Quy trình phân tích dữ liệu định tính

Một phần của tài liệu Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công ở Việt Nam (Trang 79)

Power (2003, theo Ferdousi 2012), thừa nhận rằng tiến hành nghiên cứu kiểm toán hoạt động và phân tích dữ liệu là một quy trình phức tạp. Mặt khác, mỗi phương pháp tiếp cận khác nhau có các bước phân tích khác nhau. Vì vậy, áp dụng quy trình phân tích dữ liệu một cách nhất quán trong bước nghiên cứu định tính của Cresswell & cộng sự (2003), bao gồm 7 bước nhằm đảm bảo kết quả nghiên cứu đạt được sự tin cậy.

Bước 1: Sắp xếp và chuẩn bị dữ liệu. Sau khi thu thập và phân loại xong các dữ liệu, tác giả sẽ tiến hành đánh máy lại các ghi chép phỏng vấn, các ghi chép trong các hội thảo chuyên đề, ghi chép trong thảo luận nhóm;

Bước 2: Đọc lại toàn bộ dữ liệu. Quá trình đọc lại dữ liệu được lặp đi lặp lại nhiều lần. Sau mỗi lần đọc, tác giả sẽ ghi chú lại những suy nghĩ cảm nhận của mình về dữ liệu thu thập được.

Bước 3: Bắt đầu phân tích bằng cách mã hóa dữ liệu. Mã hóa dữ liệu là một quá trình tổ chức tài liệu thành các đoạn, trước khi gắn cho nó một khái niệm, thuật ngữ hoặc ý nghĩa. Quá trình mã hóa dữ liệu được thực hiện phân biệt giữa hai loại dữ liệu phỏng vấn và dữ liệu nghiên cứu tình huống:

Đối với dữ liệu phỏng vấn, sau khi tiến hành phân đoạn theo từng chủ đề, sắp xếp từng chủ đề tương tự nhau, đối chiếu từng chủ đề và xếp chúng theo từng cột tương ứng với các nhân tố trong mô hình nghiên cứu đề xuất của Pollitt & cộng sự (1997, 1999). Nếu có những chủ đề không phù hợp với các nhân tố trong mô hình trên, sẽ được bổ sung thêm mã hiệu mới vào cột mới.

Đối với dữ liệu thu thập trong quá trình nghiên cứu tình huống, tác giả bắt đầu bằng việc phân tích hai báo cáo kiểm toán liên quan đến hai tình huống lựa chọn nghiên cứu. Các phát hiện kiểm toán trong từng báo cáo kiểm toán sẽ được mã hóa và phân loại theo từng chủ đề, chỉ lựa chọn các phát hiện kiểm toán liên quan đến loại hình kiểm toán hoạt động so sánh với mục tiêu kiểm toán được thiết lập trong giai đoạn lập kế hoạch kiểm toán. Những nguyên nhân hạn chế từ việc so sánh này dự kiến sẽ được tác giả chỉ ra.

Bước 4: Sử dụng dữ liệu đã được mã hóa để tổng hợp các nhân tố ảnh hưởng tới việc phát triển kiểm toán hoạt động từ dữ liệu phỏng vấn và nghiên cứu tình huống và mô tả mối quan hệ giữa các nhân tố được khám phá theo mô hình.

Bước 5: Trình bày các ý kiến phỏng vấn đã được chuyển ngữ tương ứng với từng mã hiệu được mã hóa trong bước 3 nhằm kết nối các nhân tố được khám phá trong suốt quá trình phân tích dữ liệu;

Bước 6: Lý giải và trình bày ý nghĩa của dữ liệu dựa trên mô hình phân tích đã được thiết lập trong bước 5. Ý nghĩa được rút ra trong quá trình phân tích dữ liệu được suy ra từ việc so sánh các phát hiện với thông tin từ dữ liệu thu được (phát hiện từ các nghiên cứu trước đã được tổng kết, phân tích tài liệu, dữ liệu được ghi chép qua quá trình quan sát kết hợp với sự am hiểu và kinh nghiệm của tác giả) trong suốt quá trình làm việc và nghiên cứu của mình.

Bước 7: Xác nhận tính chính xác của các phát hiện trong nghiên cứu. Mặc dù việc xác nhận giá trị của các phát hiện được diễn ra xuyên suốt các bước trong quá trình nghiên cứu, hơn nữa, xác nhận độ tin cậy (reliability) của giá trị (validity) và khả năng khái quát hóa giá trị trong nghiên cứu định tính được định nghĩa không rộng như trong nghiên cứu định lượng và đóng vai trò không đáng kể Creswell & cộng sự (2003). Tuy nhiên, Theo (Lincoln & Guba 1985, trích Creswell & cộng sự 2003,) để xác nhận tính chính xác của các phát hiện, tác giả cần phải tìm kiếm và bổ sung khả năng có thể tin được (belivevability) và tính đáng tin cậy (trustworthiness) thông qua một quá trình xác minh. Vì vậy, đối chiếu dữ liệu phân tích tài liệu, phỏng vấn, dữ liệu trong nghiên cứu tình huống (quan sát, tham gia thực hiện, thảo luận, phân tích tài liệu) một cách thường xuyên và lặp lại giúp đảm bảo giá trị của các phát hiện. Tuy nhiên, để tăng giá trị nghiên cứu và tính đáng tin cậy của nghiên cứu, bước nghiên cứu định lượng với mẫu khảo sát lớn sẽ hữu ích.

Một phần của tài liệu Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công ở Việt Nam (Trang 79)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)