Để có lực lượng lao động có chuyên môn trình độ cao, có đủ năng lực làm việc thì không thề trong một thời gian ngắn mà có thể có được, mà cần phải có thời gian đào tạo, thời gian tích lũy kinh nghiệm. Do đó công tác đào tạo nguồn nhân lực cần phải được thực hiện thường xuyên, lâu dài.
Từ thực tế tồn tại tình trạng chưa có sự cân đối trong cung cấp và sử dụng nguồn nhân lực, vừa thừa vừa thiếu, cho nên cần thiết có sự điều chỉnh sao cho phù hợp. Vì thế, việc đào tạo phải bắt gặp với nhu cầu sử dụng lao động của nền kinh tế, của xã hội. Cơ sở đào tạo cần quan tân tìm hiểu, nắm bắt, nhu cầu xã hội mà có kế hoạch đào tạo hợp lý. Giữa các cở sở đào tạo và cơ sở sản xuất kinh doanh, tổ chức sử dụng lao động cần có mối quan hệ mật thiết với nhau: cơ sở sử dụng lao động có thể đặt hàng, cơ sở đào tạo có sản phẩm theo đúng yều cầu sử dụng. Cơ quan quản lý giáo dục đào tạo cần nắm chắc nhu cầu tổng thể của xã hội để phân bổ chỉ tiêu đào tạo hợp lý cho các cơ sở đao tạo.
Đồng thời các cơ sở đào tạo còn phải thường xuyên và nhanh chóng đổi mới chương trình, nội dung, đào tạo thật khoa học, thật hiện đại, luôn cập nhật những thông tin, tri thức mới nhất; đưa nhanh tiến bộ kỹ thuật và đầu tư đổi mới công nghệ, thiết bị theo hướng tiên tiến, nhằm nâng cao chất lượng đào tạo nhân lực. Trong quá trình đào tạo cần thiết coi trọng việc thực tập, ứng dụng, thực hành. Điều này sẽ khắc phục dần biểu hiện học vẹt, lý thuyết suông, kém hiểu biết thực tiễn, thiếu kỹ năng thực hành của sinh viên, học viên.
Để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho xã hội, hệ thống dạy nghề đã bắt đầu được đổi mới, chuyển từ hệ thống dạy nghề trình độ thấp với hai cấp trình độ đào tạo sang hệ thống dạy nghề với ba cấp trình độ đào tạo: sơ cấp nghề, trung cấp nghề và cao đẳng nghề; và đặc biệt coi trọng dạy nghề trình độ cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội. Bên cạnh việc đào tạo các nghề phục vụ cho các khu công nghiệp, khu chế xuất các cơ sở dạy nghề đã tổ chức đào tạo các nghề phục vụ cho việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và giải quyết việc làm cho người lao động.
Để chủ động trong việc đào tạo tuyển dụng lao động, nhiều doanh nghiệp đã tổ chức đào tạo - dạy nghề cho lao động của mình thông qua các hình thức khác nhau, đó là: Trực tiếp đào tạo tập trung tại doanh nghiệp và đào tạo tập trung ngoài doanh nghiệp, trong đó dạy nghề kèm cặp là phổ biến hơn cả (chiếm 63,6% tổng số lao động được đào tạo). Cách làm này phần nào đem lại hiệu quả vì nó phù hợp với khả năng, điều kiện của doanh nghiệp. Các cơ sở dạy nghề đã mở thêm nhiều nghề đào tạo mới mà thị trường lao động có nhu cầu Cần làm rõ trách nhiệm của nhà nước, cộng đồng và doanh nghiệp trong việc đào tạo nghề theo hướng doanh nghiệp phải có trách nhiệm dạy nghề cho người lao động của mình, phù hợp với nhu cầu của doanh nghiệp và ngành nghề, về trình độ đào tạo và hình thức đào tạo. Nếu doanh nghiệp tự tổ chức dạy nghề, họ được hưởng những chính sách chung về chi phí đào tạo theo quy định của Nhà nước.
