Hoạt động ngữ pháp của nhóm từ chỉ hƣớng

Một phần của tài liệu Sự chuyển hóa từ vị từ tĩnh sang vị từ động trong tiếng Việt (Trang 54)

Từ chỉ hướng là một nhóm từ rất thông dụng trong tiếng Việt. Nhóm từ này đã và đang là một trong những đối tượng được nhiều nhà nghiên cứu quan tâm ở nhiều bình diện khác nhau. Sở dĩ như vậy vì chúng hoạt động khá rộng, được dùng rất cơ động và xuất hiện với tần số cao so với nhiều nhóm khác. Đặc biệt, “gắn với tính cơ động là hiện tượng mở rộng phẩm chất nghĩa và mở rộng chức năng cú pháp của nhóm từ trong quá trình phát triển” [58, tr.6]. Mặc dù nhóm từ này chỉ có một số lượng rất nhỏ (tất cả gồm 11 từ: ra, vào, lên, xuống, sang, qua, đi, lại, tới, đến, về) so với toàn bộ khối lượng động từ tiếng Việt, nhưng theo quan sát của chúng tôi, khả năng tham gia cấu tạo từ và chuyển đổi vai trò ngữ pháp của chúng rất linh hoạt, vì vậy ta cần xét và phân biệt những trường hợp cụ thể.

51

Theo Cao Xuân Hạo (1999) thì Trương Vĩnh Ký là người đầu tiên thấy rõ ý nghĩa chỉ đích (đánh dấu cái danh ngữ chỉ vật làm mục tiêu và/hay điểm kết thúc của sự di chuyển) trong chức năng cấu tạo giới ngữ của những vị từ cập vật chỉ sự di

chuyển như đến, tới, về, khi các vị từ này được dùng sau những vị từ chỉ sự vận động

như bay, chạy, nhảy, bước hay những vị từ chỉ việc gây khiến sự vận động như kéo, đẩy, dắt – một ý nghĩa “cách” được ngữ pháp tiếng Việt thể hiện rất rõ nhưng lại bị rất nhiều tác giả hiện đại lẫn lộn với ý nghĩa hướng (như Nguyễn Kim Thản chẳng

hạn) của các vị từ lên, xuống, ra, đi, khi các vị từ này được dùng làm trạng ngữ cho

các vị từ chỉ sự vận động hay việc gây khiến sự vận động [42, tr.439].

Trong một số sách ngữ pháp dùng trong trường học trước đây, những từ này được quy vào hai loại khác nhau tùy theo sự vắng mặt hay có mặt của bổ ngữ của động từ. Nếu không có bổ ngữ thì nó là “trạng từ” hay “trợ động từ”, nếu có bổ ngữ

thì đó là giới từ. Đây cũng là quan điểm của nhóm tác giả Việt Nam văn phạm Trần

Trọng Kim, Bùi Kỷ và Phạm Duy Khiêm (1940) khi coi chúng là những “giới từ chỉ phương hướng”. Số khác, chiếm đại đa số, cho rằng nhóm từ đang xét là những chỉ hướng hoặc kết quả của hành động. Thuộc vào số này có Nguyễn Kim Thản: “Chúng là những từ biểu thị vận động có phương hướng xác định, hay nói khác, tự thân nó đã bao hàm ý nghĩa phương hướng rồi”. Theo tác giả thì nhóm từ chỉ hướng này về mặt hoạt động có thể là động từ hoặc có thể là “phó từ” hay “phó động từ” và khi đó nó chỉ “phương hướng ảo” [97, tr.101]. Lê Văn Lý (1958), Dương Thanh Bình (1971), Nguyễn Tài Cẩn (1975) cũng nhận xét về nhóm từ này ở các cương vị khác nhau trong những kết hợp với danh từ, động từ và tính từ.

Trong các nghiên cứu về nhóm từ này thì chuyên luận “Nhóm từ chỉ hướng vận động trong tiếng Việt” của Nguyễn Lai được xem là công trình viết kĩ lưỡng và công phu nhất. Tác giả đã cung cấp một cái nhìn toàn cảnh các vấn đề liên quan đến nhóm từ chỉ hướng, đi sâu vào các hiện tượng “hư hoá”, ngữ pháp hoá” và “từ vựng hoá” trong mối liên hệ với quá trình biến động của nhóm từ chỉ hướng vận động, vấn đề phân loại nhóm; các nhóm từ chỉ hướng trong một số mô hình kết hợp cụ thể và những cung bậc nghĩa khác nhau của hướng không gian và hướng sắc thái của nhóm từ chỉ hướng vận động.

