Nhà nước, với quan niệm của C. Marx là Nhà nước của một giai cấp. Dù Nhà nước của một giai cấp hay một số giai cấp thì lịch sử hiện nay chứng tỏ nó đều bị tha hoá một cách nghiêm trọng. Bản thân Nhà nước ấy dù dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản vẫn có những mặt bị tha hoá mà chúng ta ở đây ai cũng biết. Mặt tha hoá của nó sẽ làm cho sở hữu nhà nước bị tha hoá một cách khủng kiếp, mặt chính trị đã nguy hiểm thì mặt kinh tế là kinh khủng. Nếu như chúng ta có một cuộc tổng thanh tra thực sự xem quốc doanh hiện nay như thế nào? nó đã gây thiệt hại cho đất nước ra sao và nó mang lại những lợi ích gì? chắc chắn tôi đảm bảo với các anh là tôi không cần đi khảo sát mà chỉ bằng xem xét nhạy cảm cũng có thể đánh giá được rằng cái nó mang lại cho xã hội nhỏ hơn những thiệt hại mà nó gây ra. Chắc chắn có thể khẳng định như vậy.
Nhiều công trình nghiên cứu khoa học, kể cả ở Trung Quốc và ở thời Xô Viết, lúc chủ nghĩa xã hội đang còn rất hưng thịnh, tôi dự rất nhiều cuộc họp quốc tế hầu như không ai phản đối điều này. Đất 3%, đất 5% của nông dân hiệu quả hơn đất chín mươi mấy phần trăm của hợp tác xã nông nghiệp. Năng suất, hiệu quả đều hơn, còn kinh tế nhà nước đâu cũng kém hiệu quả và tham nhũng kể cả ở các nước phương Tây.
Nhưng có vấn đề là, dù không hiệu quả, tham nhũng nhưng nó vẫn phải tồn tại trong mọi xã hội không riêng gì trong xã hội cộng sản chúng ta. Tư bản cũng cần. Nó cần khu vực ấy như một công cụ để ổn định, điều hành nền kinh tế và không cần khu vực ấy như một công cụ sinh lợi của xã hội. Chúng ta có sự lầm lẫn là chúng ta dùng công cụ ấy để sinh lợi. Bao nhiêu lợi nhuận, các ông giám đốc đều bỏ túi. Ví như: Hàng không, Bưu chính viễn thông… ở Việt Nam lương rất cao, nhưng họ đang lỗ và vay không trả được nợ. Cho nên tôi cho rằng, khi bàn về chế độ công hữu xã hội chủ nghĩa thì sở hữu nhà nước không được xét là công hữu xã hội chủ nghĩa. Nó cũng là công hữu, nhưng công hữu của một giai đoạn quá độ, mà nếu theo đúng nghĩa nó là thứ công hữu có tính tư bản, không phải công hữu xã hội chủ nghĩa, thật ra điểm xuất phát của nó là công hữu tư bản, có thể mang tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Nói là có thể, vì có xí nghiệp quốc doanh làm ăn quá kém, không thể có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Còn công hữu của chủ nghĩa xã hội, của chủ nghĩa cộng sản thì phải hiểu như C. Marx. Và trong tác phẩm của C. Marx, có một đoạn rất quan trọng, về sau này khi tôi sang Trung Quốc trao đổi với các học giả Trung Quốc họ cũng hoàn toàn đồng tình. Tức là khi nói đến hình thức sở hữu quá độ sang xã hội cộng sản, C. Marx không nói đến sở hữu nhà nước, không nói đến sở hữu hợp tác, mà ông nói đến sở hữu cổ phần. Ông nói rằng sở hữu cổ phần là điểm quá độ sang xã hội cộng sản văn minh. Ông cho rằng trong hình thức sở hữu cổ phần, chế độ sở hữu tư nhân tư bản chủ nghĩa tự tiêu vong trong khuôn khổ của chủ nghĩa tư bản. C. Marx nói sở hữu cổ phần thì không nên nghĩ rằng Nhà nước phải nắm giữ độ 50% vì sợ tư hữu. Theo quan niệm của ông, sở hữu cổ phần là hình thức quá độ và ông đánh giá tính chất cộng sản nó có nhiều hơn các hình thức sở hữu khác. Mà cổ phần ở xã hội phương Tây là tư nhân, Nhà nước rất ít. Đây là hình thức quá độ văn minh nhất, C. Marx cho rằng ở đó chủ nghĩa tư bản sẽ kết thúc, đó là quá độ sang xã hội cộng sản. Tại sao nói như vậy được? Vì hình thức cổ phần là hình thức xã hội hoá cao nhất, tất cả cổ phiếu bán trên phạm vi quốc gia, được cả nước kiểm soát, không phải như sở hữu quốc doanh chỉ có quan chức nhà nước được giao trách nhiệm