Từ những nhận định ban đầu về sự chuyển hóa của vị từ, kết hợp với việc khảo sát tư liệu, chúng tôi cho rằng đây là vấn đề có cơ sở khoa học và thực tế rõ ràng cần được thảo luận cụ thể và nghiên cứu củng cố phát triển lí luận. Đặt giả thuyết rằng, có bao nhiêu thông số ngữ nghĩa (một trong những công cụ quan trọng mà các nhà ngữ pháp học hiện đại sử dụng để phân loại sự tình) thì tương ứng cũng có bấy nhiêu hướng chuyển hóa của vị từ khi tham gia vào biểu hiện ngữ nghĩa của những sự tình cụ thể. Tất nhiên là luôn có những giới hạn nhất định do chính cơ cấu ngữ pháp của từng ngôn ngữ quy định, nhưng hiện tượng chuyển hóa ít nhiều đã được khảo sát ở các ngôn ngữ thuộc các loại hình khác nhau đã chứng minh điều đó, chỉ khác nhau cơ bản ở chỗ nó được thể hiện bằng những phương thức như thế nào trong từng ngôn ngữ cụ thể mà thôi. Trong tiếng Việt, theo quan sát của chúng tôi, sự chuyển hóa của
41
vị từ được đánh dấu rõ nét nhất theo thông số [động], trong đó bao gồm cả hai hướng từ tĩnh sang động và ngược lại. Vấn đề ở chỗ, do tiếng Việt không biến đổi hình thái, thì sự chuyển hóa của vị từ được biểu lộ nhờ những yếu tố nào, và căn cứ vào đâu để xác định hiện tượng đó?
1.3.3.1. Từ thực tế sử dụng, có thể nhận ra: từ chỗ biểu hiện sự tình tĩnh sang biểu hiện sự tình động, vị từ tiếng Việt cần đến những cách thức và các yếu tố hỗ trợ như sau:
a) Có sự hỗ trợ của một yếu tố chỉ tốc độ, yếu tố này, như trên đã nói, là đặc tính của sự tình động. Chúng tôi gọi các yếu tố này là những phụ từ chỉ tốc độ, nó có thể diễn đạt ý nghĩa diễn tiến của một quá trình hoặc sự đột biến của một hành động, ví dụ:
(1.45) Bởi tôi ăn uống điều độ và làm việc có chừng mực nên tôi chóng lớn
lắm. (TH). Ss: lớn / chóng lớn
(1.46) Trời đất đang sáng, bỗng dưng sầm tối. Ss: tối / bỗng dưng sầm tối
(1.47) Bốn mép sách cong dần như những chiếc lá đa khô. [TH, CD]. Ss:
cong/cong dần
b) Có sự tham gia của các yếu tố tình thái và/hoặc các yếu tố thời-thể như đã,
đang, sẽ, vừa, mới, từng, vẫn, cứ, mãi, còn, phát, rồi.
(1.48) Tôi thức dậy, nắng sớm đã loé vào xó cửa. [TH, CD] (1.49) Sức khỏe ba tôi đang yếu đi.
(1.50) Bác còn trẻ, hay cười răng trắng tểnh. [TH, CD]
c) Có sự hỗ trợ của một yếu tố chỉ hướng biến đổi (vốn là các vị từ chỉ sự di chuyển có hướng: ra, vào, lên, xuống, sang, qua, về, lại, tiến, lui, đi, đến, tới). Ví dụ:
(1.51) Cái mũi đỏ của thị dị xuống rồi lại bạnh ra. [NC, TTTN] Ss: dị, bạnh/dị xuống, bạnh ra.
