VỀ TẦM QUAN TRỌNG CỦA KINH TẾ ĐỐI NGOẠ

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 127)

Cho đến nay, ở nước ta cũng như nhièu quốc gia thường xem các quan hệ kinh tế đối ngoại dù là quan trọng đến đâu cũng chưa bao giờ có vai trò chính yếu hay quyết định. Cách hiểu như vậy hoàn toàn đúng, khi nền kinh tế quốc gia còn trong điều kiện đóng cửa, chưa tham gia hội nhập quốc tế. Song kể từ những năm 1990 quá trình toàn cầu hoá ngày càng phát triển sâu rộng, các nền kinh tế quốc gia ngày càng hội nhập nhiều hơn vào nền kinh tế toàn cầu, thì cách hiểu trên đây có thể là không đầy đủ, vì những lý do sau đây:

Thứ nhất, tỷ phần GDP của các quốc gia phải thực hiện qua ngoại thương ngày càng tăng lên, những nước lớn như Trung Quốc, tỷ lệ này lên tới 30% GDP, tỷ lệ này của Mỹ cũng là 15%; tỷ lệ của Trung Quốc vào thập kỷ 1980 chỉ vào khoảng 20%, của Mỹ là 10% GDP. Tỷ lệ này ở các nước nhỏ như Singapore đã luôn vượt quá tổng GDP. Kim ngạch thương mại của Việt Nam hiện cũng đã chiếm hơn 2/3 GDP (kim ngạch thương mại hơn 20 tỷ đôla Mỹ, GDP là 25,6 tỷ). Trong nhiều lĩnh vực như dầu

mỏ, than, gạo, cà phê, hàng dệt may, thuỷ sản… nếu nước ta không xuất khẩu, hoặc không tăng xuất khẩu được, có thể sẽ dẫn đến những khó khăn thậm chí là hiểm hoạ cho những ngành trên, cho nền kinh tế quốc dân. Mặt khác, nước ta hiện nhập khẩu mỗi năm khoảng 10 tỷ đôla Mỹ các loại hàng hoá thiết yếu cho nền kinh tế quốc dân từ máy móc thiết bị đến hàng tiêu dùng. Nếu không có các nguồn nhập khẩu, hoặc không tăng các nguồn nhập khẩu này lên, thì nước ta không thể thực hiện công nghiệp hoá, hiện đại hoá. Xét dưới góc độ này, không thể xem các quan hệ thương mại nước ta với bên ngoài chỉ là quan trọng, không có ý nghĩa quyết định.

Thứ hai, công cuộc công nghiệp hoá, hiện đại hoá nước ta ngày càng đòi hỏi phải có nhiều vốn đầu tư hơn, nhiều công nghệ hiện đại hơn. Nguồn vốn trong nước tuy có nhưng không đủ, trong những năm vừa qua chỉ chiếm khoảng trên 50% tổng số vốn đầu tư phát triển, phải tới trên 40% tổng số vốn đầu tư phát triển đang được huy động từ bên ngoài. Các kinh nghiệm quản lý, kinh doanh tiên tiến… cũng gắn liền với các nguồn vốn này. Chúng ta không thể xem những yếu tố này chỉ là quan trọng.

Thứ ba, nước ta đã gia nhập ASEAN, cam kết thực hiện các nghĩa vụ của AFTA, được chấp nhận là thành viên của APEC trong năm 1998 này và đang đàm phán gia nhập WTO, và ký Hiệp định thương mại với Mỹ… Các tổ chức trên không thể thay đổi các nguyên tắc hoạt động và các quy chế của họ theo yêu cầu của nước ta. Ngược lại, nước muốn là thành viên, buộc phải đổi mới các thể chế kinh tế của mình sao cho thích hợp với các quy chế của họ. Vấn đề nước ta có thể đàm phán được lộ trình thực hiện và những ngoại lệ. Vậy là trong trường hợp này, cái bên ngoài quy định cái bên trong, không phải ngược lại. Nước ta càng hội nhập quốc tế nhiều hơn, thì những quy chế bên ngoài quy định các thể chế bên trong cũng sẽ ngày càng nhiều lên.

Thứ tư, ngày nay các quan hệ kinh tế đối ngoại và đối nội gắn kết chặt chẽ với nhau, thống nhất với nhau, không thể tách rời phân biệt nhau rạch ròi. Sản xuất nông nghiệp nước ta tưởng như là một lĩnh vực thuần tuý nội địa, chỉ gồm các quan hệ giữa Nhà nước và nông dân, giữa nông dân với nhau. Nhưng thực ra không phải như vậy. Người nông dân phải mua phân bón, thuốc trừ sâu, xăng dầu, thức ăn gia súc, cả các máy móc nông nghiệp… của nước ngoài, chưa kể các hàng hoá tiêu dùng khác. Lương thực, thực phẩm làm ra cũng cần tới thị trường ngoài nước để tiêu thụ. Thị trường nông thôn Việt Nam đã và đang được khai thông với thị trường thế giới. Giá cả các hàng hoá nông phẩm và tư liệu sản xuất phục vụ nông nghiệp tăng giảm trên thị trường thế giới sẽ có tác động ngay lập tức tới thị trường nông thôn Việt Nam. Các chính sách đối với nông nghiệp của nước ta do Nhà nước quyết định, nhưng chúng đã luôn được đặt so sánh với các chính sách nông nghiệp của các quốc gia khác. Nếu các chính sách của nước ta không tạo được ra những lợi thế cạnh tranh cho các hàng hoá nông phẩm, thì hàng hoá nông phẩm của ta sẽ bị hàng hoá nông phẩm của các nước khác có lợi thế hơn (do chính sách nhà nước của họ mang lại) cạnh tranh và bóp chết

trên thị trường thế giới. Ở đây, thật khó tách biệt rõ rệt hạt lúa nào được làm ra từ lao động Việt Nam, hạt lúa nào do lao động của người nước ngoài tạo ra.

Với những lý do trên đây, chúng tôi cho rằng không nên có sự phân biệt một cách máy móc các quan hệ kinh tế đối nội và những quan hệ kinh tế đối ngoại về tầm quan trọng của chúng. Ngay trong khối AFTA đến năm 2006, các hàng công nghiệp chế biến nước ta sẽ lưu thông tự do trên thị trường ASEAN, nghĩa là thị trường nội địa của nước ta đã được mở rộng tới ASEAN, các quan hệ kinh tế trong nội bộ AFTA không thể xem là đối nội hay đối ngoại. Đương nhiên, chúng tôi không phủ định tính độc lập nhất định của các quan hệ kinh tế đối nội và đối ngoại, ở đây chúng tôi chỉ nhấn mạnh tới mặt gắn kết ngày càng chặt chẽ với nhau của các quan hệ kinh tế đó. Nhận thức này có tầm quan trọng khi chúng ta xem xét hoạch định các chính sách kinh tế đối nội và đối ngoại, các chính sách phát huy nguồn nội lực và ngoại lực.

Một phần của tài liệu kinh tế việt nam - lý luận & thực tiễn (Trang 127)

Tải bản đầy đủ (DOCX)

(164 trang)
w