Về sự phân biệt động-tĩnh của vị từ tiếng Việt 1 Những nhận xét mở đầu

Một phần của tài liệu Sự chuyển hóa từ vị từ tĩnh sang vị từ động trong tiếng Việt (Trang 32)

1.2.1. Những nhận xét mở đầu

Theo những thảo luận ở mục trước về quan điểm của các tác giả về vị từ tiếng Việt, có thể thấy rằng mặc dù các nhà từ pháp học vẫn chủ trương tính từ và động từ là hai từ loại khác nhau nhưng vẫn thừa nhận có những trường hợp giao thoa giữa chúng và chỉ có thể xác định từ loại bằng các biểu hiện cú pháp.

Việc Lê Văn Lý (1948) với tiếng Việt và A. Dragunov (1952) với tiếng Hán, nhận ra sự gần gũi giữa tính từ và động từ về mặt cú pháp trong ngôn ngữ đơn lập rõ ràng là một nhận xét hay và tích cực về mặt loại hình ngữ pháp. Dragunov cho rằng tính từ và động từ có thể đặt chung trong một phạm trù rộng hơn: Vị từ (Predikativ) không có nghĩa là nhất thể hóa hai từ loại. Nhận xét này được Đinh Văn Đức chia sẻ

trong Các bài giảng về từ pháp học tiếng Việt (2010). Ông nhận định giới Việt ngữ

học trong khoảng mươi lăm năm nay, bạn đọc có một sự ngộ nhận về tính từ do tiếp cận từ những hướng khác nhau như đã nói ở trên. Đứng ở góc độ từ loại, xuất phát từ mối quan hệ giữa ngôn ngữ và tư duy thì động từ và tính từ có bản chất ngữ pháp hoàn toàn khác nhau. Theo đó, động từ biểu đạt những dạng vận động khác nhau của thực thể. Mà vận động là thuộc tính vĩnh cửu của thực thể. Nó diễn ra trong không gian (hướng và vị trí) và thời gian (thời và thể). Trong khi đó, tính từ là từ loại chuyên dụng để biểu đạt các đặc trưng của thực thể, mà thực thể thì tồn tại cực kỳ đa dạng. Đặc trưng khiến cho thực thể được nhận diện trong các nét khu biệt. Nó tồn tại như một tất yếu (bản chất tĩnh).

Đinh Văn Đức cũng giải thích trong rất nhiều trường hợp, tính từ lại tham gia vào chức năng vị ngữ hoặc trực tiếp làm vị ngữ như Nhà này cao tám tầng; Thành phố Roma cổ nhất; Con cá ấy nặng đến năm cân là do cách thức tri nhận và phản ánh độc lập trong tư duy của người bản ngữ. Với cách thức riêng, người bản ngữ có thể hình dung một thuộc tính tĩnh nào đó của thực thể như là một thuộc tính động. Người

29

Việt sử dụng khả năng này rất mạnh khiến cho tính từ được mở rộng chức năng ngữ pháp một cách tự nhiên: làm định tố, vị tố và cả trạng tố.

Thêm vào đó, từ loại tính từ cũng có sự đối lập giữa sắc thái động và tĩnh. “Cũng như ở danh ngữ và động ngữ, cấu trúc toàn tính ngữ có ảnh hưởng từ bản chất ngữ pháp của thành tố trung tâm, cụ thể là phụ thuộc vào các tiểu loại tính từ. Do chỗ tiếng Việt không có các tính từ chỉ quan hệ nên trong từ loại này tương đối thuần nhất, các tiểu loại tính từ không hình thành những đối lập lớn. Để chỉ rõ những đặc điểm ngữ pháp của từng tiểu loại, người ta có thể nghĩ tới chẳng hạn như đối lập giữa những tính từ chỉ tính chất với sắc thái “tĩnh”: xấu, tốt, nặng, nhẹ, dài, ngắn, xanh,

