Vốn từ của một ngôn ngữ thường biến động không ngừng. Trong quá trình biến động đó, có những sự thay đổi về ngữ nghĩa và hình thái - cú pháp. Những hiện tượng như chuyển hóa ngữ nghĩa, chuyển di từ loại, chuyển nghĩa đều là kết quả của những sự biến động này. Nhiều tác giả khi quan sát những trường hợp có sự chuyển hóa của vị từ tiếng Việt từ đặc trưng tĩnh sang đặc trưng động hoặc ngược lại về cơ bản giống với hiện tượng chuyển loại trong ngữ pháp. Chẳng hạn, Hồ Lê cho rằng đây là “hiện tượng chuyển loại” của từ trong tiếng Việt và “sự chuyển này” chưa hoàn toàn “triệt để”, ví dụ đỏ là tính từ còn đỏ ra là động từ [64, tr.243]. Bùi Minh Toán gần đây hơn cũng nhận định “hiện tượng này có phần tương tự hiện tượng chuyển loại trong ngữ pháp truyền thống (cùng hình thức ngữ âm, nhưng khác về ý nghĩa và hình thức ngữ pháp), nhưng khác biệt ở chỗ: ở đây chỉ có sự chuyển hóa về nghĩa biểu hiện, còn bản chất ngữ pháp của vị từ vẫn giữ nguyên” [109, tr.262]. Do có nhiều điểm tương tự và dễ nhầm lẫn giữa các hiện tượng này, cho nên việc phân biệt chúng là việc làm cần thiết.
Tổng hợp các tài liệu ngữ pháp tiếng Việt, hiện tượng chuyển loại đã được nhiều tác giả quan tâm nghiên cứu và trình bày tương đối chi tiết (Hồ Lê 1976, Nguyễn Văn Tu 1976, Hoàng Văn Hành 1977, Hà Quang Năng 1981, Diệp Quang Ban – Hoàng Văn Thung 1991, v.v.). Nhìn chung, tuy có nhiều kiến giải khác nhau ở mức độ đánh giá sự thay đổi ý nghĩa, nhưng các tác giả đều nhận thấy khi có hiện tượng chuyển loại thì đều có sự thay đổi về nghĩa. Vì vậy, có thể căn cứ vào hai tiêu chí sau để nhận biết hiện tượng chuyển loại.
a) Về mặt ý nghĩa, hiện tượng chuyển loại xảy ra khi có sự thay đổi về cấu trúc ngữ nghĩa biểu niệm của từ. Điều này làm cho chuyển loại khác về căn bản so với hiện tượng nhiều nghĩa.
b) Về mặt ngữ pháp, khi có hiện tượng chuyển loại thì đặc trưng ngữ pháp của từ thay đổi, biểu hiện sự khác nhau trong khả năng kết hợp và chức năng của từ trong
38
câu. Tiêu chí này, về thực chất là hệ quả của tiêu chí trên vì lẽ do nội dung ngữ nghĩa của từ thay đổi sẽ kéo theo các đặc trưng ngữ pháp của từ cũng thay đổi.
Sự chuyển hóa từ ở một phạm trù từ loại này sang một phạm trù từ loại khác với sự giúp đỡ của những phương tiện cấu tạo từ tối thiểu mà ngôn ngữ có được. Nói chung sự chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ mà không có sự thay đổi của thân từ sản sinh. Trong các ngôn ngữ biến hình, sự chuyển loại được coi là cách cấu tạo từ mới bằng cách chuyển một thân từ này sang một hệ biến đổi khác của sự biến hình từ. Chẳng hạn việc cấu tạo các động từ từ thân từ của danh từ trong tiếng Anh như pen, pens, penned, penning. Như vậy, chuyển loại là một biến dạng của hiện tượng cải biến trong đó việc chuyển một từ ở một từ loại này sang một từ loại khác diễn ra sao cho hình thức của từ ở từ loại này được sử dụng với tư cách là đại diện cho một từ loại khác mà không có bất kỳ sự thay đổi nào ở mặt chất liệu tạo nên hình thức của từ.
