng, các doanh nghiệp cần xây dựng tốt chính sách đối với người lao động, góp phần vào mục tiêu phát triển ổn định ở doanh nghiệp.

Ngoài ra, những bất cập trong chính sách tiền lương và sự chênh lệch mức sống giữa các khu vực kinh tế đã tạo ra sự dịch chuyển lao động khá cao, cơ cấu đào tạo nghề mất cân đối, một số ngành nghề đang có nhu cầu cao về lao động qua đào tạo như may, vận hành máy và thiết bị, xây dựng, lắp ráp máy móc, cơ khí, điện tử… thế nhưng, các cơ sở đào tạo nghề vẫn chưa đáp ứng được nhu cầu về chất lượng của những ngành nghề có nhu cầu này.

Qua đó cho thấy sự mất cân đối nghiêm trọng giữa cung và cầu lao động ở Bình Dương hiện nay, lực lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, với tốc độ phát triển như hiện nay Bình Dương cần có lực lượng lao động trình độ cao, lao động qua đào tạo, giải quyết việc làm, đào tạo lao động một cách hợp lý, tránh tình trạng thừa lao động có bằng cấp, thiếu lao động có kỹ thuật, lao động qua đào tạo vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường sức lao động về chất lượng, số lượng.

2.2.4. Giá cả hàng hoá sức lao động trên thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương Dương

Mức tiền lương cho người lao động ở tỉnh Bình Dương nhìn chung vẫn còn thấp. Chế độ tiền lương hiện đang áp dụng cho người lao động không phản ánh đúng giá trị sức lao động và không phù hợp với những biến đổi của giá cả trên thị trường. Trên địa bàn tỉnh Bình Dương trong năm 2007 mức lương tối thiểu trả cho người lao động trong doanh nghiệp nhà nước là 580.000 đồng, còn khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là

900.000 đồng, đến năm 2008 cơ chế trả lương cho người lao động được nâng lên, lương tối thiểu trong doanh nghiệp nhà nước là 740.000 đồng, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài là 1.080.000 đồng. Mức lương trung bình mà người lao động nhận được khoảng 1.600.000 đồng/tháng, do có các chế độ cho người lao động.

Thu nhập của người lao động tuy có tăng qua các năm nhưng thấp hơn so với mức thu nhập chung các doanh nghiệp, một số ngành, nghề thu nhập thấp, người lao động phải tiết kiệm chi tiêu mới đủ trang trải cho cuộc sống của mình. Bên cạnh đó, giá cả hàng hóa ngày càng tăng lên, lương của người lao động tăng nhưng không theo kịp sự tăng nhanh chóng của giá cả hàng hóa nên mức sống của người lao động không những không được cải thiện mà ngày càng thấp hơn so với trước đây. Tiền lương tăng nhưng thực tế chỉ là danh nghĩa còn tiền lương thực tế ngày càng giảm đi, làm cho người lao động khó khăn trong quá trình cải thiện đời sống cũng như tái tạo sức lao động của mình.

Khi bàn về vấn đề trả lương trong các doanh nghiệp, người ta thường đề cập đến bài toán phân chia “miếng bánh lợi ích” giữa giá trị thặng dư thuộc người sử dụng lao động và phần tiền lương cho người lao động. Lợi ích kinh tế và những lợi ích liên quan đều được cả hai bên hướng tới, tất yếu họ sẽ vận dụng mọi loại “vũ khí’’ để đạt được mục đích. Vũ khí của doanh nghiệp là sa thải công nhân, ép buộc họ phải chấp nhận mức lương thấp trong điều kiện thị trường dư thừa lao động, còn vũ khí của người lao động lại là đình công, bế xưởng… Điều này giải thích tại sao trong số gần 127 vụ đình công ở tỉnh Bình Dương trong năm 2007 và 218 vụ đình công trong năm 2008, có tới 90% xuất phát từ nguyên nhân tiền lương.

Có một thực tế là hiện nay luôn diễn ra tình trạng doanh nghiệp chưa thực hiện đúng quy định của pháp luật lao động và các cam kết, thỏa thuận với người lao động. Các vi phạm của doanh nghiệp như không xây dựng thang bảng lương (chủ yếu trả lương cho người lao động cao hơn mức lương tối thiểu một ít); không nâng lương hàng năm hoặc có nâng lương nhưng mức nâng quá thấp; thời gian làm thêm giờ vượt quá tiêu chuẩn; trả lương làm thêm giờ không đầy đủ; ký hợp đồng không đúng loại; điều kiện lao động không bảo đảm; kỷ luật lao động hà khắc…

Nói chung, hầu hết các doanh nghiệp xảy ra đình công là do người sử dụng lao động không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ theo quy định của pháp luật lao động đối với người

lao động; chưa thực sự quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân lao động; chưa tạo được “chất keo” nhằm gắn kết người lao động với doanh nghiệp thông qua việc xử lý hài hòa các lợi ích trong quan hệ lao động.