Dựa theo phân hoá tự nhiên về mặt hoạt động, có thể thấy từ chỉ hướng vận động được khảo sát theo hai hướng là trong chức năng động từ và trong chức năng hoạt động ngoài động từ. Mối liên hệ giữa hai phạm vi bao quát trên thể hiện trong quan niệm chung sau đây:

52

- từ chỉ hướng vận động xuất xứ từ động từ

- trong quá trình biến động, do “hư hoá” nghĩa gốc, chúng thay đổi có thể chiếm giữ nhiều vị trí không phải động từ.

Khi không hoạt động như một động từ, về ý nghĩa ngữ pháp đối với động từ đứng trước, tuỳ cách nhìn mà mỗi tác giả nhấn mạnh những khía cạnh khác nhau. Cadiere nhấn mạnh tác dụng từ chỉ hướng vận động đứng sau động từ là làm rõ nghĩa động từ chính… và có khi xác định kết quả đã đạt được. Bystrov nhấn mạnh thêm “trợ động từ có thể làm thay đổi ngữ pháp của động từ chính. Nếu từ chính là động từ không có giới hạn thì sự kết hợp của trợ động từ sẽ tạo ra cho nó ý nghĩa giới hạn. Nếu từ chính là tĩnh từ thì sự kết hợp đó sẽ biến nó thành động từ có giới hạn…” [58, tr.15].

Gần đây hơn, Diệp Quang Ban (2005) xếp nhóm từ này vào nhóm “động từ chỉ hướng” và thuộc vào số những động từ [- chuyển tác] tự bản thân chúng đã chỉ sự vận động có hướng xác định, không cần động từ thực khác đứng trước và có thể làm vị tố trong câu. Hoạt động ngữ pháp nói chung của nhóm này là:

(i) Một số động từ chỉ hướng được dùng như động từ chuyển tác trong những trường hợp nhất định, như đi con xe, họ về con mã trong chơi cờ.

(ii) Từ chỉ hướng có thể được dùng sau động từ khác hoặc tính từ, có khi cả danh từ với chức năng nghĩa chỉ hướng thuần tuý và có thể rất trừu tượng, có khi tạo ra sự vận động hay rất xa với sự vận động. Nghĩa về “sự vận động” do động từ và tính từ đứng trước diễn đạt, do đó, nội dung của kiểu nghĩa khá đa dạng và phức tạp.

Vấn đề thường được đặt ra là cương vị cú pháp của từ chỉ hướng đứng sau động từ khác với tính từ. Trong trường hợp này tính chất động từ của từ chỉ hướng bị giảm sút, chứ không phải mất đi hoàn toàn, cụ thể là không ít khi vẫn có thể dùng tình thái từ phủ định trước nó, như đi chưa ra đến cổng, nghĩ chưa ra. Tuy vậy, cách giải thích từ chỉ hướng đứng sau động từ khác là yếu tố mở rộng đứng sau vẫn dễ chấp nhận hơn là với tư cách động từ thực làm bổ ngữ, trước hết là vì khả năng kết hợp với các phó từ tình thái của chúng rất hạn chế, thứ hai là ý nghĩa chỉ hướng của chúng có

khi rất trừu tượng. Mặt khác, do khả năng xuất hiện tình thái từ chỉ cực như không,

chưa như vừa nêu, không thể coi từ chỉ hướng ở đây là giới từ (quan hệ từ) như trong

nhiều ngôn ngữ khác [2, tr.501].

Một số tác giả khác như Cao Xuân Hạo (1991), Nguyễn Thị Quy (1995) và Trương Thị Thu Hà (2013), đứng từ góc độ ngữ nghĩa – ngữ pháp thì coi nhóm từ chỉ

53

hướng nằm trong số những vị từ quá trình vô tác chuyển vị, bản thân chúng đã bao hàm ý nghĩa hướng của sự di chuyển ngay trong nội dung ngữ nghĩa của vị từ.