đỏ… và những tính từ chỉ đặc trưng thiên về trạng thái nên có tính chất “động”: vui,

buồn, yêu, thương, mong, nhớ, mau, nhanh… Những từ mà từ một phương diện khác có thể coi là động từ chỉ cảm xúc, từ đó dẫn tới khả năng có thể tập hợp những thành tố phụ khác nhau cho tính từ. Nhưng cũng có thể đặt vấn đề khác đi, thực ra không có sự đối lập giữa hai sắc thái “động” và “tĩnh” ở tính từ. Tính từ chỉ đặc trưng nhưng bất cứ đặc trưng nào cũng có mặt động chứ không thuần tĩnh, đặc trưng gắn với diễn tiến (quá trình), vì vậy tiếng Việt có ý nghĩa ngữ pháp thời trong cái khung tình thái của vị ngữ [25; 186].

Tác giả cũng phê phán cách nhìn cực đoan của một số nhà ngôn ngữ theo hướng chức năng luận khi phủ nhận sự tồn tại từ loại trong một số ngôn ngữ đơn lập như tiếng Hán, tiếng Việt, cho rằng cách hiểu đó “chưa lần đến cái gốc của vấn đề là mối quan hệ giữa từ loại với các phạm trù của tư duy và cách thức phản ánh của người bản ngữ”. Trong bối cảnh đó, việc S.C. Dik đưa ra sự phân biệt các sự tình trên hai đặc trưng [động] và [chủ ý] là gợi ý rất quan trọng liên quan đến đối lập tĩnh và động. Một mặt, động liên quan đến những “biến cố” (những sự việc xảy ra và có diễn tiến), và một mặt khác là những tình thế, tình chất, trạng thái. Quan trọng hơn, ông có nhận xét rằng, một số trạng thái, tư thế, tính chất, sự tình không chủ ý có thể có sự kéo dài (theo thời gian) và được tri giác có mức độ, có kích cỡ, v.v.

Chính nhận xét của Dik chỉ ra sự chuyển hóa giữa hai phương diện tĩnh và động trong phạm trù vị từ, xa gần giải thích cho việc tại sao một số tính từ (như trong tiếng Việt) lại có thể tiếp nhận tiêu chí thời thể và làm vị ngữ, vì sao trong tiếng Việt có khá nhiều hiện tượng trung gian trong nội bộ vị từ, nghĩa là giữa tính từ và động từ (các từ chỉ tình cảm vui, buồn, yêu, thích, ghét, v.v.) vừa chỉ ra đặc trưng vừa chỉ sự tình một cách tự nhiên, và kèm theo còn có cả những phương thức ngữ pháp hỗ trợ cho sự chuyển hóa.

30

Cũng vấn đề đó, Diệp Quang Ban khẳng định “thực ra không phải các tính từ đều chỉ cái thể tĩnh tại, mà không ít các tính từ vẫn chỉ cái thể động, như mau, hoặc

nhấp nhô, thấp thoáng, phấp phới, lật đật, chưa kể nhiều ví dụ khác. Vậy, người sau dùng tính từ để diễn đạt cái ý thiên về phẩm chất nói chung, cái thể nói chung không có gì sai trái, nếu không phải là chính xác hơn. Ấy là chưa kể cái gọi là “động từ”

không phải bao giờ cũng chỉ cái thể động, cứ xem các từ như ngồi, đứng cũng đủ rõ.”

[2, tr. 506]

Như vậy, những nhận xét mở đầu đã cho thấy vị từ tiếng Việt dù nhìn từ góc độ từ loại hay chức năng cũng có sự phân biệt trên phương diện động – tĩnh, không chỉ ở bản chất ngữ pháp của từ loại mà ngay trong nội bộ từ loại cũng có sự phân biệt đó. Bên cạnh đó cũng đã xuất hiện một số nhận xét về hiện tượng chuyển hóa giữa các từ loại bằng các phương thức khác nhau.

Một phần của tài liệu Sự chuyển hóa từ vị từ tĩnh sang vị từ động trong tiếng Việt (Trang 32)