VTHĐ diễn tả một biến cố trong đó có một chủ thể làm một việc có chủ ý (chủ động, tự điều khiển/kiểm soát). Chủ thể (diễn tố duy nhất hoặc thứ nhất) của một hành động gọi là hành thể, hay kẻ hành động (actor). Một hành động có thể không tác động gì đến một đối tượng nào: đó là một hành động vô tác hay không chuyển tác. Hành động này chỉ có một diễn tố, là hành thể, tuy đó có thể là một diễn tố phức hợp, gồm nhiều nhân vật cùng hành động. Dĩ nhiên, cũng như bất cứ sự tình nào, ngoài diễn tố ra còn có những tham tố (arguments hay participants) khác: các chu tố (circumstants). Một hành động cũng có thể tác động đến một đối tượng nào đó: là một hành động chuyển tác hay cập vật. Loại hành động này có hai diễn tố, là chủ thể của hành động (hành thể) và vật hay người chịu sự tác động của hành động (đối thể hay bị thể).
a. VTHĐ [+ động] [+ chủ ý] [-chuyển tác] diễn tả một hành động không gây tác động đến một đối tượng nào. Hành động này chỉ có một diễn tố duy nhất chủ động di chuyển hoặc không di chuyển mà cử động theo một phương thức nào đó. Một
sự di chuyển có thể có hướng/đích nhất định hoặc có thể không có hướng/đích.
+ VTHĐ [+di chuyển] [+hướng/đích]: ra, vào, đi, lại, lên, xuống, đến, tới, rời, sang, qua, v.v. Hướng của sự di chuyển được biểu thị ngay trong nghĩa của vị từ và đích của sự di chuyển làm thành một diễn tố thứ hai (giống đối tượng của một hành động chuyển tác).
+ VTHĐ [+di chuyển] [-hướng/đích]: chạy, bay, bò, bước, bơi, đi, lao, lăn, lặn, lội, lê, lết, leo, lướt, lùi, trèo, trườn, trượt, vọt, tiến, nhào, xông, phi, liệng, lẩn, chồm, lượn,… Các vị từ hành động di chuyển này không nhất thiết phải chỉ hướng và chúng không thể chỉ đích. Nhưng khi kết hợp với các trạng tố chỉ hướng thì chúng lại mang ý nghĩa chỉ hướng/đích.
+ Những VTHĐ vô tác, không có sự di chuyển, chỉ có một cử động của các bộ phận thân thể: cúi, ngẩng, nghiêng, gật, lắc, ngửa, mở, nhắm, cau, nhăn, khịt, ngậm, nhoẻn, mím, mắm, ngoác, há, bùng, hất, nghển, rụt, co, duỗi, nhún, khom, nhúm, dang, dạng, chắp, quỳ, kiễng, nhón, ngơ, ưỡn, vời, rung, xoay, thu, còng, dán, thò, v.v.
+ Những VTHĐ hướng khí quan cảm giác của mình vào một mục tiêu để thu nhận, tri giác về vật đó, hành động nhằm biểu hiện cách ứng xử: xem, nhìn, trông,
47
ngó, ngóng, dòm, nghe, sờ, ngửi, nếm, mong, chờ, đợi, nghĩ, nói, khen, mắng, chê, luận, đoán, suy, xét, v.v.
b. VTHĐ chuyển tác [+ động] [+ chủ ý] [+chuyển tác] diễn tả một hành động có sự tác động đến một đối tượng làm cho đối tượng di chuyển, thay đổi vị trí hay trạng thái, tạo ra hay huỷ diệt đối tượng. Hành động này có hai hoặc hơn hai diễn tố, một diễn tố là chủ thể thực hiện hành động, và một diễn tố bị tác động của chủ thể gọi là đối thể. Ngoài ra còn có thể có diễn tố thứ ba là người nhận hành động.
+ VTHĐ [+chuyển tác], [+tác động] nhằm làm thay đổi trạng thái của đối
tượng: bóp, đập, nén, bẻ, dẫm, giã, cắt, chặt, băm, đun, hâm, đốt, pha, vo, vò, uốn,
đâm, chọc, phá, lau, rửa, v.v. Ngoài ra còn có những vị từ hành động tác động làm thay đổi trạng thái tinh thần của đối tượng: dỗ, doạ, hăm, đe, hiếp, nịnh, chiều, nuông, cưng, chửi, rủa, v.v.
+ Nhóm VTHĐ [+chuyển tác], [+tác động] làm thay đổi vị trí, vị thế của đối
tượng trong không gian hay về một phương diện nào đó như: cầm, nắm, giữ, mang,
vác, đội, mặc, khiêng, bưng, bê, bế, cắp, cặp, xách, v.v. Các vị từ có ý nghĩa cho nhận cũng nằm trong nhóm này: cho, biếu, tặng, gửi, v.v.
+ Nhóm VTHĐ [+chuyển tác], [+tác động] nhằm tạo lập gây nên sự tồn tại của đối tượng: làm, tạo, lập, đóng, xây, đắp, đào, rèn, chế, sinh, sản, luyện, đặt, vẽ, viết, may, dệt, đan, lát, nặn, nấu, dựng… là những vị từ có ý nghĩa thành quả được diễn
đạt bằng “ra” dùng như một trạng tố đặt sau các vị từ tạo lập này. Ngoài ra những vị
từ có ý nghĩa chỉ hành động nói năng cũng nằm trong nhóm vị từ tạo tác này: nói, bảo, kêu, than, trách móc, thốt, kể, hỏi, sai, thuật, xin, nài, v.v.
+ Nhóm VTHĐ tác động nhằm huỷ diệt làm cho đối tượng không còn tồn tại nữa: tiêu, giết, diệt, di, tống, huỷ, hạ, sát, khử, vứt, tẩy, xoá, từ, chém, chôn, v.v.