NGUYÊN NHÂN LẠM PHÁT

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 56)

Nói chung, ý kiến của các giới chức và học giả quy lại có hai nhóm nguyên nhân: khách quan và chủ quan.

Những nguyên nhân khách quan được nêu ra gồm:

• Do giá cả thế giới đặc biệt là giá dầu mỏ và lương thực, thực phẩm đã tăng cao;

• Thiên tai, dịch bệnh nặng nề.

Những nguyên nhân khách quan này có thể đã tác động làm tăng mức lạm phát, và điều này dễ nhận ra là chỉ số giá tiêu dùng của nhiều nước trên thế giới cũng như trong khu vực năm 2007 đã tăng cao hơn năm 2006.

Nhưng phải thừa nhận một thực tế là mức lạm phát 12,63% năm 2007 của Việt Nam là mức lạm phát cao nhất Châu Á, lạm phát của Trung Quốc vào khoảng 6,9%, các nước Đông Nam Á vào khoảng 5%, Nhật Bản vẫn còn thiểu phát âm 0,5%. Một số nước có mức lạm phát cao hơn Việt Nam, nhưng không nhiều. Điều đó có nghĩa là những yếu tố chủ quan thuộc về chính sách tiền tệ có tầm quan trọng, làm cho mức lạm phát ở Việt Nam năm 2007 đã cao hơn các quốc gia khác trong khu vực.

Vậy những yếu tố chủ quan về chính sách tiền tệ là gì? Đó là việc phát hành tiền vượt quá nhu cầu lưu thông tiền tệ, gia tăng dư nợ cho vay quá mức có thể… những yếu tố này đã tích tụ từ trước năm 2007. Nó đã được nhiều tài liệu phân tích, ở đây không nhắc lại.

Chúng tôi muốn đi sâu phân tích những giải pháp kìm chế lạm phát mà Chính phủ đã áp dụng trong năm 2007.

• Lãi suất là công cụ chính yếu để chống lạm phát chưa được sử dụng, vẫn giữ mức ổn định, do vậy đến nay lãi suất thực đã âm (nếu tính theo mức lãi suất cơ bản là 8,25% so với mức lạm phát năm 2007, thì lãi suất thực âm tới 4,38%). Mức lãi suất âm này đã có hai tác hại, thứ nhất đã giảm sức hút thực tế Việt Nam đồng khỏi lưu thông và gây thiệt hại cho người gửi tiền tiết kiệm; thứ hai là làm cho giá vốn rẻ đi, khuyến khích tín dụng xấu kém hiệu quả, ảnh hưởng tới chất lượng tăng trưởng, gia tăng nhu cầu về vốn.

• Một loại công cụ quan trọng khác để chống lạm phát đó là gia tăng dự trữ bắt buộc của các ngân hàng thương mại, trong năm 2007 mức dự trữ bắt buộc đã tăng từ 5% lên 10%; Trung Quốc có mức lạm phát thấp hơn Việt Nam, vào khoảng 6,9%, nhưng đã tăng mức dự trữ bắt buộc lên tới 14,5% năm 2007. Điều đó có nghĩa là mức dự trữ bắt buộc 10% đối với các ngân hàng thương mại Việt Nam có thể là thấp và có thể tăng thêm 3% - 4%.

• Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã sử dụng các công cụ của thị trường mở để hút tiền về ngân hàng, mức thu hút này, theo đánh giá của Ngân hàng Nhà nước đã bằng 90% số tiền phát hành ra để đổi lấy ngoại tệ. Số 10% còn lại, theo ý kiến của Ngân hàng Nhà nước, là để đáp ứng nhu cầu tiền tệ gia tăng của thị trường. Nhưng thực tế cho thấy mức lạm phát đã tăng cao vào tháng 12/2007 tới 2,9%, chứng tỏ số lượng tiền được hút khỏi lưu thông chưa đạt tới mức có thể kìm chế được lạm phát, gây sự hoài nghi đối với số liệu mà Ngân hàng Nhà nước đã công bố.

Chỉ cần gia tăng mức độ sử dụng ba công cụ trên: tăng lãi suất tiền gửi, tăng dự trữ bắt buộc, tăng thu hút tiền khỏi lưu thông có thể giảm mức lạm phát xuống dưới mức tăng trưởng. Điều đó cho thấy Chính phủ còn đủ các công cụ trong tay để kìm chế lạm phát năm 2008 xuống dưới mức tăng trưởng.