mới có quyền kiểm soát. Quốc doanh ở một tỉnh, chỉ có mấy ông quan chức tỉnh kiểm soát, dân không biết gì. Nhưng nếu là sở hữu cổ phần, phải bán cổ phiếu trên thị trường chứng khoán, toàn bộ tình hình tài chính phải công bố công khai. Và nếu một công ty kinh doanh kém tôi không mua cổ phiếu là họ khó khăn. Còn nếu họ kinh doanh khá tôi mua với giá cao. Và chính đây là điểm C. Marx xem là có tính quá độ xã hội cộng sản. Cho nên, chúng tôi cho rằng nếu chúng ta xem xét về chế độ công hữu, không nên có sự cố định chỉ có sở hữu nhà nước. Tôi cho rằng, sở hữu nhà nước cũng phải xem xét, nó có tính chất xã hội chủ
nghĩa bao nhiêu, có tính chất quá độ bao nhiêu, công nghệ cao không, có bóc lột lao động không? Tôi xin nói rằng quốc doanh cũng bóc lột lao động. Trả lương thấp, các giám đốc tham nhũng, có phải là bóc lột không? Có xã hội hoá cao không? Trong đó, người lao động có quyền gì không? Nếu như quốc doanh không có 4 điểm C. Marx nêu ra như trên hoặc có rất ít, thì quốc doanh đó không phải là công hữu xã hội chủ nghĩa, hay không có tính công hữu của xã hội cộng sản. Còn nếu tư nhân có đủ tất cả bốn điểm này thì phải nói là có tính định hướng xã hội chủ nghĩa. Tôi không nói nó là công hữu xã hội chủ nghĩa, nhưng mà nó có tính, có định hướng xã hội chủ nghĩa, sao lại không? Tôi xin nhắc lại bốn tiêu chí đó:Một là, nó là "sở hữu của cá nhân những người lao động được giải phóng liên hợp lại". Thứ hai, là không có bóc lột. Thứ ba, là tính xã hội hoá rất cao. Thứ tư, nó phải trên cơ sở một nền tảng công nghệ, lực lượng sản xuất phát triển rất cao. Chúng tôi nghĩ đó là bốn tiêu chuẩn để xác định tính chất công hữu xã hội chủ nghĩa. Hợp tác xác chỉ có con trâu và cái cày, nếu nói đây là công hữu xã hội chủ nghĩa thì chúng ta đã bôi nhọ chủ nghĩa cộng sản. Hay nếu nói một xí nghiệp quốc doanh với một công nghệ cổ lỗ như Dệt Nam Định là sở hữu cộng sản chủ nghĩa hay xã hội chủ nghĩa thì tôi nghĩ chúng ta cũng bôi nhọ chủ nghĩa xã hội. Chủ nghĩa xã hội không thể có bộ mặt lạc hậu đến thế. Cho nên, chúng ta phải căn cứ vào bốn đặc tính này để xem xét tính định hướng xã hội chủ nghĩa, cộng sản chủ nghĩa của các hình thức sở hữu. Không nên xem xét rằng, nó là sở hữu nhà nước, quốc doanh thì tất yếu nó phải là công hữu xã hội chủ nghĩa. Quốc doanh có thể không. Mà thậm chí công ty tư bản nước ngoài vào đây làm ăn nhưng lại có bốn đặc điểm trên, nếu nó tuân theo luật pháp của chúng ta, thì được coi có tính định hướng xã hội chủ nghĩa cao hơn quốc doanh của chúng ta, nếu xét về phương diện sinh lợi, không xét về phương diện là công cụ. Nó là công cụ để điều tiết kinh tế, điều ấy không cần bàn, đương nhiên. Theo chúng tôi, không nên thành kiến, phân biệt và cho rằng quốc doanh phải là chủ đạo. Nếu quốc doanh là chủ đạo thì tư nhân là cái gì? Tự nhiên trong xã hội, có một bên là chủ đạo, còn bên kia không phải là chủ đạo, một bên là xã hội chủ nghĩa, còn bên kia là phi xã hội chủ nghĩa, như thế về mặt kinh tế mà nói, nó tạo ra một sự chia rẽ, một sự đối lập giữa những thành phần kinh tế và do vậy mất hết động lực. Còn nếu chúng ta quan niệm chế độ công hữu theo quan niệm của C. Marx thì chúng tôi nghĩ rằng chúng ta sẽ tạo ra một sự hợp tác, đấu tranh và tạo ra động lực cho sự phát triển thống nhất. Những quan niệm như vậy, có thể dẫn đến sự phân biệt đối xử về tất cả các mặt và triệt tiêu động lực phát triển của xã hội. Cho nên, chúng tôi kiến nghị các đồng chí xem xét lại điểm này để chúng ta có một thay đổi tương thích với tình thế và phù hợp với quan niệm của C. Marx, không phải theo cách hiểu của người Nga.
