lược phát triển kiểm toán hoạt động của các SAI.
Lựa chọn mục tiêu kiểm toán hoạt động:
Theo đuổi mục tiêu trách nhiệm giải trình hoặc cải tiến hiệu quả hoạt động có ảnh hưởng tới chiến lược phát triển kiểm toán hoạt động tại mỗi quốc gia, nhưng vẫn còn nhiều tranh cãi xoay quanh việc mục tiêu nào là quan trọng hơn (Shand & Anand 1996). Một số quan điểm ủng hộ chức năng kiểm toán hoạt động nghiêng về trách nhiệm giải trình chẳng hạn, Glynn (1996), Pollitt & cộng sự (1997, 1999) và Lonsdale & cộng sự (2011) cụ thể: Theo Glynn (1996, 125), việc phát triển kiểm toán hoạt động là quan trọng, nhưng phải coi chúng như là một bộ phận cấu thành nên hệ thống quản trị công mới và như vậy chức năng kiểm toán hoạt động nên nghiêng về đánh giá trách nhiệm giải trình hơn là đánh giá kết quả đạt được. Tương tự (Lonsdale & cộng sự. 2011), cũng đồng ý rằng trách nhiệm giải trình và cải tiến hiệu quả hoạt động là hai mục tiêu mà kiểm toán hoạt động cần phải đạt được, nhưng mục tiêu trách nhiệm giải trình quan trọng hơn bởi vì nếu kiểm toán hoạt động chỉ nhằm mục đích giúp đơn vị cải tiến hiệu quả hoạt động qua đó nâng cao khả năng học hỏi kinh nghiệm thông qua kiểm toán thì nhiều hoạt động kiểm tra khác có thể thực thi nhiệm vụ này tốt hơn các cơ quan kiểm toán. Mặt khác, việc tác động mang lại từ việc giúp đơn vị được kiểm toán cải thiện hiệu quả hoạt động còn hạn chế, chưa được đánh giá và đo lường cụ thể. Vì vậy, ông cho rằng để tránh rủi ro cho KTV thì các SAI nên theo đuổi mục tiêu trách nhiệm giải trình. Như vậy, việc lựa chọn theo đuổi mục tiêu nào tùy thuộc vào bối cảnh kinh tế, chính trị tại quốc gia đó thông qua việc xác định các thách thức mà các SAI phải đối mặt và khả năng có thể khắc phục, chẳng hạn theo Put & Turksema (2011) nếu cơ quan kiểm toán có địa vị pháp lý độc lập hoàn toàn với chính phủ thì mục tiêu giải trình kết quả nên được ưu tiên, do các KTV và lãnh đạo SAI cảm thấy ít trách nhiệm hơn trong việc giúp cải tiến hiệu quả của các đơn vị được kiểm toán.
Lựa chọn chủ đề, đối tượng, phạm vi kiểm toán hoạt động
Cơ sở cho việc lựa chọn chủ đề, đối tượng và phạm vi kiểm toán nào cũng sẽ quyết định xu hướng phát triển kiểm toán hoạt động trong tương lai, chẳng hạn lựa chọn kiểm toán một số lĩnh vực nhạy cảm về chính trị như xem xét sự hữu hiệu của các chính sách (phân tích chính sách) hoặc tác động từ sự can thiệp của chính phủ (Lonsdale & cộng sự 2011) sẽ đòi hỏi các SAI phải độc lập hơn, đủ thẩm quyền và cần được sự ủng hộ mạnh hơn từ cả cơ quan lập pháp và hành pháp. Hoặc do các SAI tự lựa chọn các chủ đề, đối tượng và phạm vi kiểm toán hoạt động hay tuân thủ yêu cầu từ các cơ quan lập pháp và hành pháp cũng ảnh hưởng đến việc phát triển kiểm toán hoạt động. Ví dụ, trong tháng 5, năm 2009, Văn phòng Kiểm toán Hà Lan (Tòa Thẩm kế Kiểm toán Hà Lan) đã phát hành báo cáo kiểm toán hoạt động lần đầu tiên để báo cáo về sự hữu hiệu trong việc ban hành các chính sách can thiệp của Bộ Tài chính nhằm đối phó với khủng hoảng kinh tế để cung cấp cho Quốc hội.
Phương pháp tiếp cận trong kiểm toán hoạt động
Theo Wilkins & Boyle (2011) kiểm toán hoạt động vẫn tiếp tục phát triển theo các phương pháp tiếp cận riêng biệt và với thứ tự ưu tiên khác nhau. Boukaert & Halligan (2008, theo Put & Turksema 2011) chỉ ra rằng phương pháp tiếp cận trong kiểm toán hoạt động ở Anh và Hà Lan hoàn toàn trái ngược nhau. Ở Anh các vấn đề quản lý luôn được ưu tiên, còn việc đánh giá chính sách chỉ xếp thứ hai (tức ngược lại với trường hợp Hà Lan). Ngoài việc đáp ứng yêu cầu từ phía cơ quan lập pháp và hành pháp, các SAI ở Anh phải duy trì tính độc lập và khách quan trong việc lựa chọn chủ đề và đối tượng kiểm toán theo thứ tự ưu tiên đặc biệt khác nhau. Vì vậy, việc lựa chọn phương pháp tiếp cận nào cũng sẽ quyết định trình độ phát triển của mỗi SAI trong tương lai.
Lựa chọn phương pháp luận sử dụng trong kiểm toán hoạt động
Phương pháp luận trong kiểm toán hoạt động là cơ sở để KTV sử dụng làm tiêu chuẩn so sánh, áp dụng các phương pháp, kỹ thuật phù hợp để thu thập đủ bằng chứng tin cậy hình thành nên ý kiến kiểm toán có tính thuyết phục cao. Không như kiểm toán truyền thống, phương pháp luận trong kiểm toán hoạt động đa dạng hơn
phụ thuộc vào từng lĩnh vực, chủ đề kiểm toán hoạt động và phương pháp tiếp cận các chủ đề này ví dụ, các mô hình quản lý hiện đại, phương pháp quản lý hiệu quả được áp dụng thành công trong thực tiễn sẽ được sử dụng làm tiêu chuẩn so sánh phục vụ cho mục đích đánh giá và giúp đơn vị được kiểm toán cải tiến hiệu quả hoạt động. Khi đó, phương pháp luận lựa chọn trong trường hợp này dựa trên nền tảng khoa học quản trị. Có nhiều nhân tố ảnh hưởng đến việc lựa chọn phương pháp luận kiểm toán như hạn chế về thời gian kiểm toán, khả năng của KTV, chi phí và kỳ vọng về bằng chứng kiểm toán, tổ chức hoạt động kiểm toán, môi trường kiểm toán. Như vậy, nếu như phương pháp tiếp cận kiểm toán hoạt động phụ thuộc chủ yếu vào tính độc lập, thẩm quyền và địa vị pháp lý của SAI cùng những yêu cầu lựa chọn các chủ đề kiểm toán hàng năm của cơ quan lập pháp và hành pháp thì phương pháp luận kiểm toán hoạt động vẫn sẽ tiếp tục thay đổi trong tương lai. Điều này đòi hỏi các SAI không ngừng thay đổi để thích ứng, học hỏi để nâng cao chất lượng và hiệu quả của loại hình kiểm toán này.