Nằm trong vùng tứ giác kinh tế trọng điểm của cả nước, tận dụng các lợi thế và điều kiện tự nhiên và kết hợp với chính sách "trải thảm đỏ” chào đón các nhà đầu tư, Bình Dương đã đạt được những thành tựu đáng kể về kinh tế và xã hội.
Bình Dương đạt tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao, kinh tế chuyển dịch theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa đã tác động đến phát triển lực lượng lao động của Tỉnh. Tổng sản phẩm trong Tỉnh (GDP) tăng bình quân 15% hàng năm. GDP bình quân đầu người năm 2007 đạt 21 triệu đồng, tăng 19,8% so với năm 2006. Cơ cấu ngành kinh tế chuyển dịch theo đúng định hướng của Tỉnh "tăng tỷ trọng dịch vụ, ổn định tỷ trọng công nghiệp và giảm tỷ trọng nông nghiệp”. Năm 2007, cơ cấu kinh tế của Tỉnh là công nghiệp 64,4%, dịch vụ 29,2%, nông nghiệp 6,4%, trong đó tỷ trọng công nghiệp tăng thêm 0,3%, dịch vụ tăng thêm 0,3% và nông nghiệp giảm 0,6% so với năm 2006.
Hiện nay trên địa bàn Tỉnh tổng số khu công nghiệp là 27 với tổng diện tích 8.904 ha, trong đó 23 khu công nghiệp đã đi vào hoạt động, số còn lại đang trong giai đoạn xây dựng hạ tầng kỹ thuật. Bình Dương có những chính sách ưu đãi đối với các nhà đầu tư, thu hút đầu tư nước ngoài, hạ tầng khu công nghiệp tốt, xuất khẩu tăng trưởng ổn định là những yếu tố để Bình Dương bức phá ngoạn mục.
Bình Dương được đánh giá là địa phương có chính sách thu hút rất thông thoáng, tạo sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong, ngoài nước; không những cấp giấy phép đầu tư nhanh, mà còn hỗ trợ về mặt pháp lý cho các doanh nghiệp. Các thủ tục hành chính ngày càng hoàn thiện đến mức tinh gọn. Đối với dự án không có tính chất phức tạp chỉ trong một ngày thẩm định là cấp phép ngay. Khi doanh nghiệp gặp khó khăn, vướng mắc cần giải quyết thì có thể đối thoại trực tiếp với lãnh đạo tỉnh để tìm cách tháo gỡ.
Thu hút đầu tư để phát triển kinh tế cũng là một trong những nhân tố ảnh hưởng đến cầu lao động. Năm 2007, đầu tư trong nước có thêm 1.081 dự án đăng ký mới và 362 doanh nghiệp bổ sung vốn với số vốn đăng ký 9.222 tỷ đồng, gấp 2 lần năm 2006. Đến nay, tỉnh Bình Dương có 5.374 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký là 31.458 tỷ đồng. Đầu tư trực tiếp nước ngoài đã thu hút thêm 2 tỷ 321
triệu 965 ngàn đô la Mỹ, tăng 14,3% so với năm 2006. Đến nay toàn tỉnh có 1571 dự án đầu tư nước ngoài với tổng vốn đầu tư là 8 tỷ 550 triệu đô la Mỹ. Chính vì vậy, lực lượng lao động cũng không ngừng tăng lên, đặc biệt là lao động công nghiệp.
Bảng 2.1: Lao động công nghiệp phân theo thành phần kinh tế năm 2007
Đvt: người
Năm 2001 2003 2005 2006 2007
Khu vực kinh tế trong nước 91.390 121.433 145.700 162.485 186.743 Khu vực kinh tế có vốn đầu
tư nước ngoài 61.344 148.552 233.077 273.593 307.156
Nguồn: Niêm giám thống kê tỉnh Bình Dương 2007.
