Những xa lộ toàn cầu

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 116)

II. NHỮNG VẤN ĐỀ QUỐC TẾ CỤ THỂ CÓ THỂ TÁC ĐỘNG TRỰC TIẾP ĐẾN TÌNH HÌNH PHÁT TRIỂN KINH TẾ XÃ HỘI NƯỚC TA

2. Những xa lộ toàn cầu

Hiện đang xuất hiện những xa lộ toàn cầu trên nhiều lĩnh vực: thông tin, liên lạc, vận tải, vốn, lao động, dịch vụ, công nghiệp, văn hoá… Tuy ở bước khởi đầu, nhưng chúng sẽ phát triển mạnh mẽ trong các thập kỷ tới. Xa lộ phát triển mạnh mẽ trước tiên sẽ phải là xa lộ thông tin, xa lộ thông tin này sẽ mở đường cho tất cả các xa lội khác phát triển và dẫn tới tình huống là:

• Các nguồn vốn sẽ dễ dàng chuyển từ nơi sử dụng kém hiệu quả sang nơi sử dụng có hiệu quả cao hơn.

• Công nghệ mới sẽ dễ dàng đi tới những nơi có thể ứng dụng nó.

• Chất xám, lao động cũng dễ dàng đi tới những nơi biết sử dụng chúng. • Các hoạt động dịch vụ và văn hoá cũng dễ dàng lưu thông như vậy.

Trong tình huống đó quốc gia nào hội tụ tốt hơn các điều kiện sử dụng có hiệu quả vốn, công nghệ, chất xám, lao động… sẽ trở thành những trung tâm phát triển và ngược lại các nguồn lực trên cũng dễ dàng rút khỏi các quốc gia mà những điều kiện sử dụng chúng kém hiệu quả. Cuộc khủng hoảng kinh tế đang xảy ra ở một số nước Châu Á là một ví dụ.

Nước ta có một lợi thế địa lý đặc biệt là nằm ở một trong các đầu mối quan trọng của giao lưu toàn cầu từ Đông Bắc Á xuống Đông Nam Á, là trung tâm của vùng Đông Nam Á. Nếu chúng ta tạo ra được những cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp, trước hết vùng ven biển nước ta hoàn toàn có thể trở thành một điểm phát triển quan trọng trong vùng Đông Nam Á. Nếu không làm được như vậy, thì những nguồn lực của nước ta cũng sẽ rất dễ bị dịch chuyển đi đến những nơi khác đến vùng hấp dẫn hơn. Chúng tôi xin lưu ý một điểm là những nước kém phát triển như Việt Nam không phải không có những lợi thế về kinh tế. Lợi thế thứ nhất là do đi sau, nên có thể học hỏi người đi trước, rút ngắn con đường phát triển; Thứ hai, là nước ta chưa có cả công nghệ truyền thống, do vậy có một số lợi thế: có thể tiếp nhận cả công nghệ truyền

thống và cả công nghệ mới; các công nghệ mới đưa vào Việt Nam không lo ngại bị mất cắp công nghệ, vì Việt Nam chưa có đủ cơ sở hạ tầng công nghệ để làm việc đó; người Việt Nam có khả năng tiếp thu nhanh công nghệ mới, mà tiền lương lại hạ. Thứ ba, nếu có công nghệ cao, có thị trường tiêu thụ, thì tỷ lệ sinh lời của một đồng vốn bỏ vào Việt Nam cao hơn các thị trường khác. Chúng ta phải tận dụng các lợi thế trên đây để có thể sử dụng các xa lộ toàn cầu có lợi nhất cho nước ta.

Chúng tôi cho rằng những giải pháp sau đây là quan trọng nhất cho việc sử dụng những xa lộ toàn cầu:

• Cần có những chính sách ưu đãi đối nới những người có trí thức cao, công nghệ cao, có nguồn vốn, có tay nghề cao: miễn thuế thu nhập cho các trí thức cao cấp, các nhà công nghệ cao cấp, các công nhân kỹ thuật cao cấp nước ngoài sống và làm việc tại Việt Nam; đánh thuế thu nhập thấp đối với người có vốn lớn muốn vào sống và làm việc tại Việt Nam; cho phép những người trên đây có thể dễ dàng định cư lâu dài tại Việt Nam…, có quyền mua nhà đất để sinh sống và các quyền khác như một công dân Việt Nam… Những người này vào Việt Nam sẽ là những nhân tố quan trọng, những cầu nối nước ta với các xa lộ toàn cầu.

• Cần có những chính sách đầu tư phát triển nguồn nhân lực một cách tích cực nhất để có thể tiếp cận được những xa lộ toàn cầu trên đây.

• Tích cực, chủ động đổi mới các thể chế chính trị, kinh tế, xã hội thích ứng với những xa lộ toàn cầu trên.

Trên những xa lộ toàn cầu, sẽ hình thành những trung tâm kinh tế toàn cầu và khu vực. Gọi là những trung tâm kinh tế toàn cầu và khu vực, vì những trung tâm này sẽ thu hút các nguồn lực phát triển của khu vực và toàn cầu. Hiện đã có các trung tâm có thể gọi là kinh tế toàn cầu như Niu -ước, Luân Đôn, Pari, Tokyo, Bon, Giơnevơ, Singapore và Hồng Kông... Lợi thế quan trọng nhất của các trung tâm này là chúng hội tụ được các nguồn lực kinh tế, tài chính, công nghệ, nhân lực, dịch vụ của khu vực và thế giới. Việt Nam muốn tiến lên hiên đại hội nhập vào khu vực và toàn cầu, nhất định phải xây dựng và phát triển những trung tâm kinh tế trước hết là có tính khu vực, sau đó là có tính toàn cầu. Vùng ven biển Việt Nam cần được mở cửa, xây dựng các khu kinh tế tự do và đặc khu kinh tế hiện đại về thể chế, về cơ sở hạ tầng có sức cuốn hút lớn các nguồn lực từ bên ngoài.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 116)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w