CÁC NHÂN TỐ ẢNH HƯỞNG ĐẾN THỊ TRƯỜNG SỨC LAO ĐỘNG 1 Trình độ phát triển kinh tế

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 34 - 35)

1.2.1. Trình độ phát triển kinh tế

Phát triển kinh tế thị trường là một trong những động lực quan trọng nhất cho sự tăng trưởng và phát triển của Việt Nam từ thập kỷ 90 đến nay, và đây cũng là lĩnh vực Việt Nam tiến hành những đổi mới sâu rộng nhất và đạt nhiều thành tựu to lớn nhất. Sự phát triển kinh tế thị trường đã bao gồm hầu như tất cả các vấn đề kinh tế từ giá cả, tỷ giá, lãi suất đến các thành phần kinh tế, đến các doanh nghiệp, đến cả hội nhập quốc tế, ngân hàng tài chính và cả các lĩnh vực dịch vụ.

Những thành tựu mà Việt Nam đã đạt được trong việc xây dựng và phát triển kinh tế thị trường là quá rõ ràng: đã thiết lập được cơ chế thị trường quy định giá cả, tỷ giá, lãi suất; đã hình thành các thị trường cơ bản dù còn sơ khai; các thành phần kinh tế, các chủ doanh nghiệp, các chủ thể kinh doanh đã được khuyến khích phát triển và đảm bảo quyền tự chủ kinh doanh rộng rãi; hệ thống các luật kinh tế thị trường đã được ban hành tuy còn khiếm khuyết; nền kinh tế đã mở cửa và hội nhập quốc tế v.v. Việt Nam đã chuyển đổi sang kinh tế thị trường không phải với giá phải trả là suy thoái và trì trệ, mà với phần thưởng là liên tục tăng trưởng cao và mức sống của dân cư được cải thiện. Công nghiệp hóa, hiện đại hóa nền kinh tế làm cho các ngành kinh tế chuyển dịch rõ nét, theo đó cơ cấu lao động cũng chuyển dịch theo. Lực lượng lao động ngày tăng cao về số lượng cũng như chất lượng, một phần nào đáp ứnh nhu cầu phát triển kinh tế hiện nay.

Từ khi nền kinh tế nước ta chuyển từ kinh tế kế hoạch hóa tập trung sang cơ chế thị trường đã đạt được những thành tựu nhất định, trong nền kinh tế những tín hiệu khả quan về tốc độ tăng trưởng kinh tế, tốc độ đầu tư trong và ngoài nước, dẫn đến sự ra đời của hàng loạt doanh nghiệp, mở rộng quy mô sản xuất, cũng tạo ra “cơn sốt” thiếu hụt nguồn lao động tuyển dụng trên thị trường sức lao động.

Các dòng di chuyển lao động đến các tỉnh, thành phát triển công nghiệp đặc biệt là di chuyển đến Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam để lao động, làm cho thị trường lao động có sự thay đổi giữa cung và cầu lao động, di chuyển lao động đã góp phần đáp ứng các nhu cầu cấp thiết về lao động của nhiều ngành công nghiệp, dịch vụ, nhất là những ngành sử dụng nhiều lao động, giúp mở rộng năng lực sản xuất của các doanh nghiệp, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, khi phát triển kinh tế thị trường tất yếu dẫn đến thất nghiệp xảy ra trong quá trình phát triển, đặc biệt là thất nghiệp lao động nông thôn. Vai trò quản lý của Nhà nước về vấn đề này có ý nghĩa quan trọng trong việc giải quyết việc làm, giảm tỷ lệ thất nghiệp trong lực lượng lao động hiện nay ở nước ta.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 34 - 35)