Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 146)

VIII. XÂY DỰNG MỘT HỆ THỐNG CHÍNH SÁCH KINH TẾ VĨ MÔ THEO HƯỚNG HỘI NHẬP QUỐC TẾ

2. Tác động của cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu

Tác động dễ thấy nhất của cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay là: tốc độ tăng trưởng kinh tế giảm, xuất nhập khẩu giảm, làn sóng phá sản công ty gia tăng, số người thất nghiệp tăng hàng ngày… những tổn thất do cuộc khủng hoảng này gây ra ước khoảng

50 - 60 ngàn tỷ đôla Mỹ (tương đương với GDP toàn cầu)... Mức độ tác động ngày càng nghiêm trọng hơn, phạm vi tác động ngày càng lan rộng, hiện đã bao gồm hầu hết các ngành, các quốc gia, đang chuyển từ kinh tế đến chính trị - xã hội, cũng như trong quan hệ quốc tế.

Người ta đang có kỳ vọng vào sự trụ vững của kinh tế Trung Quốc, vì nước này có dự trữ ngoại tệ lớn (2.000 tỷ đôla Mỹ), xuất siêu cao, thị trường lớn… nhưng kinh tế Mỹ vào trước cuộc khủng hoảng 1929 - 1933, cũng đã có xuất siêu lớn nhất thế giới, dự trữ ngoại tệ hàng đầu thế giới, vậy mà đã lâm vào khủng hoảng nặng nề nhất, tăng trưởng âm gần như cả thập kỷ. Quý IV/2008 tăng trưởng kinh tế Trung Quốc giảm xuống chỉ còn trên 6%, tháng 1/2009 xuất khẩu của Trung Quốc giảm 17,5%, nhập khẩu giảm mạnh tới 43%. Hàng ngàn xí nghiệp Trung Quốc phá sản, năm 2008 đã có 20 triệu người thất nghiệp… Những dấu hiệu này cho thấy nền kinh tế Trung Quốc khó tránh khỏi một cuộc suy thoái. Nếu kinh tế Trung Quốc lâm vào một cuộc khủng hoảng lớn, thì tác động của cuộc khủng hoảng này đối với kinh tế thế giới sẽ không nhỏ và làm cho cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới hiện nay sâu đậm hơn nữa. Tuy nhiên, kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều yếu tố giúp nó trụ vững, không rơi vào một cuộc khủng hoảng.

Cuộc khủng hoảng này có làm trật tự thế giới thay đổi? Nếu kinh tế Mỹ suy yếu trầm trọng nhất, trong khi các nước khác, đặc biệt là Trung Quốc, ít suy yếu hơn, thì có khả năng Trung Quốc sẽ vươn lên nhanh hơn sau khủng hoảng và có thể trật tự quốc tế sẽ chuyển đổi theo hướng đa cực hơn có lợi cho Trung Quốc. Nhưng nếu Trung Quốc lâm vào khủng hoảng nghiêm trọng hơn Mỹ, thì không có khả năng Trung Quốc vượt lên trên Mỹ. Tuy nhiên, khả năng thứ ba không thể loại trừ, vì Mỹ có nhiều tiềm năng hơn về cả khoa học, công nghệ, ý tưởng phát triển, nếu bị dồn vào chân tường Mỹ phải cải cách mạnh hơn, đổi mới lớn hơn, nên Mỹ có thể sớm thoát ra khỏi khủng hoảng và bước vào thời kỳ phát triển mới, do vậy vẫn có thể duy trì ngôi vị đầu bảng thế giới.

Mỹ - Trung có thể liên minh chặt chẽ hơn, hay sẽ lỏng lẻo hơn? Đây cũng là một câu hỏi quan trọng. Cho đến nay, quan hệ Mỹ - Trung tuy không chính thức là một liên minh, nhưng rõ ràng sự hợp tác Mỹ - Trung đã liên tục gia tăng, từ hợp tác vụ việc đang tiến tới hợp tác chiến lược, đang hình thành cơ chế hợp tác ở cấp thượng đỉnh, cấp Phó Tổng thống, trao đổi cấp chiến lược, hợp tác kinh tế toàn diện, trừ hai lĩnh vực có mức hạn chế hơn đó là chuyển nhượng công nghệ cao và công nghệ quốc phòng chiến lược. Cuộc khủng hoảng lần này có thể gia tăng căng thẳng trong quan hệ mậu dịch Trung - Mỹ, nhưng Mỹ và Trung Quốc chắc chắn sẽ phải hợp tác chặt chẽ hơn để giải quyết các vấn đề do cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay đặt ra. Một biểu hiện của sự điều chỉnh này là Ngoại trưởng Mỹ H. Clinton đi thăm Đông Á đầu tiên, trọng điểm là thăm Trung Quốc. Nếu quan hệ Trung - Mỹ phát triển theo chiều hướng

chặt chẽ hơn, thì trật tự quốc tế sẽ đi theo một hướng điều chỉnh mới - Mỹ sẽ không một mình quyết định thế giới như trước, mà sẽ cùng Trung Quốc chi phối. Nếu chiều hướng này thực sự diễn ra, thì chính sách của các quốc gia sẽ phải có những điều chỉnh thích hợp.