Ngược lại, nếu doanh nghiệp không tự đào tạo, họ phải đóng góp kinh phí cho các cơ sở dạy nghề; Đẩy mạnh các hình thức dạy nghề chính quy và không chính quy. Nhà nước cần có quy định rõ về vấn đề cấp văn bằng, chứng chỉ để đảm bảo lợi ích của người học nghề tại doanh nghiệp. Tiến tới công nhận trình độ nghề của người được đào tạo tại doanh nghiệp; Có chính sách và cơ chế tăng cường mối quan hệ giữa doanh nghiệp và cơ sở dạy nghề. Khuyến khích doanh nghiệp tham gia hoạt động dạy nghề từ khâu xây dựng
tiêu chuẩn, kỹ năng nghề, thiết kế chương trình và tham gia giảng dạy, đánh giá kết quả học tập của người học nghề... Các doanh nghiệp đảm nhận việc thực hành cho người học, các cơ sở dạy nghề đảm nhận việc dạy lý thuyết và cấp bằng/chứng chỉ cho người học nghề.
Có các chính sách khuyến khích cho các doanh nghiệp, các cơ sở sản xuất kinh doanh thành lập các cơ sở dạy nghề như chính sách về đất, về thuế, về thiết bị dạy và học nghề; Để đáp ứng nhu cầu thực tế của các doanh nghiệp và xã hội, hoạt động dạy nghề cần phải chuyển mạnh mẽ từ hướng cung sang hướng cầu của thị trường lao động. Phục vụ cho công tác hoạch định chính sách phát triển dạy nghề theo định hướng trên, một trong những hoạt động cần phải triển khai, đó là cần thiết phải có một hệ thống số liệu đầy đủ, cập nhật trong lĩnh vực này. Dưới giác độ cung lao động qua đào tạo nghề, ngành dạy nghề cần có được những thông tin về nhu cầu của các doanh nghiệp không chỉ về số lao động qua đào tạo nghề mà cả về chất lượng và cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ đào tạo.
Muốn nâng cao chất lượng đào tạo nghề thì phải nâng cao trình độ học vấn dân cư, đây được xem là giải pháp cơ bản nhất đối với vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực một cách bền vững vì quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa cũng như phát triển kinh tế xã hội, đòi hỏi trình độ văn hóa, chuên môn kỹ thuật của mọi thành viên trong xã hội phải được nâng lên để có thể tiếp thu, ứng dụng thành công các tiến bộ khoa học và làm chủ được máy móc, thiết bị với kỹ thuật tiên tiến. Vì vậy, cần phải nâng cao tỷ lệ học sinh trong độ tuổi đến trường đi học, nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, muốn vậy cần phải chuẩn hóa giáo viên bằng các hình thức thích hợp, có chính sách thu hút, khuyến khích giáo viên về giảng dạy tại các vùng nông thôn.
Do đặc điểm của lao động Việt Nam nói chung và của Bình Dương nói riêng thì lực lượng lao động còn chưa tốt nghiệp cấp 3 còn rất cao. Vì vậy, trong những năm tới cần phải đẩy mạnh việc nâng cao trình độ học vấn cho người lao động. Đây là đối tượng đặc thù, phải vừa đi làm vừa đi học, nên trước hết cần phải rà soát, thống kê, phân loại trình độ học vấn; sau đó lựa chọn hình thức học linh hoạt, phù hợp với người lao động và tạo mọi điều kiện thuận lợi nhất nhằm nâng cao trình độ giáo dục phổ thông cho người lao động. Nguồn kinh phí do các bên đóng góp: Nhà nước, doanh nghiệp, người lao động và sở giáo dục.
Nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định nhất của tăng trưởng kinh tế, nâng cao khả năng của nền kinh tế và lao động trên thị trường. Vấn đề cơ bản, có tính chiến lược trong phát triển nguồn nhân lực là phải nâng cao tỷ lệ lao động qua đào tạo, đảm bảo cơ cấu lao động đào tạo hợp lý giữa cao đẳng trở lên so với trung cấp và công nhân kỹ thuật; đào tạo nguồn nhân lực phải gắn với sử dụng, yêu cầu của sản xuất, chuyển dịch cơ cấu lao động, thị trường lao động. Chính vì vậy, từ nay đến năm 2020, ưu tiên và tập trung cho công tác đào tạo nghề, xem đào tạo nghề cho người lao động là giải pháp có tính quyết định đến hiệu quả và chất lượng công tác giải quyết việc làm.