Cần lưu ý là một số công cụ đã được Chính phủ nhấn mạnh nhưng đã ít tác dụng trên thực tế. Việc giảm thuế nhập khẩu với hy vọng giảm giá hàng nhập khẩu một số mặt hàng và do vậy hạn chế việc tăng giá. Thực tế cho thấy, giải pháp này hầu như không có tác dụng đáng kể. Kiểm soát giá chặt chẽ tuy đã làm ráo riết, nhưng cũng không ngăn được đà tăng giá, đặc biệt là giá cả độc quyền. Lý do đơn giản là một khi lượng

tiền trong lưu thông đã vượt quá mức cần thiết, thì mọi sự kiểm soát giá cả đều vô nghĩa.

Chính phủ đã lập một “tổ Điều hành thị trường” do Bộ Tài chính và Bộ Công thương chủ trì, không có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước để kiềm chế lạm phát. Ngoài ra, Bộ Tài chính còn có "Cục Quản lý giá" Nhưng cái tên "Điều hành thị trường”, "Quản lý giá" đã mang nặng dấu ấn của nền kinh tế kế hoạch và tính phi thị trường, vì ngay cả chính phủ đầy quyền lực cũng chỉ nên điều chỉnh một số lệch lạc của thị trường, chưa có mấy chính phủ dám cả gan điều hành thị trường, quản lý giá, huống chi chỉ là một tổ. Việc không có sự tham gia của Ngân hàng Nhà nước là không hợp lý, vì Ngân hàng Nhà nước là người chịu trách nhiệm chính kiểm soát lạm phát, không phải Bộ Tài chính và Bộ Công thương. Điều đó giải thích vì sao các biện pháp chống lạm phát toàn là những biện pháp tài chính và thương mại, thực sự chưa phải là những giải pháp về tiền tệ.

Vấn đề thu đổi ngoại tệ tăng dự trữ quốc gia. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho đến tháng 10/2007, Ngân hàng Nhà nước đã phát hành tiền thu đổi được hơn 9 tỷ đôla Mỹ, tăng dự trữ ngoại tệ của Việt Nam lên tới 21 tỷ đôla Mỹ (theo IMF).

Phải phát hành một số lượng lớn tiền để đổi lấy đôla Mỹ tăng dự trữ quốc gia là một hoạt động mới xuất hiện năm 2007. Trước đây, đặc biệt là năm 2004, Ngân hàng Nhà nước cũng đã phát hành tiền để đổi đôla Mỹ nhưng chỉ ở mức một vài tỷ, mức thu đổi tới hơn 9 tỷ đôla Mỹ là chưa từng có, và đã gây lúng túng và bị động cho Ngân hàng Nhà nước.

Có một số vấn đề đặt ra phải được xem xét. Trước hết là khối lượng lớn Việt Nam đồng tung ra đổi lấy đôla Mỹ, đã làm tăng đột biến lượng tiền trong lưu thông, dẫn tới tăng lạm phát. Ngân hàng Nhà nước đã xử lý việc này bằng cách dùng các công cụ của thị trường mở hút số tiền này về ngân hàng, theo Ngân hàng Nhà nước, cho đến tháng 12/2007 đã thu về khoảng 90%. Cái giá phải trả cho việc thu hút Việt Nam đồng khỏi lưu thông là Ngân hàng Nhà nước phải trả lợi tức, số lợi tức này nếu quá lớn sẽ gây khó khăn cho Ngân hàng Nhà nước. Cần nghiên cứu cơ chế kinh doanh một phần quỹ dự trữ ngoại tệ, kiếm lợi để bù cho số lợi tức phải trả cho các tín phiếu ngân hàng. Phần thiếu hụt, ngân sách nhà nước phải bù, xem như đó là cái giá phải trả cho việc tăng dự trữ ngoại tệ. Điều này sẽ giải quyết các khó khăn của Ngân hàng Nhà nước. Trong những tháng cuối năm 2007, lượng đôla Mỹ tại các ngân hàng thương mại gia tăng do nhiều lý do, nhưng Ngân hàng Nhà nước đã không thu đổi hết số đôla này, do vậy đã gây khó khăn cho các ngân hàng thương mại, và làm cho giá Việt Nam đồng tăng lên có hại cho xuất khẩu, tăng thêm lợi thế cho hàng nhập khẩu lấn át sản xuất trong nước, gia tăng nhập siêu. Sự do dự của Ngân hàng Nhà nước trong việc thu đổi

đôla Mỹ có thể là cho đến nay cơ quan này chưa có cơ chế thật sự thuyết phục để thu hút và sử dụng số đôla thu đổi và kiềm chế được lạm phát.