Khủng hoảng kinh tế thế giới lần này liệu có dẫn đến chiến tranh thế giới, cục bộ, hay chiến tranh kinh tế? Cuộc đại khủng hoảng kinh tế thế giới 1929 - 1933 dẫn đến Chiến tranh thế giới thứ hai, vì mâu thuẫn giữa các nước đế quốc đã không thể xử lý được bằng đối thoại, do vậy chiến tranh là một giải pháp. Cuộc đại suy thoái 1929 - 1933 đã dẫn tới chiến tranh kinh tế - các quốc gia thực thi chính sách bảo hộ. Khi bảo hộ trở thành quốc sách của mọi nước, thì thương mại thế giới rơi vào tăng trưởng âm, càng làm cho khủng hoảng sâu đậm hơn. Lối thoát lúc đó là chuyển từ chiến tranh kinh tế sang chiến tranh quân sự - đại chiến nổ ra, thị trường thế giới được phân chia lại bằng chiến tranh sau đó theo các Hiệp định của GATT, tiền tệ được điều chỉnh bởi IMF. Cuộc khủng hoảng kinh tế lần này có những chiều hướng bảo hộ xuất hiện, tuy mọi quốc gia đều lên tiếng phê phán. Lần bảo hộ này không phải bằng chính sách thuế quan và phi thuế quan, mà bằng chính sách trợ cấp, bao cấp của Nhà nước cho các ngành kinh tế lâm nguy, ngành ôtô là một ví dụ. Nhưng người ta thấy ít có nguy cơ của một cuộc chiến tranh kinh tế lan rộng và do vậy nguy cơ của một cuộc chiến tranh thế giới cũng khó xảy ra, vì toàn cầu hóa phát triển quá mạnh, lợi ích của các quốc gia quá đan xen vào nhau, và do vậy chiến tranh có nghĩa là chết, chết không chỉ cho một phía, mà chết cho tất cả các bên tham chiến.

Các mô hình phát triển liệu có bị điều chỉnh bởi cuộc khủng hoảng kinh tế lần này? Khi khủng hoảng tài chính nổ ra ở Mỹ, không ít người đã phê phán mô hình phát triển Mỹ là không thể chấp nhận. Khủng hoảng kinh tế nay lan sang cả Châu Âu, Đông Á, và cả Trung Quốc cũng sẽ không thể tránh khỏi. Vậy, mô hình phát triển nào có thể xem là khả dĩ bền vững? Dường như cũng đang có một cuộc khủng hoảng mô hình phát triển. Nhà nước điều tiết ít quá như mô hình Mỹ là không ổn, nhưng Nhà nước điều tiết nhiều quá như ở Đông Á càng không ổn, đầu tư cho phúc lợi xã hội lớn như mô hình Châu Âu cũng bất cập. Một mô hình phát triển hợp lý, phù hợp trong điều kiện mới - hiện vẫn là một câu hỏi, chưa có câu trả lời thỏa đáng.

Những giải pháp của các chính phủ liệu có tác dụng? Cho đến nay, có thể thấy các chính phủ đã ào ạt đưa ra những giải pháp chủ yếu là về tiền tệ và tài chính. Các ngân hàng trung ương đã bơm hàng ngàn tỷ đôla Mỹ cho các ngân hàng thương mại; các chính phủ cũng bỏ hàng ngàn tỷ đôla Mỹ cho các dự án kích cầu; nhiều ngân hàng thương mại được các chính phủ cứu trợ; chương trình giảm thuế, hạ lãi suất, trợ cấp thất nghiệp được áp dụng rộng rãi... Tuy nhiên, phải thừa nhận là tác động thực tế của các giải pháp này hiện là chưa rõ rệt dù đó là những giải pháp chưa từng có trong lịch

sử, kể cả trong thời kỳ đại khủng hoảng 1929 -1933. Xem xét những gói giải pháp của các chính phủ ta thấy:

Thứ nhất, về quy mô lớn chưa từng có, lãi suất giảm xuống thấp nhất trong hàng chục năm gần đây, khối lượng tiền các ngân hàng trung ương đổ vào các ngân hàng thương mại cũng lớn chưa từng có.

Thứ hai, hầu như tất cả các quốc gia đồng loạt đưa ra những giải pháp ứng phó, đây cũng là điều chưa từng có.

Thứ ba, định hướng cứu trợ cũng rõ ràng: cứu các ngân hàng thương mại, các quỹ đầu tư chủ chốt, và những tập đoàn công nghiệp lớn;

Thứ tư, tập trung vào cơ sở hạ tầng, đổi mới công nghệ hướng tới công nghệ cao, công nghệ sạch, tăng đầu tư cho giáo dục, y tế.

Thứ năm, tất cả các chính phủ đều tuyên bố ủng hộ tự do hoá thương mại, phê phán chủ nghĩa bảo hộ, tôn trọng các nguyên tắc của thị trường.

Sự khác biệt giữa các chính phủ là ở mức độ nhanh, chậm, nặng, nhẹ, nhưng về cơ bản là giống nhau.

Tuy nhiên, những giải pháp về đổi mới thể chế và kết cấu hiện còn rất mờ nhạt, dù như một số chính phủ đã nói tới đổi mới thể chế tài chính, phát triển mạnh các ngành công nghệ cao, kiện toàn đổi mới các tổ chức kinh tế quốc tế.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 146)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w