7. Bố cục của luận văn
2.1. Điều kiện phát triển du lịchBình Định
2.1.1. Tiềm năng phát triển du lịch tỉnh Bình Định
Về vị trí du lịch: Bình Định có vị trí địa kinh tế đặc biệt quan trọng trong
giao lưu khu vực và quốc tế, nằm ở trung điểm của trục giao thông đường sắt, đường bộ Bắc - Nam Việt Nam, đồng thời là cửa ngõ ra biển gần nhất và thuận lợi nhất của Tây Nguyên, Nam Lào, Đông Bắc Campuchia và Thái Lan thông qua Quốc lộ 19 và cảng biển quốc tế Quy Nhơn. Trong Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Bình Định đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 54/2009/QĐ-TTg ngày 14/4/2009), Bình Định được xác định sẽ trở thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Theo đó, Bình Định có vị trí du lịch quan trọng và thuận lợi để liên kết vùng phát triển du lịch[7].
Về cơ sở hạ tầng giao thông: Là một trong số ít địa phương trên cả nước có
đầy đủ các loại hình giao thông: thuận lợi cho việc tổ chức các tuyến du lịch;
Hệ thống đường bộ có các quốc lộ 1A (AH1), chạy theo dọc chiều dài của tỉnh là một phần của hành lang du lịch xuyên Việt; quốc lộ 19 là cửa ngõ lên vùng Tây Nguyên, tiền đề kết nối du lịch Đông – Tây. Ngoài ra, tuyến đường bộ ven biển và các tuyến tỉnh lộ trên địa bàn tỉnh tạo nên mạng lưới giao thông đường bộ phát triển thuận tiện tiếp cận đến các khu vực có tiềm năng du lịch của tỉnh;
Tuyến đường sắt Bắc - Nam với Quy Nhơn là một trong những điểm dừng chân quan trọng trong tuyến du lịch đường sắt xuyên Việt;
Trong những năm qua, việc nâng cấp Ga Hàng không Phù Cát, tăng tần suất chuyến bay, đưa vào hoạt động đường bay thẳng Hà Nội - Quy Nhơn; đường bay Thành phố Hồ Chí Minh - Quy Nhơn chuyển sang bay hàng ngày bằng máy bay lớn A320. Điều này mở ra cơ hội đón khách du lịch bằng đường không từ các trung tâm du lịch lớn như Hà Nội, TP, Hồ Chí Minh…;
Đặc biệt, hệ thống giao thông đường biển với cảng biển quốc gia Quy Nhơn, một trong những cửa ngõ quan trọng của du lịch biển Việt Nam, vùng Duyên hải Nam Trung Bộ và vùng Tây Nguyên ra biển Đông và các nước trong khu vực.
Về điều kiện kinh tế - xã hội: Mặc dù chịu ảnh hưởng của tình hình suy thoái kinh tế thế giới nhưng kinh tế thời kỳ 2006 - 2010 của tỉnh liên tục tăng, năm sau cao hơn năm trước. Tổng sản phẩm địa phương (GDP) tăng bình quân 10,7%/năm. GDP bình quân/người tăng từ 219,7 USD năm 2000 lên 401 USD năm 2005 và 901 USD vào năm 2010 [24];
Các hoạt động thương mại, dịch vụ, du lịch và liên kết, hợp tác kinh tế tiếp tục phát triển. Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng bình quân 10,2%/năm. Kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội tiếp tục được đầu tư. Trong năm 2006 - 2010 đã huy động vốn đầu tư khoảng 37,8 nghìn tỷ đồng, chiếm 40,2% GDP [24].
Thành phố Quy Nhơn là đô thị loại I trực thuộc tỉnh, là trung tâm du lịch của Bình Định phân phối và điều hành các hoạt động du lịch. Với định hướng phát triển thành tỉnh có nền công nghiệp hiện đại và là một trong những trung tâm phát triển về kinh tế - xã hội, đóng góp tích cực vào sự phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và cả nước. Đây sẽ là một trong những địa phương có nhu cầu du lịch lớn.
Về dân cư: Dân số Bình Định khá đông với tổng dân số 1.489.700 người
(năm 2010). Dân tộc Kinh chiếm 98% so tổng dân số, 3 dân tộc thiểu số chiếm khoảng 2% chủ yếu là Ba Na, H're, Chăm ở 113 làng/22 xã các huyện miền núi, trung du. Cơ cấu dân số trẻ, dưới 30 tuổi chiếm 62,8% là nguồn cung cấp lao động dồi dào cho các ngành kinh tế [24].
Về tình hình trật tự, an toàn và an ninh xã hội: Người dân Bình Định sống
hòa thuận, tương thân tương ái và rất hiếu khách, sẵn sàng giúp đỡ du khách khi gặp khó khăn.Tình hình an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo tốt, hạn chế hiện tượng hành hung khách du lịch, cướp giật tài sản, tiền bạc của khách. Đặc biệt trong thời gian gần đây công tác an ninh trật tự, văn minh du lịch, vệ sinh môi trường đã được tăng cường. Các hành vi như chèo kéo khách mua hàng, xin tiền khách đã được ngăn chặn, hạn chế phần nào .
