Điều kiện địa lý, tự nhiên

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 43 - 45)

Bình Dương là tỉnh thuộc vùng Đông Nam Bộ, có diện tích tự nhiên 2.695,22 km2, chiếm 0,83% diện tích cả nước và xếp 42/61 về diện tích tự nhiên, phía bắc giáp với Bình Phước, phía nam và tây nam giáp thành phố Hồ Chí Minh, phía tây giáp Tây Ninh, phía đông giáp Đồng Nai. Dân số Bình Dương tính đến năm 2007 là 1.075.457 người, bằng gần 1% dân số cả nước, mật độ dân số 410 người/km2, dân số trong độ tuổi lao động chiếm 62,8%.

Bình Dương được tái tập và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 01 tháng 01 năm 1997, hiện có 07 đơn vị hành chính trực thuộc: thị xã Thủ Dầu Một là trung tâm hành chính - kinh tế - văn hóa của tỉnh, cách trung tâm thành phố Hồ Chí Minh 30 km và các huyện Bến Cát, Dầu Tiếng, Tân Uyên, Phú Giáo, Thuận An và Dĩ An. Bình Dương nằm cạnh thành phố Hồ Chí Minh nên có thuận lợi là sử dụng các công trình hạ tầng của thành phố này như sân bay, bến cảng, đường giao thông. Trung tâm tỉnh cách sân bay Tân Sơn Nhất, cảng Sài Gòn 30 km, cách cảng biển Vũng Tàu (Thị Vải, Bến Đình, Sao Mai) 110 - 115 km đường bộ, cách sân bay mới Long Thành 65 - 70 km.

Hệ thống giao thông vận tải của tỉnh nối liền với các đường giao thông quốc gia quan trọng như quốc lộ 1A, quốc lộ 13, 14, 22, 51, đường cao tốc Biên Hoà - Tân Uyên - quốc lộ 13. Tuyến đường sắt xuyên Á (trong tương lai): thành phố Hồ Chí Minh - Phnôm Pênh - Bangkok xuyên dọc từ nam đến bắc tỉnh nối vùng công nghiệp - đô thị với vùng nguyên liệu phía bắc tỉnh và Tây Nguyên.

Hệ thống sông ngòi chính trên địa bàn gồm có 3 con sông chính là sông Bé, sông Ðồng Nai, sông Sài Gòn. Hiện tại các sông đang được khai thác để dùng cho thuỷ điện Trị An và thuỷ lợi Dầu Tiếng. Các con sông này cùng với nguồn nước ngầm tạo nên nguồn nuớc dồi dào đủ cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp, công nghiệp, cho các nhu cầu

sản xuất khác và dân sinh. Trên địa bàn tỉnh có nhiều sông lớn chảy qua, nhưng quan trọng nhất là sông Sài Gòn và sông Đồng Nai. Sông Đồng Nai là một trong những sông lớn của Việt Nam, có tổng chiều dài 450 km, trong đó chảy qua Bình Dương 84 km.

Bình Dương nằm ở vị trí tiếp giáp giữa đồng bằng và cao nguyên. Địa hình chủ yếu là đồi trung bình và thấp, nhìn chung tương đối bằng phẳng, nền đất cao 2 - 25m so với mực nước biển. Đây là thế đất thuận lợi cho việc xây dựng các khu công nghiệp và kết cấu hạ tầng kỹ thuật.

Nằm trong vùng phát triển kinh tế năng động nhất cả nước, trên mạng lưới giao thông quan trọng liên vùng và quốc tế; có nguồn tài nguyên đáng kể (đất với nền địa chất tốt, có nhiều vùng đất trống, tương đối bằng phẳng, có quy mô lớn, phân bố tập trung gần các trục giao thông, gần nguồn nước, năng lượng, khoáng sản, nông lâm sản, rất thuận lợi cho phát triển các khu công nghiệp); Đất đai Bình Dương chủ yếu là đất phù sa cổ (chiếm khoảng 90%), thích hợp cho việc trồng lúa, màu, rau, đậu, đặc biệt là cây công nghiệp ngắn và dài ngày như cao su, cà phê, điều, tiêu, mía, cây ăn trái,…

Bình Dương có nhiều điều kiện thuận lợi cho việc mở rộng giao lưu kinh tế với các tỉnh trong vùng, trong nước và thế giới, cũng do điều kiện thuận lợi nên Bình Dương là nơi thu hút các lực lượng lao động từ nơi khác đến, đặc biệt là dòng di dân từ các tỉnh phía Bắc. Đó là cơ hội tốt về nguồn cung sức lao động, vừa là thách thức lớn đặt ra đối với việc quản lý và nâng cao số lượng, chất lượng lực lượng lao động trong hiện tại và tương lai.

Với khí hậu nhiệt đới mang tính chất cận xích đạo, nhiệt độ cao quanh năm và nguồn ánh sáng dồi dào. Khí hậu Bình Dương tương đối hiền hoà, ít thiên tai như bão, lụt…có điều kiện để phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa và thu hút lực lượng lao động từ nơi khác đến. Vị trí địa lý mang lại cho tỉnh nhiều lợi thế về giao lưu kinh tế, khoa học công nghệ và thu hút vốn đầu tư. Tiềm năng lớn nhất của tỉnh là phát triển công nghiệp, dịch vụ và cây công nghiệp. Để khai thác tiềm năng, Bình Dương thực hiện phương châm "trải thảm đỏ đón các nhà đầu tư”, và trở thành 01 trong 03 địa phương thu hút mạnh đầu tư nhất nước. Với lợi thế về điều kiện địa lý tự nhiên thuận lợi trên đã tạo điều kiện cho Bình Dương kết hợp nhuần nhuyễn những nhân tố ''Thiên thời - Địa lợi - Nhân hòa'' để cùng nhau đoàn kết vượt khó đi lên, trở thành một trong những tỉnh, thành phố có tốc độ phát triển tương đối nhanh theo hướng bền vững.

Một phần của tài liệu LUẬN VĂN:Phát triển thị trường sức lao động ở tỉnh Bình Dương hiện nay doc (Trang 43 - 45)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(113 trang)