Còn chữ "kinh tế thị trường", hay "nền kinh tế thị trường", hay "kinh tế hàng hoá vận động theo cơ chế thị trường"… tôi thiên về chỗ ta dùng "nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa", bỏ "vận dụng cơ chế", "nhiều thành phần", kinh tế thị trường đương nhiên phải nhiều thành phần. Vì sao vậy? Vì nếu chúng ta dùng chữ
"nền kinh tế nhiều thành phần vận dụng cơ chế…". Vậy nền kinh tế là gì? Đấy lại là nền kinh tế kế hoạch, vận dụng cơ chế thị trường? Không đúng. Nói kinh tế hàng hoá, hơi cổ. Đó là kinh tế từ thời C. Marx. Bây giờ dùng "kinh tế hàng hoá" như vậy không ăn nhập với ngôn ngữ thế giới. Những văn bản nghị quyết của ta làm việc với đối tác nước ngoài, họ không hiểu những chữ của chúng ta vì họ dùng thuật ngữ "Tây", mình dùng thuật ngữ khác. Tôi xin kiến nghị, ta nên dùng một thuật ngữ "kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa". Và dùng khái niệm “kinh tế thị trường” hoàn toàn không khống chế và không hại gì cho ta. Vì sao? Nếu nền kinh tế thị trường phát triển bền vững thì coi như đủ hết, trong đó có cả các vấn đề xã hội, phải đảm bảo công bằng xã hội, môi trường tốt, văn hoá tốt. Nếu nền kinh tế thị trường không đảm bảo đủ những yếu tố trên thì không thể phát triển được, nó sẽ rối loạn. Cho nên, tôi nghĩ rằng chúng ta hoàn toàn có thể dùng khái niệm “nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa phát triển bền vững”. Như thế là đầy đủ. Tiến bộ, công bằng xã hội đều nằm ở trong đó. Định hướng xã hội chủ nghĩa là gì? Tôi đã nói ở mặt sở hữu. Còn Đảng Cộng sản của chúng ta lãnh đạo đương nhiên là một tiêu chuẩn bao trùm. Tôi xin kiến nghị dùng khái niệm “kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa”. Bởi vì, nếu chúng ta không khẳng định rằng chúng ta chuyển sang nền kinh tế thị trường thì chúng ta hoàn toàn có thể nghi ngờ, bãi bỏ rất nhiều yếu tố của thị trường. Chúng ta có thể không coi ruộng đất là một thứ hàng hoá, dù bây giờ ta công nhận nắm quyền, nhưng không cho chuyển nhượng một cách đúng với quy luật của thị trường, chúng ta không cho bán nhà máy. Phương Tây vào kinh doanh bất động sản: cấm bán. Sức lao động không phải là hàng hoá vì không có thị trường. Chúng ta đã đẻ ra một nền kinh tế thị trường nửa vời, tức là không phải kinh tế thị trường mà là một thứ thị trường quái đản, do vậy rất nguy hiểm.
Nếu ta dùng khái niệm “kinh tế thị trường dựa trên chế độ công hữu” thì chúng ta cũng trái với C. Marx vì nền kinh tế thị trường, theo C. Marx, không tồn tại công hữu. Ông không bao giờ nói đến kinh tế thị trường có công hữu. Ta giữ cái công hữu của C. Marx mà bác bỏ quan điểm không có thị trường của ông trong xã hội chủ nghĩa. Hiện nay, chúng ta vừa đi theo, vừa bác bỏ quan điểm này. Cái quan trọng nhất thì ta bác bỏ, không quan trọng thì ta giữ và hiểu lại không đúng theo C. Marx. Như vậy, ta vấp phải một mâu thuẫn là giữ ở một điểm và bác bỏ ở điểm quan trọng nhất. Vậy chúng ta đã đi đúng theo C. Marx chưa?
