Tổng hợp kết quả nghiên cứu trong cuốn tài liệu của Lonsdale & cộng sự (2011) đã thừa nhận rằng mục tiêu đầu tiên của kiểm toán hoạt động là trách nhiệm giải trình, mục tiêu thứ hai là giúp đơn vị cải tiến hiệu quả hoạt động. Theo đuổi mục tiêu nào sẽ quyết định việc lựa chọn chiến lược phát triển kiểm toán hoạt động. Kết quả nghiên cứu định lượng chỉ ra rằng, nhóm nhân tố kinh tế được xác định là “Thất thoát, lãng phí, yếu kém trong quản lý” có tác động làm tăng cầu về kiểm toán hoạt động, tuy nhiên chính những yếu kém trong quản lý và sử dụng các nguồn lực công của các đơn vị được kiểm toán đã cản trở việc triển khai thực hiện kiểm toán hoạt động do thiếu số liệu ghi chép đầy đủ, đơn vị được kiểm toán không xây dựng mục tiêu hoạt động phù hợp và cụ thể phục vụ cho hoạt động quản trị của mình. Do đó, nhân tố này lại trở thành lực cản đối với SAV khi KTV không thể thu thập được đủ số liệu tin cậy, tiêu chuẩn phù hợp, mục tiêu định sẵn cho hoạt động kiểm toán. Bên cạnh đó, tiến trình cải cách quản trị công ở Việt Nam còn chậm và chưa chú trọng vào kết quả đầu ra, phân cấp, minh bạch và trách nhiệm giải trình thấp và còn nhiều dự địa để phát triển loại hình kiểm toán truyền thống (chỉ ra trong Bảng 5.1) cũng chính là những trở ngại khi SAV muốn thực hiện chức năng kiểm toán hoạt động nhằm đạt được mục tiêu giúp đơn vị cải tiến hiệu quả hoạt động do SAV khó có thể thành công trong việc đo lường và đánh giá kết quả hoạt động của các đối tượng kiểm toán trong giai đoạn hiện nay. Vì vậy, SAV nên định hướng tập trung hơn vào mục tiêu tăng cường trách nhiệm giải trình so với mục tiêu giúp đơn vị cải tiến hiệu quả hoạt động.