Nguyễn Văn Thành (2003) xếp các từ chỉ hướng vào nhóm động từ chuyển động, cùng nhóm với các động từ chỉ sự di chuyển như chạy, nhảy, leo, trèo, bò, luồn, lách, lăn, lao, bước, chảy, quay, bơi, lặn, lội, ghé, rẽ, v.v. Về mặt ngữ nghĩa, chúng đều diễn đạt các vận động chuyển chỗ của chủ thể, như những quá trình không hoàn toàn đóng kín trong bản thân chủ thể, mà đều hướng đi đâu đó. Về mặt ngữ pháp, chúng không đòi hỏi bổ ngữ trực tiếp là các đối tượng của hành động, như các

hành động hướng ngoại. Về mặt cấu tạo từ, các từ ra, vào, lên, xuống, đến, tới, qua,

lại, có thể kết hợp với các động từ chuyển động khác như đi ra, đi vào, chạy lên, chạy xuống, trèo qua, trèo sang, nhảy ra, nhảy vào, nhảy đến, v.v. hay các từ như ra về, trở về, bỏ đi, bỏ về, v.v. Nguyễn Văn Thành cũng đặt vấn đề về cấu tạo từ của những tổ hợp nói trên liệu “có phải là cấu tạo từ ghép hay không”, và “ý nghĩa ngữ pháp của chúng là gì” [102, tr.187].

Khi xét những trường hợp cụ thể, Nguyễn Văn Thành đưa ra những nhận định như sau: Trước hết, trong hoạt động ngôn ngữ cụ thể ta thấy, các từ kể trên đều là động từ độc lập và thường đóng vai trò vị ngữ trong câu. Ví dụ: Nó ra vườn, anh gượng ngồi dậy, xuống khỏi giường mon men ra đóng chặt cửa buồng lại. (NC); Chiều hôm ấy Thị Nở cũng ra sông kín nước như mọi chiều. (NC); Cá vào ao ta, ta được. (Nguyễn Thị Ấm); Lần này ông Quyền xuống tận Bất Bạt để đón tôi. (Nguyễn Dậu); Chúng tôi cùng lên ngựa. (Nguyễn Dậu); Đơn vị anh vừa mới chân ướt chân ráo đến địa bàn mới. (Chu Lai); Gớm! Sao mình về trễ thế. (NC); Bỗng nhiên hắn rón rén lại gần thị Nở. (NC).

Như vậy, đặc điểm của các động từ ra, vào, lên, xuống, về, lại, v.v. là chúng diễn đạt hành động chuyển động theo các hướng một cách khái quát, chưa nói đến phương tiện hay hình thức (hoặc dạng) chuyển động. Còn các danh từ đi ngay sau chúng không có giới từ nào đi trước cả, vì vậy chúng thể hiện như những đối tượng

trực tiếp mà hành động đã đạt tới: ra sông, vào ao, xuống Bất Bạt, lên ngựa, đến địa

bàn mới, v.v. Khi ghép các động từ kể trên với động từ khác, ta thấy:

Một là, các động từ chuyển động đi trước chỉ rõ quá trình vận động, còn các từ

đi sau chỉ biểu thị phương hướng của chuyển động mà thôi. Ví dụ: Chừng nửa tiếng

sau Bạch Ngọc êm như ru chạy ra. (Nguyễn Dậu); Ông phó đi đánh bạc đêm về cũng

tạt vào. (NC); Đến đó thì Hai Hợi từ dưới suối đi lên. (Chu Lai); Cả hai chúng tôi cùng nhảy xuống. (Nguyễn Dậu); Cô gái mảnh khảnh… đang rụt rè đi tới. (Chu

54

Lai); Bảy ngày sau có một con tầu đánh cá tình cờ đi qua. (Võ Thị Hảo); … thằng cu chạy về đòi ăn. (NC)

Hai là, thực ra ý nghĩa từ vựng của các từ ra, vào, lên, xuống, v.v. ở đây không hề giảm xuống hay yếu đi một chút nào.

Ba là, theo chúng tôi, không thể coi những từ đó là những công cụ ngữ pháp

biểu thị phương hướng của động từ đi trước bởi vì số lượng các động từ mà ra, vào,

lên, xuống, v.v. có thể ghép vào sau chúng rất hạn hẹp và cũng không đồng nhất. Ngược lại, trong tiếng Việt lại có các trường hợp sử dụng ra, vào, lên, xuống, v.v. để cấu tạo những từ như ra về, bỏ đi, trở về, trở lại, tiến tới, vùng lên, đứng dậy, v.v. mà ta hoàn toàn có thể xem chúng là những từ ghép. Bởi vì khi ghép lại với nhau, chúng trở thành những động từ hướng nội, diễn đạt ý nghĩa bắt đầu chuyển động hoặc là hành động như một khái niệm nguyên vẹn, một quá trình kéo dài, thường không cho phép chêm một từ khác vào giữa chúng.