Cùng với việc tăng cường cơ sở vật chất kỹ thuật, kiện toàn bộ máy tổ chức quản lý các khu, điểm du lịch trọng điểm của tỉnh, công tác an ninh trật tự, an toàn xã hội, văn minh du lịch, vệ sinh môi trường đang được ngành du lịch phối hợp với các cấp các ngành, chính quyền địa phương thực hiện triệt để, kiên quyết xử lý nghiêm minh những hành vi làm phương hại đến khách du lịch.
Về tài nguyên du lịch: Địa hình của Bình Định đa dạng gồm có núi, sông,
hồ và gần 150.000 ha rừng tự nhiên tạo nên một bức tranh thiên nhiên đa sắc màu với nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp như Hầm Hô, Hầm Núi Một, Núi Bà... Đây là điều kiện lý tưởng để tỉnh Bình Định phát triển các loại hình du lịch sinh thái, leo núi, nghỉ dưỡng...;
Bình Định có 134 km bờ biển dọc phía đông của tỉnh, gần một nửa số huyện, thành phố giáp biển, được thiên nhiên ban tặng vô số những thắng cảnh và bãi biển đẹp, với nhiều đảo, bãi tắm lớn, nhỏ mang vẻ hoang sơ, có tiềm năng phát triển mạnh loại hình du lịch biển như Quy Nhơn, Ghềnh Ráng, Quy Hòa, Bãi Dài, bán đảo Phương Mai, đầm Thị Nại, Cù lao Xanh, Hải Giang, Nhơn Lý, Eo Gió…;
Bình Định là vùng đất có bề dày lịch sử và văn hóa rất đáng tự hào. Nơi đây còn lưu giữ được khá nhiều công trình văn hóa vật thể và phi vật thể quý, có giá trị. Bình Định từng là cố đô của vương quốc Chăm-pa xưa, hiện đang lưu giữ, bảo tồn thành cổ Đồ Bàn cùng hệ thống gồm 7 cụm, 14 tháp Chăm với nghệ thuật kiến trúc độc đáo, bí ẩn;
Là quê hương của các loại hình nghệ thuật như tuồng, bài chòi..., các lễ hội truyền thống như lễ hội chợ Gò, lễ hội làng rèn Phương Danh, lễ hội làng đúc đồng Bằng Châu, lễ hội đô thị Nước Mặn, lễ hội cư dân miền biển, lễ hội đâm trâu, lễ hội đổ giàn...; các làng nghề rượu Bàu Đá, mộc mỹ nghệ, gốm, nón ngựa, làng rèn Phương Danh, bún Song Thằn, bánh tráng nước dừa, bánh tráng mè... [6] ;
Bình Định là quê hương của người anh hùng dân tộc Quang Trung - Nguyễn Huệ, là nơi nuôi dưỡng tài năng nhiều nhà văn hóa lớn của đất nước như Đào Duy Từ, Xuân Diệu, Hàn Mặc Tử… Bình Định có tới 234 di tích lịch sử trong đó có hơn 60 di tích được xếp hạng cấp quốc gia và cấp tỉnh. Bảo tàng Quang Trung, gốm Gò
Sành là địa chỉ hấp dẫn các nhà nghiên cứu và du khách quốc tế. Đến Bình Định, du khách sẽ còn biết đến một tinh thần thượng võ nổi tiếng và được thưởng thức những màn biểu diễn võ thuật, trống trận Tây Sơn đẹp mắt tinh tế chỉ có ở miền đất này. Để nhận thấy rõ hơn về tiềm năng du lịch tỉnh Bình Định bảng phụ lục 2 sẽ tổng kết điều này [5, Tr.42]
Qua bảng phân loại và so sánh phần đánh giá tiềm năng du lịch trong hai bảng quy hoạch cũ và điều chỉnh (phần phụ lục), một lần nữa khẳng định Bình Định là một tỉnh rất giàu tiềm năng về tài nguyên du lịch. Sự phân loại tài nguyên du lịch đã làm nổi bậc lên mức độ phong phú và đa dạng của tài nguyên du lịch Bình Định, cho thấy tiềm năng phát triển du lịch của Bình Định là rất lớn và có khả năng cạnh tranh với các địa phương lân cận, nếu được đầu tư khai thác đúng mức. Lợi thế so sánh của tài nguyên du lịch Bình Định là tài nguyên nhân văn. Nổi bật là quần thể các di tích liên quan đến Vua Quang Trung và cuộc khởi nghĩa Tây Sơn và cụm di tích nghệ thuật văn hoá Chăm. Hai nhóm tài nguyên du lịch nhân văn này nếu được tập trung khai thác tốt, sẽ tạo nên những sản phẩm, tour du lịch độc đáo, đặc trưng của Bình Định, thu hút khách quốc tế và trong nước [5, Tr.46]. Tuy nhiên, các tài nguyên du lịch của Bình Định phần lớn vẫn ở dạng tiềm năng, một số đã được quan tâm đầu tư nhưng vẫn ở dưới dạng quy hoạch mà chưa triển khai thành các dự án đầu tư cụ thể, hoặc đã lập dự án đầu tư nhưng công tác triển khai còn chậm, nên chưa thể biến tiềm năng thành những sản phẩm du lịch.
Một số thiên tai tự nhiên bất lợi như bão lũ, úng ngập… cùng những tác động tiêu cực của con người như phá rừng, khai thác vật liệu xây dựng bừa bãi… cũng gây ra những cản trở không nhỏ đối với công tác gìn giữ và khai thác tài nguyên du lịch, một số vùng cảnh quan đã bị ô nhiễm và xuống cấp.