Lý thuyết ủy nhiệm và khái niệm trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực công

Một phần của tài liệu Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công ở Việt Nam (Trang 60)

vực công

Lý thuyết ủy nhiệm có nguồn gốc từ lý thuyết kinh tế, được phát triển bởi Alchial và Demsetz năm 1972 và được Jensen và Meckling phát triển thêm vào năm 1976. Lý thuyết này nhấn mạnh rằng, người ủy nhiệm quyết định lựa chọn người thừa hành thay mặt họ thực hiện một số nhiệm vụ và người thừa hành phải cung cấp lựa chọn tốt hơn cho người ủy nhiệm. Kết quả thực hiện nhiệm vụ của người thừa hành sẽ được xem xét bởi một bên thứ ba độc lập thực hiện vai trò giám sát, đánh giá một cách khách quan thay mặt cho người ủy nhiệm. Trong lĩnh vực công, chính mối quan hệ trách nhiệm giữa các bên: chính phủ, quốc hội đại diện cho người dân và cơ quan kiểm toán với vị trí độc lập là điều kiện cần thiết cho hoạt động kiểm toán giải thích sự tồn tại hợp pháp của kiểm toán hoạt động.

Trách nhiệm giải trình (accountability) là thuật ngữ có nguồn gốc từ tiếng Latin mang ý nghĩa sơ khai là “giải thích” (accomptare), được sử dụng và biết đến ở Anh vào Thế kỷ 13. Trong giai đoạn đầu, trách nhiệm này gắn liền với hoạt động thu-chi ngân khố trong chính phủ của nhiều quốc gia, tuy nhiên, sau đó, phạm vi trách nhiệm giải trình được mở rộng sang các lĩnh vực kinh tế, chính trị, khoa học và xã hội dựa trên nền tảng mối quan hệ công việc. Thuật ngữ trách nhiệm giải trình (accountability) trong lĩnh vực công xuất hiện lần đầu tiên ở Hoa Kỳ qua những trao đổi học thuật bởi Friedrich năm 1940 và Finer năm 1941 (Mulgan 2000). Cũng theo Mulgan (2000), trong lĩnh vực công, trên cơ sở mối quan hệ tổ chức, trách nhiệm giải trình hiện nay có thể phân thành bốn dạng chính sau (i) trách nhiệm giải trình của cán bộ, công chức nhà nước với công chúng trong việc thực thi công vụ; (ii) trách nhiệm giải trình với ý nghĩa là kiểm soát các hoạt động của chính phủ; (iii) liên quan đến trách nhiệm của chính phủ trong việc đáp ứng nhu cầu và mong muốn của người dân và (iv) trách nhiệm giải trình tồn tại dưới hình thức đối thoại (quyền được phát biểu ý kiến và chấn vấn của người dân đối với chính phủ và các cơ quan công quyền). Đối với dạng trách nhiệm thứ (i) và (ii), ban đầu trách nhiệm này được hiểu như là việc tuân thủ các quy định pháp luật đối với nhiệm vụ được giao và được kiểm tra bởi các nhà quản lý cấp trên, giám sát từ các cơ quan lập pháp và công

chúng thông qua các quy định bắt buộc nhằm đáp ứng yêu cầu “minh bạch” tương ứng với mô hình quản trị công truyền thống. Đặc biệt là sau khi xảy ra hàng loạt các sự kiện liên quan tới lĩnh vực quản lý công như: khủng hoảng nợ công giữa những năm 1970-1980 của các nước trên thế giới; quy mô ngân sách gia tăng nhanh chóng; cuộc cách mạng công nghệ; tự do hóa kinh tế; đã tác động làm thay đổi quan điểm của công chúng trong việc đòi hỏi phải có những báo cáo, đánh giá việc sử dụng hiệu quả các nguồn lực quốc gia và cuối cùng là kỳ vọng cao hơn liên quan tới chất lượng dịch vụ công (Shand & Anand 1996). Các sự kiện này khiến cho nhiều quốc gia trên thế giới phải thực hiện cải tổ mạnh mẽ quản trị công dựa trên những thay đổi trong phân cấp, định hướng quản lý theo kết quả, chú trọng vào khách hàng và cạnh tranh theo cơ chế thị trường. Theo đó trách nhiệm giải trình cũng thay đổi chuyển hướng sang giải trình kết quả đạt được và được phân thành hai dạng chính (i) trách nhiệm chính trị và (ii) trách nhiệm quản lý.

Nếu như lý thuyết ủy nhiệm cung cấp cơ sở lý luận giải thích sự tồn tại hợp pháp của kiểm toán hoạt động thì việc tăng cường và mở rộng trách nhiệm giải trình trong lĩnh vực công cung cấp bằng chứng giải thích tại sao các SAI chuyển sang áp dụng kiểm toán hoạt động. Đồng thời, tùy thuộc vào yêu cầu từ phía cơ quan lập pháp hoặc hành pháp tại mỗi quốc gia, các SAI có thể tổ chức kiểm toán để xem xét trách nhiệm chính trị hoặc trách nhiệm quản lý của người đứng đầu. Điều này ảnh hưởng đến việc lựa chọn chủ đề, đối tượng kiểm toán của SAI và qua đó tác động đến mức độ thành công trong việc phát triển kiểm toán hoạt động của mỗi SAI. Tuy nhiên, khi tổ chức thực hiện kiểm toán để xem xét trách nhiệm của người đứng đầu, nhất là trách nhiệm chính trị, các SAI sẽ luôn phải đối mặt với những thách thức khi vừa phải duy trì tính độc lập, khách quan vừa phải đối mặt với sức ép chính trị (cắt giảm ngân sách, nguồn lực cho SAI, sức ép từ việc thay thế, điều chuyển Tổng kiểm toán...). Để vượt qua được thách thức này, các SAI cần phải tranh thủ sự ủng hộ từ cả phía cơ quan lập pháp và hành pháp trong hoạt động kiểm toán của mình. Một trong những giải pháp thường được các quốc gia áp dụng phổ biến là ưu tiên thực hiện kiểm toán hoạt động theo yêu cầu từ phía hai cơ quan này, điển hình là Hoa Kỳ và Anh.

Một phần của tài liệu Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công ở Việt Nam (Trang 60)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)