Tính kinh tế (economy)
Tính kinh tế được định nghĩa là việc sử dụng tiết kiệm các nguồn lực đầu vào nhằm đạt được các mục tiêu đề ra. Đầu vào có thể bao gồm cả khối lượng và giá cả hoặc chi phí nguồn lực sử dụng để đạt được các mục tiêu trên. Nhiều nghiên cứu khẳng định tính kinh tế liên kết chặt chẽ với tính hiệu quả trong thực tiễn kiểm toán hoạt động ở lĩnh vực công (Prasser 1985; McRoberts & Hudson 1985; Grimwood & Tomkins 1986; Persaud & McNamara, 1993, 1994; Dittenhofer 2001, theo Nath 2011, 66). Liên kết này hàm chứa trong quy trình mua sắm các yếu tố đầu vào, tập trung tối thiểu hóa chi phí và sử dụng yếu tố đầu vào nhằm đạt được mục tiêu của đơn vị. Quan điểm này thừa nhận rằng nên xem xét yếu tố đầu vào trên cả khía cạnh tính kinh tế và tính hiệu quả vì chúng có liên quan tới việc quản lý và sử dụng các nguồn lực trong lĩnh vực công (Persaud & McNamara 1993, 1994; Dittenhofer 2001, theo Nath 2011, 67). Ví dụ việc đầu tư xây dựng các công trình xây dựng: Các yếu tố đầu vào có thể là nguyên vật liệu, thiết bị phục vụ cho việc xây dựng và lắp đặt (quy trình mua sắm) hoặc rộng hơn bao gồm cả quá trình xây dựng gồm cả mua sắm, thi công, bàn giao công trình (quản lý sử dụng nguồn lực công) lúc này, tài sản hoàn thành đưa vào sử dụng lại trở thành yếu tố đầu vào. Mặt khác, khó có thể đo lường và đánh giá riêng biệt tính kinh tế và tính hiệu quả trong một hoạt động do sự phụ thuộc lẫn nhau giữa hai mục tiêu này. Vì vậy, các tác giả trên cho rằng không nên phân biệt hai mục tiêu kinh tế và hiệu quả khi tìm kiếm câu trả lời cho các nội dung (1) liệu rằng các đơn vị có mua sắm, quản lý và sử dụng các nguồn lực một cách tiết kiệm và hiệu quả, (2) nguyên nhân không đạt được tiết kiệm và hiệu quả trong thực tiễn là gì và (3) liệu rằng các đơn vị có tuân thủ đầy đủ luật và các quy định dựa trên các nội dung tiết kiệm và hiệu quả. Về mặt lý thuyết, có nhiều cách giải thích tính kinh tế trong kiểm toán hoạt động. Tuy nhiên, mục đích và ý nghĩa về tính kinh tế trong lĩnh vực công vẫn chưa được nghiên cứu và phân tích một cách đầy đủ (Nath & cộng sự, 2005).
Tính hiệu quả (Efficiency)
Hầu hết các tác giả nghiên cứu lý thuyết về kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công đều không phân biệt một cách cứng nhắc giữa tính kinh tế và tính hiệu quả. Thay vào đó, họ tán thành quan điểm cho rằng tính hiệu quả bao gồm cả tính kinh tế (Prasser 1985; Yamamoto & Watanabe, 1989; Jones & Pendlebury, 1992; Glynn 1989, 1991; O'Leary 1996; McCrae & Vada, 1997; Grendon, Cooper & Townley 2001, theo Nath 2011, 67). Các tác giả đều thừa nhận rằng tính hiệu quả có liên quan giữa đầu vào và đầu ra nhưng mục đích chính vẫn là quản lý các nguồn lực sao cho tối đa hóa kết quả đầu ra với nguồn lực không đổi.
Yamamoto & Watanabe (1989) cho rằng tính hiệu quả được biết đến như là trách nhiệm quản lý các nguồn lực theo cách hữu hiệu và hiệu quả khi họ được giao kiểm soát chúng.
Dưới góc độ lý thuyết, tính hiệu quả cũng giống như tính kinh tế chưa được định nghĩa một cách đầy đủ.
Tính hữu hiệu (Effectiveness)
Lý thuyết kiểm toán hoạt động trong lĩnh vực công thừa nhận rằng tính hữu hiệu liên quan tới việc xem xét sự thành công, mức độ kết quả đạt được hoặc mục tiêu mong muốn đạt được của các đơn vị trong lĩnh vực công (McRoberts & Hudson 1985; Glynn 1989, 1991; Yamamoto & Watanabe 1989; O'Leary 1996; Funnell & McCrae &Vada 1997; Cooper 1998; theo Nath 2011, 69). Bên cạnh đó, tính hữu hiệu cũng xem xét tập trung vào mối quan hệ giữa đầu ra và mục tiêu của các đơn vị công. Vì vậy, KTV có thể tập trung vào các mục tiêu của tổ chức và đo lường xem kết quả đầu ra đã góp phần đạt được mục tiêu như thế nào trong tổ chức.