Tuy nhiên, ở đây phải phân biệt hai việc: việc phát hành tiền đổi lấy đôla Mỹ vào Quỹ dự trữ ngoại tệ quốc gia phải được lập tức thu hút ngay khỏi lưu thông để không tăng lạm phát. Còn việc phát hành tiền theo yêu cầu của lưu thông tiền tệ không nên nhập cục với việc phát hành tiền đổi lấy đôla Mỹ, vì việc phát hành tiền cho lưu thông phải tuỳ theo nhu cầu lưu thông, mức tăng trưởng và là việc thường nhật, hàng quý.

Mối quan hệ giữa lạm phát và thị trường chứng khoán là đáng chú ý. Cả năm 2006 mức tăng của các chỉ số chứng khoán tương đối cao kéo dài, mức lạm phát tương đối thấp; năm 2007, các chỉ số chứng khoán chỉ tăng đột biến đến tháng 3, đạt đỉnh điểm là 1170 (VN - Index), sau đó suy giảm và dao động ở mức 900 - 1000 điểm, tháng cuối năm tụt xuống còn hơn 900 điểm, tương đương với mức lạm phát tăng cao và tăng đột biến tháng 12/2007. Chắc chắn là sự tăng giảm của chỉ số chứng khoán không phải là yếu tố quyết định gây ra lạm phát, nhưng có mối quan hệ và tác động. Lý do là khi thị trường chứng khoán sôi động, chỉ số chứng khoán gia tăng, đã thu hút một lượng tiền lưu thông vào đây phục vụ cho sự lưu thông của các chứng khoán. Nhưng khi thị trường chứng khoán suy giảm, lượng tiền mặt dôi dư sẽ hoặc là tràn vào kênh lưu thông tiền tệ đẩy mức lạm phát cao lên, hoặc là tràn vào thị trường bất động sản làm tăng giá bất động sản.

Đáng lưu ý là giá trị vốn hoá của thị trường chứng khoán Việt Nam hiện đã tăng tới 40% GDP, nên mức tác động của nó đến thị trường tiền tệ là rất đáng kể cần được nghiên cứu. Tuy nhiên, cho đến nay mới có 223 công ty được niêm yết trên thị trường chứng khoán, toàn là những công ty nhỏ và vừa, chưa đại diện được cho nền kinh tế Việt Nam. Do vậy, việc tăng hay giảm của các chỉ số chứng khoán, dù rất nóng đi nữa, thì cũng không tác động đáng kể đến tăng trưởng của nền kinh tế. Trung Quốc vào thời kỳ đầu tăng trưởng của thị trường chứng khoán đã diễn ra như vậy, chỉ số chứng khoán tụt giảm thảm hại, có không ít người đã tự tử, nhưng tăng trưởng kinh tế Trung Quốc lúc đó vẫn cao, vì những công ty đăng ký trên thị trường chứng khoán lúc đó chỉ là một số công ty nhỏ và vừa. Tuy nhiên, Việt Nam không nên để cho thị trường chứng khoán đổ vỡ. Trong thời kỳ đầu này, nên hâm nóng thị trường này liên tục, đảm bảo xu thế tăng chỉ số chứng khoán nghĩa là phải đảm bảo cầu luôn cao và cân bằng với cung, kích động các công ty nhà nước lớn cổ phần hoá và lên sàn giao dịch. Sau đó là thời kỳ ổn định. Nếu vào thời điểm ban đầu này, ta đã thi hành ngay các chính sách can dự làm nguội thị trường chứng khoán, sẽ rất bất lợi cho cổ phần hoá doanh nghiệp nhà nước và là một tác nhân gia tăng mức lạm phát và làm chậm lại quá trình trưởng thành của thị trường chứng khoán và cũng sẽ có hại cho tăng trưởng kinh tế Việt Nam.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 56)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w