Tăng cường hỗ trợ từ môi trường bên ngoài đối với kiểm toán hoạt động

Một phần của tài liệu Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công ở Việt Nam (Trang 162)

hoạt động (nhân tố chính trị)

Nhiều nghiên cứu (Glynn 1985; Hamburger 1989; Berzelay & cộng sự 1996; Funnell 1998; Jacobs 1998; Radcliff 1999; English & Guthrie 2000; Mulgan 2001; Pallot 2003; Barton 2006) đã chỉ ra, rào cản chính trị là thách thức lớn nhất đối các SAI trong việc phát triển kiểm toán hoạt động nhưng khi nhận được sự ủng hộ, quan tâm và hỗ trợ từ cả quốc hội và chính phủ thì SAI có thể hoàn thành tốt nhiệm vụ của mình. Từ quan điểm đó, kết hợp với những hạn chế được phát hiện trong bước nghiên cứu định tính thuộc nhân tố chính trị (Bảng 5.1), SAV cần phải xây dựng lộ trình, bước đi phù hợp nhằm vượt qua những thách thức này, cụ thể:

(1) Vai trò Tổng kiểm toán: Tổng kiểm toán có vai trò quan trọng trong việc xây dựng và phát triển kiểm toán hoạt động nhưng việc thay đổi liên tục vị trí các Tổng kiểm toán trong vòng 20 năm ảnh hưởng đến việc phát triển kiểm toán hoạt động. Vì vậy, để khắc phục được hạn chế này, cần phải sửa đổi Luật KTNN 2005 để tăng tính độc lập cho Tổng kiểm toán theo hướng phân cấp mạnh hơn và tăng cường trách nhiệm nhằm giải quyết các vấn đề về tổ chức và hoạt động của SAV được kịp thời, như: Bổ sung thêm một điều quy định về quyền miễn trừ đối với Tổng kiểm toán như quy định về quyền miễn trừ đối với đại biểu Quốc hội; bổ sung nhiệm vụ xây dựng Chiến lược phát triển SAV trình Uỷ ban thường vụ Quốc hội quyết định; sửa đổi, bổ sung Điều 21 của Luật KTNN 2005 theo hướng quy định cho Tổng kiểm

toán quyền quyết định thành lập, sáp nhập, chia tách, giải thể các đơn vị trực thuộc SAV sau khi Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành (phê chuẩn) Chiến lược phát triển SAV trong từng thời kỳ hoặc đã có Nghị quyết cho phép thành lập thêm các đơn vị trực thuộc SAV.

(2) Yêu cầu từ Quốc hội, Chính phủ: Quốc hội Việt Nam chưa có bộ phận chuyên trách về kế toán, kiểm toán. Yêu cầu lựa chọn các chủ đề kiểm toán xuất phát từ vấn đề kinh tế, xã hội hơn là hiểu biết đầy đủ về chức năng kiểm toán hoạt của các đại biểu Quốc hội. Vì vậy, cần phải có giải pháp để tranh thủ sự ủng hộ của Quốc hội trong việc sửa đổi Luật KTNN 2005 và các luật liên quan theo định hướng:

Thứ nhất, bổ sung thêm một số nhiệm vụ, quyền hạn của SAV liên quan đến các lĩnh vực kiểm toán hoạt động như kiểm toán nợ công, kiểm toán nhiệm vụ phòng chống tham nhũng (kiểm toán trách nhiệm), kiểm toán thuế (kiểm toán hiệu quả quản lý thu thuế);

Thứ hai, căn cứ vào định hướng của INTOSAI và từ thực tiễn hoạt động kiểm toán ở Việt Nam trong thời gian qua, cần bổ sung quy định theo hướng mở rộng phạm vi đối tượng của SAV, bảo đảm bao quát hết các nguồn lực tài chính nhà nước và tài sản công.

Thứ ba, lựa chọn chủ đề kiểm toán theo yêu cầu từ phía quốc hội, chính phủ trên cơ sở đánh giá khả năng phù hợp của mình. Báo cáo trực tiếp và kịp thời tới quốc hội và chính phủ kết quả kiểm toán;

(3) Thúc đẩy cải cách quản trị công và tăng cường trách nhiệm giải trình:

Tiến trình cải cách quản trị công đã được lập kế hoạch, thực hiện nhưng kết quả cải cách quản trị công còn tồn tại nhiều hạn chế. Mô hình quản trị công chủ yếu vẫn nhằm mục đích kiểm soát đầu vào, tuân thủ luật và quy định mà chưa chú trọng kết quả đầu ra, phân cấp, minh bạch và trách nhiệm giải trình. Vì vậy, để thúc đẩy cải cách quản trị công theo hướng trên cần:

Thứ nhất, ưu tiên lựa chọn phạm vi kiểm toán liên quan đến cải cách quản trị công, báo cáo công khai và kịp thời tiến trình, kết quả thực hiện cải cách quản trị công theo các Đề án của Chính phủ.