(1.52) Anh đứng lên cho tay vào túi quần, đi đi lại lại. (VTP, TSĐĐ) Ss:
đứng/đứng lên
d) Có sự hỗ trợ của một yếu tố ngữ pháp hóa: đánh, làm, hóa, gây, để, bỏ, phát. Ss: vỡ/đánh vỡ; hỏng/đánh hỏng; mới/làm mới; đẹp/làm đẹp; trẻ/trẻ hóa; hợp lí/hợp lí hóa, v.v. Ví dụ:
(1.53) Thành tựa như thấy trong lòng mưa bụi, buồn rầu và chán nản, một mối
buồn không sâu sắc nhưng êm đềm làm tê liệt cả tâm hồn. [TL, TNCL] Ss: tê liệt/làm tê liệt
42
(1.54) Từ ngày đầu nó hoá mốc, tao để ý thấy thằng bé thế nào ấy. [TH, CD]
Ss: mốc/hóa mốc
e) Trong kết cấu gây khiến – kết quả
(1.55) Gió mạnh dán chặt quần áo vào người chàng, khiến cái lạnh thêm thấm
thía và ẩm ướt. [TL, TNCL]Ss: chặt/dán chặt
(1.56) Hai vai nàng rung động, và vạt áo cầm lên vò nát trong tay. [TL, TNCL]
Ss: nát/vò nát
g) Có sự kết hợp của nhiều yếu tố khiến cho câu có chứa vị từ tĩnh nhưng lại biểu hiện một sự tình động, như trong các ví dụ sau:
(1.57) Mặt lão đột nhiên co rúm lại. [NC, TTTN]
(1.58) Hắn bỗng đứng phắt dậy. [NC, TTTN]
Như thế với sự hỗ trợ của một yếu tố ở bên ngoài (đi trước hoặc đi sau), vị từ của tiếng Việt có thể chuyển hóa từ đặc trưng tĩnh sang đặc trưng động.
1.3.3.2. Xu hướng ngược lại diễn ra khi một vị từ vốn biểu hiện sự tình động chuyển hóa để biểu hiện sự tình tĩnh. Điều đó lại đòi hỏi những nhân tố khác: điều kiện về kết cấu của kiểu câu, trong đó phổ biến nhất là hai trường hợp: kết cấu câu tồn tại định vị (1.59) và kết cấu câu tình thế (1.60). Ví dụ:
(1.59) Giữa nhà treo một lá cờ đỏ sao vàng. (Võ Quảng)
(1.60) Cò ngà, cò trắng, cò xanh, cò ma,… buộc từng xâu, chất nằm hàng đống. (Đoàn Giỏi)
Đây cũng là một hướng chuyển hóa thường gặp của vị từ tiếng Việt, tuy nhiên, một mặt do phạm vi đối tượng của luận văn, mặt khác do hạn chế về dung lượng, vấn đề này sẽ không được trình bày chi tiết ở đây, mà chỉ được đưa ra thảo luận thêm trong những diễn biến có liên quan đến đề tài nhằm củng cố cho luận điểm về sự chuyển hóa của vị từ tiếng Việt.
1.4. Tiểu kết
Vị từ có vai trò đặc biệt quan trọng trong cấu trúc ngữ nghĩa và CTCP của câu. Chính vị từ quyết định số lượng cũng như đặc điểm của các yếu tố xung quanh vị từ trong cấu trúc ngữ nghĩa cũng như trong CTCP của câu. Trong cấu trúc ngữ nghĩa (hay cấu trúc tham tố), những yếu tố bắt buộc, gắn liền với bản chất của vị từ có thể được gọi là diễn tố, tham tố hay tham thể và những yếu tố không bắt buộc, chỉ là các yếu tố tuỳ nghi và chỉ gắn với bản chất của sự tình có thể được gọi là chu tố, yếu tố
43
chu cảnh hay yếu tố cảnh huống. Về cơ bản, các tác giả đều cho rằng có hai kiểu cấu trúc ngữ nghĩa: cấu trúc ngữ nghĩa hạt nhân và cấu trúc ngữ nghĩa mở rộng. Cấu trúc ngữ nghĩa hạt nhân gồm ba thành phần chính là: sự tình, vị từ hạt nhân và các diễn tố. Cấu trúc ngữ nghĩa mở rộng là cấu trúc ngữ nghĩa hạt nhân có thêm chu tố. Cách gọi tên cũng như cách biểu diễn các cấu trúc ngữ nghĩa của mỗi tác giả cũng khác nhau, như “nút vị từ” (L. Tesnière), “khung cách” (C.J. Fillmore), “khung vị từ” (S.C. Dik), v.v.