Đến Nguyễn Văn Tu thì vấn đề đã được quan sát rộng hơn: “có thể chuyển một từ thuộc từ loại này sang từ loại khác để có những từ cần thiết. Có hai cách chuyển loại. Cách thứ nhất là dùng cách ghép một từ với một từ làm chứng cho nó
chuyển loại như từ hóa kết hợp với quân sự thành động từ quân sự hóa. Nhưng cách
này rất hạn chế. Vì vậy, có cách thứ hai là một từ đơn hoặc một từ ghép nào đó có thể chuyển từ loại tức là thuộc phạm trù ngữ pháp khác mà không thay đổi tổ chức của bản thân” [110, tr.84].
Cho rằng sự chuyển loại là một phương thức cấu tạo từ, Hồ Lê nhận xét nó “có khả năng tạo ra từ mới trên cơ sở từ đã có, bằng cách giữ nguyên vỏ ngữ âm của từ cũ, tạo ra một nghĩa mới có mối quan hệ logic nội tại nhất định với nghĩa của từ cũ, và đưa vào những đặc trưng ngữ pháp khác với đặc trưng ngữ pháp của từ cũ” [64, tr.164].
Rõ ràng ranh giới từ loại là một ranh giới tương đối. Các nhà nghiên cứu tiếng Việt luôn gặp phải một từ có lúc đứng ở từ loại này mà có lúc đứng ở từ loại khác. Tương tự, cũng có khi một từ lúc thuộc về tiểu loại này, khi thuộc về một tiểu loại khác. Ví dụ: năm (đơn vị thời gian/số từ), khó khăn (tính từ/danh từ), lo lắng (động từ/danh từ), cưa (danh từ/động từ)…
Đứng trước tình hình như vậy, một số nhà nghiên cứu cho đây là những từ
đồng âm. V.S. Panfilov trong Cơ cấu ngữ pháp tiếng Việt gọi đây là hiện tượng đồng
39
vì như vậy thì danh sách từ đồng âm của tiếng Việt quá lớn, mặt khác chúng ta sẽ không thấy được tính chất động, tính chất đa dạng của hệ thống ngôn ngữ. Nếu quan niệm ngôn ngữ là một hệ thống cấu trúc chức năng động thì chúng ta nên chấp nhận rằng, trong ngôn ngữ có hiện tượng chuyển loại. Nói đến chuyển loại, trước hết là nói đến sự chuyển đổi theo những cấu trúc chức năng khác nhau. Tuy nhiên ý nghĩa vẫn luôn là cơ sở cần phải được tính đến hàng đầu. Ví dụ, nếu chỉ xét đơn thuần về cấu trúc, chức năng thì khi gặp các tổ hợp “rất Hà Nội”, “đang xuân lắm” thì chúng ta có thể coi “Hà Nội”, “xuân” là tính từ, bởi chúng có thể kết hợp được với các từ chứng của tính từ, nhưng nếu xét ý nghĩa phạm trù thì những từ đó vẫn là danh từ. Gặp các tổ hợp như vậy chúng ta nên coi đó là những khả năng hoạt động khác nhau của danh từ hay đó chỉ là một sự chuyển hóa tạm thời mà thôi. Một từ được coi là đã chuyển loại khi từ đó có thể tồn tại thường xuyên trong những cấu trúc vốn của một từ loại khác và càng chắc chắn hơn khi cùng với sự chuyển đổi theo những cấu trúc khác nhau, từ đó đã bắt đầu có thêm ý nghĩa phạm trù mới, không còn dính dáng đến ý nghĩa cũ. Cũng có thể ý nghĩa mới đó vẫn còn nằm trong trường ngữ nghĩa cũ nhưng đã ở điểm xa nhất, có thể rời khỏi hệ thống ngữ nghĩa cũ bất kỳ lúc nào.