Ngoài ra, trên cơ sở phân tích đánh giá những tín hiệu của thị trường về cung - cầu lao động trong từng khu vực gắn kết với định hướng phát triển kinh tế, chuyển dịch cơ cấu kinh tế của tỉnh để xác định nhu cầu về lực lượng lao động theo cơ cấu về trình độ lao động cho từng khu vực, từng ngành để có kế hoạch đào tạo hợp lý trong từng giai đoạn. Cũng cần chú ý kiểm tra, đánh giá hiệu quả đào tạo nghề toàn tỉnh mỗi năm.
Để thực hiện tốt những nội dung này trong thời gian tới tỉnh Bình Dương cần tổ chức thực hiện tốt quyết định 1000/2005 /QĐ-BLĐTBXH ngày 7/6/2005 về việc phê duyệt đề án "Phát triển Xã hội hóa dạy nghề đến năm 2010”. Muốn vậy, cần phải thực hiện tốt các giải pháp sau:
- Xã hội hóa công tác dạy nghề phải có bước đi thích hợp với từng vùng, trong giai đoạn đầu cần phải đẩy mạnh xã hội hóa dạy nghề tại thị xã Thủ Dầu Một, huyện Thuận An, Dĩ An, các khu công nghiệp để thu hút nguồn lực đầu tư cơ sở dạy nghề nhằm đáp ứng kịp thời nhu cầu nhân lực đang thiếu hụt.
- Hoàn thiện và bổ sung các văn bản pháp luật về dạy nghề, xây dựng hành lang pháp lý và cơ chế chính sách tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các tổ chức, cá nhân trong nước, người nước ngoài và người Việt sống ở nước ngoài đầu tư mở rộng trường dạy nghề. - Mở rộng quy mô và đa dạng hóa các ngành nghề đào tạo, hình thức đào tạo (đào tạo ngắn hạn, dài hạn, kèm cặp, truyền nghề, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại chỗ, đào tạo từ xa…) nhằm đáp ứng nhu cầu của mọi tầng lớp trong xã hội để tạo cơ hội tìm việc làm trong cơ chế thị trường.
- Tiếp tục tăng tỷ lệ chi ngân sách cho sự nghiệp phát triển đào tạo nghề. Ưu tiên đầu tư cho các ngành, nghề mũi nhọn, trọng điểm đòi hỏi kỹ thuật và công nghệ cao; các
nghề đào tạo khó huy động nguồn lực từ xã hội; các nghề chậm thu hồi chi phí đào tạo; các huyện còn khó khăn trong công tác đào tạo nghề (Phú Giáo, Tân Uyên, Dầu Tiếng…).
- Mở rộng hợp tác, liên kết học tập kinh nghiệm các trung tâm, cơ sở dạy nghề trong và ngoài tỉnh.
- Cấp phép, đầu tư trang thiết bị dạy nghề cho các cơ sở có khả năng dạy nghề trực thuộc sở, ban, ngành, đoàn thể trong tỉnh tham gia vào hệ thống đào tạo nghề.
- Khuyến khích việc hợp tác, liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo chất lượng cao của nước ngoài; khuyến khích mở các cơ sở đào tạo nghề chất lượng cao, có uy tín bằng 100% vốn đầu tư nước ngoài.
- Cần có cơ chế phối hợp tốt với các địa bàn xung quanh để phát triển công tác đào tạo nghề. Đặc biệt đến năm 2020 khi Bình Dương trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, việc phối hợp nhằm thu hút các nguồn lực cho phát triển công nghiệp, đẩy mạnh hoạt động du lịch để phát huy lợi thế của tỉnh.
Các giải pháp này cần phải được thực hiện đồng bộ và phối hợp chặt chẽ thì mới đem lại kết quả cao, song trong quá trình thực hiện có gặp khó khăn nhất là về tài chính nên cân nhắc thứ tư ưu tiên cho phù hợp với yêu cầu của thực tiễn trong từng giai đoạn phát triển cụ thể.