Hơn nữa, trong lịch sử thế giới không có nền kinh tế thị trường dựa trên chế độ công hữu, từ Tây sang Đông đều không tồn tại. Nếu chúng ta làm việc này thì Việt Nam là quốc gia đầu tiên trên thế giới, chưa có tiền lệ. Vậy, Đảng Cộng sản Việt Nam có dám bắt dân tộc Việt Nam làm một cuộc thử nghiệm và chịu tất cả mọi sự rủi ro? Dám chắc không thất bại? Tôi nghĩ rằng, nếu chúng ta là người có trách nhiệm thì cũng có thể nhìn thấy rủi ro. Lịch sử chưa có tiền lệ mà ta dám làm. Còn cách mạng là chuyện
khác. Ta phải cân nhắc lợi ích của đất nước và lợi ích của Đảng. Cho nên, chúng ta định hình thành một nền kinh tế thị trường dựa vào sở hữu nhà nước làm nền tảng… thì đây là vấn đề người Việt Nam sáng tạo và đưa đất nước Việt Nam vào con đường thử nghiệm đầu tiên, có thể thành công, cũng có thể thất bại. Và khả năng thất bại không phải là nhỏ. Đây là một vấn đề cần được cân nhắc thật đầy đủ. Còn nếu chúng ta cũng thừa nhận kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa và chúng ta khôi phục các quan điểm của C. Marx thì có thể là một cách làm sáng tạo của Đảng. Còn cách giải thích về chế độ phân phối theo lao động, theo quan niệm “kinh tế thị trường dựa trên chế độ công hữu” sẽ giữ luôn cách làm phân phối theo lao động. Như vậy, về lập luận không có logic. Đã là kinh tế thị trường mà sở hữu nhà nước chiếm hết thì không còn là kinh tế thị trường. Nếu Nhà nước điều tiết, quản lý và độc quyền hết, thì kinh tế thị trường không tồn tại. Đã là kinh tế thị trường nhưng lại phân phối theo lao động, tức là nền kinh tế có kế hoạch, Bộ Kế hoạch và đầu tư phải phân phối, nắm bắt, thu về tất, sau đó chia tất, thì mới theo lao động. Còn đây, ta mang ra chợ bán thì theo lao động ở điểm nào? Bởi có người nói, ta làm ra hàng hoá, có thể tiêu phí vào hàng hoá đến 10 ngày công, ta bắt, người mua phải trả đúng 10 ngày công, được không? Chắc là không được. Những việc làm này là của kinh tế kế hoạch, không phải của kinh tế thị trường. Do đó, tôi kiến nghị chúng ta nên ghi là thực hiện một chế độ phân phối công bằng. Công bằng là bao gồm cả theo thị trường theo lao động và cũng tương đối theo điều kiện lịch sử, nó chiếu cố đến cả các hoàn cảnh xã hội: nghèo khổ, ốm đau, có công với cách mạng, còn theo lao động thì không chiếu cố được đến những điều ấy, nó phi lý. Cho nên có thể chúng ta dùng khái niệm “phân phối công bằng”, không dùng khái niệm “phân phối theo lao động”. Công bằng là vốn, có tài nguyên… có rất nhiều thứ phải tính khi phân phối.
Vậy, ở nước ta nên như thế nào? Tôi xin kiến nghị nên trở lại với những nguyên lý cơ bản của C. Marx, bao gồm ít nhất có ba điểm sau đây:
1. Phải lấy thực tiễn làm tiêu chuẩn chân lý. Bây giờ ta áp dụng chế độ sở hữu gì: sở hữu nhà nước hay tư nhân? Nhưng thực tiễn có chấp nhận không? nó phát triển, nó tăng trưởng, nó có hiệu quả, nó có bền vững không? Còn nếu sở hữu nhà nước phát triển tràn lan kém hiệu qủa, thua lỗ, tham nhũng… thì phải xem xét lại.
2. Sự phát triển của xã hội là một quá trình lịch sử tự nhiên. Tự nhiên nghĩa là nên để cho sự vật hiện tượng phát triển đúng quy luật vốn có, Nhà nước chỉ điều chỉnh, uốn nắn khi có lệch lạc, cây có sâu thì bắt, mọc chưa thẳng thì uốn. Nhà nước chỉ làm những việc đó, Nhà nước không bắt cây này đẻ ra loại quả khác. Điều đó là không thể. Chúng ta đã có thực tiễn phi lý ở nhiều nước. Thực tiễn đẻ ra một loại hợp tác xã kiểu