Bốn là, với các từ ra, vào, lên, xuống, v.v. ta thấy chúng ghép khá rộng với các

từ như đi, chạy, nhìn, ngồi, v.v. Theo Nguyễn Văn Thành, trong trường hợp không có

danh từ đi sau thì có thể coi các từ chỉ hướng như là trạng từ, như trong các sách ngữ pháp đã lí giải. Chính vì vậy ta mới có cả các trạng từ ngược, xuôi trong chạy ngược chạy xuôi. Và, mặt khác, ta mới gặp các trường hợp sử dụng các cụm từ chạy ra, đi vào, nhảy xuống không có danh từ phía sau đã đủ câu.

Xét ngôn ngữ một cách hệ thống, từ bản thân cách sử dụng của nó, ta thấy các trường hợp sử dụng các từ ra, vào, lên, xuống, v.v. trong các ví dụ đã nêu đều có cùng một ý nghĩa ngữ pháp rõ ràng, đó là ý nghĩa phương hướng của hành động tự chuyển động (đi, chạy, nhảy) hay vận chuyển một cái gì (đưa, bê, mang, v.v.).

Năm là, mọi chuyển động đổi hướng hay vận chuyển một cái gì, tất nhiên phải có địa điểm xuất phát từ đâu, qua đâu và đích tới, vì vậy trong tiếng Việt ta thường xuyên gặp những câu có cấu trúc như sau:

(2.1) Con chạy ra vườn xem chị Gái làm cỏ. [NC, TTTN]

(2.2) (…) đi xuống nhà bà phó Cửu ấy. [NC, TTTN]

(2.3) Hùng nói và bỏ đi ra vệ sông. (Chu Lai)

(2.4) Hùng ngồi phệt xuống đám cỏ.

(2.5) Em kéo chiếc khăn xuống vai, vầng trăng nhô lên khỏi núi (Đỗ Trung Lai)

Các thí dụ đã dẫn ra ở trên cho thấy, sự chuyển hóa về từ loại và vai trò ngữ pháp của mấy từ ra, vào, lên, xuống, v.v. trong tiếng Việt rất linh hoạt và rõ ràng. Chúng có thể làm vị ngữ, làm giới từ hoặc trạng từ trong câu. Tác giả cũng cho rằng

55

các tổ hợp như đi vào, đi ra, đi lên, đi xuống không phải là những từ ghép, bởi vì giữa chúng có thể dễ dàng chêm xen một yếu tố khác, hoặc dễ dàng tách ra khỏi vị từ chính để kết hợp với danh từ đứng sau.

Sau khi phân tích cụ thể các trường hợp hoạt động của từ chỉ hướng tiếng Việt, Nguyễn Văn Thành ghi nhận chúng ở bốn chức năng và ngữ nghĩa là: 1/ cấu tạo từ ghép; 2/ động từ đơn chỉ phương hướng với ý nghĩa quá trình; 3/ trạng từ chỉ phương hướng (của hành động) và 4/ giới từ kết hợp với danh từ để diễn đạt ý nghĩa ngữ pháp chỉ địa điểm của hành động. Khoan nói đến những mâu thuẫn trong phân tích lập luận (như việc có coi các từ ra, vào, lên, xuống, v.v. là công cụ ngữ pháp biểu thị phương

hướng cho động từ đi trước hay không, hoặc việc có coi các tổ hợp đi ra, đi vào, ngồi

lên, ngồi xuống là từ ghép hay không), chúng tôi cho rằng tác giả có cách xử lý chồng chéo và trùng lặp đối với cương vị ngữ pháp của nhóm từ này. Cách phân tích của tác giả cũng cho thấy cái nhìn thuần túy hình thức trên quan điểm từ pháp học, tức là quan tâm tới phương diện cấu tạo từ và khả năng kết hợp của từ. Hơn nữa, khi đề cập đến khả năng kết hợp của nhóm từ này, tác giả lại không liệt kê trường hợp khi chúng

đi sau các tính từ như béo ra, gầy đi, mà những tổ hợp này lại được tác giả xếp vào

nhóm “động từ trạng thái” nằm trong số các “động từ hướng nội”.

Một phần của tài liệu Sự chuyển hóa từ vị từ tĩnh sang vị từ động trong tiếng Việt (Trang 54)