Trong bối cảnh có nhiều lí thuyết loại hình học sự tình được công bố, việc lựa chọn một khung lí thuyết thích hợp để miêu tả các sự tình-vị từ phù hợp với đặc trưng của tiếng Việt là một đòi hỏi tất yếu. Trong số các quan điểm về vị từ tiếng Việt, về cơ bản, quan niệm của Cao Xuân Hạo là phù hợp và thoả đáng với hiện trạng tiếng Việt nhất, trên tinh thần tiếp thu có chọn lọc kết quả nghiên cứu của các nhà ngữ pháp chức năng (Dik, Halliday). Tuy nhiên có một vài điểm trong hệ thống phân loại nghĩa biểu hiện của Cao Xuân Hạo mà chúng tôi đề xuất cần được hiệu chỉnh, đồng thời kế thừa kết quả phân loại vị từ của một số nhà nghiên cứu khác, ghi nhận những đề xuất về tham số ngữ nghĩa mới của vị từ, nhằm xây dựng một hệ thống cơ sở lí thuyết phục vụ cho việc khảo sát sự chuyển hóa của vị từ (ở đây là từ vị từ tĩnh sang vị từ động).
Tính [động] được xem là thông số ngữ nghĩa cơ bản nhất, phổ quát đối với mọi ngôn ngữ. Nó cũng được sử dụng như là tiêu chí phân biệt sự tình động với sự tình tĩnh, và tương ứng ta cũng có sự phân biệt các loại vị từ theo thông số này. Sự phân biệt động/tĩnh của vị từ tiếng Việt có quan hệ chặt chẽ cả về hình thức (khả năng kết hợp) và ngữ nghĩa của những tình thái hay phương thức, trạng ngữ, phụ từ, hoặc trong các kiểu kết cấu đặc biệt, do đó chúng đồng thời cũng được sử dụng như những tiêu chí quan trọng để nhận diện khả năng chuyển hóa của vị từ.
W.L. Chafe là một trong những tác giả đầu tiên có nghiên cứu về sự chuyển hóa của vị từ. S.C. Dik không trực tiếp đề cập đến sự chuyển hóa nhưng đã miêu tả vị từ với khả năng xuất hiện trong những KCVN hay các khung vị từ khác nhau, chẳng hạn cùng một vị từ có thể xuất hiện khi thì trong KCVN trạng thái, khi thì trong KCVN hành động hoặc KCVN quá trình. Ngoài ra các tác giả Việt ngữ học cũng có vài nhận xét về hiện tượng này lác đác trong các công trình về ngữ pháp tiếng Việt. Đặt nhiệm vụ khảo sát một cách có hệ thống, toàn diện về sự chuyển hóa từ vị từ tĩnh sang vị từ động, chúng tôi xác định đường hướng của luận văn là theo ngữ pháp chức
44
năng, cụ thể là miêu tả cấu trúc nghĩa biểu hiện của vị từ-sự tình, nhưng mặt khác vẫn kế thừa những thành tựu của ngữ pháp truyền thống và ngữ pháp cấu trúc.
Hiện tượng chuyển hóa có phần tương tự với hiện tượng chuyển loại, chuyển nghĩa đã được đề cập khá nhiều trong nghiên cứu ngữ pháp tiếng Việt, do đó chúng tôi tiến hành một vài thao tác phân biệt để xác định rõ đối tượng nghiên cứu. Trong phần cơ sở lí thuyết về sự chuyển hóa của vị từ, chúng tôi cũng nêu quan điểm riêng và những đề xuất của luận văn về vấn đề. Cụ thể, để thuận tiện cho bố cục và triển khai nội dung sẽ được trình bày trong các chương sau, chúng tôi liệt kê các khả năng chuyển hóa có thể có của vị từ, bao gồm cả những khả năng ngoài phạm vi của đề tài. Trong đó, sự chuyển hóa từ tĩnh sang động của vị từ sẽ được miêu tả ở các trường hợp: trong các kết cấu có yếu tố chỉ hướng, trong kết cấu gây khiến - kết quả và trong các kết cấu có yếu tố thời thể-tình thái. Tất cả các kiểu kết cấu đó có một đặc điểm chung là đều có ý nghĩa ngữ pháp hóa, đều có khả năng tình thái hóa, đều có thể hoạt động như một yếu tố thời thể và hoàn toàn có thể cùng kết hợp với nhau xuất hiện trong một sự tình có sự chuyển hóa của vị từ.
45
CHƢƠNG 2