Thứ hai, xây dựng, ban hành các quy trình, đề cương, sổ tay hướng dẫn kiểm toán hoạt động riêng cho kiểm toán các đề án cải cách quản trị công bởi vì các đề án này có thời gian thực hiện kéo dài từ 10 năm đến 20 năm. Hạn chế sự phụ thuộc một cách cứng nhắc trong việc áp dụng phương pháp kiểm toán từ loại hình kiểm toán truyền thống. Qua đó, nhằm cung cấp các ý kiến kiểm toán hữu ích thúc đẩy cải cách nền quản trị công hoạt động ngày càng hiệu quả và hữu hiệu.

(4) Giảm lệ thuộc vào kết quả kiểm toán truyền thống: Do loại hình kiểm toán truyền thống vẫn còn nhiều dư địa phát triển (phân tích trong Chương 4) các phát hiện xử lý tài chính, phát hiện các hành vi không tuân thủ pháp luật từ phía SAV, đơn vị được kiểm toán, người sử dụng được quan tâm (ưa thích) hơn là các phát hiện liên quan đến các kiến nghị kết quả hoạt động, giải trình trách nhiệm cũng là trở ngại đối với kiểm toán hoạt động (theo lý thuyết lựa chọn hợp lý). Vì vậy, cần tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, nâng cao sự hiểu biết của KTV và công chúng nói chung về vai trò và ý nghĩa của loại hình kiểm toán này. Ngoài ra, kết hợp thường xuyên với việc tổng kết, đánh giá, rút kinh nghiệm trong quá trình triển khai thực hiện qua việc sửa đổi Luật KTNN, tổ chức hội nghị, hội thảo. Trong tổ chức kiểm toán hoạt động cần quy định rõ bước trao đổi với đơn vị kiểm toán trong việc lựa chọn mục tiêu, phạm vi, tiêu chí, tiêu chuẩn đo lường, phương pháp đánh giá trước khi triển khai kiểm toán hoạt động nhằm tạo sự đồng thuận, tăng cường sự phối hợp với đơn vị được kiểm toán. Đồng thời, còn giúp cho đơn vị được kiểm toán nâng cao nhận thức, sự hiểu biết loại hình kiểm toán này. Bên cạnh đó, cần tăng cường công tác phổ biến, tuyên truyền về kiểm toán hoạt động để có nhiều hơn các kênh để KTV, Quốc hội, đơn vị được kiểm toán và các cơ quan thông tấn báo chí, hội nghề nghiệp, các chuyên gia, học giả tiếp cận, trao đổi, thảo luận qua đó sẽ tranh thủ được sự ủng hộ và quan tâm đối với loại hình kiểm toán này.

(5) Lựa chọn đối tượng kiểm toán hoạt động đánh giá các chính sách điều hành kinh tế vĩ mô, các Nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ: Bất ổn kinh tế vừa có tác động tới nhu cầu kiểm toán hoạt động nhưng vừa là trở ngại do cắt giảm chi tiêu ngân sách của chính phủ cũng sẽ ảnh hưởng đến ngân sách của SAV. Vì vậy, để tăng cường vai trò của nhân tố chính trị, cần định hướng phát triển đồng bộ và hiện đại về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ cho các hoạt động kiểm toán phức tạp (thiết bị kiểm tra, kiểm định, thí nghiệm, đo đạc, công nghệ thông tin...) qua việc nghiên cứu, xây dựng và ban hành các tiêu chuẩn, định mức sử dụng kinh phí, ngân sách và phương tiện phù hợp với tính chất đặc thù của hoạt động kiểm toán và chức trách, nhiệm vụ của kiểm toán viên; đẩy mạnh việc huy động, khai thác có hiệu quả nguồn vốn tài trợ, viện trợ quốc tế nhằm trang bị, hiện đại hóa cơ sở vật chất kỹ thuật phục vụ tốt cho hoạt động kiểm toán của SAV; đẩy mạnh việc ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm toán hoạt động của SAV.

Một phần của tài liệu Nhân tố ảnh hưởng đến sự hình thành và phát triển kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công ở Việt Nam (Trang 162)

Tải bản đầy đủ (PDF)

(183 trang)