Tác giả trình bày hai phương thức chuyển từ loại trong tiếng Việt là phương thức từ vựng và phương thức ngữ pháp. Tuy nhiên, tác giả không phân biệt rõ sự khác nhau của hai phương thức này, bởi vì xét cho cùng tiếng Việt không biến đổi hình thái, vì vậy bất cứ sự chuyển loại nào cũng đều không có dấu hiệu hình thức ở mặt vỏ ngữ âm để nhận diện, mà đều phải căn cứ vào các yếu tố trong câu, phải đặt vào cái khung cấu trúc của câu mới xác định được [10, tr.242].
Hiện tượng mà chúng tôi đang khảo sát đôi khi cũng dễ bị nhầm lẫn với hiện tượng “chuyển nghĩa”, trong khi về bản chất chúng hoàn toàn khác nhau. “Chuyển nghĩa” là hiện tượng thay đổi số lượng nghĩa vốn có của từ (cụm từ), làm cho nó có khả năng gọi tên các sự vật, hiện tượng, hành động hoặc thuộc tính khác nhau nhưng liên quan với nhau về phương diện nào đó (nhưng vẫn trong phạm vi một từ). Sự chuyển nghĩa có thể dẫn đến kết quả là ý nghĩa sau khác hẳn với ý nghĩa trước. Thậm chí ngay cùng một từ, sự chuyển nghĩa có thể khiến cho nó trở thành đồng nghĩa với cái từ trái nghĩa trước kia của nó. Hai phương thức chuyển nghĩa phổ biến trong tất cả các ngôn ngữ trên thế giới là ẩn dụ và hoán dụ [7, tr.145].
Nguyễn Đức Dân từ góc độ logic nhận định rằng sự chuyển từ nghĩa gốc sang nghĩa phái sinh là một đặc điểm logic của ngữ nghĩa các từ cơ bản. Vấn đề xuất phát
40
từ việc có nhiều từ cơ bản đa nghĩa. Ban đầu mỗi từ chỉ có một vài, thậm chí chỉ một nghĩa gốc. Trong quá trình tiến hóa ngôn ngữ, có sự phát triển về nghĩa của chúng một cách logic theo những tình huống mới và nhận thức mới của con người về tự nhiên và xã hội. Sự chuyển nghĩa trên cơ sở nhận thức của chúng ta về mối quan hệ giữa các phạm trù, từ phạm trù không gian tới các phạm trù khác. Điều này xảy ra với từ cơ bản, những từ miêu tả những bộ phận bên ngoài dễ nhận biết nhất của con người, những từ trỏ những hiện tượng tự nhiên dễ thấy nhất quanh ta [15, tr.9].
Đứng trên quan điểm ngữ pháp chức năng, chúng tôi cho rằng sự phân biệt cơ bản nhất của các hiện tượng đang xét ở đây là sự phân biệt liên quan đến lĩnh vực sử dụng từ và lĩnh vực tạo từ. Sự chuyển hóa vị từ không phải là một cách thức nhằm tạo ra từ mới, mà nó liên quan trực tiếp đến sự thay đổi bản chất ngữ nghĩa – ngữ pháp của vị từ trong hoạt động hành chức của chúng, tức là trong sự hình thành và tạo lập ngôn bản. Cũng có thể coi đây là hiện tượng chuyển hóa giữa các tiểu loại của vị từ, trong đó có sự chuyển đổi giữa các tiểu phạm trù nghĩa của vị từ và kéo theo sự chuyển đổi các chức năng nghĩa (vai nghĩa) của các tham tố bao quanh vị từ. Trong sự chuyển hóa như thế của vị từ, các tham thể xoay quanh vị tố tuy vẫn được biểu hiện bằng cùng những danh từ, cụm danh từ hay đại từ nhưng đã đóng các vai nghĩa khác nhau. Đó chính là sự khác biệt của các loại sự tình, cũng là sự khác biệt của các cấu trúc vị từ - tham thể. Đây cũng một trong những vấn đề chúng tôi sẽ thảo luận kỹ hơn trong các chương tiếp theo, khi đi vào miêu tả đặc điểm của vị từ và các tham thể của vị từ trong sự chuyển hóa.