Phương hướng cơ bản mà chúng ta phải phấn đấu đạt tới là tạo lập cho được một cơ cấu kinh tế có hiệu quả kinh tế xã hội cao, có tốc độ tăng trưởng lớn và bền vững xét cả về mặt cơ cấu ngành, cơ cấu thành phần kinh tế, kỹ thuật và lãnh thổ, quy mô... Hiệu quả kinh tế - xã hội cao cũng chính là tiêu chí quan trọng, cơ bản nhất để đánh giá cơ cấu kinh tế Việt Nam có chệch hướng xã hội chủ nghĩa hay không.
Trọng điểm của cơ cấu kinh tế nước ta phải là đẩy mạnh xuất khẩu. Nếu chúng ta có được nhiều ngành có thể xuất khẩu thì tất nhiên những ngành xuất khẩu đó thừa khả năng thay thế nhập khẩu, đáp ứng các nhu cầu trong nước. Nhưng nếu chúng ta đặt trọng tâm vào những ngành thay thế nhập khẩu, thì những ngành này sẽ khó có khả năng xuất khẩu. Xét về mặt kinh tế, tầm quan trọng của một quốc gia hiện nay sẽ được xem xét trước hết về khả năng xuất khẩu của quốc gia đó. Xem trọng xuất khẩu tức là xem trọng vai trò quốc tế của Việt Nam. Những ngành xuất khẩu của Việt Nam trong thời gian trước mắt là dầu khí, gạo, nông phẩm... nhưng trong những năm tới đây, cơ cấu đó sẽ phải chuyển mạnh sang các ngành công nghiệp chế biến, lắp ráp, gia công, dịch vụ... các thành phần kinh tế có khả năng xuất khẩu hiệu quả phải được xem trọng, không kể họ là quốc doanh hay ngoài quốc doanh. Cần tập trung đầu tư vào những ngành, những khu vực kinh doanh xuất khẩu cả về vốn, xây dựng cơ sở hạ tầng, nhân lực, công nghệ. Trong điều kiện quốc tế hiện nay, nếu chúng ta có ngoại tệ mạnh, chúng ta có thể mua được hầu như mọi thứ, có thể trả được các khoản nợ, có thể đầu tư ra bên ngoài để hỗ trợ cho hoạt động kinh doanh trong nước.
Xem xuất khẩu là trọng tâm của việc chuyển đổi cơ cấu kinh tế Việt Nam không có nghĩa là chúng ta tuyệt đối hoá việc xuất khẩu. Thực ra, làm xuất khẩu rất khó, do vậy không dễ gì có thể biến đổi tư tưởng này thành hiện thực. Những chỗ chúng ta không thể xuất khẩu, chúng ta phải phát triển các ngành thay thế nhập khẩu, và ngay khi phát triển những ngành thay thế nhập khẩu, chúng ta phải tính tới khả năng cạnh tranh với hàng ngoại trên thị trường trong nước và phải tính tới triển vọng xuất khẩu nó. Một ngành kinh tế, một lĩnh vực kinh tế chỉ nghĩ tới thị trường trong nước hạn hẹp, không nghĩ tới các đối thủ quốc tế hùng mạnh để vươn lên, thì đó sẽ là những ngành kinh tế mang lại tai họa cho đất nước.
Với quan điểm xem xuất khẩu là trọng điểm của cơ cấu kinh tế, các ngành kinh tế xuất khẩu phải được ưu tiên phát triển hàng đầu. Các ngành công nghiệp chế biến hiện đại và dịch vụ phải xem là hướng tiến tới của việc chuyển đổi cơ cấu ngành kinh tế. Bước đi của chúng ta phải là nhập công nghệ truyền thống và trung gian, cải tiến hiện đại hoá chúng, vì chúng ta không dễ nhập được kỹ thuật hiện đại mặc dù chúng ta sẽ cố gắng nhập cho được các kỹ thuật hiện đại đó. Mặt khác, phải nhập các bằng sáng chế, phát minh... áp dụng tại Việt Nam. Đó là con đường đi tắt của nhiều quốc gia. Để làm được điều đó, Nhà nước phải đầu tư xây dựng các cơ quan nghiên cứu ứng dụng công nghệ rộng rãi ở trong nước.