Theo Roberts & Hudson (1985, theo Nath (2011, 69) cho rằng tính hữu hiệu đối với các chương trình, dự án trong lĩnh vực công có thể xem xét và đánh giá theo bốn vấn đề cơ bản sau (1) sự cần thiết phải triển khai tiếp tục chương trình, (2) mức độ đạt được của chương trình (đạt được mục tiêu chương trình), (3) đánh giá tác động và ảnh hưởng của chương trình (mong muốn hoặc không) và (4) phân tích chi phí - hữu hiệu trong việc chuyển giao chương trình. Với tính kinh tế, hiệu quả, có
nhiều phương tiện liên kết với tính hữu hiệu, một vài liên kết trong đó có liên quan tới các vấn đề về chính trị
Hoạt động đánh giá
Hoạt động đánh giá là một quy trình xác định giá trị của một sự vật hoặc sản phẩm của một quy trình (Scriven 1991, 39, theo Furubo 2011, 35). Tuy nhiên, đánh giá thông tin được định nghĩa với phạm vi rộng hơn bao gồm cả việc “mô tả, lý giải sự có mặt hay vắng mặt (tần suất, mức độ…) của đặc tính cần đánh giá” (Nguyen Cong Khanh, 2004). Một số quốc gia, hoạt động đánh giá là việc phân tích các thông tin quá khứ, nhưng một số quốc gia khác lại cho rằng đánh giá có thể được thực hiện cả trong hai giai đoạn trước và sau (Chelimisky 1996, 4). Phạm vi đánh giá rất rộng có thể được áp dụng trong hầu hết các lĩnh vực khác nhau với nhiều phương pháp, kỹ thuật khác nhau, trong đó hoạt động đánh giá thường được áp dụng trong việc phân tích để đánh giá các chương trình, dự án hoặc các chính sách của chính phủ theo ba giai đoạn (thiết kế, thực hiện, tổng kết). Nhiều nghiên cứu lý thuyết tiến hành so sánh điểm tương đồng và khác biệt giữa kiểm toán hoạt động và với đánh giá xuất phát từ những phê phán của các chuyên gia trong lĩnh vực đánh giá (Wisler 1996; Mayne 2006, theo Furubo 2011). Các tác giả trên cho rằng, kiểm toán hoạt động đã “mượn” những phương pháp, kỹ thuật được ứng dụng trong đánh giá sang áp dụng. Dù vậy, ý kiến này cũng không đủ sức thuyết phục bởi chính hoạt động đánh giá các chương trình, dự án cũng sử dụng các phương pháp trong các lĩnh vực khoa học khác chẳng hạn như xác suất, thống kê, phân tích kinh tế…Barzelay & cộng sự (1996) đã chỉ ra một số điểm khác biệt lớn giữa kiểm toán hoạt động và đánh giá tại một số quốc gia thuộc OECD, chẳng hạn, mục tiêu cơ bản của kiểm toán hoạt động là thực hiện trách nhiệm giải trình còn đánh giá chương trình cung cấp thông tin phản hồi về tính hữu hiệu của chương trình; phương pháp sử dụng chủ yếu trong kiểm toán hoạt động là “kiểm tra”, trong khi đó “điều tra và nghiên cứu” được sử dụng trong đánh giá chương trình; vai trò kiểm toán hoạt động là đánh giá kết quả đạt được và báo cáo các phát hiện trong khi đánh giá tập trung vào sự hữu hiệu và đo lường tác động của chúng. Tương tự, Vedung (1997, 3, theo theo Furubo
2011) cũng thừa nhận đánh giá nhằm xác định giá trị hơn là xem xét những yếu kém tồn tại như trong kiểm toán hoạt động. Mặc dù vậy, vẫn chưa có ranh giới rõ ràng liên quan tới hoạt động đánh giá trong kiểm toán hoạt động và trong đánh giá chương trình. Do đó, theo Furubo (2011, 36) cần định nghĩa hoạt động đánh giá trong kiểm toán hoạt động như sau: (i) ý kiến đánh giá không chỉ dừng lại ở việc mô tả vấn đề mà phải bao gồm cả việc giải thích, xác định nguyên nhân và đưa ra ý kiến; (ii) được tiến hành một cách thận trọng và (iii) kiểm tra sau (hậu kiểm). Bởi vì, đánh giá trong hoạt động kiểm toán cần đặt trong bối cảnh trách nhiệm giải trình.
Tính độc lập
Tính độc lập trong kiểm toán được hiểu là “tự do khảo sát và báo cáo những vấn đề hạn chế”. Nguyên tắc độc lập cũng là một yếu tố nền tảng cấu thành trong khái niệm kiểm toán dựa trên mối quan hệ trách nhiệm giữa các bên. Tính độc lập trong kiểm toán hoạt động nhằm đảm bảo và duy trì sự khách quan, tính tin cậy đối với các ý kiến đánh giá để cung cấp cho bên thứ ba.