Tình hình cung - cầu lao động thời gian qua tuy có tiến triển nhưng vẫn mang tính “chữa cháy”. Dự báo nhu cầu sắp tới sẽ tăng lên rất lớn, cả về số lượng và chất lượng.
Trước những yêu cầu bức bách về nguồn nhân lực, Bình Dương đã đề ra nhiều chính sách đãi ngộ, trong đó chiến lược thu hút nguồn nhân lực hay còn gọi là “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài”. Thời gian qua, tỉnh đã 3 lần thay đổi chính sách “thu hút nhân tài”. Tuy nhiên, ngay cả lần này thì “chiếc thảm đỏ” dường như chỉ có một góc nhỏ dành cho nguồn nhân lực kỹ thuật cao mà địa phương đang cần. Bởi đối tượng được ưu đãi, mời gọi là cán bộ, công chức, viên chức và nội dung ưu đãi cũng không có gì mới.
Khi phân tích sự phát triển kinh tế- xã hội của Bình Dương, nhiều chuyên gia cho rằng chính sách “trải thảm đỏ mời gọi nhân tài” đã bắt mạch chưa đúng “bệnh” khát nhân lực có nguy cơ trầm trọng hơn khi các khu công nghiệp ồ ạt được mở ra.
Nhưng thực tế hiện nay, lao động không có bằng nghể, chứng chỉ nghề, không có trình độ chuyên môn nghiệp vụ chiến tỷ lệ tương đối cao. Trong nông nghiệp lực lượng này chiếm 90,8%, công nghiệp chiếm 89,42%, trong lĩnh vực dịch vụ, lực lượng này chiếm tỷ trọng thấp hơn một chút so với công nghiệp và nông nghiệp (77,73%) nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển của khu vực này.
Nhất là đào tạo nghề trình độ cao với một cơ cấu hợp lý đáp ứng yêu cầu các khu công nghiệp; thiếu sự chuẩn bị, đào tạo đội ngũ lao động kỹ thuật, nên dẫn đến mất cân đối quan hệ cung - cầu lao động kỹ thuật, thiếu nghiêm trọng lao động kỹ thuật trình độ cao. Theo kết quả điều tra các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cho thấy, nhu cầu về lao động rất lớn, dù hiện nay tỷ lệ lấp đầy khu công nghiệp mới khoảng 60%, nhưng chỗ làm việc còn trống, chưa tuyển được lao động khá lớn (khoảng 15%), đặc biệt là các khu công nghiệp, trong đó khoảng 20% cần tuyển công nhân kỹ thuật và 40% cần tuyển cao đẳng, đại học. Nếu lấp đầy các khu công nghiệp thì chỗ làm việc trống cần tuyển lên đến 30% - 40%. Khó khăn chủ yếu mà các doanh nghiệp trong khu công nghiệp đưa ra khi tuyển là chất lượng lao động chưa đáp ứng được yêu cầu công việc, đặc biệt là loại lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật cao, do đào tạo không gắn với yêu cầu về ngành nghề, trình độ tay nghề, mà công nghệ sản xuất yêu cầu. Có sự cạnh tranh gay gắt và thiếu công bằng trong tuyển dụng và sử dụng lao động giữa các doanh nghiệp.
Về tình hình lao động trên địa bàn tỉnh vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của các doanh nghiệp, thấy trình độ tay nghề của đa số lao động chỉ đáp ứng được từ 60 - 80% yêu cầu của doanh nghiệp, đặc biệt là lao động có tay nghề đáp ứng được trên 90% yêu cầu của doanh nghiệp là rất thấp, chỉ chiếm 2,4%. Chất lượng đào tạo chưa đạt yêu cầu, cơ cấu lao động tiếp tục bất hợp lý chính là nguyên nhân khiến cho một lượng lao động lớn không đáp ứng được yêu cầu của doanh nghiệp. Chính vì vậy để góp phần khắc phục tình trạng này, một trong những yêu cầu đặt ra là bên cạnh việc nâng cao chất lượng đào tạo ở khu vực đại học, cũng cần có quy hoạch chi tiết và phát triển mạng lưới các trường dạy nghề và
cấp trình độ đào tạo ở khu vực đại học với quy hoạch phát triển các nhành, lĩnh vực, sản phẩm doanh nghiệp.
Sự khan hiếm lao động là do nguyên nhân khách quan lẫn chủ quan, như theo thực tế hiện nay, chủ yếu do thông tin hai chiều về thị trường lao động, giữa người lao động và người sử dụng lao động, chưa gặp nhau.
Dự báo về nhu cầu lao động của tỉnh Bình Dương thì hàng năm, nhu cầu tuyển dụng là từ 30.000 đến 40.000 lao động. Trong khi đó, số lao động của Bình Dương mới chỉ đáp ứng được 50%. Do vậy, cầu lao động tại Bình Dương đã vượt cung, từ đó, Bình Dương thu hút khoảng 50% lực lượng lao động đến từ các tỉnh khác mới tạm đáp ứng được 80% nhu cầu hiện tại. Dự kiến trong giai đoạn 2010 -2015, Bình Dương cần khoảng 150.000 - 200.000 lao động, bao gồm các ngành như: may mặc, sản xuất giày, chế biến gỗ, lương thực, thực phẩm, điện - điện tử, cơ khí, điện máy, gốm sứ, gạch, thực phẫm, giải khát…
Để thu hút lao động, một số đơn vị khuyến khích lao động của mình đã đưa ra những chính sách “đãi ngộ” như sẵn sàng đào tạo nghề cho lao động nếu lao động chưa được đào tạo nghề; hỗ trợ tiền ăn trong thời gian học nghề cũng như lo nơi ăn ở cho lao động khi đến với công ty. Ngoài ra, để người lao động yên tâm, các đơn vị cam kết thực hiện đầy đủ các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo quy định của luật lao động. Một số công ty chấp nhận hạ thấp yêu cầu về trình độ của người lao động trong tuyển dụng...
Gắn kết cung - cầu lao động tạo môi trường thông suốt để phát triển thị trường lao động; Đẩy mạnh công tác đào tạo nghề từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động, phát triển dạy nghề gắn chặt với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động và đáp ứng nhu cầu đa dạng của xã hội, nâng cao khả năng phục vụ cuộc sống cộng đồng. Cùng với đó, chính sách dạy nghề cũng cần theo sát sự chuyển đổi của thị trường lao động; Thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích phát triển doanh nghiệp vừa và nhỏ với chính sách ưu đãi như vay vốn với lãi suất thấp, miễn thuế; Hỗ trợ các hoạt động tạo việc làm ở khu vực phi chính thức và những người lao động tự tìm việc làm thông qua chương trình mục tiêu quốc gia; Cải cách hệ thống trả công lao động theo hướng thị trường: đảm bảo tiền công, tiền lương trở thành động lực khuyến khích
người lao động nâng cao kỹ năng nghề, năng suất lao động, kỷ luật lao động và đảm bảo cuộc sống; hoàn thiện hệ thống thể chế thị trường lao động, tạo hành lang pháp lý, bảo đảm bình đẳng hài hòa lợi ích giữa người lao động, người sử dụng lao động và lợi ích chung; Nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ công chức, viên chức làm công tác lao động - việc làm để đáp ứng yêu cầu hội nhập; Nâng cao chất lượng nguồn lao động để phục vụ yêu cầu phát triển của đất nước và phục vụ xuất khẩu lao động.