Về thành phần kinh tế, không nên có sự phân biệt đối xử với các thành phần kinh tế khác nhau, xem thành phần này là xã hội chủ nghĩa, thành phần kia là phi xã hội chủ nghĩa, mà phải xem tất cả mọi thành phần kinh tế tồn tại hợp pháp ở Việt Nam đều có định hướng xã hội chủ nghĩa, kể cả thành phần tư bản chủ nghĩa. Tầm quan trọng của mỗi thành phần kinh tế phải được đánh giá bởi hiệu quả kinh tế - xã hội thực tế mang lại cho đất nước, không phải vì nó có tên gọi là Nhà nước hay tư nhân. Với quan điểm như vậy, Nhà nước phải tính toán bố trí sở hữu nhà nước sao cho có lợi nhất, và rút vốn ra khỏi những chỗ không có lợi. Với quan điểm kinh tế thị trường hiện đại, khu vực quốc doanh chỉ nên giữ vai trò điều tiết và định hướng là chính, hoạt động kinh doanh của khu vực này cũng là nhằm điều tiết và định hướng. Nếu xem hoạt động kinh doanh là chính, thì khu vực này sẽ xem nhẹ hoạt động điều tiết và định hướng và sẽ có thể chệch hướng. Để điều tiết và định hướng, khu vực này cũng chỉ nắm giữ những ngành là công cụ điều tiết và định hướng, không phải tất cả mọi ngành với tỷ trọng lớn. Những ngành điều tiết và định hướng bao gồm cơ sở hạ tầng kinh tế xã hội, các ngành, lĩnh vực, khu vực mới…
Kinh tế ngoài quốc doanh, trước hết là kinh tế tự nhân phải là động lực phát triển của đất nước và họ sẽ đảm nhiệm hầu hết các ngành kinh tế. Nền kinh tế thị trường mà chúng ta xây dựng là nền kinh tế của nhân dân, không phải là nền kinh tế của Nhà nước. Do vậy, các thành phần kinh tế đa dạng của nhân dân phải là động lực cho sự phát triển, Nhà nước chỉ là người cầm lái.
Trong các thành phần kinh tế, chúng ta phải coi trọng thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Thật phi lý, thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa lại theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Nhưng đó là thực tế. Các thành phần kinh tế tư bản chủ nghĩa phát triển hợp pháp theo các định hướng mà Nhà nước nhân dân xác định dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản, rõ ràng họ theo định hướng xã hội chủ nghĩa. Họ có tầm quan trọng đặc biệt, vì họ thích hợp nhất với cơ chế thị trường, có khả năng hoạt động hiệu quả nhất trong cơ chế thị trường, có thể thích ứng tốt với các tập đoàn tư bản quốc tế và thể chế thị trường tư bản chủ nghĩa quốc tế. Do vậy, chúng ta phải coi trọng và khuyến khích sự phát triển của các thành phần này.
Kinh tế gia đình và tư nhân nhỏ đang phát triển đa dạng và phổ biến ở nước ta, do vậy chúng có một vai trò cực kỳ quan trọng đối với việc giải quyết các vấn đề kinh tế - xã hội Việt Nam. Chính sách của chúng ta phải đảm bảo cho những thành phần này tự do phát triển.
Kinh tế hợp tác đa dạng sẽ có một vai trò quan trọng trong tương lai ở Việt Nam, nó sẽ bao gồm mọi hình thức liên kết kinh tế từ các công ty cổ phần, hỗn hợp các hình thức sở hữu đến các loại hình hợp tác xã, tập đoàn kinh doanh... Sự liên kết của các hình thức sở hữu phát triển thể hiện tính chất xã hội ngày càng mở rộng của sở hữu. Xét cho cùng, tính xã hội của sở hữu là đặc trưng quan trọng nhất thể hiện sự tiến bộ hay không của một hình thức sở hữu. Một xí nghiệp quốc doanh nhưng lại có tính xã hội rất hạn chế, nếu nó chỉ sản xuất ra một loại sản phẩm hay dịch vụ cung cấp cho một vùng nhỏ hẹp, chỉ thuộc quyền chi phối của một vài cá nhân thuộc một cấp chính quyền nào đó. Ngược lại, một công ty cổ phần có thể cổ phiểu là của tư nhân, nhưng là của hàng ngàn người, ở khắp đất nước và họ là những người chi phối hoạt động của xí nghiệp, thì tính chất xã hội của nó đã lớn hơn xí nghiệp quốc doanh hạn hẹp kia. Trong mọi quốc gia phát triển hiện nay, đều đã hình thành những vùng kinh tế trọng điểm, đó là những đầu tàu tăng trưởng và phát triển cho cả nước. Việt Nam cũng cần phải có những vùng phát triển trọng điểm như vậy và các vùng này phải là các vùng hướng ngoại. Chúng ta đã xác định 3 vùng trọng điểm Hà Nội - Hải Phòng - Quảng Ninh, Hồ Chí Minh - Biên Hoà - Vũng Tàu, Đà Nẵng - Huế. Đương nhiên là nhân tài, vật lực, tiền vốn phải được tập trung vào ba vùng này. Sự phát triển của ba vùng này sẽ kéo theo sự phát triển của các vùng khác của đất nước. Xét theo quan điểm hiệu quả kinh tế - xã hội, thì không thể dàn hàng ngang mà tiến.
Tóm lại, cơ cấu kinh tế nước ta trong những năm tới phải chuyển dịch theo hướng: xem xuất khẩu là trọng điểm, xem các ngành công nghiệp chế biến và dịch vụ là những ngành chủ yếu phải hướng tới, khẳng định vai trò điều tiết và định hướng của kinh tế quốc doanh, khẳng định vai trò động lực phát triển của các thành phần kinh tế ngoài quốc doanh, xem trọng các vùng trọng điểm phát triển.