Đặc biệt là trong năm 2007-2008, lạm phát tăng mạnh làm đời sống công nhân càng ngày càng khó khăn nhưng mức lương chậm điều chỉnh, công nhân dễ dàng đình công khi có người khởi xướng. Đến thời điểm này, tuy vẫn còn tồn tại hiện tượng uy hiếp, đe dọa người không tham gia đình công nhưng không nhiều; số người tự nguyện tham gia đình công ngày càng nhiều hơn do áp lực của đời sống. Các cuộc đình công trước đây chỉ giới hạn tại các doanh nghiệp khu công nghiệp đã lan ra toàn tỉnh, đến các doanh nghiệp ngoài khu công nghiệp. Trong năm 2008 đã xuất hiện biến tướng của đình công là toàn thể công nhân từ chối không ăn cơm để đòi cải thiện bữa ăn, dẫn đến nhiều người ngất vào buổi chiều và hầu như xí nghiệp phải ngừng việc hoàn toàn.

Mức sống của người lao động quá khó khăn, giá cả sinh hoạt ngày càng tăng trong khi mức lương cũng như các chế độ phụ cấp không hề tăng. Công nhân phải làm thêm nhiều giờ, liên tục trái với quy định của pháp luật nhưng được nhận lương quá thấp, không bảo đảm đời sống. Một số công nhân làm việc ở bộ phận độc hại nhưng không được hưởng trợ cấp độc hại.

Chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng quy định về nâng lương tối thiểu theo Nghị định 03/2006/NĐ-CP, chậm điều chỉnh lương để đảm bảo mức sống tối thiểu cho người lao động hoặc nếu có thì thực hiện điều chỉnh theo mức cào bằng gây ra sự so sánh giữa người cũ và người mới. Cùng một ngành nghề, cùng công việc và cường độ lao động như nhau nhưng có sự chênh lệch về mức lương tối thiểu (về mặt pháp lý) giữa doanh nghiệp vốn trong nước so với doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài. Chủ doanh nghiệp không thực hiện đúng hợp đồng lao động và định mức lao động; có doanh nghiệp nâng lương tối thiểu theo đúng quy định nhưng lại cắt giảm các khoản phụ cấp, tiền trách nhiệm; nộp chậm hoặc né tránh việc trích nộp bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; vi phạm các quy trình, quy phạm an toàn lao động; và cũng có doanh nghiệp không thực hiện đúng các trình tự thủ tục khi cho người lao động thôi việc, chủ doanh nghiệp không tôn trọng người lao động; thái độ bất hợp tác, thiếu tôn trọng của các chủ doanh nghiệp với người lao động,

tổ chức công đoàn và đại diện cho người lao động; tổ chức công đoàn hoạt động yếu, không dám đứng ra bảo vệ quyền lợi cho công nhân.

Việc thực hiện các quy định của Bộ Luật Lao động như thang, bảng lương, thỏa ước lao động tập thể, giờ tăng ca, khám sức khỏe định kỳ, chế độ cho công nhân nuôi con nhỏ...tại một số doanh nghiệp chưa tốt, phúc lợi ngoài lương chưa cao; lợi ích chính đáng của người lao động không được đảm bảo, không được giải quyết kịp thời thỏa đáng là nguyên nhân kích động người lao động bức xúc thực hiện đình công mà không theo đúng các quy định của pháp luật.

Do vậy, cần đẩy nhanh việc quy hoạch, xây dựng nhà ở cho công nhân và các cơ sở phúc lợi xã hội đi kèm như bệnh viện, trường học, nhà văn hóa...để nâng cao đời sống vật chất và tinh thần, đảm bảo người lao động có cuộc sống an cư; khuyến khích các doanh nghiệp tổ chức các hoạt động phong trào, hoạt động ngoại khóa để gắn kết người lao động với nhau, từ đó, nhằm nâng cao trách nhiệm và tạo sự gắn bó giữa người lao động với doanh nghiệp.

Hạn chế đình công là yêu cầu cấp thiết, có ý nghĩa kinh tế, chính trị đối với xã hội nói chung và cho người lao động cũng như cho doanh nghiệp nói riêng. Nhằm ngăn ngừa hạn chế các cuộc đình công tự phát, làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư, hằng năm kiến nghị Chính phủ công bố chỉ số giá tiêu dùng (CPI) và yêu cầu doanh nghiệp bù trượt giá vào tiền lương công nhân, mặt khác, kịp thời điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu phù hợp với tình hình thực tế, đảm bảo cho người lao động làm công việc đơn giản nhất trong điều kiện bình thường bù đắp sức lao động và có một phần tích lũy.

Để hỗ trợ nâng cao đời sống công nhân, Bình Dương hiện đang trình Chính phủ thông qua đề án xây dựng nhà lưu trú cho công nhân. Vận động các doanh nghiệp thực hiện các chế độ phúc lợi: tiền nhà trọ, đi lại, nâng chất lượng bữa ăn giữa ca… Tỉnh đã nghiên cứu và đang tiến hành xây dựng nhiều khu vui chơi, giải trí, chữa bệnh cho công nghiệp gần các khu công nghiệp. Ngoài ra, các đoàn thể như Hội phụ nữ, đoàn thanh niên... cũng thường xuyên tổ chức giao lưu, gặp gỡ với công nghiệp...

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 66 - 69)