Hàng năm Bình Dương giải quyết được nhiều việc làm cho người lao động, năm 2005 giải quyết việc làm cho trên 35.000 lao động, riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp giải quyết việc làm trên 25.000 lao động. Năm 2006 là 49.000 lao động, riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp giải quyết việc làm 28.700 lao động và năm 2007 là 44.722 lao động, riêng các doanh nghiệp trong các khu công nghiệp giải quyết việc làm 33.222 lao động, tỷ lệ tăng bình quân mỗi năm khoảng trên 65%. Lao động đã đi xuất cảnh 45 người và đi học định hướng ở Hàn Quốc, Trung Quốc và Malaysia. Mặc dù số lao động được giải quyết việc làm tương đối cao nhưng do lao động hàng năm tăng thêm nên sức ép về giải quyết việc làm ở Bình Dương là rất lớn.
Thu nhập của người lao động ảnh hưởng đến cầu lao động. Thu nhập thấp tác động đến nhiều mặt cuộc sống của người lao động, đặc biệt là lao động nhập cư. Một nghịch lý là thu nhập của người nhập cư luôn luôn thấp hơn người bản địa trong khi mức chi của họ lại cao hơn nhiều. Chẳng hạn, qua khảo sát ở Bình Dương, thu nhập thấp khiến họ không đủ tiền để mua sắm các tư trang cần thiết cho mình, để có các phương tiện đi lại, để thuê nhà, để tiếp cận các dịch vụ xã hội, vì riêng chi cho ăn uống đã chiếm hơn 70% thu nhập. chi tiêu ăn uống bình quân của một lao động nhập cư ở Bình Dương là 730 nghìn đồng, Tổng hợp lại, mức chi tiêu cho ăn uống và thuê nhà chiếm 80 đến 90% thu nhập của người lao động nhập cư . Đây là bài toán không chỉ riêng đối với những lao động nhập cư trong các khu công nghiệp, mà còn là bài toán chung cho lao động tỉnh Bình Dương. Mặc dù thu
nhập của lao động nhập cư thấp, nhưng họ vẫn ở lại. Qua khảo sát thực tế, hơn 80% lao động nhập cư vẫn cho rằng so với thu nhập ở quê, thu nhập của họ tại các khu công nghiệp vẫn cao hơn, thậm chí 10% cho rằng cao hơn nhiều.
Bên cạnh đó, việc mặt bằng tiền lương còn “vênh” nhau ở các khu vực, ngành nghề là nguyên nhân tiềm ẩn dẫn đến sự biến động, di chuyển lao động và cuối cùng là thiếu hụt nhân lực ở các doanh nghiệp, các khu vực kinh tế, cũng ảnh hưởng đến cầu lao động hiện nay trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Thực trạng cầu lao động ở Bình Dương cho thấy, kinh tế phát triển, vốn đầu tư ngày càng tăng góp phần tăng trưởng kinh tế, giải quyết việc làm cho người lao động, tuy nhiên lao động chưa qua đào tạo chiếm tỷ lệ cao, không đáp ứng được yêu cầu của các thành phần kinh tế trong quá trình sản xuất kinh doanh. Nguyên nhân chính là do chất lượng lao động thấp, lao động chủ yếu là lao động phổ thông, ngành nghề dào tạo chưa phù hợp, nên dẫn đến mất cân đối quan hệ cung - cầu lao động kỹ thuật, thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao.
Tỉnh Bình Dương hiện nay có 31 chi nhánh của các ngân hàng, 49 phòng giao dịch thuộc nhiều loại như: ngân hàng thương mại nhà nước, thương mại cổ phần, các ngân hàng liên doanh, 11 quỹ tín dụng nhân dân và các công ty hoạt động cho thuê tài chính đang hoạt động sẵn sàng đáp ứng nhu cầu về vốn của các doanh nghiệp, các doanh nghiệp có thể tận dụng các nguồn vốn để đầu tư phát triển.
Trong những năm qua, tỉnh Bình Dương đã luôn quan tâm đến công tác đầu tư đào tạo nghề cho lao động trong Tỉnh, coi phát triển nguồn nhân lực vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế xã hội, đó là chiến lược "nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài” thực hiện tốt chính sách thu hút nguồn lao động, đặc biệt đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất…Coi đầu tư phát triển nguồn nhân lực là vấn đề đầu tư cho phát triển, trong đó ưu tiên đầu tư cho giáo dục và đào tạo.